Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Từ bao giờ, chúng ta đã cất đi những giấc mơ?
- Nguyễn Quang Thiều: Kẻ đa tài
- Ngọn lửa Nguyễn Quang Thiều
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hai thú đam mê ngoài thế giới văn chương
- Alô, chú có đang ở Hà Nội không ạ?
- À, tôi đang ở Hà Đông.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã trả lời như thế khi đột nhiên bị tôi "truy kích" để mời tham gia cuộc đối thoại này - cú "truy kích" mà tôi biết là ông không thích, nhưng vì nể "thằng hậu sinh lắm chuyện, lại dai như đỉa đói" mà cuối cùng không nỡ chối từ. Cách trả lời của ông cho tôi một cảm giác rằng với ông, Hà Đông cứ như một vùng riêng, một cõi riêng, chứ không phải là một phần của Hà Nội. Và cuộc đối thoại của chúng tôi bắt đầu từ chính chi tiết này.
Đầy thực đơn thể xác, vắng thực đơn tâm hồn
- Nhà báo Phan Đăng: Trong tâm thế của mình, hình như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn muốn giữ một Hà Đông thật riêng, thật khác biệt, chứ không phải một Hà Đông - Hà Nội như trên bản đồ hành chính hiện nay?
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đúng đấy! Vì Hà Đông xưa có đặc trưng riêng của nó. Chỉ một bước chân thôi là từ Hà Đông đã sang Hà Nội, và bước chân ấy tạo ra một biên giới rất mơ hồ nhưng lại rất khác biệt. Tôi nhớ cảnh người Hà Đông xưa phơi rơm vào cả phố, tạo ra một cảm giác nửa phố nửa làng. Ở Hà Đông xưa, người ta có thể nằm trong ngôi nhà ba tầng mà nghe thấy gà gáy, chó sủa, gió từ những cánh đồng...
Tôi sinh ra ở Ứng Hoà - Hà Tây, nhưng bố tôi, chị tôi làm việc ở Hà Đông, nên tôi gắn bó với thị xã này từ nhỏ. Mối tình đầu cũng ở Hà Đông, và sau này cũng lấy vợ Hà Đông. Có lẽ vì thế mà một Hà Đông xưa, đặc trưng và riêng biệt cứ giữ mình lại, níu mình lại đến tận bây giờ.
Tôi đang viết cuốn sách mang tên Kẻ mộng du kể về một kẻ ban ngày sống trong một đời sống với bêtông, nhà cao tầng, đường phố ồn ào, ban đêm kẻ ấy chui vào giấc mơ của mình, tìm về một Hà Đông xưa cũ.
- Trong giấc mơ, kẻ mộng du thấy gì, thưa ông?
- Kẻ ấy thấy lại những âm thanh nho nhỏ mà da diết: tiếng xích lô, tiếng tàu điện, tiếng rao đêm, tiếng sôi của những nồi nước trong tổ phục vụ... Và khi thị xã lên đèn vào buổi tối, loa phát thanh của thị xã vang lên những bài hát mà có thể không phải những bài hát của Hà Đông, nhưng lại rất hợp với thị xã nhỏ bé ấy. Không chỉ riêng tôi đâu, rất nhiều người Hà Đông bây giờ luôn muốn tìm lại, nghe lại thứ nhạc điệu thị xã ngày xưa.
- Những nhạc điệu đáng nhớ thật, nhưng tôi trộm nghĩ "kẻ mộng du" có ích kỷ quá không ạ, vì đến thế kỷ thứ XXI rồi mà vẫn muốn được thấy một Hà Đông với những tiếng nước sôi của tổ phục vụ thì e là Hà Đông thật khó mà phát triển.
- Những gì tôi kể ra cụ thể không phải là tôi muốn giữ lại những điều ấy mà để nói về sự gìn giữ những gì thuộc về cái đẹp. Đấy chỉ là một cách nói về những yếu tố bé nhỏ, có thể là rất phụ để tạo nên một điều khác lớn lao hơn: tinh thần sống của thị xã ấy, một sự thanh bình...
- Hà Đông bây giờ không yên bình nữa?
- Bây giờ tôi thấy Hà Đông ngột ngạt, tắc đường, lộn xộn trong kiến trúc và đặc biệt quan hệ giữa người với người nhiều khi trở nên vô cảm.
- Nếu cố tìm lại tinh thần xưa thì có thể tìm ở đâu, và liệu còn có để tìm không ạ?
- Nó còn lại trong bóng dáng những con người đã sống ở Hà Đông rất lâu rồi. Ở họ vẫn chứa đựng một cách thức ấy, một tâm hồn ấy, một suy tưởng ấy. Tôi nghĩ, bất cứ một vùng đất nào cũng vậy, luôn có một di sản rất quan trọng, đó là di sản sống - di sản người. Hà Nội nói chung cũng vậy thôi, bây giờ vẫn còn những người Hà Nội giữ cho mình một cách sống Hà Nội hào hoa và lịch thiệp. Tất nhiên, bên cạnh di sản người còn có những di sản cố định khác như một ngôi đền, một ngôi nhà cổ, nhưng ở thời đại này, có lẽ chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất cả hai thứ di sản ấy.
- Hà Đông xưa chậm rãi, yên bình, Hà Đông nay bêtông hoá, ồn ào hóa, bon chen hóa, nhưng ông có nghĩ rằng đấy chẳng phải là vấn đề của riêng Hà Đông, mà là vấn đề chung của rất nhiều đô thị trong quá trình phát triển hay không?
- Hoàn toàn đúng, đó là vấn đề chung. Nhưng khi tôi đi nhiều nước trên thế giới tôi thấy mặc dù vẫn phát triển, vẫn hiện đại thì họ vẫn giữ được những vẻ đẹp truyền thống của họ. Tôi đã đến một làng ở ngoại ô Hàn Quốc. Tôi thấy những người Hàn Quốc trẻ có thể đeo khuyên ở mũi, nhuộm tóc trên đầu, dùng những thứ hiện đại về công nghệ, tin học nhưng từ cách cúi đầu chào, từ cách nâng khăn đưa cho khách, bưng trà cho khách thì vẫn là một phong cách truyền thống rất riêng của họ.
Khi ấy tôi đã nghĩ, chúng ta cũng từng có một thời như thế, một thời mà khi đón khách những đứa trẻ trong một gia đình lễ phép múc những gầu nước trong vắt, thả vào chiếc thau đồng để mời khách rửa tay. Chờ khách ăn xong, lại ngoan ngoãn mang tăm cho khách. Nhưng giờ những cái đó cứ dần dần rời xa chúng ta.
Bây giờ nhìn vào một làng quê của chúng ta, thử loại trừ một chiếc tivi, một chiếc xe máy, một chiếc tủ lạnh thì chúng ta còn gì? Có lẽ, chúng ta đã mượn rất nhiều thứ bên ngoài và đánh mất rất nhiều thứ vốn dĩ của mình rồi. Chúng ta đã ngụy biện rằng chúng ta cần hội nhập, cần phát triển, nhưng hội nhập, phát triển đến mức đánh mất mình thì ở một góc độ nào đó là một sự phát triển rồ dại. Tôi cam chắc rằng đến một ngày người Việt sẽ hối tiếc.
- Xin hỏi rất cụ thể, con của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm bao nhiêu ạ? Và những người con ấy có giữ được những ứng xử cũ như ông vừa nói hay không?
- Tôi có hai con, một đứa sinh năm 1985, một đứa sinh năm 1989. Trong mỗi bữa ăn, mỗi lần tiếp khách, bây giờ có thể chúng không múc nước, đổ vào thau đồng mời khách rửa tay như trước nữa, vì giờ chúng ta có một khu vực rửa tay hiện đại, thuận tiện hơn, nhưng cái tinh thần tiếp khách, cái lề lối ứng xử với khách thì vẫn phải giữ nguyên. Vật chất có thể thay đổi nhưng văn hóa không thể thay đổi.
- Nhưng như ông vừa nói ở trên, thực tế thời đại bây giờ dường như cả vật chất lẫn tinh thần đều thay đổi. Và ông cũng nói, chúng ta đã ngụy biện rằng đấy là điều tất yếu trong quá trình phát triển, vậy nguyên nhân thực sự của vấn đề nằm ở đâu?
- Tôi cho rằng nguyên nhân nằm ở giáo dục, mà đầu tiên chính là giáo dục gia đình. Cách đây 10 năm, tôi đã làm điều tra xã hội với một nhóm sinh viên, xem hằng ngày mỗi đứa trẻ thường nghe được điều gì trong gia đình của chúng? Kết quả thật tệ hại: 90% ngôn ngữ chúng nghe được là ngôn ngữ thực dụng. Ở đó, bố mẹ chúng chỉ bàn đến chuyện lời lãi trong làm ăn, đến chuyện phải làm gì để có thể thăng quan tiến chức, để mua được mảnh đất này, mảnh đất kia. Có nghĩa, người ta chỉ chuyên tâm tranh luận những lợi ích vật chất, chứ không quan tâm đến việc kể một câu chuyện đẹp.
Mới đây tôi xem một bộ phim của Mỹ nói về những con người đã thay phiên nhau kể những câu chuyện đẹp cho những người xung quanh. Bộ phim đặt ra một tình huống rất đáng suy ngẫm: Nếu người ta không kể những câu chuyện như thế nữa thì trái đất sẽ ngừng quay. Và có một thế lực hắc ám muốn chống lại điều này, muốn trái đất ngừng quay. Đấy, phim của Mỹ, diễn ra ở Mỹ - nơi chúng ta vẫn cho là tột cùng của chủ nghĩa thực dụng. Hoá ra người Mỹ vẫn ý thức rất rõ về sức sống của cái đẹp, của những giá trị nhân văn và thánh thiện trong đời sống.
Còn trở lại với mỗi gia đình trong xã hội chúng ta, bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng ta có cả một thực đơn dài nuôi thể xác một đứa trẻ: nào vắcxin, nào sữa, nào cơm ăn nước uống, nhưng thực đơn tâm hồn cho trẻ thì sao? Chúng ta đã quá chú trọng đến thực đơn thân xác, mà bỏ mặc thực đơn tâm hồn.
- Và những đứa trẻ ngập ngụa trong thực đơn thân xác ấy khi lớn lên, khi trở thành những bậc cha, mẹ cũng sẽ hướng con cái mình đến những điều như vậy, không khác được?
- Tôi từng nghĩ rằng trong xã hội ta có ba ngôi nhà gìn giữ giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc, đó là nhà mình, nhà trường và nhà chùa, nhưng hiện nay cả ba ngôi nhà ấy đều đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ngay cả với nhà chùa - tưởng chừng là chốn linh thiêng nhất, anh thử nghĩ xem có bao nhiêu người đến đó để thực sự sám hối trước Thần Phật? Để hướng lòng mình đến những điều nhân văn tử tế? Bây giờ, phần lớn người ta đến đó để cầu lợi cho mình và thậm chí xin Thần Phật trừng phạt kẻ khác có nguy cơ ngăn cản lợi ích của cá nhân mình.
Theo tôi, chúng ta đã và đang xây dựng rất nhiều ngôi chùa nhưng có bao giờ chúng ta hỏi là cứ với thực trạng này, những vị Bồ Tát thực sự có đến trú ngụ ở những ngôi chùa ấy hay không? Chẳng nhẽ lại phải hát lại một câu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người..."?.
Lỗi lớn nằm ở người trí thức
- Ông làm tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng của một lãnh tụ Myanmar, bà San Suu Kyi: "Đất nước chúng tôi có thể thăng trầm lúc này lúc khác, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ phát triển vì chúng tôi có một nền văn hoá Phật giáo vững vàng". Nói một cách khác, đấy là một đất nước của "quốc đạo", còn với chúng ta, trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta có thể lĩnh hội và đi theo tôn giáo này, tôn giáo khác, nhưng chưa bao giờ chúng ta là một "quốc đạo" với tất cả những ánh sáng tinh thần tối cao của đạo. Và chính điều đó đã hạn chế chúng ta phát triển một cách bền vững?
- Có hai trụ cột quan trọng để tạo dựng nên một nền văn hoá và dẫn dắt một dân tộc, đó là triết học và tôn giáo. Nhưng đúng là chúng ta đã thiếu vắng cả hai trụ cột này. Tôi thấy nhiều lúc chúng ta bảo người Việt Nam rất có đạo hiếu với cha mẹ. Dân tộc nào mà chẳng yêu cha mẹ. Cũng như thế, chúng ta nói người Việt Nam yêu nước, dân tộc nào mà chẳng yêu nước. Rồi chúng ta nói, Việt Nam yêu thơ ca, dân tộc nào cũng yêu thơ ca. Nhưng ở những dân tộc lớn, đặc biệt, họ có một tinh thần triết học và tôn giáo đúng nghĩa để phát triển tình yêu của mình một cách mãnh liệt.
- Vậy, chúng ta có thể khắc phục những điểm yếu này được không, theo ông?
- Tôi nghĩ mọi điều đều có thể khắc phục được, vấn đề là chúng ta có nhận ra điều đó hay không, nhận ra rồi có đủ ý chí và trí tuệ để thực hiện một cách bài bản, có lộ trình không. Còn đến hôm nay, khi chúng ta vẫn đang ngồi nói chuyện, bàn bạc với nhau có nghĩa là chúng ta vẫn đang loay hoay, vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì phải. Nhìn vào xã hội, ai cũng thấy sự báo động đã vang lên khắp nơi, nhưng chúng ta vẫn đang mải mê, vẫn đang loay hoay, quanh quẩn ở đâu đấy.
- Tôi có đọc một bài báo của ông kể về việc khi ông sang Na Uy và thấy một nhà báo Na Uy hỏi ông thủ tướng của nước này rằng: "Nếu không làm thủ tướng, ông có làm một người lái taxi không?". Theo phân tích của ông trong bài báo ấy thì với câu hỏi ấy, chúng ta thấy rằng ở Na Uy, vị trí của một thủ tướng với một anh lái taxi có vẻ rất bình đẳng. Tôi nghĩ, phải "đắc đạo" lắm, phải đạt tới một cảnh giới lớn lắm thì người ta mới có thể nghĩ và ứng xử theo cách ấy. Và hẳn nhiên, một xã hội mà người ta có thể nghĩ và hành động theo cách ấy là một xã hội mà tâm lý thực dụng, ngôn ngữ thực dụng không tràn ngập như ở xã hội ta bây giờ. Ông nghĩ sao ạ?
- Chúng ta từng lấy lý do là người Việt Nam phải làm giàu thật nhanh vì trước đó đã quá nghèo, phải sở hữu vật chất thật nhanh vì trước đó đã quá khổ, nhưng theo tôi tất cả những lý do đó đều vô nghĩa và phi lý tính. Bởi nếu đã xác lập được một tâm thế đúng đắn thì ngay cả khi đau khổ nhất, một con người, một dân tộc vẫn sẽ khát vọng vươn tới cái đẹp đẽ, cao thượng nhất một cách thấu hiểu nhất. Với khát vọng ấy, quần áo, địa vị, quyền chức, nghĩa là tất cả những cái bên ngoài không quyết định được hạnh phúc của họ.
- Ý ông, mấu chốt nằm ở tâm thế, chứ không ở hoàn cảnh?
- Hoàn cảnh thường không đẩy ta xuống vực thẳm mà là động lực lớn giúp ta bay lên. Mươi năm trước, tôi đã ở trong nhà sáng tác Ai-len trên một vùng đồi. Ở đó, tôi đã gặp một bông hoa nở rực rỡ trong khe núi nhiều bóng tối và giá lạnh. Và tôi suy nghĩ, nếu bông hoa ấy đòi hỏi một điều kiện ngập tràn ánh sáng và thời tiết ấm áp thì nó không thể nở như vậy trong bóng tối và giá lạnh.
Trở lại với chúng ta, tôi nghĩ mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ cần một sự tự nhận thức rõ ràng về điều này. Nếu không, ngay cả khi chúng ta có một chính sách tốt, một hoàn cảnh tốt thì chúng ta cũng không thể giải quyết tận cùng vấn đề.
- Tôi rất hiểu những điều ông nói, nhưng thưa ông nếu bảo phần lớn chúng ta phải gạt bỏ mọi sự thực dụng để cố hướng tới và xác lập một tâm thế như vậy, nơi mà cái đẹp ngự trị và chiến thắng mọi hoàn cảnh thì có viển vông, hoang đường quá không ạ? Tôi nói điều này mong ông không giận, tôi nghĩ một ý tưởng như vậy hơi phảng phất màu sắc văn chương?
- Lịch sử của chúng ta từng có những con người dám bỏ cường quyền, danh vọng về ở ẩn, có những ông vua dám bỏ ngôi vị để đi tu. Nếu chúng ta không biết đến vẻ đẹp của một bản nhạc, của một bức tranh, của một bài thơ... thì chúng ta có khác gì những con gà bới đất tìm côn trùng để ăn. Chúng ta sẽ khác những con gà ở điều gì?
- Đấy là những người rất đặc biệt, và số lượng những người như thế rất hiếm hoi. Còn trong lịch sử, số nhiều, số đông của chúng ta, theo suy nghĩ của tôi vẫn là người nông dân với tất cả những đặc điểm của nông dân. Hẳn nhiên, trong những đặc điểm đó có những điều thiêng liêng, nhưng cũng có nhiều mặt trái níu kéo sự phát triển, và theo tôi nghĩ thì đấy là sự níu kéo không hề nhỏ.
- Tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện. Ở làng tôi, các cụ bô lão là nông dân thực thụ rất muốn con cháu họ phải dựng lại cổng làng cũ bị bom đạn tàn phá. Họ nói với con cháu họ rằng không phải họ muốn dựng cổng làng bằng gạch vôi mà là dựng lại bốn chữ có trên cổng làng từ xa xưa. Bốn chữ đó là «Vọng tự nhập xuất». Theo tôi "tự" ở đây là chữ, là văn hoá, và vì thế có thể dịch là "nhìn chữ mà biết cách ra vào, ứng xử". Chỉ khi có văn hóa, con người mới biết ứng xử với cuộc đời này cho dù có những lúc họ mắc sai lầm và tội lỗi.
Khi cổng làng được dựng lại, các cụ nói đã có thể yên tâm nhắm mắt. Họ là những người nông dân, thậm chí có người chỉ ra khỏi làng một vài lần trong cuộc đời, nhưng họ đã nhìn thấy giá trị vĩnh hằng làm nên đời sống thực sự ý nghĩa của con người.
Vì vậy mặt trái của người nông dân mà anh nói đến, theo tôi chỉ nên xem là một trong những lý do, chứ không phải là lý do duy nhất, quan trọng nhất ngăn cản sự phát triển.
- Lý do quan trọng nhất nằm ở đâu?
- Nằm ở những trí thức dân tộc ấy. Cách đây chưa lâu, tôi từng hỏi một số văn nghệ sỹ, trí thức xem họ đang sống vì mục đích gì? Không ít người trả lời tôi là "cứ sống thôi, chẳng có mục đích gì". Và không ít văn nghệ sỹ, trí thức khi gặp nhau thường hỏi nhau những câu: "Đã lên xe mới chưa?", "Đã mua nhà mới chưa?"....
Trời ơi, một dân tộc mà ngay cả những trí thức, những văn nghệ sỹ - những người có nhiệm vụ đánh thức và hướng đạo tâm hồn cho xã hội còn hỏi nhau như vậy thì dân tộc ấy có thể hạnh phúc thật sự được không? Tôi nghĩ, cảm giác về hạnh phúc thì có, còn hạnh phúc thật sự thì không.
- Những văn nghệ sỹ, trí thức như ông vừa kể có nhiều không ạ?
- Không ít. Cũng có nhiều người bảo với tôi rằng không nên làm gì, vì xét cho cùng không thay đổi được gì cả. Nhưng tôi nghĩ, khi chúng ta thấy một ngôi nhà rác rưởi, chúng ta cần tìm cách dọn dẹp rác rưởi chứ. Như ở làng quê tôi thôi, khi tôi trở về để nói chuyện với người trong làng một điều gì đó, tặng họ một bài báo, một cuốn sách thì tôi tin là cũng sẽ có một thông điệp tích cực nào đó tác động tới họ.
- Vấn đề còn là sách gì nữa ông nhỉ, vì bây giờ có rất nhiều cuốn sách, có rất nhiều tác phẩm văn học hẳn hoi mà chúng ta cũng thấy là chẳng văn học chút nào. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Có phải có guồng quay thực dụng ngoài kia đã ùa vào trang văn và khiến ngay cả văn chương cũng thực dụng rồi không? Ông nghĩ gì về điều này?
- Dòng chảy nhanh, thực dụng khủng khiếp của xã hội đã cuốn những nhà văn chưa xác lập được tư tưởng của mình vào trong dòng chảy của nó, khiến họ đánh mất khả năng dừng lại, chậm lại để hiểu sâu hơn, viết sâu hơn về văn hoá và thân phận con người.
Ở đây tôi cho rằng nhiều bạn đọc bây giờ đang cố tìm kiếm những cuốn sách phục vụ cho nhu cầu thực dụng của họ, và nhiều nhà văn cũng chạy theo sự thực dụng ấy. Thực ra vấn đề này ở nước nào, nền văn học nào cũng có, nhưng những nền văn học tiến bộ thì cái đó chỉ là số ít, là đường ray phụ. Luôn tồn tại một đường ray chính là những tác phẩm manh tính nhân văn cao đẹp nhất.
- Còn đường ray chính của văn học ta bây giờ, ông có thể gọi tên nó chứ?
- Là thực dụng! Theo quan sát của tôi, trong xã hội ta bây giờ, tốc độ và nhịp đi dân chủ đang tiến theo cấp số nhân. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng nổi đến một ngày chúng ta tự do nói gần như tất cả mọi điều mình nghĩ trên facebook.
Tôi không thể tưởng tượng nổi có ngày Quốc hội chúng ta có thể bàn đến việc tổ chức một khu vực riêng dành cho những cô gái mại dâm. Và chính cái nhịp đi dân chủ đó vô tình lại tạo ra một thứ chủ nghĩa tùy tiện trong thái độ sống, trong tư tưởng viết lách của nhiều nhà văn. Rất nhiều người hoặc lầm lẫn, hoặc đánh đồng tự do, dân chủ với sự tùy tiện, vì thế viết những tác phẩm phản cảm, phi đạo đức, phi nhân tính. Ngay cả một số nhà văn lão luyện, từng đi qua cả một cuộc kháng chiến, từng viết những tác phẩm có sức đóng góp lớn lao, thế mà bây giờ lại ngồi viết những quyển sách ngôn tình tội nghiệp và tùy tiện như thế.
Tôi theo dõi nhiều tác phẩm lớn, nhiều giải Nobel trên thế giới, ngay thời hiện đại, chứ không phải ngày xưa đâu, tôi thấy ở đó vẫn toát lên những vẻ đẹp nhân văn đầy rung cảm. Nó có thể toát lên từ một nền hiện thực kinh hãi, còn ở văn chương ta bây giờ, nhiều khi tôi thấy một cảm giác kinh hãi gấp mười lần so với cái hiện thực vốn đã kinh hãi lắm rồi.
- Nhưng đây đó vẫn có những tác phẩm mới, của những tác giả mới, thật sự đẹp, thật giá trị?
- Thi thoảng tôi cũng đọc được những tác phẩm đó, và tôi xúc động. Giá trị nhân đạo trong những tác phẩm mới mẻ này mang màu sắc khác, không đơn giản là sự khóc than như trước. Tôi nghĩ, trong bất cứ thời đại nào, người cầm bút luôn phải ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tạo ra mỹ cảm cho xã hội. Đã có lúc, tôi nghĩ rằng cả trong văn chương lẫn trong đời thực, có phải chúng ta đã cất đi những câu hỏi về giấc mơ hay không? Và những nhà văn như chúng tôi có bị tâm thần không khi kêu gọi mọi người đừng cất đi như thế? Hãy tin tôi đi, còn một hạt giống còn một cánh đồng, còn một giọt nước còn một dòng sông.
Ngay cả lúc nghèo, vẫn mơ cái đẹp
- Tôi không dám nghĩ đến chuyện tâm thần hay tỉnh táo, nhưng với trường hợp của ông, tôi mạo muội nghĩ thế này: Ông có thể nói tất cả những điều trên đây, những sự thiêng liêng và đẹp đẽ vì đơn giản là ông không nghèo. Còn rất nhiều người khác trong xã hội, thậm chí rất nhiều nhà văn, rất nhiều người viết lách khác, nhiều khi cái nghèo đe dọa họ, bủa vây họ, đánh gục họ.
- Ngày xưa tôi nghèo lắm chứ. Nghèo đến mức đã từng khóc khi nằm mơ có rất nhiều tiền, và tỉnh dậy thấy sự thật không như thế. Tôi từng ở trong một ngôi nhà chẳng khác gì cái gara ôtô, có thể bị ngập lụt bất cứ lúc nào, nhưng khi ấy tôi vẫn viết về những cái đẹp.
- Những “Người đàn bà xóm trại”, “Sự mất ngủ của lửa”, “Mùa hoa cải bên sông”?
- Khi tôi viết Mùa hoa cải bên sông, nhiều đạo diễn nói rằng tôi là người đầu tiên phát hiện ra vẻ đẹp của hoa cải, và sau đó nhiều cô gái đến chụp ảnh với hoa cải nữa. Hồi tôi học cấp ba, thường phải đi qua những triền sông với những bông hoa cải vàng mướt, đẹp lạ lùng. Một loài hoa mà chúng ta dường như không để ý vẫn chứa đựng vẻ đẹp lạ lùng của nó.
- Chính hiện thực rất đẹp ấy đã nuôi dưỡng ông, giúp ông sau này luôn hướng đến cái đẹp, và viết về cái đẹp?
- Tôi từng đọc ở đâu đó rằng, giữa một đứa trẻ sống trong một thành phố đầy bêtông với một đứa trẻ sống giữa một thiên nhiên rộng lớn sẽ có những tâm hồn hoàn toàn khác biệt. Đấy là điều kiện đầu tiên. Khi chúng ta hướng về cái đẹp chúng ta sẽ tìm ra cái đẹp cả ở những nơi rác rưởi.
- Nhưng nói gì thì nói, con người không phải là Thánh. Có một khoảnh khắc nào đó ông thấy rằng so với cái thời nghèo khổ ngày xưa thì sau này, khi đã giàu hơn, vang danh hơn, dấn thấn vào nhiều quan hệ xã hội sang trọng hơn thì cũng có những lúc ông thực dụng hơn, hoặc đơn giản là sống nhanh, sống gấp hơn không ạ?
- Khi chúng ta còn mang theo thân xác thì chúng ta còn phải chịu sự thử thách của ma quỷ. Có một lần tôi trò chuyện với một Đức ngài từ Nepal sang, và tôi nói trong thân xác ngài cũng như tôi, cũng có chừng đó bóng tối, chừng đó ma quỷ, vậy ngài làm thế nào để bước qua? Tất nhiên, họ chọn con đường tu hành, còn chúng ta, trong chúng ta phải có một nền tảng nhân văn, có những điều tốt đẹp mà ông bà cha mẹ đã dạy dỗ chúng ta và tự chúng ta trang bị cho mình. Và khi sự thực dụng ập đến thì chính cái nền tảng nhân văn ấy sẽ khiến chúng ta xấu hổ.
- Ông có thể nói cụ thể một khoảnh khắc thực dụng nào đó của mình được không?
- Ví dụ có lúc tôi phải nói lời nào đó với một người nào đó để có lợi cho tôi, và sau lúc đó, tôi đã xấu hổ với chính tôi. Trong bài thơ Đoản ca về buổi tối, tôi từng viết một ý rằng khi buổi tối, ta tắt đèn đi ngủ, những người chết sẽ mượn ta để sống. Họ mượn giọng nói chúng ta, gương mặt chúng ta, xe máy chúng ta, giấy khai sinh chúng ta, thậm chí cả thẻ nhà báo của chúng ta. Người tốt mượn ta để tốt, người xấu mượn ta để xấu, người tham lam mượn ta để tham lam. Vấn đề là chúng ta phải có những khoảnh khắc biết xấu hổ để bừng tỉnh lại.
- Xin cảm ơn ông!
Sự thanh bình sau cuối... - Dạo này người ta thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rất hay vẽ tranh, và có một bức tranh của ông mà tôi ám ảnh. Bức tranh vẽ những chú chim màu tím, đậu trên những cây thánh giá, trong một nghĩa trang buồn... - À, đấy là khi nhóm họa sĩ G39 tổ chức một triển lãm với chủ đề vẽ từ những ca từ của Trịnh Công Sơn. Mỗi người chọn ca từ riêng cho mình để vẽ, tôi chọn 2 ca từ "Xin ngủ giữa vòm cây" và "Trong nghĩa trang này, có loài chim thôi". Tôi vẽ những cây thánh giá mọc lên, những con chim đang ngủ, và tất cả toát lên một sự yên bình, thanh bình lớn nhất. - Sự thanh bình, đấy là điều cuối cùng mà chúng ta cần hướng đến? - Năm ngoái, khi tôi cải táng mộ cha mẹ mình, chuyên gia phong thủy hỏi tôi muốn đặt mộ ở hướng nào, hướng để có thể thăng quan tiến chức, hướng để có thể lắm tiền nhiều của, tôi trả lời là "hướng thanh bình". Tôi muốn con cháu tôi, những thế hệ sau tôi thực sự được sống thanh bình. Có thể không bao giờ chúng ta đi đến được cõi thanh bình trọn vẹn, có thể chúng ta sẽ sống triền miên trong sự sợ hãi và thực dụng, nhưng chúng ta phải luôn khát khao hướng tới sự thanh bình. |