PGS.TS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu di sản văn hóa: Tìm về ông cha để hiểu đúng mình

Thứ Tư, 26/06/2019, 17:27


Nếu chúng ta không thực sự hiểu đúng và hiểu sâu sắc về quá khứ của dân tộc thì chúng ta sẽ rơi vào trạng thái bơ vơ, không điểm tựa về mặt tinh thần. Và sự bơ vơ, không điểm tựa tinh thần có thể sẽ khiến chúng ta bối rối trước các dòng văn hóa đang không ngừng ồ ạt chảy vào từ bên ngoài. 

Liệu cái cũ có chỉ cho chúng ta những kinh nghiệm trong việc ứng xử với cái mới? Liệu cái bên trong có tạo cho chúng ta sức mạnh khi đối diện với cái bên ngoài? Đấy là những trăn trở lâu nay của tôi, khi quan sát những cuộc tiếp xúc giữa cái cũ với cái mới, giữa cái bên ngoài với cái bên trong. 

Và tôi đã có cơ hội nhờ nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền phân tích, lý giải những trăn trở này trong một buổi sáng mà nhà nghiên cứu nổi tiếng là “chua ngoa, khó tính” này lại cởi mở đến bất ngờ.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa PGS.TS Trần Lâm Biền, theo cách hiểu đơn giản của tôi thì nghiên cứu di sản là nghiên cứu một phần của quá khứ, để giải mã quá khứ và chắc chắn là chỉ có giải mã quá khứ một cách kỹ càng thì mới đủ sức mạnh để sống trong hiện tại và tiến về tương lai, đúng không ông?

- PGS.TS Trần Lâm Biền: Tôi không nghiên cứu di sản văn hóa vì bản thân di sản mà nghiên cứu để đi tìm cái bệ đỡ cho hiện tại và tương lai đấy chứ. Điều quan trọng nhất của việc nghiên cứu này là đi tìm xem người Việt Nam là ai.

Phải tìm được chính mình là ai thì mới có thể khẳng định về bản thân mình. Và trong nhận thức của những người như chúng tôi thì chúng tôi không dám tự vỗ ngực về những hiểu biết của mình đâu. Chúng tôi hiểu mình chỉ là một miếng ván nhỏ bé trên cây cầu nối quá khứ và tương lai mà thôi.

- Trong quá trình xoáy vào quá khứ để đi tìm câu trả lời “người Việt Nam là ai?”, cá nhân ông đã trải qua những bất ngờ, những thay đổi cụ thể như thế nào? Ví dụ, trước khi nghiên cứu, ông từng nghĩ người Việt Nam nhất định phải là thế này nhưng nghiên cứu rồi mới vỡ lẽ hóa ra người Việt Nam lại là thế khác.

- Cái đó là quá đúng! Vì chẳng hạn lúc đầu tôi nghĩ đến người Việt Nam theo nhận thức về chủng tộc nhưng sau đó tôi thấy cái cao hơn hết lại không phải là chủng tộc mà là quá trình tồn tại - xây dựng - phát triển. Chính quá trình đó mới khiến nó là nó chứ nó không phải là người khác. 

Hơn 60 năm lăn lộn với nghề này giúp tôi hiểu rằng văn hóa Việt Nam không phải là cái đuôi của văn hóa Trung Hoa, cũng không phải là cái đuôi của văn hóa Ấn Độ. Nó có ảnh hưởng nhưng ở mức độ chừng mực thôi. Từ sự ảnh hưởng đó, nó sáng tạo nên cái đích thực là của nó.

Ở thời hiện đại này, tôi thấy nhiều người đang nói về văn hóa Âu - Mỹ và sùng bái một cách lạ lùng. Khi sùng bái quá mạnh như thế, họ dễ quên đi cái gốc của mình, thậm chí đánh mất mình. 

Chúng ta thấy, người Âu - Mĩ khi sáng tạo ra những trường phái văn hóa nào đó thì nhất định cũng sản sinh ra những con chim đầu đàn của trường phái đó. Chúng ta chỉ chạy theo thì không bao giờ trở thành một con chim đầu đàn được.

- Có nhà lãnh đạo ở một nước lớn tại châu Á mới đây vừa đưa ra lời kêu gọi phải đối diện và chiến thắng những tác động bên ngoài bằng sức mạnh bên trong. Cá nhân tôi nghĩ, sức mạnh bên trong là điểm tựa cực kỳ quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng, để có thể hiểu và phát huy sức mạnh bên trong thì chúng ta phải thực sự hiểu cái bên trong ấy. Nhiều lúc tôi có cảm giác, chúng ta còn chưa kịp hiểu hết cái bên trong của chính chúng ta, cái vốn là chúng ta. Ông nghĩ sao?

- Khi nghiên cứu văn hóa của cha ông, chính những người nghiên cứu chúng tôi đi từ cái giật mình này đến cái giật mình khác và có những lúc không thể hiểu nổi vì sao cha ông chúng ta giỏi như thế. 

Tâm lý này cũng giống hệt tâm lý phát triển của một đứa con trong gia đình vậy. Khi đứa con học hết phổ thông trung học, bắt đầu hiểu biết về thế giới thì nó thường coi thường bố nó vì nó cho rằng mình giỏi hơn bố. 

Đến khi học đại học thì có thể nó nghĩ: Ờ, bố mình cũng khá đấy nhưng vẫn cho rằng bố mình không nhanh nhạy bằng mình. Đến khi đi làm rồi thì nó nhận ra: À, hóa ra bố mình giỏi thật. Rồi đến giai đoạn sau đó, khi đạt tới trạng thái “tri thiên mệnh” thì có thể nó mới nhận ra: Sao bố mình lại vĩ đại thế này. Và từ đó nó sinh ra hối hận.

- Nhưng phải đợi tới giai đoạn tri thiên mệnh mới có thể nhận ra và hối hận thì muộn quá ông nhỉ (Cười...). Ông nói cụ thể về một lĩnh vực gì đó của ông cha chúng ta, chứng minh cho luận điểm vừa rồi được không?

- Khi chúng tôi đến một di sản văn hóa thì bao giờ cũng nghiên cứu qua 3 lớp cơ bản: Hiển  - Mật - Dụng. Hiển là cái mà ta nhìn thấy và nếu chỉ dừng lại ở đây sẽ thấy đúng là các cụ ngày xưa cũng chẳng giỏi lắm đâu. Nhưng phải đi vào chiều sâu bên trong, phân tích hoàn cảnh ra đời của nó thì sẽ có cảm nhận khác. Mà đi sâu như thế cũng mới chỉ là một phần thô của cái hiển thôi. 

Đến khi vượt qua cái hiển, chạm được vào cái mật, cái triết lý bên trong thì mới phát hiện ra những cơ tầng ý nghĩa sâu hơn nữa. Ví dụ như ngày xưa làm nhà thì các cụ làm mái rất thấp, trùm cả xuống hiên. 

Để làm gì? Dễ thấy ngay là để khi mưa, nước không tạt vào nhà. Thế nước nó đi đâu? Nó được gió thổi, lướt lên mái nhà, đi ra phía sau. Ở một xứ sở mưa nhiều bão lớn, làm nhà như thế là quá giỏi. 

Từ thời Mạc trở về trước, kết cấu chủ yếu của các ngôi nhà là sức ép từ trên xuống, tạo nên sự bền vững. Lúc đó, thân nhà thấp, nhà lại không có tường bao, gió có thổi vào nhà thì cũng thoát ra sau nhà nên không dễ làm đổ ngôi nhà được. 

Chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau là những ngôi nhà với kết cấu ấy, nếu con người không chủ động phá thì thiên nhiên cũng không dễ gì phá được. Từ thế kỷ 17 về sau, khi nhà cao hơn thì các cụ lại có những phương pháp khác, như xẻ đầu cột để chống đỡ...

- Một người bạn làm hướng dẫn viên du lịch từng kể cho tôi câu chuyện “cười ra nước mắt” rằng khi anh ấy dẫn đoàn khách quốc tế thăm một ngôi chùa nổi tiếng thì các vị khách này bảo: Chúng tôi muốn xem chùa thật chứ không muốn xem mô hình. Chùa này nhỏ đến mức họ tưởng đấy là mô hình. Nhưng hóa ra nhỏ có lý do của nhỏ, có triết lý của nhỏ, thậm chí có tư tưởng của nhỏ phải không ông? Chẳng qua là chúng ta chưa kịp hiểu chứ chưa nói gì đến việc phân tích tường tận cho khách quốc tế giá trị của những cái nhỏ nhắn mà sâu sắc ấy?

- Ở ta, tính chất dân chủ làng xã ngày xưa khá mạnh nên ta không đẩy thần linh lên cao như ở Trung Hoa hay một số nước Đông Á khác và đấy là một yếu tố chủ yếu dẫn đến việc các cụ nhà ta không xây dựng các kiến trúc thờ tự theo chiều cao. 

Rồi trong không gian thờ tự, khi làm tượng phật, tượng thần, tượng thánh các cụ thường làm bằng gỗ mít. Tại sao lại là gỗ mít? Vì tên tiếng Ấn của gỗ mít là Paramita - tên Hán Việt là Ba la mật, hiểu ra là “đến bờ giác ngộ”. 

Nhất định phải có trí tuệ thì mới đến được bờ giác ngộ. Cho nên người Việt mới làm tượng thờ chủ yếu bằng gỗ mít như một cách để khẳng định không gian của thần phật là không gian của trí tuệ. Chỉ có trí tuệ mới diệt được u tối. Mà u tối vốn là nguồn gốc của tội ác. Cho nên với người Việt xưa, đến với các di sản chùa đền là đến với lòng thiện trên nền tảng trí tuệ.

- Bây giờ thì phần lớn chúng ta có vẻ lại không đến với các ngôi chùa bằng tâm thế ấy. Chúng ta vào một ngôi chùa mà không hiểu triết lý của đạo, thành thử chúng ta lại cầu xin những điều không đúng với bản chất của đạo. Mà chẳng nói đến những điều cao xa như thế, có rất nhiều điều cơ bản như ý nghĩa của mái tam quan thôi, ý nghĩa của chính điện, ý nghĩa của những tòa tháp thất phẩm, cửu phẩm thôi - tất cả những cái đó, dường như chúng ta cũng không có nhu cầu tìm hiểu. Mà không tìm hiểu thì dễ lầm lạc lắm.

- Tôi lấy ví dụ cái tam quan - cửa chùa nhé, nó chính là lối nhìn đầy tính triết học về nhân sinh quan và vũ trụ quan của đạo Phật. Cho nên, tiếp cận với tam quan là tiếp cận những điều cơ bản nhất khi bước vào đạo. Tam quan chỉ có ở chùa, không thể có ở đình và đền. 

Cổng đình hay cổng đền thì người ta thường gọi là nghi môn. Với đền  - nơi đề cao ông thần, nghi môn được xây hơi giống cổng thành. Nhưng với đình - nơi thờ thành hoàng làng, vốn dĩ xa xưa cũng không có nghi môn nhưng từ cuối thế kỷ 18 người ta lại đưa vào đình những cái cột rất cao, làm ra những nghi môn đồ sộ. 

Còn đến bây giờ thì nhiều chỗ cửa đình, cửa đền lung tung hết cả, chẳng biết đâu mà lần. Tôi nghĩ loạn về nhận thức sẽ loạn về tín ngưỡng mà loạn về tín ngưỡng dứt khoát sẽ dẫn đến mê tín dị đoan.

- Trong một số trường hợp tôi nghĩ không hẳn là người ta loạn về nhận thức mà vì người ta mang cái chuẩn nhận thức nào đó ở bên ngoài vào, rồi cứ thế rập khuôn. Theo tôi cùng là chùa nhưng chùa Việt Nam khác chùa Trung Quốc, chùa Ấn Độ, chùa Nhật Bản. Lấy một mô hình chùa của Nhật Bản, chẳng hạn thế, áp vào Việt Nam chưa chắc đã đúng. Ông nghĩ sao?

- Hãy phân tích lại kết cấu của một ngôi chùa Việt Nam điển hình, ví dụ như chùa Bút Tháp. Đến chùa Bút Tháp, đầu tiên phải đi qua tam quan và như tôi vừa nói thì ý nghĩa của nó là để giúp chúng ta tiếp cận với những triết lý cơ bản của đạo Phật. 

Bởi trong tam quan, có một cửa gọi là “không quan”, mang ý nghĩa tĩnh, nói về cái bản chất chân như của đạo. Một cửa gọi là “giả quan” mang nghĩa động, nói đến cái vật chất với những biến động vô thường của nó trong đời sống. Ở giữa là “trung quan”, là cái cửa của trí tuệ - cái cửa giúp con người thoát khỏi những vòng luẩn quẩn để đi tới bến bờ giác ngộ. 

Đấy, tam quan nhắc người ta về những ý nghĩa triết lý như thế. Qua tam quan sẽ đến gác chuông, một tín hiệu để thức tỉnh trong người ta cái tâm phật. Rồi sau đó đi vào tiền đường - ngôi chùa chính, là nơi phát triển nhận thức về đạo. 

Cuối cùng, ở sau chùa mới là tòa tháp cửu phẩm liên hoa, biểu trưng cho giải thoát. Tòa tháp này bao giờ cũng phải đứng ở đằng sau, bởi với từng bước di chuyển như tôi vừa phân tích thì nó có một ý nghĩa là: tiếp cận giáo lý cơ bản của đạo rồi, được giáo hóa kỹ càng rồi và đến khi giác ngộ rồi thì mới đi vào cõi Niết Bàn được! Thế mà bây giờ tôi thấy có chùa lại đặt tòa tháp này ở bên cạnh, chứ không phải ở sau tiền đường. Đặt ở bên cạnh như thế là không đúng với triết lý.

 Rồi một điều dễ thấy hơn nữa, nếu ông cha chúng ta tiếp cận Phật giáo y nguyên như Ấn Độ thì nhìn các tượng phật bên ngoài, chúng ta phải thấy nó giống y như tượng phật Ấn Độ chứ. Nhưng thực tế nhiều tượng phật của ta lại có một gương mặt, một nhân trắc rất Việt Nam.

- Cha ông chúng ta chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa - những cái nôi văn hóa lớn của thế giới nhưng điều quan trọng là sau đó cha ông chúng ta đã định dạng nên chính đặc điểm văn hóa của mình. Và vấn đề của chúng ta hôm nay nhất định là phải tìm cách hiểu cha ông, từ đó hiểu đúng mình. Cá nhân tôi luôn nghĩ như vậy, thưa ông!

- Người Trung Hoa từ đời Thương - Chu, cách đây hơn 2.500 năm về cơ bản đã không còn ruộng công nữa. Tức là không còn ruộng của cộng đồng để chia cho từng người dân nữa. Đất đai của họ nằm trong tay các đại địa chủ. Người nông dân do vậy là người tá điền. Mà những người tá điền về cơ bản cũng không có thần linh riêng biệt để thờ phụng. Việt Nam ngược lại, đến giữa thế kỷ 20, ít nhất vẫn còn tới 25% ruộng công. 

Trước đó thì ruộng công là chính. Từ đấy tạo nên kết cấu làng xã, văn hóa làng xã, di sản làng xã. Đấy, nó có những khác nhau sâu xa, căn bản như thế, dù nhìn bề ngoài thì tưởng là giống nhau.

- Nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Minh Giang có lần kể với tôi về một hội thảo quốc tế nọ, khi hai nhà nghiên cứu nước ngoài tranh cãi gay gắt về văn hóa Việt Nam. Một người bảo văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng tuyệt đối của văn hóa Trung Hoa. Một người bảo hiểu như thế là chẳng hiểu gì cả vì hai nền văn hóa khác hẳn nhau. Đến lượt mình, ông Vũ Minh Giang bảo: cả hai đều đúng, đều không đúng. Ông Giang phân tích rằng có những cái thoạt nhìn, văn hóa ta giống Trung Hoa nhưng sâu xa bên trong thì lại rất đặc trưng của ta. Ví dụ khi đội lên đầu cái mũ quan, mặc trang phục nhà quan thì ông quan Việt nhìn khá giống ông quan Trung Hoa nhưng về nhà, cởi mũ áo ra, đặt trong mối quan hệ với vợ con - làng xã thì hai ông quan lại khác nhau rất nhiều. Ông ấy nói vui với tôi rằng, ông quan Việt Nam có một đặc tính là sợ vợ, theo đúng kiểu “lệnh ông không bằng cồng bà”... (Cười...).

Nói tóm lại, ta ảnh hưởng bởi Trung Hoa, Ấn Độ nhưng rõ ràng quá trình sống và kiến tạo, ta đã làm nên ta. Tuy nhiên, do những sự đứt gãy văn hóa nào đó mà người Việt hiện đại ít hiểu đúng về ông cha mình, mà tôi nghĩ việc chúng ta thay đổi chữ viết ở đầu thế kỷ 20 là một trong những lý do tạo nên sự đứt gãy ấy. Chúng ta bỏ chữ Hán, bỏ chữ Nôm, chuyển sang chữ quốc ngữ, thành ra những thế hệ lớn lên với chữ quốc ngữ khó đọc ông cha, khó hiểu ông cha. Mà không đọc, không hiểu ông cha thì dễ bơ vơ về tinh thần lắm. Đấy là cá nhân tôi nghĩ thế. Nhưng tôi không chắc là mình đúng và cũng không nghĩ đấy là nguyên do duy nhất dẫn đến sự đứt gãy văn hóa giữa chúng ta hôm nay với ông cha mình ngày xưa. Ông nghĩ thế nào?

- Tôi sẽ kể câu chuyện này: Vào đầu thế kỷ 18, triều đình có chính sách lấy ruộng công thành ruộng tư và thế là hàng chục vạn nông dân ở Bắc Bộ bị đuổi khỏi làng xã. Họ đi lang thang, cuối cùng họ theo chúa Nguyễn vào khai phá miền Nam. Vào Nam, cuộc sống mới giúp họ không phải lo ăn, lo mặc, lo ở như những ngày khốn khó chống chọi với thời tiết và đời sống miền Bắc. 

Ở đó, họ lại được những đại điền chủ miền Nam chiều chuộng nữa. Tóm lại là đời sống cơ bản về ăn, mặc, ở của họ đã ổn định thì họ bắt đầu chuyển qua lục vấn tinh thần. Họ nhớ lại những ngày ở Bắc, những ngày mà nghèo đến mấy thì nghèo nhưng vào ngày giỗ bố thì họ cũng lấy được ít nhất một bát nước, một nén hương thắp lên bàn thờ bố. 

Chính tục thờ cúng tổ tiên ấy đi vào trong Nam, có điều kiện đã được đẩy lên thành đạo ông bà. Nhưng mặt khác, vì hụt hẫng tinh thần nên lại xuất hiện những người hành đạo theo kiểu “nổi loạn”. Họ thờ cúng không giống ai, xem bói, phán xét, tổ chức nghi lễ không giống ai...

- Thiếu hụt về nền tảng tinh thần luôn nguy hiểm?

- Kết quả của sự hụt hẫng tinh thần là nó dễ làm nảy sinh ra những con người làm nô lệ cho chủ nghĩa tiên tri. Năm 1994, ở một khu vực tại Hà Tĩnh, từng có chuyện người ta cởi quần áo ra đốt. Đốt hết quần áo bên ngoài rồi đốt quần áo bên trong. Tôi đã viết vụ này vào sách rồi. Cũng năm 1994, ở Sơn La, từng có chuyện cả một làng gọi nhau uống rượu, rồi đập đầu vào tường, chết sạch. Còn lại 3 người đi ra rừng, 2 người nhờ một người đập mình tới chết. Còn người cuối cùng sau đó cũng tự sát luôn. 

Các nhà nghiên cứu có thể chỉ mới nghiên cứu cái hiển mà không nghiên cứu cái mật nên không thấy ở những câu chuyện như thế này những bóng dáng, những biểu hiện của chủ nghĩa tiên tri. Tôi nhấn mạnh: chủ nghĩa tiên tri thúc đẩy con người đi tìm một thế giới khác, tốt đẹp hơn thế giới thực tại. Muốn như vậy phải xóa bỏ tất cả những gì ràng buộc với thực tại.

Mà những tín đồ của chủ nghĩa tiên tri lại dễ bị những kẻ yếu kém về trí tuệ cổ súy. Có rất nhiều người tiếng là “nhà ngoại cảm” nhưng thực tế là ngoại cảm nhố nhăng, cổ súy cho những điều hết sức nhố nhăng. 

Theo tôi, ngay cả với những “nhà ngoại cảm” thật chăng nữa thì thực sự năng lực của họ cũng là cái năng lực mà tất cả con người bình thường này đều có.

Nhưng vì con người chúng ta sống trong xã hội đô thị với bốn bức tường bao quanh hằng ngày nên cái khả năng vốn có ấy bị chìm đi. Chỉ những người trải qua một cơn thập tử nhất sinh nào đó, cái khả năng ấy mới được gọi về, giúp họ có thể có những cảm nhận đặc biệt. Nhưng sau khoảng 3-5 năm, khi họ lại sống trong xã hội đô thị với bốn bức tường quanh mình thì khả năng ấy rồi sẽ mất đi. Nếu họ lợi dụng khả năng ấy để làm thương mại thì nó càng mất đi nhanh hơn. 

Thế nên tôi đã từng nói rằng, một số người tự nhận là “nhà tiên tri” hiện nay suy cho cùng chỉ là đứa con hoang, những đứa con lạc loài của chủ nghĩa tiên tri.

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa, PGS.TS Trần Lâm Biền trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh trong bài: Đặng Giang.

- Thật đáng sợ!  

- Tôi đang viết một bài lý giải việc hiện nay đi lễ như thế nào. Đi lễ mà không hiểu gì về đạo, từ đó hành đạo sai thì cũng là những người đi theo chủ nghĩa tiên tri một cách mù lòa. Ví dụ, tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi thức hầu đồng là một phần lịch sử, đã đi với người Việt từ quá khứ đến thời hiện đại. 

Nhưng đến hôm nay thì chúng tôi thấy có nhiều người thực hành tín ngưỡng này một cách lạm dụng và sai lệch. Hầu đồng vốn là hiện tượng vừa xuất thần vừa nhập thần, để trở về với tâm hồn trong sáng của con người. Hầu đồng là xuất cái thần của mình ra để phiêu diêu trong cõi thường hằng, mời những linh hồn thánh thiện về tiếp cận với chúng sinh. Hầu đồng là một cách nuôi dưỡng tinh thần yêu nước đơn giản và sâu sắc. 

Và hầu đồng còn để giải quyết những ẩn ức tinh thần - là một kiểu thể thao tinh thần để con người cảm thấy thân thể mình như được thanh lọc, từ đó giữ cân bằng cho cuộc sống.

Nhưng bây giờ, nhập vào đời sống đô thị thì nó bị chuyển hóa và biến tướng, dẫn đến những tình trạng chẳng giống ai như “ghen đồng ghen bóng”, nghĩa người ta ghen đua nhau, chạy đua nhau, đánh đú với nhau. Ghen tới mức bà đồng A làm đồ mã to thế này, đẹp thế này, khiến bà đồng B phải làm to hơn, đẹp hơn, oách hơn.

Và như thế là không đúng. Rồi trong cúng ông/bà cũng thế, khi giỗ bố chẳng hạn, cùng một giờ, một người con ở Hà Nội, một người con ở Sài Gòn cùng giỗ thì theo quan điểm của người xưa, ông cụ ở cõi âm cùng lúc vẫn có thể ứng về cả hai nơi. Tức là trong quan niệm của người xưa, cõi ấy xóa nhòa ranh giới không gian, thời gian. 

Nhưng bây giờ người ta đốt cho ông cụ cái ô tô, cái máy bay, thế chẳng nhẽ người con giỗ bố ở Hà Nội thì phải 2 giờ sau, ông cụ mới kịp bay vào Sài Gòn và 2 giờ sau người con ở Sài Gòn mới được làm giỗ à?

Tóm lại, sự không hiểu biết hoặc hiểu biết sai lệch về quá khứ là rất nguy hiểm. Còn nó đến từ đâu thì theo tôi, việc anh bảo là đến từ thay đổi hệ chữ viết cũng không hẳn đúng. Theo tôi, nó đến từ những người làm công tác giáo dục, công tác quản lý, những người chăm lo, quản trị đời sống tinh thần của một xã hội.

- Thời gian tới, nếu không cải thiện điều này, nghĩa là không thể tìm về ông cha, giải mã ông cha, để hiểu đúng ông cha, từ đó hiểu đúng chính mình, đúng cái căn tính thật sự của mình thì e là những chiến lược phát triển cho tương lai là cực kỳ chông chênh?

- Đúng thế!

- Xin cảm ơn ông!

Phan Đăng
.
.