Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng:

Phải khơi gợi những giá trị đứt gãy, kiến tạo đội ngũ tinh hoa thực chất

Thứ Hai, 25/02/2019, 12:29
Những ngày đầu năm là thời điểm mà người ta thường nghĩ nhiều về tương lai. Đó là tương lai của mình, của gia đình mình và thiêng liêng nhất là tương lai của Tổ quốc, dân tộc mình. 


Nếu bảo để trả lời những câu hỏi lớn mang tầm triết học như "Chúng ta là ai?", "Chúng ta sẽ đi về đâu?" là quá to tát thì ít nhất người ta cũng phải viễn kiến được trong một tương lai gần, điều gì rồi sẽ xảy ra? 

Bên chén trà đầu năm, TS Nguyễn Sĩ Dũng - một trong những nhà khoa học chính trị uy tín nhất hiện nay đã dốc lòng chia sẻ với chúng tôi những điều như thế.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cá nhân tôi thấy những đau đáu về tương lai là những đau đáu cần thiết của những trí thức lành mạnh, trong một dân tộc lành mạnh. Nhưng, chính từ những nỗi niềm đau đáu như vậy mà đã nảy ra những quan điểm rất khác nhau trong việc chọn lựa những mô hình phát triển thích hợp, giúp cho khoảng cách đến tương lai là gần nhất. Là một người nhiều năm trong cơ quan lập pháp, chắc chắn ông thấy rõ điều này?

- Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Quả đúng như vậy, lựa chọn mô hình phát triển là một trong những lựa chọn hệ trọng nhất nhưng cũng dễ gây tranh cãi nhất. Điều đáng mừng là trong công việc này, có vẻ như đất nước chúng ta đang đi đúng hướng. Cho dù đường đi  vẫn còn đầy rẫy những dích dắc. 

Đối với một xã hội, đó có thể chỉ là vấn đề phát triển nhanh hay chậm nhưng đối với mỗi đời người thì mọi chuyện lại rất khác. Xã hội ốm đau bằng những kiếp người. Có khi cả một hoặc vài thế hệ phải chứng kiến những cải thiện đời sống của mình cứ ở trạng thái dích dắc mãi thế thôi. Thành thử nó khiến cho nhiều người sốt ruột.

- Còn tâm lý của một nhà khoa học như ông là gì?

- Tôi thấy bớt dích dắc hơn thì tốt hơn nhưng có lẽ cũng khó lòng khác đi được. Trên thực tế,  lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước với lựa chọn mô hình phát triển là hai việc khác nhau. Thế nhưng, mỗi mô hình tổ chức nhà nước lại thường được gắn với một mô hình phát triển. Kể từ năm 1986 đến nay, chúng ta đã cố gắng giữ nguyên mô hình tổ chức nhà nước nhưng lại tìm cách thay đổi mô hình phát triển. Đấy là quá trình xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Lựa chọn mô hình phát triển thực chất là lựa chọn cách thức đối xử với nền kinh tế. Nhìn vào lịch sử phát triển của các nước đều đã "hóa rồng" ở khu vực Đông Bắc Á, chúng ta thấy rằng, cách cư xử với nền kinh tế của hầu hết các nước này đều theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, mặc dù cách thức tổ chức quyền lực nhà nước của họ thì lại rất khác nhau. 

Nhật Bản theo mô hình đại nghị kinh điển kiểu Anh, tức là người dân chỉ bầu ra quốc hội và đảng nào có đa số trong quốc hội thì đảng đó được thành lập chính phủ. Hàn Quốc, Đài Loan lại theo mô hình tổng thống lưỡng tính, tức là tổng thống nắm quyền hành pháp được bầu riêng nhưng lại vừa có tổng thống, vừa có thủ tướng. Quyền hành pháp được phân chia giữa tổng thống và thủ tướng.

- Mô hình tổng thống lưỡng tính có vẻ là một phái sinh của mô hình tổng thống toàn phần kiểu Mĩ, phải không ông?

- Chính xác hơn, mô hình tổng thống lưỡng tính là mô hình có sự kết hợp những đặc tính của mô hình tổng thống với những đặc tính của mô hình đại nghị. Mô hình tổng thống của Mĩ thì toàn bộ quyền hành pháp nằm trong tay tổng thống, chứ không phải phân chia cho ông thủ tướng nào cả.

- Mỗi nhà nước có quyền chọn lựa cho mình những mô hình tổ chức và phân chia quyền lực khác nhau nhưng có vẻ như đấy không phải là mấu chốt giúp một đất nước phát triển. Mấu chốt nằm ở chỗ, các nhà nước sẽ tác động lên nền kinh tế của mình theo cách nào. Tôi hiểu ý ông như thế, có chính xác không ạ?

- Rất chính xác! Tổ chức quyền lực nhà nước có thể khác nhau nhưng cách thức tác động tới nền kinh tế giống nhau thì vẫn có thể đem lại hiệu quả như nhau. Mà nói đến cách thức tác động tới nền kinh tế thì, chúng ta có thể chia ra 3 loại. 

Thứ nhất là loại nhà nước điều chỉnh theo kiểu Anh, Mỹ. Tổng thống Mỹ muốn tăng việc làm cho ngành than thì ông ta có thể hạ các tiêu chuẩn xả thải của điện than, khi đó chi phí sản xuất sẽ giảm. Chi phí sản xuất giảm thì lợi nhuận tăng. Lợi nhuận tăng lại thúc đẩy sản xuất tiếp. Thúc đẩy sản xuất tiếp thì có thể mở rộng khai thác. Và mở rộng khai thác than thì có thể mở rộng cơ hội việc làm. Đấy, nhà nước điều chỉnh bằng các chính sách theo kiểu đó, chứ không trực tiếp đứng ra tổ chức khai thác than.

- Hoặc không ngấm ngầm giao cho một "công ty con" của một ai đó đứng ra làm...!

- (Cười...). Không! Mô hình thứ hai là mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung theo đúng kiểu Xôviết trước đây hay kiểu của Việt Nam trước năm 1986 và có thể là của Cuba một vài năm trước. Trong mô hình này, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tập thể làm kinh tế là chính, người dân mà đứng ra kinh doanh là phạm luật. 

Lịch sử chứng minh rằng mô hình này vẫn có thể thành công ở một giai đoạn ngắn nếu kỷ luật và sự hà khắc được áp dụng triệt để mà chúng ta có thể thấy rõ nhất là trong thời Stalin ở Liên Xô trước đây. Nhưng mô hình này lại chứa đựng một rủi ro không thể vượt qua - nó triệt tiêu động lực.

- Vì phải dồn lực cho kinh tế nhà nước, ai cũng phải vào hợp tác xã, ai cũng sẽ làm việc như ai, để hướng đến cái gọi là "làm theo năng lực/ hưởng theo nhu cầu" thì làm gì còn động lực nữa.

- Đúng rồi! Nếu mô hình nhà nước điều chỉnh tôn trọng tuyệt đối thị trường, thì mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung lại triệt tiêu tuyệt đối thị trường. Thế nên mới nảy sinh một mô hình thứ ba, đứng giữa. Đó là mô hình nhà nước không phủ nhận thị trường nhưng tích cực tác động lên thị trường để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa của mình. Một mô hình "ở giữa" như vậy được người ta gọi là mô hình nhà nước kiến tạo và phát triển. 

Về cơ bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc... đều đi theo mô hình này. Và có một điểm chung, đó đều là những nước Đông Bắc Á.

- Singapore nằm ở Đông Nam Á, thưa ông!

- À, Singapore dù nằm ở Đông Nam Á nhưng với đặc thù dân cư của mình thì lại mang đầy đủ những nét văn hóa của Đông Bắc Á.

- Việt Nam của chúng ta cũng nằm ở Đông Nam Á và có vẻ chúng ta cũng có một nghịch lý như Singapore, ông nhỉ?

- Về mặt địa lý đúng là chúng ta được xếp ở khu vực Đông Nam Á nhưng về văn hóa, chúng ta lại thuộc về khối Đông Bắc Á. Chúng ta ăn đũa, chúng ta từng dùng chữ tượng hình giống các nước Đông Bắc Á. 

Mặc dù bây giờ chúng ta bỏ đi chữ tượng hình, tức là bỏ đi một dung lượng văn hóa truyền thống rất lớn của ông cha mình nhưng cách tư duy tượng hình trong chúng ta thì vẫn còn. Và như vậy, chúng ta sẽ thấy mô hình phát triển của Đông Bắc Á mới thực sự phù hợp với chúng ta.

- Tức là theo ông, văn hóa chính là cái quyết định quan trọng nhất xem một quốc gia nên lựa chọn mô hình phát triển theo phương thức nào?

- Văn hóa chính là nền tảng quan trọng nhất. Các nước theo mô hình nhà nước điều chỉnh kiểu Anh, Mĩ chỉ có thể thành công nếu có đầy đủ nền tảng văn hóa (coi trọng pháp quyền và quyền tự do) của Anh, Mĩ như Australia hay Canada... 

Cũng vì thế mà chính mô hình này lại không thật thành công ở Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan - những nơi từng là thuộc địa của Anh. Lý do vì ở đây văn hóa Anh không đủ lớn để tạo ra một ưu thế đặc biệt so với văn hóa bản địa. Lấy thêm ví dụ nữa để thấy văn hóa mang tính quyết định, đó là mô hình nhà nước phúc lợi ở các nước Bắc Âu hiện nay như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan... thì mô hình này cũng chỉ có thể thành công với văn hóa Bắc Âu mà thôi.

- Cụ thể ạ?

- Văn hóa Bắc Âu có một điều rất đáng nói, đó là con người ta luôn biết thế nào là đủ. Ở đây, người ta không quá tham vọng xây dựng một cuộc sống vượt trội mà luôn đặt ưu tiên vào việc tổ chức một cuộc sống hài hòa. 

Thế nên, một người làm được 10 triệu USD chẳng hạn nhưng nhà nước đánh thuế thu nhập lên tới 8 triệu USD thì người ta vẫn thoải mái chấp nhận. Nhưng, đến văn hóa Nam Âu, ở các nước như Pháp, Italia thì đã rất khác rồi, con người Nam Âu rất khó chấp nhận một mức thuế thu nhập cao như thế.

Tất nhiên, câu chuyện cũng phải diễn ra từ hai phía, về phía người dân là như vậy, còn về phía nhà nước, khi người dân đã đóng thuế cao như vậy thì nhà nước phải lo cho dân đầy đủ từ A đến Z. Và đã là dân của một nhà nước phúc lợi thì ai cũng hiểu rằng, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, họ đều không phải lo lắng gì về các chi phí học hành, đi lại, chăm sóc sức khỏe cả... 

Tôi nghĩ mô hình nhà nước phúc lợi kiểu này chỉ phù hợp với văn hóa Bắc Âu thôi, thử xem ngoài Bắc Âu có chỗ nào thành công nữa không?

- Không ít trí thức Việt Nam luôn lấy các mô hình của Anh, Mĩ làm chuẩn và cho rằng chỉ khi nào chúng ta thực sự thực hiện "tam quyền phân lập" như các nước này thì mới có cơ hội cất cánh. Một cách nghĩ như thế hình như đã bỏ qua yếu tố văn hóa mất rồi?

- Trước hết, “tam quyền phân lập” là cách tổ chức quyền lực nhà nước, không phải mô hình phát triển. Hai là, ngay trong những nước tư bản mà chúng ta vẫn nói là "tam quyền phân lập" thì cũng chẳng có nước nào là "tam quyền phân lập" hoàn toàn. Trong mô hình đại nghị, quyền lập pháp và quyền hành pháp thường hòa lẫn với nhau làm một. Đảng có đa số trong quốc hội thì vừa nắm quyền lập pháp lại vừa nắm quyền hành pháp. 

Mô hình tổng thống kiểu Mĩ được coi là mô hình phân quyền cứng. Tuy nhiên, phân tích kỹ ra thì đấy cũng không phải là phân lập 100%, bởi vì nguyên tắc tổ chức quyền lực ở đây là cân bằng kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền. Quốc hội có quyền thông qua luật nhưng tổng thống lại có quyền phủ quyết luật. Tổng thống có quyền điều hành, nhưng quốc hội lại có quyền phân bổ ngân sách. Quốc hội có quyền phân bổ ngân sách nhưng tổng thống lại có quyền phủ quyết việc phân bổ đó. Điều đáng lưu ý ở đây là: trong bất cứ mô hình nào theo thuyết phân quyền thì quyền tư pháp vẫn rất độc lập.

Ba là, qua phân tích vừa rồi, chúng ta thấy rằng không phải việc tổ chức quyền lực nhà nước theo kiểu nào mà là nhà nước lựa chọn các mô hình phát triển nào mới là điều căn bản tác động lên sự phát triển. Mà các mô hình ấy nhất định phải phụ thuộc vào nền tảng văn hóa. Việt Nam ta, như đã nói ở trên có nền tảng văn hóa Đông Bắc Á và chúng ta thấy hành trình hóa rồng ở các nền kinh tế Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản chứng minh rằng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là phù hợp hơn tất cả.

- Tại sao văn hóa Đông Bắc Á lại phù hợp với mô hình nhà nước kiểu này, thưa ông?

- Vì nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Nhà nước có thể dẫn dắt vì bộ máy hành chính - công vụ của nó là tinh hoa.

- Nhưng điều gì đảm bảo rằng văn hóa Đông Bắc Á lại dễ tạo ra một bộ máy hành chính - công vụ tinh hoa?

- Vì từ xưa Đông Bắc Á là khu vực đặc biệt coi trọng chuyện khoa bảng, thi cử, học hành. Chuyện học hành ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan bây giờ vẫn rất nặng nhọc và nó được hình thành từ truyền thống của Nho giáo ngày xưa. Anh phải học hành, phải được khai sáng thì mới có thể trở thành quân tử. 

Trong truyền thống xưa, "vinh quy bái tổ" luôn là một giấc mơ lớn. Mà ở đấy, người ta "vinh quy bái tổ" là do học hành, thi cử nghiêm túc chứ không phải nhờ thân quen, phe nhóm.

- Vâng, cho dù kiểu học hành đó thật ra cũng có mặt trái là nó tạo ra những trí thức nặng tính tầm chương trích cú.

- Bây giờ nhiều người vẫn hay nói là thi cử ngày xưa toàn tầm chương trích cú. Quả thực, nhìn bề ngoài là như vậy nhưng cũng không nên quá cực đoan ở đây. Bởi tầm chương trích cú nhưng là tầm chương trích cú những tinh hoa văn hóa đỉnh cao nhân loại ở thời điểm đó. Thứ hai, mình phải xem thực tiễn những người thi đậu, làm quan thì như thế nào. Ở vào những thời kỳ phong kiến thịnh trị, những người đỗ đạt làm quan sau này đều trở thành những người lỗi lạc đấy chứ.

Trở lại với mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mà chúng ta đang phân tích, tất cả những nhà nghiên cứu về mô hình nhà nước này đều nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng số 1 là một đội ngũ hành chính - công vụ tinh hoa. Mà hành chính - công vụ tinh hoa thì phải được hình thành bởi một nền tảng học hành, thi cử nghiêm túc. 

Ở Nhật Bản bây giờ có một kỳ thi tuyển công chức tầm quốc gia rất chặt chẽ. Anh phải qua kỳ thi tuyển cấp quốc gia này thì mới có cơ hội được các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương tuyển chọn là công chức. Còn ở Đài Loan, thậm chí khảo thí là một nhánh quyền lực riêng của nhà nước. 

Ở đất nước này, ngoài quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn có quyền giám sát và quyền khảo thí - một nhà nước ngũ quyền. Chính vì coi trọng chất lượng thi cử theo đúng truyền thống của văn hóa Đông Bắc Á như vậy nên họ mới tạo ra được một đội ngũ hành chính - công vụ tinh hoa.

- Ở Việt Nam chúng ta, nhà nước kiến tạo phát triển cũng được nói đến rất nhiều trong thời gian qua, thưa ông.

- Ở Việt Nam, thực chất, từ năm 1986, chúng ta đã từ bỏ mô hình kế hoạch hóa tập trung mà chuyển sang mô hình có rất nhiều điểm tương thích với mô hình nhà nước kiến tạo và phát triển rồi. Nhờ thế, nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng kể. 

Nếu có điều kiện đi các nước thuộc Liên Xô cũ, chúng ta sẽ thấy khi còn thuộc Liên Xô thì họ hơn mình nhưng bây giờ khó có nước nào phát triển được như mình. Tuy nhiên, thuật ngữ chính phủ kiến tạo phát triển chỉ mới được nhắc tới trong mấy năm gần đây thôi.

- Vâng, sự thay đổi giúp chúng ta phát triển so với một số nước thuộc Liên Xô cũ hoặc so với chính mình trước đây nhưng so với tốc độ phát triển của chính các nước Đông Bắc Á đã "hóa rồng" thì có vẻ như sự phát triển của chúng ta vẫn chậm, cho dù mô hình của chúng ta giống y như họ. Ông lý giải thế nào?

-Trước hết, có lẽ, mô hình của chúng ta không hoàn toàn giống y như họ. Như đã nói ở trên, nhà nước kiến tạo phát triển mới chỉ được chúng ta nhắc tới trong mấy năm gần đây. Nội hàm của nó vẫn chưa được làm rõ trong khoa học chính trị của nước ta. 

Chính vì vậy vẫn chưa có được sự nhất quán trong chính sách phát triển. Rủi ro hơn, không ít cải cách chúng ta đang thúc đẩy lại đi theo mô hình nhà nước điều chỉnh chứ không phải nhà nước kiến tạo phát triển. Ví dụ, nhiều cam kết trong hàng loạt các hiệp định tự do thương mại cũng hạn chế khả năng can thiệp của nhà nước vào thị trường để định hướng và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nội địa...

Hai là, cùng đề ra chương trình công nghiệp hóa nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản dựa vào các doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta lại dựa vào doanh nghiệp nhà nước. 

Mười lăm năm trước đây, tôi từng viết bài, đấu tranh cho sự phát triển của kinh tế tư nhân và đã bị chụp mũ rất ghê nhưng bây giờ thì kinh tế tư nhân đã được thừa nhận, nút thắt này đã được tháo bỏ rồi. Tuy nhiên bỏ được nút thắt này lại nảy sinh một nút thắt mới, đó là sự móc nối giữa quan chức nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

- Mà thực tế là chuyện này lại xảy ra không ít, đến nỗi, cách đây chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải "điểm huyệt" rằng đừng nghĩ Thủ tướng không biết có những ông có tới 14-15 cái "sân sau". 

- Giới công chức trong mô hình nhà nước kiến tạo phát triển phải luôn hành động vì lợi ích quốc gia. Tức là phải có tính liêm chính rất cao, không bao giờ để những doanh nghiệp tư nhân tác động lên mình.

- Nhưng làm thế nào để giới công chức giữ được sự liêm chính ấy khi rất nhiều công chức hiện nay vẫn không sống được bằng lương?

- Tất nhiên lương là vấn đề rất quan trọng nhưng với đội ngũ hành chính - công vụ ở các nước Đông Bắc Á, tôi thấy truyền thống Nho giáo sâu xa đã giúp họ giữ gìn được sự liêm sỉ đích thực. 

Ở các nước ấy, truyền thống Nho giáo liền mạch, chứ không bị đứt gãy như ở Việt Nam. Thời phong kiến xưa, ở Việt Nam ta từng có những ông quan sẵn sàng xây dựng kênh rạch tưới tiêu xuyên qua đất của mình. Có liêm chính, có tinh thần phụng sự quốc gia, những người này sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích quốc gia, chứ tuyệt đối không nắn chỉnh kênh rạch thành một "đường cong mềm mại".

Tất nhiên, vào những thời suy, quan lại phong kiến tha hóa, xấu xa không phải là không có nhưng vào những thời thịnh, số lượng quan thanh liêm là rất nhiều. Sự thịnh trị có được chính là nhờ vào đội ngũ quan lại thanh liêm như vậy. 

Bây giờ chúng ta phải tìm cách khơi gợi, nuôi dưỡng trở lại cái tinh thần bị đứt gãy ấy. Lương bổng là cần nhưng lương bổng chỉ là một nửa của vấn đề. Một nửa còn lại chính là tinh thần, đạo đức, cốt cách và sự liêm sỉ.

- Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển phù hợp với văn hóa truyền thống Đông Bắc Á. Nhưng ông vừa nói là ở ta, truyền thống văn hóa ấy, với đặc trưng là sự liêm chính của những con người đọc sách thánh hiền đã bị đứt gãy quá lâu rồi, vậy thì ở thời điểm hiện nay, việc vận hành một mô hình nhà nước như vậy liệu có gì chông chênh không?

- Đúng là nó có thực tiễn ấy nhưng chúng ta thử suy nghĩ xem, bây giờ những giá trị truyền thống có còn lại gì không? Ví dụ như động lực học hành để làm quan còn không? Còn chứ và vẫn còn rất mạnh. Vấn đề chỉ là cái cách anh đi lên mà thôi. Nếu đi lên không phải qua thi cử thực chất, mà vì là người của phe nọ phe kia, hoặc người biết quan hệ chỗ này chỗ kia thì không ổn...

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh: Chiến Thắng.

- Nói một cách hình ảnh thì chúng ta phải xem lại cái lò ấp những người "tinh hoa" của mình, xem đấy có đúng là tinh hoa đích thực không. Rồi phải xem lại cả môi trường để những tinh hoa đích thực - nếu có - sống trong nó nữa. 

- Sáng nay tôi nghe chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng đến năm 2020, chúng ta mà không cải thiện được chất lượng của bộ máy thì sẽ có tội với tương lai đất nước. Tôi rất đồng tình. Và tôi có thể nói rằng, vấn đề số 1, vấn đề nghiêm trọng nhất của chúng ta bây giờ chính là sự thiếu vắng của một đội ngũ công chức tinh hoa.

- Ông là một trí thức rất lâu năm trong bộ máy nhà nước, xin hỏi một câu thực tình, ông thấy có những tinh hoa thật sự trong bộ máy của chúng ta không? 

- Chắc chắn là có! Vẫn có chứ! Nhưng nếu chẳng may có một lãnh đạo ở tầm trung bình thì vị lãnh đạo đó rất ít khi muốn trọng dụng người giỏi hơn mình. Khi đó sẽ nảy sinh tình huống hoặc là những người tinh hoa sẽ tỏ thái độ bất cần, theo kiểu bảo thì làm, không thì chơi, hoặc là sẽ có những tinh hoa vẫn cố gắng thúc đẩy những thứ giá trị khai sáng nhưng vì thế mà có lúc "no đòn".

- Trong quan điểm của ông, vấn đề cốt lõi vẫn là phải tìm cách cải thiện chất lượng và đạo đức đội ngũ hành chính công vụ để nhà nước kiến tạo phát triển có thể vận hành đúng với những tiêu chí lý tưởng của nó, chứ không phải là việc theo đuổi một mô hình nhà nước khác hoặc một mô hình phân chia quyền lực nhà nước khác, ví dụ mô hình dân chủ đa đảng, dựa trên nguyên tắc phổ thông đầu phiếu kiểu phương Tây, đúng không ạ?

- Khi nào đất nước chúng ta có khoảng 75% dân số thuộc tầng lớp trung lưu thì tính gì hãy tính. Còn bây giờ đừng đơn giản hóa chuyện dân chủ bằng cách hô hào dân chủ ào ào. Phải hiểu được giá trị dân chủ và phải có năng lực thực hành dân chủ thì mới áp dụng những mô hình dân chủ được. 

Dân chủ không phải là việc tôi muốn nói gì thì nói nhưng anh không được quyền nói khác ý kiến của tôi. Ngoài ra, nên nhớ, dân chủ là thành tựu và mục tiêu của phát triển hơn là phương tiện để phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.