Doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn đầu tư Nguyễn Trần Bạt:

Một dân tộc có đại diện chính trị liêm chính là một dân tộc có ưu thế!

Thứ Hai, 28/11/2016, 16:15
Nguyễn Trần Bạt là một luật sư, một doanh nhân, một nhà tư vấn đầu tư nổi tiếng. Tuổi ngoại lục tuần, ông vẫn luôn minh triết trong từng câu chữ, từng lời nói.

Cuộc đời như tên gọi, ông cũng phiêu bạt đủ nghề, từng làm vài nghề không thơ mộng như bán nước chè ở ga Hàng Cỏ bát nháo một thời, giờ điều hành một công ty tư vấn đầu tư “sờ đâu cũng thấy tiền” với doanh thu (theo ông tiết lộ) vài triệu đôla mỗi năm. Nhân viên dưới quyền ông, giờ nhiều người danh tiếng lừng lẫy, làm cho các tập đoàn đa quốc gia.

Ông đã viết nhiều sách, ngẫm ngợi và truyền cảm hứng cho quá nhiều người, có cuốn dày tới 2.500 trang mà giữa thời văn hóa đọc xuống cấp này, người hâm mộ vẫn tìm mua rồi tìm đến nhà xin chữ ký tác giả . Những phát ngôn của ông luôn khúc triết, trực diện và thẳng thắn đến... khó nghe. Và hiển nhiên, khó đăng báo!

Nhưng câu chuyện của Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng  –  Cuối tháng lần này với ông, lại hướng về những điều thường nhật, những ngẫm ngợi về xử thế của các bậc trí thức, học giả - với danh phận và trách nhiệm xã hội rất cụ thể.

Sách chính trị… thế mà người ta vẫn in lậu

- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Tôi được biết, ngoài công việc với tư cách là chuyên gia kinh tế và tư vấn, Nguyễn Trần Bạt nổi tiếng với những nghiên cứu và đóng góp về mặt lý luận trên các vấn đề kinh tế xã hội, triết học và chính trị nữa, thể hiện qua các phản biện và những bài tiểu luận, hàng loạt cuốn sách của ông. Vậy, với những cuốn sách ông viết có phải ông muốn đặt lên bàn mỗi người dân, hay bàn của các cơ quan chức năng cấp cao, những vấn đề thiết thân của xã hội, những vấn đề cần phải làm trong một xã hội tử tế? Nếu đúng, ông có bao giờ ngẫm lại và tổng kết về tác dụng của nó chưa?

- Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi chưa làm việc gì vô ý thức cả. Tôi rất cẩn thận khi xuất bản mỗi cuốn sách, có những bản thảo tôi gửi đến Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng vài năm trước khi xuất bản. 

Có lần tôi nói trong một cuộc tiếp xúc với các anh ở Hội đồng Lý luận Trung ương: “Sách của tôi chỉ là nồi khoai để mọi người ăn tạm trong khi chờ các anh nấu chín cơm”. Còn lý do tại sao tôi lại in các cuốn sách đó ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, như anh từng thắc mắc? Đó là vì tôi cho rằng các tác phẩm khoa học chính trị phải có cả giá trị văn học. Nếu không hấp dẫn về mặt văn học thì không ai đọc. 

Sách của tôi là sách về chính trị thế mà người ta vẫn in lậu để bán. Thậm chí người muốn in lậu còn hỏi tôi: “Như thế có ảnh hưởng đến quyền lợi của anh không?”. Tôi nói: “Tôi không quan tâm đến chuyện sách của tôi bị in lậu, nhưng tôi cũng không thể cho phép chị in lậu được, vì như thế là tôi phạm pháp”. Tôi không có tham vọng làm khoa học hàn lâm, hay viết sách để bán.

Tôi không muốn làm dáng, nhiều người đề nghị tôi bỏ tiền tổ chức họp báo để quảng bá sách. Tôi nói không. 3- 4 cuốn sách đầu, tôi in ra và giấu kín. In xong một lô đầu tiên tôi mới đem làm quà biếu. Đối tượng đầu tiên tôi biếu là Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng và một số nhà lãnh đạo cấp cao.

- Ông viết sách dường như với tham vọng nâng cao cả “quan trí” nữa, cùng những vấn đề nóng bỏng nhất, trong quá trình ông làm thẳng thắn có bao giờ bị hiểu lầm  ý đồ ông đã gửi gắm trong các tác phẩm không?

- Có người nói với tôi: Anh Bạt, cái mà em khâm phục ở anh chính là anh khôn quá. Tôi nói: “Chúng ta có thể khôn khi đứng trước chuồng cọp, nhưng chúng ta không thể khôn khi đứng trước con cọp. Trí khôn quan trọng nhất của con người là biết mình đứng trước con cọp, hay chuồng cọp. Đây là một khái niệm rất tinh tế. 

Tôi luôn phân biệt một cách tinh tế trong khả năng có thể giữa hai việc ấy. Tôi không động đến quyền lợi cá nhân, không công kích cá nhân nào, thậm chí cả việc khen một cá nhân tôi cũng thận trọng. 

Trong xã hội hiện đại, sự khen thái quá đối với một con người đôi khi có thể làm giảm ưu thế của người khác. Tôi không bộc lộ tình cảm chính trị với ai cả. Tôi chỉ ủng hộ Đảng. Đảng cộng sản Việt Nam là đối tượng được lịch sử tạo ra. Tôi ủng hộ Đảng vì ủng hộ sự ổn định của đất nước.

- Với tư cách là một doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn đầu tư, xin ông cho biết: Trong tư vấn đầu tư, các tập đoàn nước ngoài, họ vào Việt Nam vì quyền lợi của họ trước đã! Họ đem tiền vào Việt Nam, nhưng người Việt Nam cũng không nên quá coi trọng cái “thảm đỏ” ấy. Vì cái “thảm đỏ” ấy có thể gây ra những hậu quả về môi trường và nhiều thứ khác nữa. Để rồi họ thu siêu lợi nhuận từ mảnh đất của chúng ta, trong khi chúng ta chết đói, thế thì chúng ta phải khôn ngoan như thế nào, để chúng ta vẫn kêu gọi đầu tư và vẫn thịnh vượng an toàn?

- Tôi chưa nói đến khôn ngoan, bởi trong câu chuyện này vẫn còn xa để nói đến khái niệm đó. Trước tiên phải nói đến liêm chính, vì cái “thảm đỏ” ấy chưa chắc đã thể hiện thái độ của chủ thể tạo ra nó là vì quyền lợi của nhân dân. Đôi khi người ta khúm núm trước nó vì nghĩ đến túi tiền của mình. Một dân tộc mà các quan chức đại diện chính trị cho nó liêm chính là một dân tộc có ưu thế. Đừng coi đó là chuyện riêng. Tư cách của một nhà chính trị không phải là chuyện riêng.

Phải có tư cách thì chúng ta mới có năng lực hiểu các nhà đầu tư, những người bỏ tiền thật vào Việt Nam. Trong dòng chảy đầu tư vào Việt Nam, chúng ta thấy xuất hiện một đống quỹ. 

Tôi có kinh nghiệm về các quỹ qua 7 năm làm giám đốc một quỹ tài chính tại lưu vực sông Mekong. Tôi hiểu các quỹ xuất hiện để gọi những món tiền nho nhỏ trong túi của các nhà đầu tư nho nhỏ. Người ta đã lợi dụng loại nhà đầu tư ấy. Người nước ngoài khi lập quỹ hiểu rất rõ các ranh giới có thể lợi dụng. Nếu chúng ta không thay đổi, không liêm chính, thì sẽ không có chính sách đối ngoại tốt cho vấn đề này. 

Lâu nay chúng ta mới nói đến sự không liêm chính một cách định tính chung chung, quên mất rằng sự hiểu biết tương xứng với các vấn đề mình phải chịu trách nhiệm cũng là một khía cạnh của liêm chính.

Môi trường bị đầu độc: do thiếu liêm chính hay thiếu hiểu biết?

- Thắc mắc thế này: Tôi biết ông làm công việc tư vấn đầu tư lâu năm, như vậy cũng có mối quan hệ tốt với các nhà đầu tư nước ngoài và giới cơ quan chức năng tại Việt Nam. Và ông hiểu các nhà đầu tư, bây giờ ông cứ nói thẳng mọi việc vậy có ảnh hưởng đến công việc của ông trong thời gian tới không nhỉ? Sự thật mất lòng mà.

- Tôi nói với báo chí và nói với các nhà đầu tư là hai diễn đàn khác nhau. Giống như việc tôi viết bài báo về cuộc nói chuyện hôm nay và anh chép lại cuộc nói chuyện hôm nay là hai việc khác nhau, hai hiệu ứng truyền thông khác nhau. Nếu không hiểu cặn kẽ sẽ thất bại. 

Trong thất bại của bà Hillary Clinton vừa rồi có cả thất bại của truyền thông do không xác định được đối tượng vận động bầu cử quan trọng nhất là công nhân, là người thất nghiệp. Donal Trump, trong lúc đó, biết sử dụng mạng xã hội để lôi kéo tầng lớp lao động vì ông ấy đánh giá được vai trò quan trọng của họ trong việc quyết định cán cân nghiêng về đối thủ nào. Đấy chính là bản lĩnh chính trị của Trump.

Tôi nói thẳng như thế đối với nhiều nhà đầu tư làm cho họ yêu quý Việt Nam. Đừng tưởng rằng nói thật làm cho người ta nghĩ xấu về Việt Nam bởi họ sẽ nghĩ ở Việt Nam vẫn còn người nói thật. Chúng ta nói không phải sợ nhà đầu tư đâu mà là sợ cấp trên. Nhiều khi chúng ta không bảo vệ Đảng bằng sự khôn ngoan của mình mà sử dụng sự khôn ngoan của mình để bảo vệ mình.

- Từ việc Vedan đầu độc sông Thị Vải, đến Formosa vừa rồi…, họ từ nước khác đến Việt Nam, họ thu những lợi nhuận khổng lồ và làm tha hóa những cán bộ làm việc với họ nữa, bằng tham nhũng chẳng hạn. Các doanh nghiệp kiểu đó, họ làm nhiều việc vì đồng tiền túi của họ thôi, chúng ta không khôn ngoan là lãnh đủ. Nhưng các vụ việc vẫn ồ ạt diễn ra đau lòng, vậy lỗi là do ai. Chúng ta thiếu liêm  chính hay thiếu trình độ? Hay do những nhà tư vấn đầu tư như ông chưa có trách nhiệm với dân với nước?

- Cũng có thể. Nhưng rất khó để cân đong đo đếm xem lỗi ở ai. Có lẽ đấy là “lỗi hệ thống” mà một thời báo chí hay nói. Vì quyền lợi, có những lỗi được che giấu và đến lúc nào đó tổng các lỗi ấy trở thành một hệ thống. Lỗi hệ thống là lỗi thiết kế, lỗi hệ thống là lỗi lịch sử. Cái đó vô cùng tai hại và khó quy trách nhiệm cho ai. 

- Vậy những bài diễn thuyết của ông cũng như các tác phẩm rất dày và cao của ông, thì thước đo quan trọng nhất là phải làm cái gì cho hiểu biết, cao hơn là thay đổi một cách tích cực và tử tế cho các hành vi trong xã hội chứ? Ý tôi là tinh thần xây dựng tốt đẹp trong trước tác của ông.

- Không bao giờ được bộc lộ các ý muốn một cách rõ rệt, mà phải gói ghém nó bằng sự kiên nhẫn đến mức tinh tế thì mới có tác dụng. Có nhiều người tìm đến gặp tôi để kiểm nghiệm xem tôi là người như thế nào. Có chị học trên tôi một khóa ở Đại học Bách khoa, chị ấy mua được mấy cuốn sách của tôi, đến xin tôi chữ ký và nói: Thật ra tôi đến đây là để xem Nguyễn Trần Bạt có thật hay chỉ là sản phẩm của truyền thông và nếu Nguyễn Trần Bạt có thật thì tại sao chưa bị bắt? (cười). (...)

Tôi vô tư đủ để không thấy xấu hổ với mỗi việc mình làm!

- Chắc hẳn ông rất ý thức “làm trai phải lập ngôn, phải làm cái gì đấy cho xã hội”, và ông muốn từ những bài diễn thuyết, đến ban biên tập 15 người của mình cùng làm công việc “lập ngôn” đó?

- Nếu tôi nói rằng tôi hoàn toàn vô tư trong mọi việc thì tôi không trung thực, nhưng tôi đủ vô tư để không thấy xấu hổ trước mỗi việc mình làm. Tại sao lại như vậy? Vì làm cái gì cũng phải đầu tư, đã đầu tư thì phải phân tích lợi ích, phân tích lợi ích là hoạt động tự nhiên trong các hành vi của con người. Tôi là một kẻ khá chi li khi phân tích lợi ích. Tôi nghĩ người hạnh phúc là người có thể trả lời một cách ngay thẳng những câu hỏi của Chúa trước khi lìa trần. 

Những câu trả lời chắc chắn của tôi là: Thứ nhất không lấy của ai một hào, thứ hai không để một ngày nào vô ích, thời gian là của Chúa ban cho mình. Mỗi ngày tôi đều bắt đầu làm việc lúc 8 giờ 30 phút và kết thúc lúc 1-2 giờ sáng. Không bao giờ tôi ăn quá ngon, vì con người muốn sống trong sạch thì phải rèn luyện, không được thỏa mãn tối đa các nhu cầu cá nhân.

- Với một người hiểu biết sâu về các giá trị cuộc sống và rất ưa hành động như ông, chắc ông luôn ám ảnh về sự hữu hạn của kiếp phận con người?

- Tôi không lãng phí cuộc sống của mình. Có nhiều nhà báo cũng hỏi tôi: “Ông có bao giờ yêu không”? Tôi nói: “Tôi sống đầy đủ các khía cạnh như một con người. Tôi trung thành với từng chất lượng hành vi của mình và không bao giờ nhân nhượng để hy sinh nguyên tắc ấy. 

Nói chung, đôi khi tôi làm việc một cách máy móc. Tôi nói với anh em cán bộ của tôi là nếu không xây dựng được thể chế bên trong bộ phận của các bạn thì sự phát triển chỉ là do ngẫu hứng. Thể chế nào cũng bền vững hơn cảm hứng cá nhân của một người. Chỉ cần đo độ ngẫu hứng của các bạn là biết được bộ phận của bạn có thể phát triển không.

- Có lẽ con người ông mang chất văn từ trong trứng nước chứ không phải ông kinh doanh trở thành một người giàu rồi một ngày đẹp trời nào đó ông nghĩ cần phải viết sách để lại cho đời?

- Không! Tuyệt đối không có chuyện như vậy. Tôi làm quen với văn học chuyên nghiệp từ rất nhỏ. Tôi đọc luận văn tiến sĩ của ông Tôn Gia Ngân về tính nhân dân trong hài kịch của Moliere từ năm mười mấy tuổi. Tôi là một người có học vấn chuyên nghiệp về ngữ văn và toán học. Sau này, khi học xong ở Đại học Xây dựng thì tôi trở thành một nhà cơ học, tức là tôi có thể xây dựng mô hình toán học cho những bài toán cơ bản trong nghề nghiệp cũ của tôi.

Tôi kể anh nghe một câu chuyện liên quan đến nghề nghiệp. Có một người bạn của tôi được một ông thủ trưởng, sau này làm bộ trưởng, giao cho một bài toán đại số tuyến tính, nhưng hệ thống phương trình ấy không có vế phải. Cậu ấy cuống lên chạy đến hỏi tôi: Ông Bạt ơi, ông ấy giao cho tôi giải bài này, bây giờ tôi làm thế nào. Tôi bảo, làm gì có phương trình nào không có vế phải, thế mà ông ấy không có khái niệm về vế phải phương trình thì cậu cứ thêm vào mà giải. Thế là cậu ấy viết thêm vế phải vào phương trình và hoàn thành việc giải toán.

- Sách báo người ta viết ông từng đi bán nước chè ở ga Hàng Cỏ, chuyện cụ thể là thế nào ạ?

- Có gì đâu, thì ông nội tôi là địa chủ, bố tôi bị đình chỉ sinh hoạt Đảng vì là con địa chủ. Quê tôi ở Nghệ An, gia đình tôi đã bỏ quê ra Hà Nội. Ra đây thì phải làm bất kỳ nghề gì để sống. Bán nước chè là việc thơ mộng và nhẹ nhàng nhất trong số những việc tôi đã phải làm. Tôi lúc đó 40 tuổi rồi mà đêm đêm vẫn phải chở từng thùng thép phi 6 đi bán.

Thực ra tôi cũng không muốn nói đến chuyện đi bán nước chè, nhưng anh em nhà văn, nhà báo lại thích khía cạnh ấy và “bơm” nó lên. Đôi khi tôi cũng hơi ngượng, vì tôi cũng không nhẹ dạ đến mức do căm thù giai đoạn phải đi bán nước chè mà trở nên có chí. Tôi là người ý thức về sự hoàn thiện trí tuệ cá nhân từ năm 7 tuổi. Tôi làm quen với văn học từ năm 10 tuổi. Tôi biết Maksim, biết Corneille, Banlzac, Moliere, Thackeray, Dickens… từ rất sớm.

- Người ta cứ nghĩ rằng vai trò luật sư, doanh nhân của ông lớn quá, số tiền công ty ông kiếm một năm lớn quá cho nên trí thức như chúng tôi, đôi lúc, cứ nghĩ rằng cái phần văn chương của ông bị át đi.

- Không phải là phần nọ át đi phần kia mà là vì sức chú ý của xã hội. Tiền có sức lấn át khổng lồ, cho nên nhiều khi người ta không cần xấu hổ rằng tại sao tiền lại chi phối mình đến thế.

Trong kinh doanh cũng cần sự tôn nghiêm chính trị

- Một thời người ta quan niệm giám đốc, doanh nhân thường ít chữ hay bỗ bã hơn thì họ gọi là trọc phú?

- Trên toàn thế giới người ta đang bàn tán ầm ĩ về bà Hillary Clinton và ông Donald Trump và nhìn Trump như cách bạn nói. Tôi biết chắc chắn rằng Donald Trump về mặt học vấn chính trị là không chuyên nghiệp, nhưng với người thông minh, có khi người ta đi từ không đến có chỉ mất một vài tuần.

- Tôi thích điều như ông nói: “Thực phẩm của thiên tài là tự do”, ông ra khỏi cơ quan nhà nước năm 1984, và đã có được thành công như ngày hôm nay, bây giờ ông có tâm đắc với việc bỏ việc đó nữa không?

- Tôi chưa bao giờ làm cái gì hấp tấp, làm gì cũng phải có tính toán. Tôi nói thật với bạn như thế. Ai chịu tránh nhiệm hộ mình những quyết định như thế. Khi tôi ra khỏi nhà nước thì công ty của tôi có khoảng 50 anh em, có nghĩa là 50 gia đình sống bám vào công ty. Thế mà tôi dám lôi cả công ty ra khỏi nhà nước. Công ty này có chi bộ từ khi thành lập cho đến tận năm ngoái, theo một chỉ thị của Ban Bí thư về việc giải tán các chi bộ loại ấy. 

Hồi đó, ông Lê Quang Đạo, Trưởng ban Khoa giáo có hỏi tôi: “Trong công ty tư nhân, tại sao lại cần chi bộ”. Tôi trả lời: “Có chi bộ để công ty có sự tôn nghiêm chính trị”. Trong kinh doanh cũng cần cả sự tôn nghiêm chính trị. Trong bất cứ cái gì cũng cần sự tôn nghiêm chính trị.

- Khi mà ông nói là mình đã tạo ra một nghề mới ở Việt Nam, đó là  nghề tư vấn đầu tư, từ lúc ông tạo ra tới giờ thì số người theo hay là con đường mình tạo ra nó hay ở điểm nào? Khi ông giao lưu với giới trẻ ở các trường đại học thì học sinh, sinh viên nói gì về nghề này? Tương lai của nghề này ra sao?

- Có những giai đoạn khác nhau, từ năm 2007, khi chúng ta bắt đầu giới thiệu thị trường chứng khoán thì vai trò của những người như tôi ít cần đi, chất lượng của các tư vấn chuyển sang lĩnh vực khác, ít thông thường hơn. Từ năm 2007 trở về trước thì nghề của tôi vẫn là nghề có tiếng nói khá trọng lượng trong xã hội.

Tôi có thể nói chắc chắn rằng tất cả các dao động của các quan niệm, hoặc là cách điều hành xí nghiệp của tôi theo sát nhịp điệu quốc tế về phương diện phát triển kinh tế. Tôi không lạc hậu một ngày nào so với nhận thức của thế giới. Tôi luôn hỏi các lãnh đạo cao cấp trong công ty của tôi rằng chúng ta đã lạc hậu chưa. Tôi luôn luôn tự kiểm điểm xem mình đã lạc hậu chưa. 

Khi nào tôi bắt đầu ngại, bắt đầu đuối sức trong việc làm cho mình không lạc hậu thì chắc là tôi nghỉ. Bây giờ thì tôi vẫn đủ sức làm việc, vẫn viết sách, chữ nghĩa của tôi vẫn chính xác, tôi cũng không dễ dãi với chữ nghĩa bao giờ.

Khi ra sách thì đúng là có biên tập vì thế này (ông Bạt chỉ tay vào hai máy ghi âm hiện đại được nhân viên coi sóc và bật chế độ ghi đỏ lòm trên bàn, họ nghe ông nói, ghi âm và bóc băng giữ lại), tôi nói một cách hoàn toàn thoải mái, nhưng cũng không phải do chủ quan mà vì chỉ có tự do khi nói như thế thì mới sáng tạo được. Cái mình nói là sự sáng tạo chứ không phải là nói đúng, hợp lệ. Tôi không có ai kiểm duyệt. Biên tập và kiểm duyệt là hai việc khác nhau. Tôi có một ban biên tập. 

Ở chỗ chúng tôi có mấy cấp độ biên tập: Thứ nhất là biên tập khoa học, trong trường hợp các cuốn sách của tôi là biên tập khoa học chính trị. Thứ hai là biên tập văn học, các hình tượng, định nghĩa, khái niệm phải được mô tả chuẩn xác và hấp dẫn. Thứ ba là biên tập công chúng, tức là phải xem công chúng người ta sẽ nghĩ như thế nào, có khó hiểu quá không, có tỏ ra khoe chữ với nhân dân không.

- Ông dành rất nhiều thời gian để viết sách, mất nhiều quỹ thời gian của ông có đúng không?

- Không, tôi không dành nhiều thời gian để viết giống như mọi người nghĩ. Tôi không viết bằng bút mà tôi nghĩ, sau đó tìm yếu tố kích thích để dòng nghĩ ấy hình thành, đóng khung thành ngôn ngữ. Làm thủ công thì không thể làm được với khối lượng suy nghĩ của tôi.

Làm thế nào tiêu hết thời gian Chúa ban cho?

- Ông đang nói về kỹ năng mềm trong cuộc sống và công việc?

- Tôi luôn thuộc một nguyên lý của mọi nhà triết học: mọi sự vật chỉ hiện hình khi nó cân bằng. Cân bằng tức là sự vật đứng lại một chút, và sau đó nó hiện hình. Một sự vật mà hiện hình lâu tức là sự vật bắt đầu chết. Cho nên phải chớp được thời điểm khi khối lượng những ý nghĩ tuôn ra cộng lại cân bằng với dung tích tinh thần của mình. 

Có những người khi nhìn họ, tôi luôn luôn đặt ra một câu hỏi là làm thế nào mà anh ta có thể tiêu hết thời gian mà Chúa đã ban cho. Có những người tôi không thể nào tưởng tượng được là họ có thể tiêu hết quỹ thời gian ấy. Một người thừa thời gian đến mức nào đó, có lẽ thi thoảng phải nghĩ đến quyết định nhảy lầu. Tức là nó tẻ nhạt quá.

- Gói gọn những gì ông viết, tính từ ngày hôm nay trở về quá khứ, ông tâm đắc những gì và ông mong muốn điều gì ông viết ra sẽ đi vào đầu độc giả nhất? Trong những cuốn sách, bài diễn thuyết, trước tác của ông, thì ông mong muốn dâng cái gì lên nhất cho cuộc đời này?           

- Để hiểu, để lý giải những sự vật, sự việc, những vấn đề khác nhau của cuộc sống là một công việc vô cùng quan trọng. Tất cả những gì tôi viết là tôi muốn nói với mọi người cách xử lý các vấn đề của cuộc sống. Tôi gọi đó là công việc nghiên cứu các tình huống triết học và chính trị dưới dạng các tiểu luận. 

Cái đấy làm cho thiên hạ nhớ mình lâu. Nếu chỉ tò mò bằng sự việc thì chúng ta thua Conal Doyler. Còn nếu đi tìm các phương pháp siêu hình để hiểu sự vật thì chúng ta không thể bằng Socrates được. Vì thế chúng ta đi tìm một cách nào đó gần con người hơn, giúp họ hiểu một cách có cơ sở lý thuyết hơn. Mà muốn làm được việc đó thì phải đọc và nghĩ hằng đêm.

- Ông xuất bản tất cả bao nhiêu cuốn sách rồi?

- Nếu mà nói cuốn sách thì không mô tả hết, tôi chỉ có 8 quyển thôi, sắp sửa có một quyển nữa là 9 quyển. Có những quyển 2.500 trang. Nếu tính tổng cộng tôi có khoảng 10.000 trang sách, khi nào chết là có thể làm di cảo.

Ông Nguyễn Trần Bạt trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

- Khái niệm phải giữ sự lương thiện, bây giờ mình khó khăn, mình bớt một tí sự lương thiện đi để kiếm tiền. Đến lúc mình có tiền thì lại không lấy được cái sự lương thiện đó nữa, đó từ trải nghiệm xương máu của ông?

- Tôi đã từng là Phó Chủ tịch Ngân hàng Habubank, thời kỳ đó hệ thống ngân hàng chưa đông như bây giờ. Đến khi người ta đưa ra kiến nghị để tôi làm tổng giám đốc thì tôi mới để ý đến các hoạt động thật sự của ngành ngân hàng. Ngay sau đó tôi bán hết cổ phần và rút. Mọi người ai cũng hỏi tôi tại sao lại làm như thế. Tôi cười, bảo, thôi, rút để giữ phúc đức cho con.

Tôi không ham tiền theo nghĩa ấy. Chưa bao giờ tiền bạc có đủ sức lôi tôi ra khỏi sự chú ý chính trị đối với bất kỳ điều gì. Nhưng tôi vẫn có tài làm tiền, nhìn đâu cũng ra tiền. Vị cán bộ của tôi hôm nay ngồi đây rất biết về việc chúng tôi phải đi vay để trả lương cho cán bộ với lãi suất 12%. 

Tôi nói với anh em, thôi chịu khó đi, ba tháng nữa là tôi có thể trả lương bằng đôla và không phải đi vay nữa. Tôi hứa thì tôi làm thôi. Lúc tôi làm là năm 1987, 1988 là các bạn biết rồi, hồi đó đất nước vẫn còn khó khăn.

- Ông có nghĩ khi ông trăn trở rất nhiều về việc thượng đế cho chúng ta cái gì và số phận chúng ta an bài như thế nào, việc kinh doanh, văn chương nghệ thuật đối với mình như thế nào, có lẽ ông rất lý trí, nhưng ông có tin vào cuộc sống tâm linh giống như nhân quả mà ông vừa nói có nhiều không?

- Luôn luôn tin. Con người là như vậy đấy. Bây giờ người ta đã bắt đầu giải thích được chuyện ấy dưới góc độ sinh học. Ví dụ,  khi người ta làm cái gì dối trá thì lượng Andrenalin ở trong máu tăng vọt. Đấy chính là cơ sở khoa học để chế ra máy kiểm tra nói dối.

Số phận của các bạn may mắn, chưa gặp những kẻ đểu giả bao giờ. Cho nên bạn cảm thấy sự chân thành, sự trong sạch, sự lương thiện giúp bạn tiếp cận một cách dễ dàng đến hạnh phúc. Trong quyển sách Cội nguồn của cảm hứng tôi có một chương viết về hạnh phúc. 

Tuy nhiên chúng ta cũng đang sống trong một thời đại có những tầng lớp con người vô cùng hùng mạnh, có khả năng chuyên nghiệp hóa sự dối trá và ăn cắp. Cho nên phải rất cẩn thận. Chúng ta trong sáng, chân thật nhưng không ngây thơ được.

- Chân thành cảm ơn ông!

Đỗ Doãn Hoàng (thực hiện)
.
.