Trí thức Việt Nam, một lát cắt theo dòng lịch sử

Kỳ 2: GS.TS Trần Ngọc Vương: Hai gương mặt của trí thức nho giáo

Thứ Ba, 29/05/2018, 08:38
Nhìn ở góc độ chính trị xã hội, nếu câu chuyện lớn nhất của đội ngũ trí thức Phật giáo Việt Nam là câu chuyện nhập thế - điều mà ANTG đã đối thoại với GS.TS Đỗ Quang Hưng ở kỳ 1 thì với đội ngũ trí thức Nho giáo, có vẻ câu chuyện lớn nhất lại là hành đạo.

Những nhà Nho hành đạo trong mấy ngàn năm lịch sử mang trong mình 2 khuôn mặt lớn, cả trung quân lẫn ngu quân. GS.TS Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng phương Đông sẽ phân tích rõ 2 khuôn mặt này cùng những ảnh hưởng bền chặt của nó đến ngay cả đội ngũ trí thức hôm nay.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa GS.TS Trần Ngọc Vương, thật ra thì vẫn còn rất nhiều tranh luận khác nhau quanh việc có phải Thái thú Sĩ Nhiếp là người đầu tiên mang chữ Nho vào đất Giao Chỉ, đặt viên gạch đầu tiên cho nền văn hiến Đại Việt sau này hay không, thôi thì chúng ta không sa đà vào những tranh cãi không biết bao giờ mới kết thúc ấy. Điều tôi muốn nói ở đây là có phải đến thời Sĩ Nhiếp thì đội ngũ trí thức Nho học mới thực sự hình thành ở dải đất này hay không?

- GS.TS Trần Ngọc Vương: Mọi nguồn tư liệu đều không thể giúp chúng ta trả lời chắc chắn 100% một câu hỏi như thế, nhưng theo nghiên cứu của tôi thì chữ Hán vào Việt Nam từ thời Triệu Đà chứ không phải thời Sĩ Nhiếp. 

Người ta chứng minh được rằng Triệu Đà đã sử dụng văn tự để giao tiếp với Lục Giả, xứ thần của nhà Hán. Và chúng ta phải thấy rằng, khi Triệu Đà đến đây làm vua thì có lẽ ông ta phải sử dụng một đội ngũ trí thức bản địa để cai trị và xây dựng nền văn hóa cho đất nước này.  

- Nhưng ở những thời kỳ lịch sử đầu tiên ấy, chữ Hán mà Triệu Đà mang đến là chữ viết của kẻ xâm lược nên có lẽ nó không được dân chúng bản địa chấp thuận ngay và vì thế, đội ngũ trí thức bản địa mà ông nói - nếu thực sự đã xuất hiện, chắc cũng chưa phát triển?

- Tôi đã lập luận một cách nghiêm chỉnh và hiện nay cũng nhiều người đồng ý với tôi, trong đó có giáo sư Nguyễn Khắc Phi, rằng, phải coi Triệu Đà như một thời kỳ lịch sử của Việt Nam. 

Theo tôi, nguồn gốc xuất thân của Triệu Đà là Hán hay Việt không quan trọng, bởi việc người nước này sang làm vua một nước khác rồi mở ra một triều đại mới ở nước khác là chuyện thường thấy trong lịch sử thế giới. Yếu tố đáng bàn là ông vua ấy có tạo ra những giá trị hoặc những cách thức ứng xử mang tính đại diện cho một quốc gia hay không? 

Dựa trên công thức ứng xử là "Nội đế ngoại vương", tức là bên trong xưng đế - bên ngoài xưng vương mà Triệu Đà xác lập, tôi thấy Triệu Đà đã giải quyết rất tốt yếu tố thứ hai này. Công thức ứng xử chính trị ấy không phải là một sự lừa dối mà chính là cách ngoại giao khôn ngoan để vừa khẳng định quyền thế của mình (bên trong xưng đế) vừa tránh khỏi chiến tranh với các nước lớn hơn mình (bên ngoài xưng vương). 

Và thực tế là công thức ấy đã được lần lượt các triều đại quân chủ chuyên chế Việt Nam áp dụng trong mấy nghìn năm sau này, để có thể giữ vững nền tự chủ.

- Nhưng, chúng ta không thể phủ nhận được rằng, ở những thời kỳ tự chủ đầu tiên như Đinh, Lê thì trí thức Phật giáo phát huy tối đa vai trò của mình. Phải đến thời Lý, khi một nhà nước trung ương tập quyền ra đời, khi Khổng Tử được thờ phụng ở Văn Miếu thì sức ảnh hưởng của Nho học mới dần rõ nét. Và có lẽ phải đến nửa cuối thời Trần thì những trí thức Nho học mới thực sự bước lên vũ đài chính trị của dân tộc? 

- Giữa thời Trần - cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, từng bước một, Nho giáo đã thay chỗ cho Phật giáo rồi. Vì thứ nhất, con đường học hành, thi cử, ra làm quan mà triều đình áp dụng về bản chất không phải con đường Phật giáo, mà là con đường Nho giáo. Thứ hai, phải luôn hiểu rằng, Phật giáo là một học thuyết nhập thế có điều kiện. 

Mục đích tối cao của học thuyết đó là giải thoát, cho nên các phương tiện nhập thế cũng chỉ là các bước quá độ để tiến tới sự giải thoát. Nói một cách sòng phẳng, Phật giáo không phù hợp với những chế độ chuyên chế.

Bản chất của chế độ chuyên chế là xây dựng một nhà nước đại thống nhất, đại tập trung trên cơ sở đoàn kết mọi lực lượng. Khi tôn chỉ đoàn kết được triển khai và duy trì trong thực tế mà chưa gặp phải những cạm bẫy của thực tế thì Phật giáo đồng hành. 

Nhưng khi chế độ nảy sinh những vấn đề trong lòng nó thì Phật giáo không thể đồng hành được nữa. Đỉnh cao của câu chuyện Phật giáo ở ta là việc vua Trần bỏ ngai vàng đi tu. Tư tưởng ấy là rất Phật.

Nhưng ở góc độ xã hội, người ta có thể sẽ đặt ra câu hỏi: ông làm vua mà còn chán ngôi vua thì tại sao tôi phải phụng sự ông? Trong khi đó, ngược lại, Nho giáo đề cao một chiều về lòng trung thành với ngôi vua.

- Nếu thời Trần là giai đoạn chuyển từ Phật sang Nho thì có vẻ đến thời Lê, trí thức Nho giáo phát sáng nhất, và đến thời Nguyễn - triều đại quân chủ chuyên chế cuối cùng trên đất nước ta thì trí thức Nho giáo lại xuất hiện những nét rất mới - điều mà thời Lê chưa có được?

- Thời cực thịnh của Nho giáo ở Việt Nam vào khoảng sau thế kỷ XV thời vua Lê Thánh Tông. Từ thế kỷ XVIII trở đi là thời kỳ khủng hoảng của chế độ và đến thời Nguyễn, đặc biệt là thời 4 ông vua đầu tiên thì Nho giáo được bổ sung những yếu tố mà giai đoạn trước không có. 

Thời kỳ này hình thành chân dung của những nhà Nho tài tử kiểu như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát nhưng cũng là thời mà những quy phạm của Nho giáo được đòi hỏi và xã hội hóa chi tiết nhất!

- Đội ngũ trí thức Nho giáo Việt Nam chắc chắn chịu ảnh hưởng từ đội ngũ trí thức Nho giáo Trung Quốc. Vậy xét về mặt gốc rễ, thì đội ngũ nhà Nho Trung Quốc được hình thành trong bối cảnh nào, thưa ông?

- Ở Trung Quốc, sau một thời kỳ hình thành nền văn hóa chữ viết là một thời kỳ tự do tư tưởng kéo dài khoảng 300 năm, đó là thời Xuân Thu - Chiến Quốc. 

Thời kỳ ấy xuất hiện khái niệm "Bách gia", có nghĩa là "trăm nhà" để nói về toàn bộ đội ngũ trí thức trong xã hội. Nhưng "trăm nhà" là cách nói mang tính biểu tượng, còn thực tế người ta đề cập chính đến "Lục gia", nghĩa là 6 nhà, trong đó có 4 nhà cố định là Nho, Lão, Mặc, Pháp. Còn lại mấy nhà khác, các nhà nghiên cứu người thì kể là Binh gia và Nông gia.

Người thì kể là Tung hoành gia và Tạp gia. Người thì kể là Âm dương gia và Tiểu thuyết gia. Nói thế để thấy tình hình phức tạp, không đơn giản. Nhưng có điểm chung, tất cả đều là kẻ sĩ và đều muốn rao giảng các học thuyết của mình cho thiên hạ.

"Sĩ" là gì? Đó là chỉ những người biết chữ, thuộc về giai cấp thống trị nhưng lại không cai trị trực tiếp. Tại sao lại không cai trị trực tiếp? Tại vì căn cứ vào quá trình phân công lao động mà giai cấp thống trị chia làm 2 bộ phận: Người thủ lĩnh và bộ phận giúp việc cho thủ lĩnh. Đám kẻ sĩ chính là người giúp việc cho thủ lĩnh.

- Kẻ sĩ - trí thức sẽ có nhiệm vụ giúp việc cụ thể như thế nào?

- Nhiệm vụ của tầng lớp trí thức là đẻ ra tri thức và các phương thức cai trị cho chế độ. Để chuyên tâm làm công việc sản xuất tư tưởng, tinh thần đó, họ được giải phóng hoặc tự giải phóng bản thân khỏi lao động sản xuất vật chất trực tiếp. 

Sự giải phóng đó là tiền đề tồn tại. Chính từ tiền đề đó mới sinh ra tâm lý nhà Nho nếu có trồng hoa thì cũng là để ngắm, để chơi, chứ không phải để buôn bán, càng không phải để định giá bông hoa bằng tiền bạc. 

Ngay cả khi không có điều kiện tham gia vào bộ máy chính quyền, mà phải làm các nghề tự do thì nghề nghiệp của họ vẫn là những nghề phi sản xuất như dạy học, chữa bệnh, xem phong thủy. 

Nói gọn lại, đó là làm công việc sáng tạo và “tích lũy” đòi sống tinh thần cho xã hội, Điều này khiến các nhà Nho truyền thống luôn tự ru ngủ mình là những người cao quý, sạch sẽ, không bị dính vào những việc “cổ cày vai bừa” như phần đông dân chúng. 

Nguyễn Trãi từng bảo: Không có tiểu nhân thì lấy ai nuôi quân tử? Không có tiểu nhân thì quân tử nhọc. Như thế, nhà Nho nghiễm nhiên được cho là tầng lớp quân tử, đứng trên, đặt trong sự so sánh với tầng lớp trực tiếp sản xuất của cải vật chất cho xã hội.  

- Những trí thức Nho giáo theo kiểu ông vừa kể là những người được nhà vua trọng dụng, được gọi là nhà Nho hành đạo, còn những người không được trọng dụng thường có tâm lý bất mãn thời cuộc nên thường tìm cách quy ẩn, rong chơi với đời?

- Hành đạo hay ẩn dật cũng chỉ là một số ít. Bởi vì hành đạo hay ẩn dật mà có tên tuổi lưu truyền lại cho đời sau thì được xếp vào dạng hiển Nho, mà trong bất cứ giai đoạn nào thì hiển Nho cũng ít hơn rất, rất nhiều so với hàn Nho, nghĩa là những nhà Nho không đỗ đạt, không danh tiếng.

- Mà hệ thống thi cử phong kiến khiến tỉ lệ độ đạt là cực thấp?

- Ngày xưa để được đi thi đã rất khó khăn chứ chưa nói gì tới việc đỗ đạt. Đi học thì tự do nhưng phải học đến một mức nào đó mới được ông thầy công nhận là đủ trình độ để đi hạch. Những ai đủ trình độ để đi hạch được gọi là khóa sinh. Những khóa sinh tốt nhất được các ông thầy lập danh sách, gửi cho quan huyện duyệt, và lúc ấy mới được gọi là học sinh. 

Khi đã là học sinh thì bắt đầu được hưởng chế độ riêng như được miễn trừ những việc tay chân, khiêng vác, được tham gia vào văn hội, sĩ hội, được tế Khổng Tử, được ngồi vào “chiếu trên” của làng xã. Những thứ ưu tiên nho nhỏ ấy đã đủ làm lên một thân phận.

Sau đó học sinh sẽ đi thi Hương, và vòng thi đầu tiên này sẽ có 2 hình thức đỗ. Một là đỗ chính thức, từ đời Lê trở về trước gọi là hương cống. Hai là đỗ không chính thức, gọi là sinh đồ.

Đến triều Nguyễn thì hương cống được gọi bằng tên mới là cử nhân, sinh đồ được gọi bằng tên mới là là tú tài. 2 kiểu đỗ không giống nhau. Hương cống hay cử nhân có nghĩa là được cống lên, cử lên với triều đình, được tham dự các vòng thi quan trọng tiếp theo như thi Hội, thi Đình. 

Còn sinh đồ hay tú tài là đỗ vớt, chỉ có tính chất an ủi. Mà nếu chỉ đỗ tú tài thì bị khống chế, chỉ được làm lại, nghĩa là làm người giúp việc cho quan, chứ nhất định không được làm quan trừ một vài ngoại lệ đặc biệt.

- Hệ thống thi cử chặt chẽ như thế khiến đội ngũ trí thức Nho giáo luôn bị phân tầng mà như ông nói là số lượng hàn Nho luôn cao gấp nhiều lần số lượng hiển Nho, nhưng đấy là đặt trong sự so sánh giữa các trí thức Nho giáo với nhau. 

Còn nếu đặt trong sự so sánh với phần đông dân chúng thì có lẽ dẫu chỉ là hàn Nho, dẫu chỉ biết dăm ba chữ thánh hiền, dẫu chỉ có thể là một ông đồ dạy học ở một làng quê hẻo lánh... thì những trí thức ấy vẫn có được sự tôn trọng nhất định từ phần đông dân chúng không biết chữ?

- Đúng vậy! Nếu ước lượng một làng ngày xưa có khoảng 100 người dân thì may lắm cũng chỉ có khoảng một vài người đi học. Thậm chí có làng trong nhiều thế kỷ không có người nào đi học cả.

- Và đặc điểm đầu tiên, quan trọng nhất của những người có học - những trí thức Nho giáo nói chung khi họ là nhân vật độc diễn trên diễn đàn, có phải là tư tưởng trung quân ái quốc không ạ?

- “Giá trị” đầu tiên của tầng lớp trí thức này là sự trung thành. Họ trung thành với chế độ, với triều đình. Trong nhiều trường hợp, khi nhận ra triều đình không xứng đáng với lòng trung của mình thì họ cũng không chống lại, càng không chống lại bằng vũ lực. 

Nho giáo là học thuyết tôn quân một cách tuyệt đối. Ngôi vua là bất khả tư nghị, là miễn bàn, cho nên không ai chống lại cả, người chống lại bị xem là phản nghịch, là đạo tặc. 

Thế mới nói Nho giáo gắn với phương diện quan liêu của chế độ, cũng đồng thời gắn với phương diện lý tưởng của chế độ. Tiếp nữa là họ trung thành với đạo lý. Nhà Nho rất tự tôn, tự trọng, coi lòng trung sánh với mặt trời mặt trăng. Và coi đó như một giá trị rất lớn về mặt đạo đức.

- Chính vì chữ "trung" tuyệt đối này mà trong rất nhiều trường hợp "trung quân" lại đồng nghĩa với "ngu trung", vì người mà họ trung không phải minh quân, mà là hôn quân, thậm chí là đại hôn quân, phải không ạ? Tới đây thì tôi muốn lật ngược vấn đề để hỏi một nhà nghiên cứu như ông xem bên cạnh những giá trị “sáng láng”, không còn phải bàn cãi thêm của đội ngũ trí thức Nho giáo thì những mặt chưa sáng của họ là gì?

- Họ luôn ủng hộ một chế độ thái bình thịnh trị, nhưng thái bình luôn được ưu tiên hơn thịnh trị. Yên ổn thì thiết thực hơn là phát triển.

- Thái bình mà thiếu thịnh trị thì đấy là một thái bình tĩnh, một thái bình rất dễ khiến con người ta đến một lúc nào đó trở nên lạc hậu với những vận động mới của thời đại. 

Khi quá nhấn mạnh yếu tố thái bình, nghĩa là yên ổn, không có chiến tranh mà chưa xem trọng yếu tố thịnh trị, nghĩa là nội lực, sự phồn vinh của một xã hội thì cũng có nghĩa con người ta rất kém sáng tạo. Và trong một giai đoạn vận động nào đó, thậm chí cái sự kém sáng tạo này còn tiệm cận đến sự trì trệ. Tôi nói như vậy liệu có đúng không, thưa giáo sư?

- Phải nói một cách lạnh lùng, thẳng thắn rằng Nho giáo là học thuyết thiếu sáng tạo bậc nhất. Ngay cả lãnh địa mà Nho giáo tự hào bậc nhất là văn chương thì anh cũng thấy ở đó tính chất khuôn mẫu là rất lớn. 

Vì khuôn mẫu nên nhiều điển cố, điển tích, hình ảnh, hình tượng cứ thế lặp đi lặp lại. Còn nhìn ở phương diện xã hội thì nhà Nho cực kỳ xa lạ với cái mà chúng ta sau này gọi là "tư tưởng dân chủ". 

Cho nên ở Việt Nam, người đi xa nhất trong dân chủ hóa là cụ Phan Châu Trinh thì cụ cũng không thể hình dung nổi đến một lúc nào đó lại xuất hiện một tầng lớp không thuộc tầng lớp Nho học mà lại lãnh đạo xã hội.

- Nhiều lúc tôi suy nghĩ và cứ phân vân rằng không biết mình suy nghĩ như thế có cực đoan quá không, đó là đức Khổng Tử tạo ra một học thuyết lớn nhưng đồng thời cũng tạo ra một cái “vòng kim cô” lớn. Để rồi hàng ngàn năm phong kiến, không có bất cứ trí thức Nho giáo Việt Nam nào có thể cựa quậy, chứ không thể thoát khỏi cái “vòng kim cô” ấy?

- À, trong hoàn cảnh phi truyền thống thì có thể họ đi ra khỏi Khổng Tử ở mặt này hay mặt khác, nhưng khi ấy họ còn là nhà Nho hay không thì phải nghiên cứu cụ thể từng trường hợp. 

- Ông đã có những nghiên cứu rất sâu về một loại hình nhà Nho gọi là "nhà Nho tài tử". Ít nhiều thì những nhà Nho kiểu này cũng thoát khỏi khuôn mẫu của những nhà Nho truyền thống, nhưng xét về bản chất thì họ vẫn chưa thể và không thể tạo nên cái gọi là "cách mạng"?

- Khi xã hội phát triển đến giai đoạn bắt đầu xuất hiện đô thị, xuất hiện một môi trường hoạt động kinh tế, văn hóa tương đối độc lập với nền kinh tế công xã kết hợp với chuyên chế truyền thống, từ đó xuất hiện lớp người buôn bán, tạo ra nền kinh tế nhỏ... thì cũng là lúc bắt đầu xuất hiện loại hình nhà Nho thứ ba, không giống 2 loại hình nhà Nho hành đạo và nhà Nho ẩn dật trước đó. Đó là nhà Nho tài tử. Loại nhà Nho này không trung thành vô điều kiện với đạo lý và triều đình. 

Họ có những “góc khuất” và đặc biệt họ đã nhấn mạnh đến những phương diện như tâm lý cá nhân, tài năng cá nhân. Họ tự cho mình cái quyền đòi hỏi. Cho nên loại nhà Nho này có đặc điểm thị tài, đa tình và bất trị.

- Chúng ta sẽ nhớ ngay đến cái ngạo nghễ, ngang tàng của những trí thức như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát phải không ạ? Một người thì tuyên ngôn: "Xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh", “quyết làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh”. Một người thì tuyên thệ: "Nhân sinh quý thích chí”, “Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan Khổng... cựa đuôi kình toan vượt bể Trình Chu”. 

Nhưng xét cho cùng thì trong cuộc đời,  không tìm được những giá trị đẹp đẽ như hoa mai kia, cũng không thể làm "cây thông" trong cái vận kiếp mình đang sống kia, nên phần lớn những nhà Nho tài tử vẫn kết thúc cuộc đời trong những tấn bi kịch, hoặc là bi kịch thân phận, hoặc là bi kịch về tinh thần?

- Tôi đã có nhận định rằng, dẫu có nhiều đóng góp cho sự vận đông của lịch sử, thì xét cho cùng, nhà Nho tài tử vẫn chỉ là “mùa quả lép” của lịch sử mà thôi.

Ảnh trong bài: Minh Trí.

- Bây giờ nhìn lại toàn bộ những bước thăng trầm của Nho giáo và những đỉnh cao - vực sâu của đội ngũ trí thức Nho giáo trong lịch sử Việt Nam, ông có nghĩ rằng nó ảnh hưởng đến ngay cả đội ngũ trí của chúng ta hôm nay không ạ? 

Vẫn biết là từ đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp xâm lược và "sự va chạm với phương Tây làm tan rã không biết bao nhiêu bức tường thành kiên cố" (chữ của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”) thì rất nhiều nhà Nho đã chính thức "vứt bút lông đi, giắt bút chì", nhưng ở một đất nước mà Nho giáo đã thấm vào từng chân tơ kẽ tóc của một đời sống văn hóa, trải qua tầng tầng lớp lớp các thế hệ thì tôi nghĩ rằng nó vẫn ít nhiều in dấu trong bộ mặt trí thức hôm nay.

- Không phải cứ học chữ Hán, cứ theo tư tưởng thánh hiền mới là nhà Nho. Có những người chưa bao giờ cầm đến sách của Khổng Tử, thậm chí cũng chẳng biết Khổng Tử là ai nhưng vẫn chịu ảnh hưởng một cách sâu đậm đấy. 

Bởi học thuyết này có một đặc điểm là nó thấm vào trong phong tục tập quán, trong nếp sống, nếp nghĩ thông qua nhiều phương cách khác nhau, chứ không chỉ bằng con đường học hành thi cử. Điều quan trọng hơn là chúng ta đã đánh đồng những giá trị của học thuyết này với đạo lý dân tộc. 

Cho nên những ảnh hưởng của đội ngũ Nho giáo đến tính cách, tâm lý của đội ngũ trí thức hôm nay là điều chắc chắn, không tránh khỏi.

- Vấn đề là nó ảnh hưởng cụ thể như thế nào phải không giáo sư? Dường như những mặt trái của học thuyết này như sự bảo thủ, như việc coi trọng "thái bình" hơn "thịnh trị" lại đang ảnh hưởng một cách dễ thấy. Còn những yếu tố tích cực của nó như phẩm hạnh, tiết tháo của người làm quan thì lại ảnh hưởng một cách ít thấy hoặc khó thấy hơn. Thú thật là cứ mỗi khi đọc báo, nghe tin lại có một quan chức bị xử tội tham ô, tham nhũng, tận dụng địa vị, chức tước của mình để biển thủ công quỹ, phục vụ cho những nhóm lợi ích nào đó... là không hiểu sao tôi lại nghĩ đến Ngô Thì Nhậm. Tất cả chúng ta đều biết đến câu chuyện khi Ngô Thì Nhậm làm quan cho Tây Sơn và Đặng Trần Thường đến xin ông nâng đỡ thì ông đã quát lên rất khẳng khái rằng: "Ở đây cần người vừa có tài, vừa có hạnh giúp vua trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác".

Sau này thời thế đổi thay, Đặng Trần Thường làm quan nhà Nguyễn, được giao đánh phạt những quan lại thời Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm và đã ra câu đối đầy mỉa mai: "Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ mấy ai".

Ngô Thì Nhậm đã khẳng khái đối lại: "Thời Chiến Quốc, thời Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế". Nghe đâu, Đặng Trần Thường ép phải sửa "thế thời phải thế" sang "thế đành theo thế", nhưng Ngô Thì Nhậm kiên quyết không sửa và cuối cùng đã bị Đặng Trần Thường tẩm thuốc độc vào roi đánh chết. Chúng ta không biết sự thật của câu chuyện mang màu sắc giai thoại này là như thế nào, nên có lẽ chỉ nên nhìn vào ý nghĩa biểu tượng của nó.

Nếu nhìn như thế thì khi quan sát đời sống hôm nay, một trí thức, một nhà nghiên cứu như ông có bao giờ tự thốt lên: trời ơi, sao những người có nhân cách và tiết tháo giống Ngô Thì Nhậm ngày xưa cứ diệu vợi, xa xôi thế? Một cách tổng quát hơn, theo ông đội ngũ trí thức hôm nay nên học gì và không nên học gì từ những trí thức Nho học ông cha mình?

- Đối với tình hình bây giờ, tôi nghĩ điều cần học nhất là sự hết mình với mục đích của cuộc đời và không thay đổi tính định hướng cuộc đời. Tức luôn phải là người có phẩm hạnh, có thể làm gương cho người khác.

Còn điều không nên học là không dám có ý kiến khác. Chừng nào giới trí thức không dám hoặc không thể có ý khác với người khác thì chừng ấy sự tồn tại của giới trí thức là vô nghĩa.

- Với thêm một điều kiện, cái ý kiến khác ấy phải là trí tuệ thực sự và phải là thành ý, mang tinh thần xây dựng?

- (Gật đầu)

- Xin cảm ơn ông!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.