Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đời tôi có 4 chữ “K”
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Dòng sông vẫn miệt mài chảy
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Vẫn nguyên niềm lạc quan
- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Viết nhạc bằng mệnh lệnh của trái tim
“Nguyễn Cường, Tùng Dương vào đây thăm, tớ bảo luôn: Ok! Không có vấn đề gì đâu nhé. Cứ bàn bạc công việc như bình thường đi. Cứ thoải mái đi. Nghe thế, Nguyễn Cường, Tùng Dương giật hết cả mình…”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nằm trên giường bệnh, cười tươi khi chúng tôi vào thăm. Giọng ông nghe rõ ràng. Tinh thần ông lạc quan.
Và, ông đã bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách kể lại cuộc nói chuyện “như không có chuyện gì” giữa mình với nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Tùng Dương ở chính căn phòng bệnh viện này. Chưa kịp đợi chúng tôi cất lời, ông “vào đề” ngay: “Bây giờ thế nào nhỉ? Hỏi gì tớ nói, hay cứ để tớ nói tào lao nào…?”.
- Dạ! Chú cứ nói tự nhiên ạ.
- Ờ, thế này nhé. Mọi thứ là thế này: Đầu tháng 3 năm nay, bác sĩ Bệnh viện Việt-Xô khám và xem xét tổng thể cho mình. Xem xong các ông ấy quay ra nhìn nhau có vẻ ái ngoại. Mình bảo luôn: Không có gì phải ái ngại, giấu giếm cả! Có gì các anh cứ nói luôn đi. Thế là các anh ấy bảo mình bị ung thư tụy, di căn ở đầu giai đoạn 4.
Thực ra cách đây 2 năm, ông bạn thân nhất của mình cũng qua đời vì bệnh ung thư. Có thể nói hơi ví von, cách điệu là dường như ông ấy chết trên tay mình. Nói như thế để thấy mình biết ung thư nó cũng ghê gớm chứ. Mình biết chứ, nào có phải không biết gì đâu. Nhưng, không hiểu sao khi mấy bác sĩ ở Việt-Xô nói mình bị ung thư thì mọi ký ức về ung thư trước đó, mình dường như quên hết. Mình chẳng lo lắng, hoang mang gì hết. Thật đấy. Mình chỉ tự nói với mình một câu thôi: “Thế là lại vất vả đây”. Về nhà nói cho vợ tình hình và xác định tinh thần chiến đấu, thế thôi. Tính đến nay đã là 4 tháng rồi.
Ảnh LG. |
(Nghe ông tự kể một tràng như vậy, thật sự là tôi lại không có cảm giác ông đang là một người bệnh. Tính cách lạc quan vốn có của một nghệ sĩ khiến ông khác phần lớn những người có hoàn cảnh tương tự lúc này chăng? Phải rồi, ông đã là một nhạc sĩ. Và, giờ đây, trước mắt tôi vẫn là một Phó Đức Phương nhạc sĩ. Nghĩ vậy nên tôi không hỏi thêm câu nào liên quan đến chuyện bệnh tật cả mà “truy kích” vào cái thế giới nhạc sĩ vốn có và là một nỗi ám ảnh lớn ở trong ông).
- Thưa chú, theo hiểu biết của cháu thì âm nhạc thường rơi vào tâm hồn mỗi nhạc sĩ theo một cách khác nhau. Có nhạc sĩ kể với cháu rằng, âm nhạc rơi vào tâm hồn họ như một ân huệ của đấng tối cao. Tức là nó mang vẻ đẹp thần thánh nào đó, phi thực và thoát tục. Lại có nhạc sĩ bảo rằng, họ cũng chẳng biết âm nhạc rơi vào họ từ khi nào và như thế nào nữa. Bởi vì nó cũng đơn giản như việc họ ăn cơm, uống nước thôi. Vậy với nhạc sĩ Phó Đức Phương thì sao, bây giờ chiêm nghiệm lại, chú thấy âm nhạc đã rơi xuống mình theo cách nào?
- Đấy là thời mình còn là học sinh lớp 8, lớp 9 gì đó. Mình phụ trách văn nghệ của lớp nên gần gũi với âm nhạc lắm. Và âm nhạc cứ thế bật ra một cách bản năng thôi, chứ cũng chẳng phải vì thấy nó là trách nhiệm, hay có ý nghĩa thiêng liêng ghê gớm gì lắm đâu. Tại sao hồi đó mình lại viết được nhạc? Tại vì mình học nhạc - họa trong nhà trường như tất cả các bạn khác thôi. Bây giờ nghĩ lại mình thấy là mình không tài nào vẽ được, có lẽ vì hội họa không kích hoạt được con người bên trong của mình. Còn âm nhạc thì nó kích hoạt được. Kích hoạt được thì âm nhạc tự ra thôi. Đơn giản lắm.
- Rất nhiều nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp của mình một cách tự nhiên, đơn giản như hơi thở. Và rồi họ cũng kết thúc sự nghiệp trong tự nhiên, đơn giản y như vậy. Cuộc đời nghệ thuật của họ là một cuộc đời nhàn nhạt. Nhạc sĩ cũng thế, họa sĩ cũng thế mà thi sĩ cũng thế thôi: phải nói thật là có không ít người tạo ra cả trăm, cả ngàn tác phẩm nhưng rốt cuộc chẳng đọng lại được bất cứ tác phẩm có sức nặng nào trong lòng công chúng. Nhưng, với nhạc sĩ Phó Đức Phương - cha đẻ của những “Chảy đi sông ơi”, “Trên đỉnh phù vân”, “Hồ trên núi”..., phải nói một cách khách quan, thành thực rằng nó đều là những tác phẩm có cá tính. Và tập hợp của những cá tính đó đã đủ làm nên diện mạo âm nhạc Phó Đức Phương rồi. Nếu bây giờ cháu đề nghị chú gọi tên cái diện mạo ấy ra thì chú sẽ gọi tên nó như thế nào ạ?
- Âm nhạc của tôi, thật ra nhiều người cũng đã nói đến rồi. Bây giờ tôi cũng chẳng biết nói gì hơn nữa. (ngẫm nghĩ vài phút...). Biết nói thế nào bây giờ? Có lẽ nó vô cùng chân thực. Mình không biết diễn đâu. Mọi người sẽ nghĩ, thông thường, nghệ sĩ ít nhiều cũng phải biết diễn đúng không? Nhưng, mình nói thật là mình không biết diễn. Mình viết cái gì cũng chân thực cả. Tất nhiên cái thực phải hiểu theo nhiều nghĩa. Ví dụ cái thực của “Chảy đi sông ơi”, đó là cái thực như thế nào bạn biết không? Ý tưởng bài hát thế này: Nhân vật chạy đến bờ sông tự tử, tất nhiên phải là một bờ sông rất lớn. Nhưng, cuối cùng nhân vật lại được chính bờ sông cảm hóa. Lúc bấy giờ muốn chết nhưng vì thổn thức với dòng sông, bị dòng sông cảm hóa nên không chết nữa.
(Nói đến đây, nhạc sĩ Phó Đức Phương ngừng vài phút. Rồi bất chợt ông co người, ngồi cao lên một chút. Và ông cất giọng hát: “Ơi con sông hiền hòa/ Chở đầy nước ngọt phù sa/ Ơi con sông thiết tha/ Ấp ôm bến bờ xứ sở/ Sống mấy ngàn năm tuổi/ Miệt mài chảy mãi khôn nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả/ Mà sao vẫn trẻ mãi không già...”. Hát xong, nhạc sĩ dừng lại, nằm xuống nghĩ ngợi vài phút rồi nhìn vào mắt chúng tôi và nói bằng một tông giọng trầm).
Đấy! Con sông bao dung thế. Trải qua bao sóng gió thăng trầm, chuyện gì của cuộc đời này nó cũng thấy hết, hiểu hết nhưng cuối cùng, toát lên tất cả vẫn là sự bao dung. Chính nhờ sự bao dung ấy mà người ta dẫu có muốn nhảy xuống sông tự tử thì khi đối diện với nó cũng không tự tử nữa. Ca sĩ nào hát bài này mà toát lên được ý tưởng này, cái chất này thì mới tài.
Ảnh LG. |
- Cháu có đọc trên báo về hoàn cảnh sáng tác bài này. Nhưng, hôm nay gặp chú, cháu vẫn muốn hỏi trực tiếp là cơn cớ nào mà chú nghĩ đến một bờ sông ấy, một con người ấy, một sự bao dung sau cuối ấy?
- Bài này thật ra là một bài hát viết cho vở kịch Thuyền lá của Nhà Hát kịch Trung ương, quãng những năm 1997 gì đó. Nhân vật trong vở kịch là như thế nên khi viết, mình hóa thân vào nhân vật để hiểu tâm trạng của nhân vật và dùng âm nhạc để lột tả những đấu tranh nội tâm của nhân vật. Thật ra, nhiều bài của mình bây giờ mọi người hay hát đều bắt đầu là những bài hát cho những vở kịch cả. Trên đỉnh phù vân viết cho vở kịch Yêu trên đỉnh Phù Vân của Đoàn kịch Hải Phòng. Rồi Không thể và có thể viết cho Đoàn kịch Nam Định.
- Như vậy là những bài hát vốn dĩ được viết ra theo đơn đặt hàng của các đoàn kịch phải không ạ?
- Đúng rồi!
- Ấy vậy mà cuối cùng người ta lại quên kịch và nhớ những bài hát. Tức là những bài hát đã thoát khỏi cái nơi khai sinh ra nó để sống một đời sống riêng biệt. Cháu tò mò thế này, người ta bảo là những bài hát viết theo đơn đặt hàng thường không tạo ra nhiều giá trị nghệ thuật. Bởi viết theo đơn đặt hàng là viết theo ý người khác mà ý người khác trong rất nhiều trường hợp thường vênh với ý người viết. Vậy chú đã bước qua rào cản này như thế nào?
- Mình suy nghĩ về điều này nhiều lắm. Cái việc phải đi viết nhạc theo đơn đặt hàng từ miền núi xuống vùng biển, từ ngành than đến ngành văn hóa tạo ra những tác động cho người nhạc sĩ. Nếu người nhạc sĩ không đủ bản lĩnh, không đủ sức mạnh để có cái tôi riêng của mình thì có lẽ cả đời có tới 3.000 bài nhưng sau 3.000 bài ấy, người ta cũng không nhận ra bản sắc của anh. Nhưng, nếu người nhạc sĩ là một khối đủ lực bên trong thì việc phải khổ ải đi tứ xứ viết bài, trong đó có cả việc viết theo đơn đặt hàng lại giúp người nhạc sĩ được làm giàu mình lên. Lúc này người nhạc sĩ sẽ có đủ năng lượng, đủ cá tính, đủ sự bướng bỉnh để viết về bất cứ thứ gì thì nó cũng có nét riêng. Nó sẽ không bị rơi vào trường hợp nhàn nhạt. Nó cũng không bị rơi vào trường hợp là bài nào cũng na ná như bài nào.
(Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi tạm dừng. Cô y tá bệnh viện chạy vào thay thuốc, lấy ven mới cho nhạc sĩ. Cô bảo ven cũ bị lệch, bây giờ cứ tiếp thuốc theo đường ven cũ, thuốc sẽ không vào và nhạc sĩ sẽ đau. Thế nhưng, nhạc sĩ Phó Đức Phương xua tay: “Không cần đâu! Cứ làm đường cũ thôi. Đợi một lúc xem sao, nếu thấy có vấn đề thì đổi sau”. Cô y tá nhắc lại là đợi đến lúc ấy nhạc sĩ sẽ đau nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương tiếp tục: “Không sao đâu! Không đau đâu! Hôm qua các bạn còn phát hiện bị lệch ven trước khi mình thấy đau cơ mà. Cứ thoải mái đi”. Nhạc sĩ vừa nói vừa cười và cô y tá cũng mỉm cười đi ra, để lại lời nhắn: thôi được rồi, cháu sẽ trở lại kiểm tra sớm).
- Như vậy, vấn đề nằm ở nội lực. Còn một vấn đề khác, cũng không kém phần quan trọng là phương pháp viết. Chú có thể chia sẻ xem phương pháp viết nhạc của chú như thế nào được không?
- Phương thức sáng tác của các nhạc sĩ đúng khác nhau lắm. Mỗi người mỗi kiểu, chẳng ai giống ai cả. Mình biết có những nhạc sĩ có khi chỉ đi chơi một tối, có cảm hứng với một cô gái cụ thể nào đó là có thể viết được một bài. Trong sáng tác, chuyện đó thật ra cũng hết sức bình thường. Nhưng, với mình, thì thú thật là chưa bao giờ sáng tác được theo cách này. Đây chỉ là thói quen sáng tác riêng của mình thôi nhé. Mình không tin là một buổi - một hiện tượng - một cô gái đủ giúp mình tạo ra một nét đặc biệt nào đó.
Khi viết một bài, trước mặt mình chỉ là một tờ giấy trắng. Không có bất cứ kinh nghiệm cũ nào sống lại và được mình sử dụng cả. Lúc đó hoàn toàn hồi hộp với một thứ sản phẩm mới tinh, không liên quan gì đến những bài đã viết trước đó. Còn điều này nữa, sau sự hồi hộp, hưng phấn thì trong mình luôn xuất hiện cảm giác lo lắng. Lo sợ về việc bài hát sau đó có được mọi người chấp nhận không. Hồi hộp, hưng phấn và lo lắng, có thể nói đó là 2 cảm giác thường trực của mình khi sáng tác.
- Một số bài hát của chú đã đem đến cho cháu những cảm xúc rất khác biệt, thậm chí có thể nói là khác lạ. Có lần cháu nghe Tùng Dương hát, thực ra phải nói là “nhảy múa” với ca từ và giai điệu “Hồ trên núi” của chú. Trong một khoảnh khắc nào đó, cháu thấy một cảm giác bảng lảng xé ngang lòng mình. Và sau cảm giác bảng lảng lại là một cái gì đó rất tròng trành. Ở cái cõi mà người ta gọi mây, gọi nước, gọi thuyền, gọi núi..., cảm giác bảng lảng, tròng trành là rất rõ. Và cảm giác ấy lại xuất hiện khi cháu nghe “Trên đỉnh phù Vân”. Ngẫm lại, bây giờ cháu thấy thế này: dẫu là ở trên đỉnh núi hay ở dưới hồ thì âm nhạc của Phó Đức Phương cũng bảng lảng, tròng trành và phía sau trạng thái ấy dường như là một nỗi khắc khoải không được thỏa mãn, một giấc mơ không thành hiện thực? Đây chỉ là cảm nhận riêng của cháu và cho phép cháu xin lỗi trước nếu đã cảm nhận sai.
- Ồ không! Phan Đăng cảm nhận chính xác đấy. Chữ khắc khoải là đúng đấy. Rất đúng! Nói chính xác ra thì có 4 chữ “K” là: khao khát, khắc khoải. Có những bến bờ mình luôn khắc khoải, tưởng được chạm vào tới nơi rồi nhưng cuối cùng lại như có một cái gì đó nó chặn lại. Thế nên mới luôn luôn khắc khoải.
- Cái đích của sự khắc khoải là gì ạ?
- Là sự tận cùng của những cái mình nghĩ và mình mong muốn. Mình muốn tâm sự một ví dụ cụ thể thế này, hồi bài Hồ trên núi mới ra đời, nghe nó lạ lắm. Bây giờ nghe thì quen rồi nhưng hồi ấy nó lạ vô cùng. Ngoài Bắc đã thấy lạ, trong Nam còn thấy lạ nữa. Mình nhớ là trong Nam hồi ấy họ dùng từ “quái dị” để nói về bài này. Đây là bài mình viết cho một bộ phim tài liệu. Mình tập cho Quang Phát - người hát bài này đầu tiên đến 10 ngày mới xong. Quang Phát cũng là một người muốn đi đến tận cùng. Hai anh em tập luyện miệt mài để làm sao khi hát, Quang Phát thể hiện được đúng cái chất của Hồ trên núi. Khi bài hát của mình được các nghệ sĩ trình diễn một cách hoàn chỉnh thì hạnh phúc vô cùng. Mình từng có lần nói rằng sẵn sàng mất đi 1 ngón chân để đổi lại, ca sĩ hát trọn vẹn được 1 từ trong 1 câu, trong 1 bài hát của mình. Thèm như vậy lắm lắm. Sau này có người bảo mình là đừng cầu toàn như thế, trong cuộc đời và trong nghệ thuật không bao giờ có cái tuyệt đối cả. Nhưng, tính mình nó thế, cứ ao ước như thế. Biết làm sao được.
- Vậy thì cái cảm giác nghe các ca sĩ làm khác bài của mình, hát khác so với mình nghĩ, chắc nó khủng khiếp lắm, phải không chú?
- Mình không muốn nói cụ thể nhưng kể ra cũng có một vài người nhân danh sáng tạo để làm khác bài hát của mình đi. Có những câu, những đoạn, những nốt mình tập cho họ nhưng tập mãi vẫn không được. Sau đó, họ bảo mình là “cứ để em sáng tạo” nhưng thực ra cái sáng tạo trong trường hợp này lại làm đơn giản hóa bài hát. Những lúc đấy, mình đau xót lắm. Cho nên nói thật là có những bài hát, những băng hát mà bây giờ mình tuyệt đối không nghe lại. Nghe lại chán lắm. Mình bị cái bệnh ấy.
- Trong rất nhiều ca sĩ hát nhạc Phó Đức Phương, chú khoái ai nhất?
- Cũng còn tùy từng bài và tùy hoàn cảnh mà ở đó ca sĩ có thể dành hết tâm sức cho một bài hát hay không. Bây giờ, đột nhiên mà nói 1-2 trường hợp thì cũng có thể phiến diện. Nhưng, xem nào, phải nói là người mình nể nhất, người hát những bài của mình một cách sâu sắc chính là Tùng Dương. Những bài như Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân, Tùng Dương hát sâu lắm. Khi tập bài hát cho ca sĩ khác, ví dụ mình mất 10 tiếng thì với Tùng Dương, chỉ cần 1 tiếng thôi. Dương thông minh, sâu sắc lắm.
- Và phiêu nữa?
- Phiêu! Đúng rồi! Phiêu!
- Còn với các nhạc sĩ thì sao? Chú thích các nhạc sĩ nào?
- Mình thích Trịnh Công Sơn. Một thế kỷ mới có một gương mặt nổi lên như thế. Vậy thì mình bị trói buộc bởi cái gì mà không thích, không kính nể?
- Chú hay nghe nhạc Trịnh khi nào?
- Khi mình đang yêu. Có thể nói là đang lúng túng và đang thất tình. Sau này, nghe nhạc Trịnh, mình rút ra những triết lý về đời sống, đặc biệt là vai trò của một cá nhân trong xã hội.
- Đã bao giờ chú tưởng tượng xem, trong cuộc đời này, nếu không là nhạc sĩ thì chú sẽ làm nghề gì?
- Câu hỏi này làm mình nhớ đến một lần nói chuyện với nhạc sĩ Doãn Nho, một bậc đàn anh trong nghề. Anh Doãn Nho hỏi: “Này, điều gì khiến cậu bỏ tất cả những cái sung sướng của một anh sáng tác để đi làm những vấn đề về tác quyền?”. Câu hỏi của bậc đàn anh vừa quan tâm đến mình, vừa có một cái gì đó nghi ngại cho công việc bảo vệ tác quyền của mình. Mình trả lời rằng: “Đó là cảm giác muốn chinh phục”. Thật sự mình tự thấy là rất muốn chinh phục. Chinh phục được một cái gì đó, đạt được một cái gì đó rồi đem về khoe bạn bè, người thân, mình thích như thế đấy. Cho nên, nếu không làm nhạc sĩ có khi mình sẽ làm một công việc gì đấy liên quan đến chinh phục. Một nhà leo núi chẳng hạn (cười...). Tất nhiên, khi ấy thì phải tập luyện thể lực thật bài bản kỹ càng.
- (Cũng cười...). Vậy còn việc chinh phục những bóng hồng thì sao ạ? Nhạc sĩ Phó Đức Phương có giỏi chinh phục những bóng hồng hay không?
- Không! Mình là người luôn thất bại trong tình trường. Cho nên nghe nhạc mình, Phan Đăng mới thấy cái cảm giác khắc khoải đó thôi.
- Một người tài hoa mà lại thất bại trong tình trường ư?
- Đúng thế đấy! Thất bại mà.
- Cháu đưa câu này lên báo có được không ạ?
- Được! Phan Đăng cứ đưa thoải mái. Mình nói thật. Mình không biết diễn mà.
- Xin chân thành cảm ơn nhạc sĩ Phó Đức Phương!
Là một người Việt Nam đậm đà “Cái hồn dân gian đã trở thành máu thịt, thành hơi thở trong mình. Dân ca Việt Nam là tâm hồn của người Việt Nam. Và, mình nghĩ rằng những năm tháng trai trẻ lăn lộn đã giúp thấm đẫm chất liệu dân gian ấy, cái tâm hồn ấy. Nó thấm đến mức bây giờ mình viết thì nó tự ra như thế. Mình cũng không phải cố cắt nghĩa rằng nó là làn điệu dân gian nào, thuộc vùng nào. Không! Mình không bao giờ cắt nghĩa như thế cả. Nó cứ tự tuôn ra thôi. Với ngữ cảnh ấy, tâm hồn ấy thì nó tất yếu phải như thế. Mình nghĩ rằng, mình là người Việt Nam đậm đà”. |
Là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly - Trong đêm nhạc tổ chức vào ngày 10-7, tại sao chú lại lấy tên là “Khúc hát phiêu ly”? Bài hát này có ý nghĩa đặc biệt gì? - Bài Khúc hát phiêu ly, mình nhập vào anh Trương Chi để viết, vì sau khi ngẫm ngợi, thấy số phận mình cũng giống anh Trương Chi. “Là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly/ Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi...”. Tức là thôi, mình cứ yên cái phận của mình. Cũng buồn, cũng chạnh lòng đấy. Nhưng, cũng đầy tự trọng nhé: Ta hát khúc hát của mình, không cần cô Mỵ Nương nào nghe và khen cả. Đây là một trong vài bài hiếm hoi không ai đặt hàng mình cả. Mình viết do tự nhu cầu bên trong. - Sao chú lại ví mình như Trương Chi? - Mình là người dang dở. Dù rằng có làm được cũng khá nhiều điều nhưng cuộc đời vẫn còn dang dở nhiều lắm. Hay là mình tham lam quá chăng? Nhưng, vẫn thấy mình dang dở lắm. Còn nhiều điều chưa làm được lắm. Mà sau này khỏe, mình sẽ viết tiếp một phần nữa về Trương Chi. Nó có thể sẽ là một chùm tứ bình về Trương Chi. Mình nhập cuộc một cách tối đa để viết. Chắc chắn khi khỏe lại, mình sẽ viết. |