Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy: Ở Việt Nam hiện nay, nhiều giá trị nghệ thuật thật - giả lẫn lộn

Thứ Sáu, 10/05/2019, 16:37

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy là người Việt Nam duy nhất tính đến lúc này từng đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky danh giá của Nga (dành cho các nghệ sĩ trẻ).

Anh cũng là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất cho tới nay từng được mời vào dàn nhạc dây danh tiếng Virtouse Moscow (Nga), đi biểu diễn vòng quanh thế giới.

Giữa lúc cả một chân trời âm nhạc sáng bừng ở Nga đang mở toang và chào đón mình thì anh thực hiện một quyết định gây sốc: rời nước Nga, trở về Việt Nam làm việc.

Đến nay anh đã ở Việt Nam 12 năm và đang đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngồi đối thoại với một người như vậy có không biết bao nhiêu điều để hỏi, để nghe và để ngẫm nhưng là một người ngoại đạo với violon, những thắc mắc đầu tiên mà tôi dành cho anh chính là những thắc mắc về những bí mật của cây đàn này.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nghệ sĩ Bùi Công Duy, có lẽ không riêng gì tôi mà rất nhiều khán giả đại chúng khác cũng không hiểu là thật sự cây đàn violon huyền bí ở chỗ nào? Với nhiều người Việt Nam, đàn piano có vẻ quen thuộc hơn đàn violon.

- Nghệ sĩ Bùi Công Duy: Trong âm nhạc bác học, piano được gọi là "ông vua", còn violon được gọi là "hoàng hậu". Nếu "vua" piano khá to thì "hoàng hậu" violon lại khá nhỏ, thế nên một người 100 kg hay một người 40 kg cũng đều có thể cầm nó nhưng chưa chắc khi cầm nó thì người 100 kg đã chơi hay hơn người 40 kg (cười tươi...). 

Theo hệ thống đào tạo của Xôviết cũ, mà thế giới giờ vẫn theo khá nhiều thì người ta phải học 7 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp, sau đó là 4 năm đại học, 2 năm cao học và sau nữa là nghiên cứu sinh thì mới đi trọn vẹn một quá trình. Có lẽ thời gian học violon chỉ đứng sau thời gian học hành, thực tập của các sinh viên ngành Y.

- Tức là để trở thành một nghệ sĩ violon, người ta phải trải qua một quá trình dài, công phu và một quá trình như thế tạo ra giá trị đặc biệt của loại hình âm nhạc này?

- Còn một điều này nữa: Nó là một loại nhạc cụ mà từ khi xuất hiện khoảng thế kỷ 15-16 đến giờ gần như không có thay đổi gì. Piano trước đây chỉ là một cây đàn rất nhỏ với nhiều hạn chế về âm thanh nhưng dần được thay đổi theo chiều hướng đồ sộ và phong phú lên. 

Còn violon thì ngày xưa thế nào bây giờ vẫn thế, không có bất cứ lý do nào để thay đổi cả. Có lẽ ngay từ khi chính thức ra đời, nó đã  đạt tới trạng thái hoàn hảo nhất định rồi.

- Tức là tính chuẩn mực của nó rất lớn. Ngoài ra, nó cũng rất đắt nữa, anh nhỉ? (Cười...)

- Bây giờ có khoảng 250.000 USD là bạn có thể mua được một chiếc piano tầm cỡ thế giới nhưng violon thì vô giá. Nó cũng giống như một bức tranh vậy, càng để lâu càng đắt. Người ta từng đấu giá chiếc đàn violon để ủng hộ cho thảm họa động đất và sóng thần ở Fukushima (Nhật Bản) và bạn biết không, nó được định giá tới 15 triệu USD - khủng khiếp!

- Chúng ta kết luận ngay: chiếc đàn này chắc chắn không thuộc về con nhà nghèo và loại hình âm nhạc này không thuộc về thế giới của người nghèo?

- Giàu - nghèo chỉ là một phần thôi, điều quan trọng là người ta có đủ kiên nhẫn, đủ đam mê để theo đuổi nó tới cùng hay không. Như bản thân tôi, xin nói rất thật là hồi bé, tôi không hề thích nó. 

Chẳng qua là bố tôi bắt tôi học mà sau này tôi hay nói vui với bạn bè là "bị lừa". Rồi khi học tốt, tôi lại được bố thưởng cho những chiếc ô tô đồ chơi. Thế là cứ cố học để có ô tô. Phải sau 5 năm, chừng 10-11 tuổi, tôi mới bắt đầu nhận thấy: À, cây đàn này hóa ra  cũng hay hay!

- Vâng! Tôi biết bố anh là nghệ sĩ Bùi Công Thành - một giáo sư, một người chơi đàn nổi tiếng và tôi hiểu là nhờ xuất phát điểm của một người là "con nhà nòi" mà anh đã đi qua những giai đoạn đầu tiên rất quan trọng. Nhưng sau đó thì sao? Tôi nghĩ là sau đó chắc phải có những cột mốc mang tính bước ngoặt nào đó chứ? 

- Đấy là khi tôi sang Nga, thấy các bạn xung quanh mình chơi đàn giỏi quá, kinh khủng quá. Chính điều ấy kích thích khát vọng học tập của tôi. Hồi đó, bố tôi được mời sang dạy học ở thành phố Novosibirsk, trung tâm của vùng Siberia, một thành phố được mệnh danh là "thành phố bác học", có biển hồ rất đẹp, là nơi xuất hiện rất nhiều thiên tài âm nhạc. 

Thành phố này cũng thường xuyên lạnh -40 độ và ở một nơi lạnh lẽo như thế, nếu không học, không đi xem hòa nhạc thì tôi cũng chẳng biết phải làm gì. Chính hoàn cảnh này đã tác động rất lớn lên con người âm nhạc của tôi. 

Rồi một lần, tôi lên thủ đô Matxcơva tham dự một cuộc thi đàn ở lứa tuổi trẻ. Tôi đã chơi rất tốt nhưng ban tổ chức không cho vào chung kết, với lý do tôi không phải người Nga. Thế là tôi uất ức, tôi khóc rất nhiều và sau đó tôi tự nhủ phải học đến cùng thì thôi.

- Là con nhà nòi, lại dấn thân vào những hoàn cảnh mang tính thách thức cao, ngoài hai lý do này, còn lý do quan trọng nào giúp anh thành tài hay không?

- Nghĩ lại những gì đã qua, tôi luôn thấy may mắn lớn nhất của tôi là đã gặp được những người thầy mà giá trị họ đem lại cho tôi còn lớn hơn giá trị mà những "người thầy" thông thường đem lại cho các học trò. 

Tức là, họ không chỉ dạy mình về chuyên môn mà còn cho mình những bài học lớn về nhân cách. Người thầy gần nhất với tôi chính là bố tôi, người luôn song hành, lúc đóng vai chính, lúc đóng vai phụ trong cuộc đời âm nhạc của tôi.

Những người thầy khác nữa là những ông/bà giáo người Nga mà bây giờ nghĩ lại thì tôi hiểu là họ đã cho tôi đúng những cái mà tôi cần, đúng những cái mà tôi thiếu và quan trọng nhất là tần số giao cảm của họ rất phù hợp với tần số giao cảm của tôi.

Cái nghề này khó ở chỗ, ở trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất, từ 11 đến 15 tuổi, người ta cần phải có rất nhiều điều kiện thích hợp hội tụ với nhau, từ hoàn cảnh, môi trường, nghị lực đến sự phù hợp của phương pháp dạy và phương pháp học. 

Ví dụ như bác Đặng Thái Sơn, người mà ai cũng biết là vốn đã rất tài nhưng bác phải gặp được những người thầy phù hợp thì cái tài ấy mới được nâng lên. Bác Đặng Thái Sơn là người vô cùng tinh tế và nhạy bén, nếu gặp phải những người thầy theo phong cách quá mạnh mẽ và cuồng nhiệt, gây áp lực quá lớn thì khó phát huy hết tiềm năng của bác Sơn.

Mỗi thầy sẽ thiên về một phong cách, có những thầy dạy trong khoảng 2-3 năm thì rất tốt nhưng học trong một giai đoạn dài thì khác. Có những người thầy cứ âm thầm lặng lẽ từng ngày và phải đến một giai đoạn nào đó thì mình mới hiểu ra đấy lại là một người thầy vĩ đại. 

Rồi thầy thiên về biểu diễn sẽ dạy khác với thầy thiên về nghiên cứu... Trong âm nhạc, người thầy và người trò nhất định phải có một tần số âm nhạc giao cảm với nhau. Nếu không may mắn gặp được những người có chung tần số, chắc chắn tôi không thành công được.

- Thành công đầu tiên, vang dội nhất của anh chính là lần giành giải nhất Tchaikovsky năm 1997 và sau đó là vài năm thì được mời vào dàn nhạc thính phòng danh tiếng nhất nước Nga. Hai thành công này tác động tới cuộc đời anh như thế nào?

- Về giải Tchaikovsky, thật ra tôi lại không muốn nói về tôi mà muốn nói về nghệ sĩ dương cầm người Mỹ, Van Cliburn. Chắc bạn cũng biết là năm 1958, giải Tchaikovsky cho người lớn được tổ chức lần đầu tiên trong bối cảnh Nga - Mỹ Chiến tranh Lạnh. 

Trao giải nhất cho một nghệ sĩ Mỹ, ngay trên đất Nga liệu có ổn không? Có được chấp nhận không? Có tạo ra những hệ lụy chính trị nào không? Trong một bối cảnh như thế, chắc chắn ban giám khảo cuộc thi đã phải nhận những áp lực khủng khiếp từ nhiều phía. 

Nhưng cuối cùng họ đã vượt qua tất cả những áp lực khủng khiếp đó, để bảo vệ những giá trị chân chính của nghệ thuật. Họ vẫn trao giải nhất dương cầm cho Van Cliburn - một người Mỹ, chứ không phải bất cứ một nghệ sĩ người Nga nào khác.

- Phải yêu nghệ thuật và dũng cảm lắm người ta mới làm được như thế!

- Và nhờ những con người như thế mà giải thưởng này, đến tận bây giờ vẫn là giải thưởng âm nhạc hàng đầu thế giới. Nó khiến tất cả những ai nhận giải đều hạnh phúc thật sự.

- Thế còn sự kiện thứ hai trong cuộc đời âm nhạc của anh: được mời vào dàn nhạc danh giá nhất nước Nga?

- Đấy là dàn nhạc thính phòng số 1 nước Nga, có tên tuổi trên thế giới và những nghệ sĩ của dàn nhạc này thì phải nói là khiến mình lúc nào cũng phải nghiêng mình kính nể.

Một lần, vào năm 2005-2006 gì đó, bà giáo của tôi đột nhiên bảo ông chỉ huy dàn nhạc này đề nghị bà giới thiệu một sinh viên giỏi. Bà giáo liền giới thiệu tôi và khi tôi đến biểu diễn để ông nhạc trưởng - nghệ sĩ violon nổi tiếng Vladimir Spivakov nghe thì ông ấy nhận luôn. Sau đó, ông giám đốc dàn nhạc còn đề nghị sẽ cho tôi một cơ chế đặc thù để nhập quốc tịch Nga, cùng dàn nhạc này đi biểu diễn khắp thế giới.

- Ấn tượng lớn nhất của anh khi được tham gia dàn nhạc danh giá này là gì?

- Một dàn nhạc giao hưởng có khoảng 100 người và một dàn nhạc có khoảng 30 người thì dàn nhạc 30 người đòi hỏi độ tinh nhuệ rất cao. Phải nói dàn nhạc này cực kỳ tinh nhuệ. Đến tận lúc này, dàn nhạc này cũng chỉ toàn người Nga, không có bất cứ người nước ngoài nào được mời tham gia cả.

- Anh là người nước ngoài đầu tiên và duy nhất tính đến lúc này từng tham gia?

- Đúng rồi!

- Vậy thì sao anh không ở lại, tham gia lâu dài?

- Để tham gia lâu dài, cùng dàn nhạc đi khắp thế giới thì tôi phải nhập quốc tịch Nga mà tôi lại không sẵn sàng cho điều này. Khi đó, bà giáo của tôi cũng nói rằng: nếu cậu ở Nga thì chắc chắn sẽ phát triển sự nghiệp rất tốt nhưng nếu cậu về nước thì cậu có thể làm được nhiều điều cho đất nước mình. 

Sau câu nói đó, tôi quyết định bỏ tất cả để về nước. Biết chuyện, rất nhiều người bảo "thằng này bị dở hơi rồi!". Bạn bè tôi thì bảo, nếu về Việt Nam thì coi như mất nghề luôn. Nhưng lúc ấy tôi lại có ý muốn chứng minh là mọi người nghĩ sai. Tôi vẫn về và muốn chứng minh điều đó.

- Bây giờ thì anh đã ở Việt Nam hơn chục năm rồi, anh thấy mình đã chứng minh được chưa?

- Đến bây giờ, tôi phải nói thật với bạn là tôi cảm ơn môi trường Việt Nam. Đúng là môi trường này còn có chuyện này chuyện nọ nhưng nó lại cho tôi hai thứ, đầu tiên là nghị lực vươn lên và tiếp nữa là những trải nghiệm mà nếu ở Nga, chắc chắn tôi không có được. 

Ví dụ như ở Nga, tôi sẽ khó có cơ hội đi dạy học, bởi ở đó người ta chuyên sâu một thứ, rất khó để vừa biểu diễn trong dàn nhạc, vừa đi dạy như ở Việt Nam mình. 

Mà chính nhờ việc đi dạy, tiếp xúc với nhiều học sinh, tôi mới có cơ hội nhìn nhận, phân tích, suy nghĩ về những tác động khác nhau của âm nhạc lên từng con người - từng cơ thể - từng đối tượng. Chính những suy ngẫm như thế lại tạo hiệu ứng tích cực trong tôi và nhờ nó, khi biểu diễn, tôi lại thấy mình biểu diễn tốt hơn.

- Tôi hiểu những gì anh vừa nói nhưng anh Duy này, hơn 10 năm ở Việt Nam, một người được đào tạo bài bản như anh nhận xét gì về môi trường âm nhạc nói riêng và môi trường nghệ thuật nói chung ở Việt Nam? Tôi muốn đưa ra một thỏa thuận thế này: anh có thể từ chối trả lời nhưng nếu đã trả lời thì hãy nói thật lòng, được không?

- Vấn đề lớn nhất ở môi trường nghệ thuật của chúng ta hiện nay là thật - giả lẫn lộn. Tôi thấy có nhiều người không có trình độ, không chịu nghiên cứu, đào sâu phân tích các vấn đề chuyên môn mà chỉ giỏi hùa theo số đông, ghi điểm với số đông. 

Tôi nghĩ, làm nghệ thuật hay làm bất cứ một điều gì khác, nếu không có một lý luận cứng - một bản lĩnh cứng để nhìn nhận mọi việc mà chỉ chạy theo đòi hỏi của số đông thì sẽ tạo ra hàng loạt hậu quả đáng sợ.

Thời gian vừa rồi tôi quan sát và thấy nhờ hiệu ứng đám đông mà nhiều người nổi tiếng một cách dễ dãi quá. Nhiều lúc có cảm tưởng cứ bóng bẩy một chút, chơi trội một chút, nói năng gây chú ý môt chút là có thể nổi tiếng rồi. Đâu đó ở ta còn có quan niệm phải như thế mới đúng là tính cách nghệ sĩ. Không! Nghệ sĩ đích thực không như thế. 

Tôi có may mắn đã và thường xuyên tiếp xúc nhiều lần với các nghệ sĩ lớn, tầm cỡ thế giới như bác Đặng Thái Sơn, Victor Tretyakov hay Midori... và thấy họ thực ra lại là những con người rất bình dị và khiêm tốn. Nói chung, trong nghề của tôi hiện đang tồn tại rất nhiều nhận thức lầm lạc, không đúng bản chất theo kiểu này.

- Anh có thể lấy thêm một vài ví dụ nữa được không?

- Ví dụ như rất nhiều người cứ nghĩ để giỏi nhạc thì phải giỏi văn nhưng tôi lại quan sát thấy rất nhiều người giỏi nhạc thực ra lại dốt văn. Cái mà họ giỏi lại là giỏi toán. Những người giỏi nhạc đích thực là những người có tư duy của toán học rất tốt. Vì âm nhạc đích thực luôn đòi hỏi tính bố cục, tính chặt chẽ rất cao. Nếu không có được tư duy logic để đảm bảo một tính bố cục, tính chặt chẽ như thế mà cứ mơ mơ màng màng thì không thể đi xa được. 

Có lẽ cũng vì vậy chăng mà nhiều bạn bè ở Việt Nam vẫn bảo tôi chẳng giống nghệ sĩ tí nào (cười...). Những lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản: thôi, ai nghĩ thế, nói thế thì tôi nhận, chứ không nói lại làm gì.

Ảnh nhân vật cung cấp.

- Để có một nhận thức đúng đắn về nghệ thuật, người ta cần xây dựng một truyền thống nghệ thuật, định hình một thói quen sáng tạo và thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật một cách nghiêm cẩn. Và rất nhiều lần tôi nghĩ chúng ta vẫn đang trong giai đoạn quá độ để có thể hy vọng tạo nên giai đoạn như thế. Trong giai đoạn quá độ nghệ thuật, những nhận thức chưa đúng mực về nghệ thuật cũng là điều có thể hiểu được. Đã từng đi nhiều nơi, sống ở nhiều nước, anh có những ấn tượng đặc biệt gì với những môi trường nghệ thuật của các đất nước này không?

- Ở Nga chẳng hạn, mỗi quận đều có hàng chục trường dạy âm nhạc. Có những hình ảnh cảm động ở đây khiến tôi nhớ mãi. Đó là đầu những năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, người Nga nghèo lắm, thế mà tôi đã chứng kiến những cụ già sẵn sàng nhịn ăn nhịn uống để đi nghe hòa nhạc.

Họ có thể tiết kiệm, chỉ ăn bánh mì với bơ thôi nhưng khi có những nghệ sĩ đích thực xuất hiện thì họ nhất định phải bỏ tiền mua vé đi xem. Tôi đã thấy những bà cụ không chỉ đi xem rồi lặng lẽ ra về mà sau đó còn cẩn thận viết từng nhận xét cá nhân, gửi lại các nghệ sĩ. Bất cứ nghệ sĩ nào cũng hạnh phúc khi sống trong những môi trường nghệ thuật như thế. 

Mới đây nhất, tôi vừa đi biểu diễn ở CHDCND Triều Tiên, môi trường nghệ thuật ở đất nước này cũng khiến tôi bất ngờ và cảm phục. Nói thế này để bạn dễ hiểu: Trước đây, một trong những môi trường nghệ thuật mà tôi thích nhất là Nhật Bản vì văn hóa thưởng thức âm nhạc của họ quá tuyệt vời. Nó còn tuyệt vời hơn cả một số nước châu Âu nữa. Nhưng bạn biết không, khi đến Triều Tiên thì tôi sửng sốt nhận ra, mọi thứ ở Triều Tiên cũng chẳng thua gì Nhật Bản.

- Anh có thể nói cụ thể hơn?

- Hôm ấy, nghệ sĩ Quang Thọ hát ở giữa sân khấu, rồi đi sang một góc sân khấu khác. Và nghệ sĩ Quang Thọ cứ nghĩ sau đó lại phải trở về giữa sân khấu, nơi có cái micro được "đóng chết" để hát tiếp nhưng hóa ra không phải thế, ngay ở cái góc sân khấu mà nghệ sĩ Quang Thọ đang đứng, một chiếc micro khác lại từ dưới sân khấu đưa lên. Và bác Quang Thọ cứ dừng ở chỗ nào thì lại có một chiếc micro đưa lên như vậy. Sân khấu của họ chuyên nghiệp đến thế là cùng.

Rồi còn điều này nữa, nhìn vào người chỉnh âm thanh sân khấu, chúng tôi thấy đấy là một con người hết sức bình thường nhưng đến khi âm thanh xuất hiện thì tất cả nghệ sĩ Việt Nam giỏi nhất đều phải sửng sốt hỏi nhau: Không hiểu tại sao họ lại có thể chỉnh âm thanh hay đến như thế. Nó ngọt, nó mịn, nó thật. 

Theo cảm quan của tôi, đến Hollywood cũng chỉ hay đến thế là cùng. Phải nói người ta giỏi lắm. Giỏi đến ngỡ ngàng.

Khi tôi đọc mục lục những tiết mục biểu diễn của họ, tôi thấy tiết mục nào cũng nhấn mạnh đến việc dân tộc mình phải tự lực, tự cường để vươn lên. Qua tất cả những điều như thế, tôi nhận rõ họ là một dân tộc mạnh mẽ vô cùng về nội lực.

Còn với khán giả, cách họ thưởng thức âm nhạc thì phải nói là tôi kính trọng. Họ ngay ngắn xếp hàng vào xem, còn trong rạp thì từ trẻ con đến người lớn đều ngồi thưởng thức nghệ thuật một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp. Tất cả những gì mà chúng ta vẫn gọi là lộn xộn, bát nháo, thiếu văn hóa, tuyệt đối không xuất hiện ở đây.

- Anh Duy này, bây  giờ thì anh không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, cũng không chỉ là một người thầy dạy nhạc như trước mà còn tham gia công tác quản lý, trên cương vị Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Việt Nam. Tôi tò mò là con người quản lý đã ảnh hưởng đến con người nghệ sĩ trong anh như thế nào?

- Hè nào tôi cũng được mời đi dạy hoặc đi chấm thi ở Mỹ và châu Âu. Nhưng từ hồi làm quản lý, mỗi năm chỉ được đi nước ngoài không quá 7 lần. Mỗi lần đi, phải xin chữ ký của thứ trưởng.

Ngoài ra, ai cũng hiểu đã làm sáng tạo thì phải rất tĩnh tâm, còn làm quản lý thì không tĩnh tâm được. Nhưng tôi đang thích ứng và điều chỉnh, cụ thể hiện nay tôi tham gia quản lý ở khía cạnh chuyên môn, chuyên trách về công tác  biểu diễn, chứ không phải công tác hành chính. Đương nhiên, tôi vẫn ít nhiều liên quan đến hành chính nhưng việc chính của tôi là giải quyết các vấn đề về chuyên môn âm nhạc.

Có thể vài năm nữa tôi không làm quản lý nữa, chuyện đó rất bình thường. Tôi không hề nặng nhẹ chuyện đó vì với tôi nó không phải là cái đích cuối cùng. Tôi không sống chết phải cố làm ông này ông nọ. Sống chết lớn nhất của tôi luôn luôn chỉ là cây đàn và việc phải làm sao để nâng cao vị thế của âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Tôi thích biểu diễn. Thích đưa học sinh đi thi. Thích nhìn những học sinh của mình trưởng thành, gặt hái thành công.

- Xin cảm ơn anh!

Những khoảnh khắc thần thánh

"Cuộc sống càng có nhiều trải nghiệm, càng nhiều cung bậc, càng phong phú tinh thần thì tiếng đàn càng sâu sắc. Trước kia, tiếng đàn của tôi đẹp theo kiểu trau chuốt và trong sáng nhưng giờ thì nó có nhiều màu hơn. Và sự tưởng tượng trong tôi phong phú hơn. Mà tôi thấy các nghệ sĩ lớn trên thế giới đều có một khả năng tưởng tượng phong phú, chính nhờ khả năng tưởng tượng ấy giúp họ giải thoát được rất nhiều khúc mắc về kĩ thuật.

Có những kĩ thuật mà có cố tập đi tập lại cũng không làm được hoặc không thể làm được một cách trọn vẹn. Nhưng khi lên sân khấu biểu diễn, trong một khoảnh khắc thăng hoa, một khoảnh khắc mà sự tưởng tượng được phóng chiếu, tức là cái đầu được giải phóng thì tự nhiên tay mình lại làm được.

Những khoảnh khắc như thế sung sướng vô cùng. Có lẽ nhờ những khoảnh khắc như thế mà rất nhiều nghệ sĩ kiên quyết không bỏ nghề dù theo nghề rất đói".

Phan Đăng ( thực hiện)
.
.