Nhà thơ Vũ Quần Phương: Cái gì mua được là người ta bán!

Thứ Ba, 03/12/2019, 12:54
Văn học nghệ thuật là nhu cầu mà nhân loại không bao giờ bỏ nó được đâu. Cần phải hiểu thơ ở đây không chỉ tồn tại trong những hệ thống ngôn ngữ, trong cái mà chúng ta định danh là "bài thơ" mà còn tồn tại ở nhiều phương diện khác nữa, như điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc, kiến trúc... Có thể gọi đấy là cái chất thơ của đời sống.

Nếu một ngày không còn thi ca nữa? Nếu một ngày không còn ai yêu thơ nữa? Nếu một ngày, trên một toa tàu chạy từ một thành phố đến một thành phố, tất cả hành khách chỉ cúi mặt vào điện thoại thông minh, xem chỉ số chứng khoán, chứ không có bất cứ ai nghĩ đến một vần thơ? Nếu tất cả những cái "nếu" ấy xảy ra thì trái đất vẫn quay và mặt trời vẫn mọc nhưng ở trên trái đất, dưới ánh mặt trời, chúng ta rồi sẽ ứng xử như thế nào với nhau? Đấy là một chuỗi những ý nghĩ cứ bay bay trong đầu tôi thời gian gần đây và khiến tôi mất ngủ.

Chẳng biết có phải nó là một sản phẩm tinh thần - một khắc khoải tâm trí sau khi tôi rơi vào trạng thái bội thực trong cái guồng quay thực dụng của đời sống đương đại hay không, chỉ biết rằng tôi muốn tìm một ai đó để chia sẻ.

Đúng lúc ấy tôi tình cờ gặp thi sĩ Vũ Quần Phương, một trưởng lão trong nền thi ca Việt Nam đương thời, một người đã ở tuổi ngoại bát tuần mà vẫn giữ được trí nhớ đáng ngưỡng mộ và luôn có những suy ngẫm sâu sắc về mọi phương diện của đời sống văn chương.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, nếu tôi nói rằng thi ca giống như một đứa con lạc loài trong đời sống hiện đại hôm nay thì ông nghĩ sao?

- Nhà thơ Vũ Quần Phương: Văn học nghệ thuật là nhu cầu mà nhân loại không bao giờ bỏ nó được đâu. Cần phải hiểu thơ ở đây không chỉ tồn tại trong những hệ thống ngôn ngữ, trong cái mà chúng ta định danh là "bài thơ" mà còn tồn tại ở nhiều phương diện khác nữa, như điện ảnh, âm nhạc,  điêu khắc, kiến trúc... Có thể gọi đấy là cái chất thơ của đời sống.

Cái chất thơ ấy là một yếu tố phi vật chất nhưng người ta luôn cảm nhận được nó và có thể rung động trước nó. Tôi lấy ví dụ như ở Barcelona (Tây Ban Nha), ông Antonio Gaudi để lại những tòa kiến trúc không có đường thẳng, chỉ có đường cong. Khi trao bằng kiến trúc sư cho ông ấy thì một vị hiệu trưởng đã bảo: hôm nay có thể chúng ta trao bằng cho một thiên tài mà cũng có thể trao nó cho một thằng điên. Cuối cùng thì ông ấy chết như một người vô gia cư, đến vài hôm sau mới xác nhận được. Nhưng, cuối cùng, ông ấy để lại hơn chục công trình thì có đến 7 được xếp vào hàng di sản thế giới.

Nói như vậy để thấy hình thức của văn học nghệ thuật rất biến động. Số phận của những tác phẩm nghệ thuật cũng rất biến động. Thành thử, không dễ nhìn vào một hiện thực, trong một giai đoạn để kết luận việc nó có thật sự lạc loài hay không.

- Tôi rất thích góc nhìn của ông. Bởi đúng là trong một thời điểm nào đấy của hiện thực, có thể giá trị của những bài thơ tạm lắng xuống nhưng chất thơ trong đời sống thì mãi còn. Nhưng chúng ta sẽ không nói chung chung đến "chất thơ" nữa, chúng ta nói cụ thể về thơ ca trong tư cách là một sản phẩm ngôn ngữ được không? Ông thấy nhân loại hơn một thế kỷ qua đã ứng xử với cái sản phẩm ngôn ngữ này ra sao?

- Ở thế kỷ 20 có một cơn hoảng hốt của các nhà khoa học xã hội trước những phát hiện như vũ bão của khoa học tự nhiên. Chính từ cơn hốt hoảng của các nhà khoa học xã hội mà đã nảy sinh ra nhiều vấn đề, ví dụ ở Việt Nam ta có những cặp như phê bình - phản phê bình, thơ - phản thơ...

Phản phê bình là cái gì? Phản thơ là cái gì? Chữ "phản" ấy theo tôi được lấy từ khoa học tự nhiên sang. Trong toán học, có số thực thì cũng có số ảo, có số dương thì cũng có số âm. Thế thì trong khoa học xã hội, có thơ thì cũng sẽ có phản thơ.

Một ví dụ khác, trong vật lý, ông Stephen Hawking nói đến "hố đen" của vũ trụ thì ở trong lĩnh vực phê bình nghệ thuật, người ta cũng muốn tạo ra một "hố đen" nào đó trên trận địa của mình chăng? Tức là có nhiều thứ khoa học xã hội mô phỏng lại khoa học tự nhiên, được gợi ý từ khoa học tự nhiên. Nó thể hiện rất rõ một cơn khủng hoảng của những nhà khoa học xã hội.

- Tất cả chúng ta đều hiểu là hai ngành khoa học này có nhiều điểm rất khác về bản chất?

- Đúng rồi, có nhiều cái khác. Trong khoa học xã hội, khi ta đọc một vở bi kịch thời cổ Hy Lạp - La Mã chẳng hạn, ta thấy những tình cảm từ thời ấy đến thời của mình về cơ bản vẫn vậy. Cũng là những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau.

Tất nhiên cái khổ đau của thời ấy và khổ đau của thời nay nó khác nhau nhưng mô-típ chung thì vẫn vậy. Khoa học tự nhiên thì khác, trong khoa học tự nhiên, cái sau phủ định cái trước, vượt xa hơn cái trước. Thành thử, khi thấy khoa học tự nhiên đi như thế, những nhà khoa học xã hội hốt hoảng, luống cuống là cũng có lý do. Bạn thử hình dung, việc tìm ra máy tính liệu có khác gì việc ngày xưa người ta tìm ra lửa không? Tìm ra lửa, người ta đang ăn đồ sống bỗng được ăn đồ chín.

Tất nhiên, cũng vì tìm ra lửa mà sau đó sẽ có cháy làng cháy xóm. Thì bây giờ cũng thế thôi, việc phát minh ra máy tính có mặt được mà cũng có mặt chưa được trong đời sống con người. Những phát minh như thế thậm chí bây giờ đã xâm lấn trực tiếp vào cả trận địa văn chương.

- Bên khoa học tự nhiên bây giờ đã là thời kỳ của trí tuệ nhân tạo (AI) và sẽ thế nào nhỉ, nếu một ngày nào đó, AI cũng làm thơ?

- Trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể sắp xếp ngôn ngữ thành một mô hình - một bài thơ chứ và nó có thể làm những bài thơ hay hơn cả thơ của những nhà thơ trung bình. Ví dụ như thơ cổ động, thơ ca ngợi, tôi nghĩ trí tuệ nhân tạo có thể chắt lọc lại những mối liên kết ý tứ từ những bài thơ cổ động đã có, tạo ra những mô hình chuẩn, từ đó làm ra những bài thơ hay hơn cả những bài thơ cổ động của con người. Nhưng, có thể thơ tán gái thì trí tuệ nhân tạo sẽ chịu thua con người vì bây giờ có thể có anh tán gái theo một cách rất mới, khác hoàn toàn với cách tán gái của những anh trước đó, nên trí tuệ nhân tạo chưa học hỏi, sao chép, mô hình hóa ngay được.

- Chúng ta vừa nói những chuyện rất vĩ mô, mang tính toàn cầu, đó là sự thụt lùi, hốt hoảng tất yếu của khoa học xã hội nói chung và thơ ca nghệ thuật nói riêng trong sự so sánh với khoa học tự nhiên. Bây giờ chúng ta sẽ nói cụ thể về vấn đề thơ ca ở Việt Nam mình, nơi mà tôi biết chắc là nhà thơ Vũ Quần Phương có những am hiểu sâu sắc. Sự mất giá của thơ ca Việt Nam hiện nay, ngoại trừ những lý do tất yếu mang tính toàn cầu như ông vừa nói thì theo ông còn có những lý do gì mang tính chủ quan của chúng ta không? Tôi lấy ví dụ: Có phải các nhà thơ bây giờ kém tài các nhà thơ lớp trước hay không? Hay tại thời đại này chưa có ra những đơn đặt hàng tâm hồn đủ lớn để tạo ra những nhà thơ lớn?

- Ta thì đang ở thời kỳ giáp hạt, tức là lúa mùa cũ thì ăn hết rồi mà lúa mùa mới thì chưa chín, cho nên nó có một khoảng trống. Cái tính chất giáp hạt này là tính chất chung của xã hội chứ không chỉ là đặc thù riêng của thơ ca.

Nhìn ra xã hội, tôi lấy ví dụ luật đất đai của chúng ta áp dụng theo đúng nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, tức là sở hữu toàn dân nhưng trong thực tế, với guồng quay thị trường thì có đôi lúc chúng ta thấy nó chưa chắc đã thuộc về toàn dân mà lại thuộc về một nhóm nhỏ nào đó có quyền ở trong dân.

Đó là thời giáp hạt trong xã hội, còn thời giáp hạt trong văn chương cũng khiến văn chương khác đi nhiều lắm. Bốn chục năm trước, một buổi tiếng thơ dội lên trên toa tàu hỏa, cả toa im phắc ngồi nghe từ cái bán dẫn xách tay của một ông nào đó. Bây giờ thì chắc chắn không còn thế nữa. Tại sao?

Theo tôi, đây là thời kỳ mà văn chương chúng ta đang ở vào dạng "dở nọ dở kia". Chính cái trạng thái "dở nọ dở kia" tạo ra hàng loạt những hỗn loạn mà cái hỗn loạn đầu tiên là giờ ai cũng có thể trở thành nhà thơ, ai cũng có thể trở thành diễn giả. Ban đầu, sự lạm phát ấy vẫn được xã hội trọng thị nhưng sau nó khiến người ta sợ hãi.

Ngày xưa, mỗi tháng người ta thường mời các ông như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân đến nói chuyện văn chương một lần, các ông ấy có cái uy văn chương đã đành mà cái thực lực cũng có nên người ta nghe say đắm, không thu hoạch được cái nọ cũng thu hoạch được cái kia. Giờ thì hàng loạt những bác nhàn nhạt thi nhau đăng đàn. Bị nghe nhiều, nghe nhàm, người ta chán là đúng chứ.

- (Cười...). Có vẻ như bây giờ chúng ta đang ở thời kỳ lạm phát các nhà thơ. Ai cũng có thể trở thành nhà thơ thì phải?

- Tôi ước lượng tổng số nhà thơ của ta giờ gấp khoảng 1.000 lần trước nhưng độc giả của chúng ta thì giảm cỡ 100 lần so với trước. Cái này đúng quy luật thôi, cái gì nhiều người làm quá mà làm dễ dãi quá thì tất yếu nó đi xuống. Tôi nói thật, bây giờ trong văn học nghệ thuật, thứ phẩm tung ra bán như chính phẩm.

- Vàng thau lẫn lộn, hỗn loạn trường đua?

- (Gật đầu). Thành thử chúng ta phải giải quyết cho được chuyện này. Không thể giải quyết bằng cách cấm người ta làm thơ, hay hạn chế người ta làm thơ được mà phải phân loại để người đọc thơ/mua thơ biết đâu là chính phẩm, đâu là thứ phẩm.

- Phân loại một miếng thịt thì dễ chứ phân loại những nhà thơ/những tập thơ/những bài thơ thì khó như tìm đường lên trời vậy.

- Chỗ này thì mình nên học các nước tư bản. Ở các nước tư bản, ai cũng có quyền làm thơ. Có người làm thơ tặng bố mẹ, có người làm thơ tặng bạn bè, có người làm thơ tặng nhân viên, nói chung là thoải mái. Nhưng thứ phẩm và chính phẩm luôn có sự phân biệt bằng giá cả. Tức là một tác phẩm ban đầu in ra, bán theo giá thông thường nhưng giả như sau đó tác phẩm được giải, thí dụ giải Gông - Cua ở Pháp thì khi tái bản nó lập tức sẽ được bán giá cao gấp nhiều lần. Tức là người ta phân chia giá trị tác phẩm bằng giá bán ra. Ngoài ra còn bằng danh tính nhà xuất bản nữa.

- Tôi nghĩ, một tập thơ đoạt giải ở mình bây giờ mà bán giá rẻ e là cũng khó có người mua chứ đừng nói đến việc bán giá cao. Áp dụng phương pháp này có khi không ổn, thưa ông!

- Ồ, thế thì anh phải xem lại cái giải của anh nó đã chất lượng chưa. Nếu nó thật sự chất lượng, tôi nghĩ vẫn bán được. Chỉ có điều, ở ta bây giờ tôi thấy bất cứ cái gì có người cần mua là người ta tìm ra kiểu bán, bán hết. Từ chức vụ, giải thưởng, uy tín..., cái gì người ta cũng mua - bán được. Cái anh quản đáy sông thì bán cát, anh quản mặt sông thì bán nước, anh ở trên bờ thì bán đất. Anh nào cũng tìm được chỗ bán của mình cả. Đến kết nạp hội viên người ta còn nghi ngờ có chuyện mua - bán nữa là.

- Nghi ngờ mua - bán?

- Thì người ta nghi ngờ là có người đôi khi lại bán những bài thơ của mình cho một ai đó để người ấy đủ tiêu chuẩn vào hội. Hoặc vận động, xin xỏ. Cũng thảm lắm!

- Chỉ nghi ngờ thế thôi chứ chưa có bằng chứng phải không ạ? Mà bàn về chuyện nghi ngờ, không có bằng chứng cụ thể, chính xác thì vô cùng lắm.

- Nếu bảo bằng chứng thì đúng là không có bằng chứng mà có cũng chả nên nói nhưng dân trong nghề, đọc là biết ngay. Ví dụ, có những người làm thơ vốn rất ngu ngơ, vụng về nhưng tự nhiên lại có một loạt bài đọc nghe rất kỹ xảo. Thế là chúng tôi biết có trò mèo ở đây rồi.

- Như vậy, vẫn chỉ là nghi ngờ, không có bằng chứng cụ thể, rõ ràng, ông nhỉ. Nói thật, tôi là người duy lí, ít khi tin vào những chuyện nghi ngờ lắm. Nhưng dẫu sao, tôi cũng hiểu và tôn trọng góc nhìn của một người trong cuộc như ông. Vậy là ông đã đề cập đến hai thứ hỗn loạn trong đời sống thơ ca đương đại, đó là hỗn loạn về thành phần (nhà thơ) và hỗn loạn về giá trị tác phẩm. Tôi thì luôn nghĩ thơ ca xưa nay không chỉ là thế giới riêng của những nhà thơ mà luôn có sức tác động ghê gớm lên tâm hồn xã hội. Đọc một câu thơ hay, đôi khi người ta muốn sống đẹp hơn. Đọc một câu thơ ủ rũ, vào đúng lúc tuyệt vọng, đôi khi người ta muốn ra sông Hồng tự tử. Thế thì sự hỗn loạn thơ ca như ông vừa nói sẽ tạo ra những tổn thương gì tới tâm hồn xã hội?

- Có tổn thương chứ. Nó khiến người ta bớt sâu sắc đi. Thậm chí có thể hành động loạn chuẩn về mặt nhân cách. Tôi lấy ví dụ như cách tôn sùng thần tượng của một bộ phận giới trẻ, tôi cho rằng chuyện thần tượng là bình thường, nhưng thần tượng đến mức khiến một nhóm bạn trẻ chạy lên hôn cái mặt ghế mà thần tượng của mình vừa ngồi thì rõ ràng không đẹp, không chấp nhận được.

Trở lại với chuyện hỗn loạn trong văn chương, tóm lại theo tôi mình phải nhìn hơi phức tạp một chút chứ không nhìn một chiều, đơn giản được đâu. Nhiều người yêu thơ, nhiều người làm thơ trước hết cứ phải mừng đã vì đông hơn bao giờ cũng vui hơn. Nhưng lại phải quy hoạch cái đông ấy. Yêu thơ để trở thành một tác giả, hay để biết thưởng thức thơ, biết khai thác cái hay, cái đẹp của văn chương, biết ghi lại tâm trạng mình như lưu giữ một kỉ niệm? Muốn thế phải chịu đọc.

Tôi quan sát thấy các "thi huynh thi hữu" rất ngại làm độc giả, chỉ thích làm tác giả. Đấy là 2 con đường rất khác nhau mà những người có trách nhiệm với nền văn học phải hướng dẫn một cách từ tốn, ôn hòa đến mức người ta không nhận ra được đấy là sự hướng dẫn. Không có sự hướng dẫn, quy hoạch như vậy thì khi làm thơ, ai cũng tưởng mình sẽ trở thành Nguyễn Du thì chết.

- Mà giấc mộng được trở thành Nguyễn Du ở thời đại mình, suy cho cùng cũng là một giấc mộng chính đáng của mọi người làm thơ.

- Thì đúng rồi. Tôi nghe họ nói thì thấy cũng có lý lắm nhé. Họ nói rằng, hậu thế có thể quên nhiều ông vua nhưng Nguyễn Du thì không. Thành thử có năng khiếu một chút thì họ đều mơ cái đích Nguyễn Du cả, cho dù giữa họ và Nguyễn Du còn cách nhau xa lắm.

Có nhiều người phấn đấu từ trưởng phòng lên đến thành viên chính phủ, lâu lắm. Nhưng biết đâu chỉ nhờ một bài thơ mà hôm nay mình là mình, mai mình có thể là Nguyễn Du. Thế cho nên, những người bắt đầu làm thơ suy cho cùng đều có một hoài bão mà đã là hoài bão thì không nên phê phán người ta là hiện thực hay không hiện thực. Đã là mơ ước thì phải cho người ta cái phi hiện thực chứ. Hiện thực thì còn gọi gì là mơ ước nữa.

Cho nên, một mặt ta phải hoan nghênh họ nhưng mặc khác, đứng về phương diện xã hội học, lại phải có sự hướng dẫn để họ biết được làm thơ để trở thành một tác giả và làm thơ vì đơn giản là người biết khai thác vẻ đẹp của văn chương là hai thứ rất khác nhau. Một cái bút máy thứ phẩm, bán rẻ người ta vẫn viết được. Còn một tập thơ dở, đọc xong thì mới biết là dở, mà đọc xong thì lấy mất thời gian của độc giả rồi. Thế nên, những người có trách nhiệm phải làm được công việc định hướng để cứu độc giả của mình, giúp độc giả không bị mất thì giờ vào những cái thứ phẩm.

(Nói tới chỗ này, nhà thơ Vũ Quần Phương liền chỉ vào gầm bàn làm việc của mình và chia sẻ: Đây, những đầu sách tôi để ở dưới kia đều là những sách tôi đọc hết cả rồi. Nhưng, tôi thấy không khai thác được, tôi đặt dưới gầm, mỗi lần cô giúp việc đến, tôi tặng để có thể cô ấy đi bán sách cũ. Mà tôi phải làm một con dấu "Vũ Quần Phương tặng lại" đóng vào những cuốn sách kiểu này. Tôi giữ khoảng 1 năm rồi mới đóng dấu này bên cạnh lời đề tặng của họ rồi tặng lại người khác. Nó chứng tỏ là tôi không vứt đi, không bán ra đồng nát. Còn giữ thì tôi cũng chẳng giữ được, nhà tôi chật, làm sao mà giữ hết được. Mà người ta tặng những quyển như thế này nhiều lắm, mỗi lần đi họp, tôi toàn phải mang ba lô đi đựng).

- Như vậy là ông đã tự phân loại các tác phẩm trong nhà mình, để quyết định xem rốt cuộc giữ cái gì và tặng lại cái gì. Nhìn rộng ra, việc phân loại các nhà thơ, phân loại các tác phẩm phải thuộc về Hội Nhà văn, đúng không ạ?

- Đúng rồi! Trách nhiệm phân loại của Hội Nhà văn.

- Ông từng làm Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam tới 2 khóa và 2 khóa làm ủy viên. Trong những năm ấy, ông đã làm gì để phân loại?

- Tôi cũng có ý kiến đề xuất và cũng đều phân loại như thế cả. Nhưng rồi cũng chỉ được một phần. Có lần tôi bảo với một cậu em rất thân trong hội đồng rằng: Có ông nọ bà kia làm thơ rất được, sao không kết nạp vào hội? Cậu em này trả lời là: Em làm sao mà nhớ được! Tôi hỏi lại: Mày làm hội đồng thơ, mày phải đọc, ghi chép để nhớ chứ. Cậu ấy liền trả lời rất thật: Em chỉ nhớ những ai nhớ đến em thôi. Mình rất quý sự thành thật của cậu ấy và cậu ấy nói thế cũng rất là con người. Cậu ấy thân cận với mình lắm thì mới nói như thế chứ. Nhưng nghe đến đấy mình cũng chỉ im lặng thôi vì mình cũng chưa thể tìm ra giải pháp.

- Tôi vẫn muốn hỏi, hồi ông còn làm ở Hội đồng Thơ, đã có ai đến nhờ vả ông chưa?

- Tôi có mấy đàn anh là giáo sư ở ngành y, cũng muốn xin vào hội, tôi phải nói: "Em thấy những người đứng đắn lúc này không vào hội". Vì ông ấy mà muốn vào thì mình phải giúp nhưng nếu cố giúp thì mình thấy không hay. Tôi còn phải nói thêm: "Anh vào hội làm gì, người ta coi thường cho". Ngày xưa thường chỉ kết nạp 1-2 người/ đợt, còn giờ thì vài chục người/1 đợt/1 năm. Mà bây giờ người ta còn gọi là "mùa vào hội". Cứ đến mùa là lại xuất hiện cả những loại người gọi là "cò hội". Tức là cậu đang yên đang lành thế này, tự nhiên có người xui cậu vào hội, cậu không có thơ đủ chuẩn thì cò giúp. (Cười...).

- Ai cũng biết hai con trai nhà thơ Vũ Quần Phương, một người đang làm việc ở thung lũng Silicon, một người dạy toán ở Đại học Yale (Mỹ) - giáo sư Vũ Hà Văn. Rất nhiều lần tôi tò mò, khi hai con còn nhỏ, ông đã bao giờ muốn một trong hai người làm nhà thơ chưa?

- Thời Vũ Hà Văn học cấp 2, cô giáo Trịnh Bích Ba, dạy cháu môn văn có khuyên tôi cho cháu đi học chuyên văn nhưng tôi lại cho đi học toán vì từ bé tôi đã thích toán. Mà toán học thì nó có đáp số chứ văn chương thì vô cùng lắm. Ngoài ra, tôi nhìn mọi thứ xung quanh mình và cứ có cảm tưởng trong lòng rằng dường như văn chương đích thực nó không phải như thế này.

- Ông nói cụ thể hơn!

- Hồi đó người ta cấm văn học lãng mạn, tức là cấm những thứ giá trị làm nên những Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... Trong những lúc riêng tư, ông Xuân Diệu cũng nói với tôi rằng: Bây giờ các cậu không phải là người sắp xếp chúng tớ ngồi chỗ nào đâu, còn sắp xếp lại nhiều lần nữa. Tức là các ông ấy tin rằng còn những khung giá trị khác nữa chứ không vội tin ngay vào những sắp xếp đương thời. Một lần Xuân Diệu bảo tôi: Lúc nào Phương rảnh, đến đây, mình đưa cậu đọc một số bài và sẽ nói những câu chuyện phía sau mỗi bài thơ đó. Phương viết thành một quyển sách. Xuân Diệu nhấn mạnh: Bây giờ họ chưa in đâu nhưng mình chết rồi, họ in đấy. Nghe mà thấy tội nghiệp. Vì thời ấy viết sách về một nhân vật là khó được in lắm. Ông Nguyên Hồng viết quyển hồi ký Một tuổi thơ văn, có ông lãnh đạo còn bảo: Ông ấy là gì mà dám viết tiểu sử của ông ấy? Chúng tôi còn chưa dám viết về mình đây! Cho nên, giờ mỗi lần nghĩ lại câu của Xuân Diệu "Mình chết rồi, họ in đấy", thấy thương.

- Nhưng, suy cho cùng thì thơ ca, nghệ thuật đôi khi nó là như vậy. Cũng giống như câu chuyện của nhà điêu khắc Gaudi mà ông nói đến ở đầu cuộc đối thoại này, rằng lúc sống thì chẳng được coi trọng nhưng lúc chết thì bỗng hóa thiên tài. Cá nhân tôi nghĩ, một khi đã sống cho những thứ giá trị đích thực thì cũng chẳng cần quá quan tâm đến những nhận xét/thị phi/sắp xếp của người đương thời làm gì. Cứ lặng lẽ mà sáng tạo thôi. Nếu ông cũng đồng tình với cách nhìn này, ông có thể chia sẻ xem hiện nay, ông có thấy những nhà văn Việt Nam nào đi theo lối này không?

- Có! Tôi vẫn luôn nhìn thấy một số người trẻ không lao vào những tranh cãi, ồn ào đám đông. Họ trầm lặng, chín chắn. Ví dụ rõ nhất là Nguyễn Ngọc Tư, còn nhiều bạn nữa. Có người, còn không lai vãng gì tới cõi văn chương nhưng tôi đọc thấy họ nhìn đời sâu sắc, như Phan Việt chẳng hạn.

- Và chính những con người như thế sẽ nuôi dưỡng những vẻ đẹp chân xác cho nền văn học của chúng ta. Tức là chúng ta vẫn có chỗ để mà hy vọng?

- (Gật đầu)!

- Xin cảm ơn nhà thơ!

-------------------------------------

* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.