PGS.TS Phạm Quang Long: Đi tìm một Hà Nội trong văn hóa
- Phóng viên: Thưa PGS.TS Phạm Quang Long, trước tiên xin cảm ơn ông đã đồng ý cho chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện này. Trong những ngày đầu của năm mới 2015, không gì phù hợp hơn là được lắng nghe câu chuyện về văn hóa Hà Nội từ một người đã từng làm công tác quản lý văn hóa Hà Nội. Đó là cách để đi tìm một Hà Nội với các giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ mà bao tác phẩm văn học nghệ thuật đã từng ngợi ca, lưu hương. Thưa ông, chúng ta đều thấy là, Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày, đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhưng xét về mặt văn hóa, Hà Nội lại dường như đang trôi ra khỏi Hà Nội truyền thống, đẹp, văn hóa. Những người yêu Hà Nội đang băn khoăn lo lắng, trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ giống với bất kỳ một thành phố nào trên thế giới. Câu hỏi đặt ra ở đây, cái gì được xem là bản sắc văn hóa Hà Nội, và, chúng ta sẽ phải làm những gì để giữ gìn những giá trị cốt lõi ấy của Hà Nội, để những người mơ mộng sẽ không phải đối mặt với thực tế, là một lúc nào đó, muốn tìm một Hà Nội thật sự, phải lục tìm trong ký ức, chứ không phải trong hiện thực?
- PGS. TS Phạm Quang Long: Câu hỏi của chị làm tôi nhớ đến một cuộc triển lãm về văn hóa Hà Nội mà tôi đã tổ chức hồi còn làm Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch. Có một số vị cao niên trong Hội đồng tư vấn nói với tôi là triển lãm về văn hóa Hà Nội thì nhất định phải có xe xíchlô vì xe xích lô gắn rất chặt với văn hóa Hà Nội một thời kỳ dài, thậm chí có thể coi như một biểu tượng của Hà Nội. Nhưng tôi phản đối, vì tôi cho hình ảnh chiếc xích lô chỉ gợi sự lam lũ, cực nhọc chứ không mang tính biểu tượng cho tinh hoa văn hóa Hà Nội và tôi chọn chủ đề “văn hóa thi thư” để triển lãm. Lúc ấy có một số người cho rằng tôi nói lăng nhăng, họ không chấp nhận khái niệm “văn hóa thi thư”.
Tôi nói thế này, tôi là một người nhà quê, thủa bé chỉ khao khát một ngày nào đó được sống ở Hà Nội. Lớn lên may mắn thế nào tôi lại làm việc ở Hà Nội, lấy vợ Hà Nội, là con của một gia đình trí thức tây học, thuộc dòng nho học Hà Nội. Từ gia đình nhà vợ, nhìn ra những gia đình trí thức gốc Hà Nội khác, tôi thấy, giá trị văn hóa của Hà Nội được xây dựng qua những trí thức lớn, kết tinh qua các tầng văn hóa nhiều đời. Bước chân vào một gia đình trí thức Hà Nội, cứ thấy bàng bạc ở trong phòng khách một cái gì đó rất khó gọi thành lời, rất trang trọng, tin cậy, khó nắm bắt nhưng lại cảm nhận rất rõ một vẻ đẹp văn hóa, muốn gần, muốn được học tập. Các gia đình truyền đời cho nhau một nề nếp mà nhìn vào đó mình thấy rõ chất có học, chứ không phải là nhiều tiền. Cái chất có học thể hiện trong tư duy về nghề nghiệp, tư duy về ứng xử, tư duy về cho và nhận.
Người Hà Nội kiêu lắm, họ biết rất nhiều, nhưng khi tiếp xúc với mình, mình có hỏi họ mới nói, chứ họ không khoe. Tôi tạm gọi đó là không gian văn hóa thi thư. Tôi lấy ví dụ ở một gia đình bác sĩ, một gia đình nhà giáo điều này rất rõ, còn ở một gia đình buôn tơ lụa gốc Hàng Đào cũng có cái chất có học, chứ không phải buôn bán kiểu thị dân như bây giờ.
Khi tổ chức triển lãm ấy, tôi thấy một bà già đến xem, bà ngồi khóc hu hu, bảo hôm nay đến xem triển lãm tôi thấy nhớ mẹ tôi quá, mẹ tôi ngày xưa chải tóc cho tôi trên chiếc giường như thế nào, mẹ tôi dạy tôi vấn tóc như thế nào. Tôi quan sát bà và tôi cảm động lắm vì chúng tôi đã nghĩ đúng. Trong một bài viết của tôi Hà Nội từ góc nhìn của người nhà quê, tôi nêu một ý kiến là Hà Nội cần chú ý đến tầng lớp tinh hoa, đấy mới là lớp người đề xuất và kết tinh giá trị của Hà Nội, đấy mới là những người dẫn đạo cho xã hội đi tới những cái tốt đẹp, đáng học.
Hôm nay nhìn lại, đúng là Hà Nội đang mất dần đi những cái chị và tôi đang nói. Nhưng chúng ta dường như không thể cưỡng lại được điều này. Một mặt, do xu thế tất yếu của phát triển, một mặt do chúng ta lơ là, không chú ý đến tầng lớp tinh hoa như tôi vừa nói. Ngày hôm nay chúng ta chú ý nhiều đến văn hóa đại chúng, văn hóa giải trí. Và tệ hơn là ngay cả trong văn hóa đại chúng, văn hóa giải trí lại cũng không đề cao những thứ tinh túy nhất. Thế thì còn đâu là bản sắc, là giá trị cốt lõi Hà Nội nữa.
- Ông nhắc nhiều đến vai trò của tầng lớp tinh hoa trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa cốt lõi của Hà Nội. Nói về một vùng văn hóa nào đó, người ta thường nhắc tên những trí thức mang tính biểu tượng. Những người mang trong mình tinh thần, văn hóa của một vùng đất. Chẳng hạn trước đây, khi nhắc về Hà Nội, người ta thường nhắc tên những người như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng... Giờ nếu tìm một vài cái tên mang tính biểu tượng của Hà Nội hôm nay, hình như không dễ dàng?
- Hà Nội vốn là nơi tụ hội của dân tứ chiếng. Người khắp các vùng miền đổ về Hà Nội sinh sống và góp phần vào các giá trị văn hóa Hà Nội. Ban đầu họ là những “người nhà quê”. Nhưng cái người nhà quê ở Hà Nội ngày xưa khác lắm. Xưa, những người tứ chiếng về Hà Nội làm nghề, các phường nghề thường dựng đình để thờ ông Tổ nghề làng mình và họ rất tự hào nói mình xuất xứ quê ở đâu. Họ tự hào về gốc gác nhà quê của mình và mang những gì trong văn hóa nhà quê của mình để tiếp biến, đóng góp vào văn hóa Hà Nội.
Nay thì cũng vẫn người nhà quê về sống Hà Nội, nhưng họ chỉ lo làm sao có được cái nhà, sống ở đó và đi về trú ngụ ở đó, chứ không tự hào về nét đẹp văn hóa của mình nữa, không có ý thức giữ gìn nét văn hóa đó nữa. Tôi khi làm quản lý văn hóa Hà Nội cố gắng thay đổi, giữ những giá trị như trước đây, nhưng vô vọng. Níu không nổi, giữ không nổi, nó cứ trượt đi ngay trước mắt mình. Nói về những con người mang tính biểu tượng của Hà Nội thì tôi chỉ biết nói thế này, chắc là có nhưng tôi không tìm ra. Có người danh lớn nhưng nói đến nhân cách văn hóa của họ để mọi người trông vào, nể trọng thì hiếm. Hà Nội đang thiếu những nhân cách văn hóa.
- Ông là người hiểu và thấm những giá trị cốt lõi của Hà Nội như vậy, và cũng cảm nhận sâu sắc những mất mát của Hà Nội trong văn hóa. Ông cũng là một người từng đứng đầu ngành văn hóa Hà Nội trong một thời gian dài, xin hỏi thẳng ông, những hành động của ông thời kỳ làm công tác quản lý văn hóa có mang lại nhiều thay đổi xung quanh câu chuyện chúng ta vừa bàn không. Không có lẽ, nó chỉ là cảm giác trượt đi, vô vọng...
- Câu hỏi của chị làm tôi nhớ đến một nỗi đau, đấy là khi tôi làm Lễ hội hoa, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong một đêm, đúng hơn là chưa đến một giờ, người ta đi xem, người ta ngắt hoa, người ta dẫm đạp lên hoa, lên những thứ nếu để ở nhà mình, không ai có gan làm thế. Đến lúc tôi ra thì, trời ơi, tan tác đến thảm hại. Và báo chí, dư luận ném đá không thương tiếc. Tôi buồn đến nỗi tôi không nói được một lời nào hết. Sao người Hà Nội lại có thể ứng xử với hoa, với cái đẹp như vậy? Nỗi đau ấy, còn đến tận hôm nay.
Chúng tôi dựng mô hình Long Biên và sông Hồng, bờ bãi, làm những mô hình làng nghề, và người ta cũng phá. Phá đến nỗi các nhà quản lý chính quyền thành phố phải quyết định thôi không làm thêm một số hạng mục khác nữa để khỏi bị ném đá. Để xảy ra những chuyện như vậy, tôi phải chịu trách nhiệm chính là đúng rồi. Nhưng tôi cho là không nên dừng lại. Lẽ ra cứ phải tiếp tục làm, và phải có những chế tài để người ta buộc phải dừng các hành động thiếu tôn trọng văn hóa của mình lại. Làm văn hóa đâu phải chỉ có công tác vận động.
Nỗi buồn của tôi khi làm văn hóa, là có những việc không đáng làm thì vẫn cứ phải làm, và có những việc đáng làm thì không được coi là việc. Không phải việc gì mình muốn cũng được làm và làm được, đấy là cái khó. Trong tình hình hiểu biết về văn hóa còn nhiều lộn xộn, tôi buộc phải nương theo 4 chữ “tùy ngộ nhi an”, tức là tùy theo cảnh mà yên. Ở ta có cái rất sai lầm ở chỗ coi văn hóa là việc của cơ quan Văn hóa mà quên mất rằng văn hóa có trong mọi lĩnh vực của đời sống. Do đó, để nói tôi có làm thay đổi được bao nhiêu về những hiện thực thuộc phạm trù văn hóa tôi trăn trở, thì tôi nghĩ không nhiều đâu.
- Nhưng tôi có thể kể ra một số việc ông làm được, như phản đối chuyện đưa Trung tâm văn hóa Hà Đông về trung tâm quận Hà Đông, không đồng ý chuyển Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia về khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn, từ chối việc biến hệ thống quang cảnh phía trước sân vận động Quần Ngựa thành các kiốt bán hàng lem nhem, không cho bắn pháo hoa trong cuộc triển lãm băng đăng của nước ngoài vào đúng dịp 17/2. Nghĩa là, con người lãnh đạo văn hóa trong ông đâu phải thiếu phẩm chất quyết liệt?
- Đó là những việc mà người nào ở địa vị tôi cũng phải làm. Tôi tự thấy chất bụi đời trong tôi cũng nhiều, tố chất công dân trong tôi cũng lớn. Tôi đi ra đường gặp một đám đánh nhau tôi dừng lại can thiệp ngay. Khi cần, tôi cũng sẵn sàng lộ ra chất bụi đời của mình. Kể lại một kỷ niệm: Hồi tôi làm lễ hội du lịch, khi đi kiểm tra xem mọi thứ ổn chưa. Tôi gặp một tay, xin lỗi, vừa đứng tè bậy vào tường phố cổ - là sân khấu đêm diễn, vừa lấy tay bẻ những miếng xốp làm tường. Tôi đến gần quát: “Ông kia, sao lại phá hoại như thế?”. Tay đó quay ra hỏi tôi: “Mày là đứa nào?”. Tôi bảo: “Nếu mày không dừng việc phá hoại và biến khỏi đây, tao sẽ đập vỡ mặt mày”. Thấy tôi điên máu quá, tay kia im lặng bỏ đi.
Mặc dù vậy, nhưng nếu nói con người nào hợp với tôi hơn cả, thì tôi vẫn nói tôi phù hợp với nghề dạy học nhất. Công việc lãnh đạo là do được giao trách nhiệm thì tôi làm. Thẳng thắn nhìn lại, tôi chưa chắc đã là người phù hợp với công việc lãnh đạo. Chỉ có một điều chắc chắn nói mà không phải xấu hổ với mình, là tôi đã làm việc này không phải bằng tà tâm.
- Nói về tầng lớp trí thức, tinh hoa ở Hà Nội hiện nay, và không chỉ ở Hà Nội, có một số người nhận xét rằng, vì một lý do nào đó, họ có xu thế ẩn mình, ít xuất hiện, cống hiến, hành động. Ông là người quan tâm tới câu chuyện này, không chỉ trong làm công tác văn hóa, mà cả trong sáng tác. Những vở kịch của ông đã được in ấn, dàn dựng đều đề cập đến vấn đề này. Theo ông, cách ứng xử lánh đời của một bộ phận trí thức hôm nay là nên hay không nên?
- Tôi nói ngay là không nên. Và cũng nói ngay là trí thức hiện nay đang phân hóa. Có những người mang danh trí thức nhưng cách sống, cách ứng xử của họ không xứng với danh vị ấy. Người trí thức chân chính là người sống với những nguyên tắc chính thống về mặt luật pháp, những nguyên tắc về mặt đạo lý, nghĩa là hành xử theo những chuẩn mực xã hội, chỉ làm những gì có ích cho xã hội. Người trí thức thì phải giữ mình ghê gớm lắm. Người trí thức xưa nay phải luôn nhập thế, chứ không phải xa lánh đời sống. Một số trí thức hôm nay tưởng như lánh xa những chuyện ì xèo của cuộc sống, giữ mình nhưng có khi chỉ là họ hèn. Tôi cũng có cái hèn của tôi. Muốn cho gia đình, vợ con yên ổn.
Cũng có một số người ý thức về mặt lợi danh nên cũng có cách xuất thế rất lạ. Nhưng tôi xin nói là đến một lúc nào đó họ sẽ phải chọn một cách ứng xử khác. Trí thức xưa nay không bao giờ quay lưng lại xã hội. Khi họ quay lưng dù là chiến thuật hay hèn nhát đi nữa, có thể lúc đó không thắng nổi mình. Rồi họ cũng sẽ quay lại nhập thế vì đó là con đường tất yếu của trí thức. Nhưng tôi cũng phải nói thêm điều này nữa, hiền tài bao giờ cũng hiếm. Và để sử dụng được hiền tài thì phải có người thực tài ngồi ở địa vị sử dụng hiền tài. Không có cái đó, xã hội sẽ đi xuống.
Thầy tôi nói, ngày xưa công chức nhiều, nhưng bây giờ thì lại nhiều. Lại ở đây là những người chuyên bợ đỡ, không chính kiến, chỉ vì cái lợi của mình. Rất nhiều công chức có học đang dần biến thành lại. Họ không chọn cách phản ứng tích cực, là thấy thủ trưởng sai thì nói sai. Họ yên thân trong sự im lặng hay bợ đỡ, làm theo vì trong cách ấy, họ được lợi. Đó là sự xuống cấp của giới công chức. Thời còn làm việc ở Sở, chính tôi cũng có lúc ngã lòng. Tôi nghĩ, nếu các vị muốn thế thì tôi chiều theo thế, cho yên thân, để tôi còn làm việc khác. Ngụy biện thế chứ lúc ấy mình cũng hèn, cũng đang tha hóa.
- Nghĩa là trong nhiều tình huống, mình cũng khó mà giữ được các nguyên tắc mình theo đuổi?
- Vâng, đúng vậy.
- Trong sự phai nhạt, mất mát của văn hóa, không thể không nói đến sự thoái hóa đạo đức xã hội, vì đạo đức là nền tảng của văn hóa. Tâm thế của ông ra sao khi nhắc về vấn đề này?
- Đây là câu chuyện quá lớn, quá rõ ràng mà đâu phải chỉ tôi hay chị cảm nhận được. Tôi cho rằng phần lớn những người có lương tâm đang lo lắng vì câu chuyện này. Ngày xưa các cụ tu thân ghê lắm. Giờ không mấy người lo tu thân. Thước đo giá trị trong xã hội đã xoay trục từ các văn hóa, học vấn, tri thức, hiểu biết, sang giá trị vật chất. Người sở hữu vật chất được tôn vinh hơn người gìn giữ, tôn thờ, theo đuổi các giá trị văn hóa. Làm điều tử tế có khi còn bị nghi ngờ. Cái này phần nào do lỗi của giáo dục, truyền thông. Nhưng tôi luôn tin rằng câu chuyện này rồi sẽ thay đổi, vì con người không thể sống mãi với cái xấu. Bản chất của con người là hướng thiện. Tuy nhiên, để thay đổi cần một hệ thống đồng bộ các giải pháp, và phải bắt đầu từ hệ thống chính quyền.
- Về mặt tổ chức, nếu nhìn lại những năm tháng giữ cương vị đứng đầu ngành văn hóa thủ đô và được làm lại, ông sẽ thay đổi những gì?
- Nghĩ lại giai đoạn đó, tôi có vài chuyện suy ngẫm. Tôi đi làm, lương 8 triệu một tháng, dĩ nhiên có cả đồng ra đồng vào khác nữa. Thế cũng là cao rồi. Nhưng vợ tôi bảo, sáng đi từ 7 giờ, tối nào cũng 7 giờ hoặc hơn mới về, chả giúp gì được vợ con. Một tuần trung bình có tới dăm sáu chục văn bản phải xử lý, hàng chục công việc khẩn, thần kinh cứ căng ra. Không có đội ngũ giúp việc, các cộng sự thì làm sao được. Nhưng người dư cũng nhiều. Nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn một vài trợ lý, vì không cần phải nhiều phó đến thế. Việc nữa làm tôi day dứt, là có lúc tôi đã dùng người sai, để vừa không được việc, vừa gây hại cho việc chung, gây khó chịu cho mình.
- Ngày đầu tiên được nghỉ hưu, ông làm những gì, liệu có phải là ngồi suy ngẫm và kiểm điểm và những năm tháng đi làm công chức của mình?
- Câu hỏi làm tôi nhớ lại cảm giác trong ngày đặc biệt đó. Mở mắt và không phải đến Sở họp hành phân công xem ai làm việc gì, xem anh này anh kia có thái độ ra sao trước cùng một công việc, tôi thấy thật tuyệt. Nói thật là tôi thấy sung sướng, như vừa trút bỏ một gánh nặng. Nhưng tôi cũng có một chút cảm giác không yên tâm, một cảm giác áy náy. Là trong suốt gần chục năm làm lãnh đạo Sở, có việc làm được có việc không, nhưng buồn nhất là có lúc mình đã không quyết liệt ủng hộ cái đúng, đấu tranh đến cùng với cái sai, đã để mặc muốn ra sao thì ra vì mình thấy mệt mỏi, vì mình muốn yên ổn…
- Sáng tác cũng là một câu chuyện đáng kể trong cuộc sống của ông. Ông làm thơ từ sớm, và sau này là viết kịch. Những vở diễn của ông được khá nhiều đoàn nghệ thuật và đạo diễn tên tuổi dàn dựng. Một câu hỏi thẳng dành cho ông, là có khi nào người ta dựng vở của ông vì ông là giám đốc Sở?
- Chưa ai nói vì tôi là Giám đốc Sở mà người ta dựng vở của tôi nhưng tôi chắc là cũng có điều đó chứ không phải không đâu. Nhưng thông thường khi ngẫm nghĩ về một ý tưởng nào đó, tôi hay nói chuyện với một vài đạo diễn. Như anh Doãn Hoàng Giang chẳng hạn, khi nghe tôi nói ý tưởng của mình, anh ấy thích và muốn dựng nó trên sân khấu, thì tôi mới bắt tay vào viết. Tôi gần như không viết trước rồi đưa bản thảo cho đạo diễn, cho các đoàn. Tôi nghĩ về chuyện này nhẹ nhàng lắm, ngay cả một vở diễn thành công đi nữa thì thành công đó trước hết thuộc về đạo diễn, diễn viên. Còn tôi, với tư cách tác giả kịch bản, chỉ là người góp phần khơi lên tư tưởng của vở diễn, chuyển một thông điệp nào đó từ suy ngẫm của tôi đến khán giả. Chứ tôi không bị ám ảnh bởi điều nọ điều kia. Thực lòng là tôi không thấy bị câu thúc chuyện lợi hay danh trong việc viết. Tôi viết cho mình là chính, để giải tỏa những suy nghĩ của tôi về cuộc đời một nhân vật lịch sử nào đó.
- Những vở kịch của ông, được dàn dựng hay chưa dàn dựng đều chủ yếu tập trung vào vấn đề những trí thức trong các thời kỳ lịch sử. Những day dứt của họ trước thời cuộc, trước nhân dân, những khát vọng của họ trong việc tạo ra giá trị làm giàu có cho dân tộc, cho con người. Không chỉ quan tâm lịch sử, mà ông còn là một người quan tâm đến thời cuộc hôm nay. Liệu rằng những day trở của ông về người trí thức hôm nay có được thể hiện trong các tác phẩm đang viết, sắp viết của ông không?
- Tôi vừa viết xong kịch bản về thời kỳ cải cách ruộng đất. Và cũng sắp hoàn thành một cuốn về những người lính thế hệ tôi sau chiến tranh ở nông thôn. Tôi cũng đang chuyển sang văn xuôi, có mở rộng thêm từ vở Quỷ mặt người. Đấy đều là những câu chuyện của hôm nay, của thời chúng ta đang sống. Tôi viết không vì một áp lực gì, lúc nào hào hứng thì tôi viết, cho tôi là chính. Tập kịch bản Nợ non sông mà chị đang cầm trên tay, là một người bạn tôi in cho chứ cứ như tôi thì nó sẽ mãi chỉ nằm trong máy vi tính thôi. Hồi tôi chưa nghỉ hưu, có chỗ muốn in cho tôi một vài thứ, thậm chí bản thảo cũng đã xong, nhưng tôi thôi vì nghĩ chẳng cần thiết và chẳng để làm gì. Đọc lại những gì đã viết, đã in, mới thấy rằng có cái mình viết cũng được, nhưng cũng có những cái làm mình xấu hổ.
- Xấu hổ ư, vì sao lại là cảm xúc đó, thưa ông?
- Xấu hổ là vì có chỗ mình uốn lưỡi quá. Tâm thế mình khi xây dựng nhân vật, chi tiết, mình không định thế, nhưng rồi mình đã viết theo cái cách hơi nịnh bợ, uốn lưỡi.
- Đó có phải là ảnh hưởng của một người làm quan văn hóa lâu năm không, thưa ông?
- Tôi chắc là có đấy. Lời lẽ của người làm lãnh đạo lâu năm ngấm cả vào mình trong lúc viết. Cái sự uyển chuyển, không mất lòng, cho được việc, là có đấy.
-“Nợ non sông”, tên cuốn sách và cũng là tên một vở kịch của ông, đề cập bi kịch của một người chí sĩ yêu nước. Một chủ đề lớn mang tính bao quát, rộng lớn. Nếu hỏi ông trong nghĩa hẹp hơn, rằng ông còn nợ chính mình điều gì, câu trả lời của ông ra sao?
- Thành thật mà nói, tôi sống chưa được như tôi muốn. Có lúc được khen mà tôi thấy xấu hổ vì mình chưa được như vậy. Trong công việc của mình lẽ ra tôi phải làm tốt hơn. Có lúc tôi đã bị khuất phục trước những điều không đáng bị khuất phục. Lẽ ra có những việc tôi cần quyết liệt hơn, thậm chí phải quyết liệt đến mức sau đó muốn ra thế nào thì ra. So với bạn bè cùng lứa, tôi tự thấy là tôi may mắn. Tôi được học hành tử tế, trong khi phần lớn bạn bè tôi cùng lứa ở quê nay đã là liệt sĩ, thương binh, có cuộc sống không may mắn như mình. Tôi lại còn được cất nhắc ở vị trí này, vị trí nọ, thế là được ưu ái rất nhiều. Lẽ ra ở cương vị của mình tôi có thể làm được nhiều hơn thế, nhưng có thể vì tôi kém (cả chuyên môn, cả về con người) nên tôi chưa làm được những việc mà cấp trên, đồng nghiệp đã nghĩ mình làm được.
- Một cách nhìn thẳng thắn, trực diện vào chính mình không phải là chuyện dễ. Ông đã luôn ở trong tâm thế nhìn thẳng đó, bởi vậy nếu có gặp những khó khăn thì cũng không phải quá khó để hình dung...
- Tôi cho rằng, ở đời khó nhất là công bằng với mình. Mỗi người trong chúng ta phải học cách công bằng với chính mình rồi mới có thể ứng xử công bằng với mọi người xung quanh. Trong gia đình, tôi để mọi thành viên tự do nhất có thể. Tôi chỉ áp đặt vài thứ và bắt buộc mọi người phải xem là nguyên tắc không được vi phạm. Chẳng hạn, cả nhà phải về quê những ngày lễ tết. Việc gì cũng phải bỏ đó mà về. Đó là cái đạo, không được quên nguồn cội, gốc rễ của mình. Điều nữa là không được tệ bạc với người thân. Con cái mà làm những việc phiền lòng cha mẹ là tôi rất nặng nề. Tất cả chúng ta đều có những nhu cầu của mình và chúng ta phải thực hiện mọi nhu cầu trên một nguyên tắc nào đó, nhưng trước tiên không thể bỏ qua nguyên tắc là công bằng với chính mình...
- Xin cảm ơn PGS. TS Phạm Quang Long về cuộc trò chuyện.