Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn: Hiện thực lớn không chắc tạo nên tác phẩm lớn

Thứ Hai, 24/02/2020, 17:09
Những ngày đầu một năm, tôi thường có thói quen “trở về” với văn chương sau khi “bơi” hết từ vấn đề thời sự nóng hổi này đến vấn đề xã hội nghiêm trọng khác – những công việc tất yếu, thường trực của bất cứ ai làm nghề báo.

Trong cái thong dong suy ngẫm của những ngày đầu năm, nghĩ về văn chương cũng là nghĩ về một cái gì đó ẩn sâu trong tâm hồn mình, trong tâm hồn cộng đồng mình, trong tâm hồn dân tộc mình.  Những ý nghĩ có thể là “chưa tới” và “chưa trúng”, nhưng chỉ cần cái ý thức nghĩ về nó là mình tự thấy đã củng cố được một điều gì đó, ít nhất là với chính bản thân mình. Và thật vui khi người chia sẻ và cả tranh biện với những ý nghĩ này lại là một người đồng trang lứa – nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn. 

Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn.

- Nhà báo Phan Đăng: Biết anh Mai Anh Tuấn đã lâu, gặp anh cũng nhiều, nhưng đến hôm nay tôi mới dám hỏi anh: ở Việt Nam bây giờ, những Nhà phê bình văn học như anh có sống được bằng nghề không?

- Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn: Nghề phê bình văn học cũng như sáng tác văn học Việt Nam đương đại, phải nói là khó sống bằng nghề. Mà trước cũng vậy thôi.

- Trừ giai đoạn Hoài Thanh - Hoài Chân viết “Thi nhân Việt Nam” ở đầu thế kỷ 20 anh nhỉ? Vì sau khi viết xong “Thi nhân Việt Nam”, hai tác giả này nhận được một khoản lợi nhuận rất lớn. Theo lời kể của chính con trai Hoài Thanh – dịch giả Phan Hồng Giang thì với khoản lợi nhuận này, cha ông có thể mời họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đi du lịch khắp Đông Dương, và nhà ông cùng lúc có thể thuê tới 5 người giúp việc (cười).

- Thực ra đấy là giai đoạn mà những người như Hoài Thanh hay các nhà văn Việt Nam bắt buộc phải sống bằng nghề, vì khi ấy chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn chuyên nghiệp hoá mà. Mấy ông vừa viết văn, vừa viết báo, thậm chí vừa dạy học để kiếm sống. Riêng về “Thi nhân Việt Nam”, cuốn sách này ra đời năm 1942, thì lập tức được tái bản năm 1943, và trên tạp chí Tri Tân số Tết Quý Mùi năm 1943, người ta quảng cáo thế này: Tết năm nay anh em nào ưa thích văn chương nếu chẳng có quyển “Thi nhân Việt Nam” bên ấm trà sen, đĩa mứt ngọt hay bên mâm đèn, Tết ấy mất phần hứng thú hết năm bảy phần. Tức là “Thi nhân Việt Nam” lúc đó bán rất chạy.

Nhưng tại sao nó bán chạy? Thứ nhất, ở thời điểm đó người ta đang cần một bản tổng kết rành mạch, rõ ràng về phong trào Thơ mới. Thứ hai, người ta thấy “Thi nhân Việt Nam” dù gì chăng nữa cũng là một sự đánh giá sắc sảo, đa chiều về các nhà Thơ mới.

- Cái đời sống văn học phong phú đầy sinh lực của các nhà thơ mới chính là nền tảng quan trọng để tạo nên tên tuổi Hoài Thanh hay chính Hoài Thanh đã giúp cho một đời sống văn học được tổng kết lại một cách chói sáng, theo anh? Nhìn rộng ra, trong tư cách một nhà phê bình, anh có nghĩ rằng phải có một đời sống văn học tốt thì mới có một nhà phê bình tốt hay không? 

- Vai trò của nhà phê bình là tiến cử cho văn đàn những gương mặt thách đố văn đàn. Cho nên ở một thời điểm mà nền văn học phong phú, có nhiều gương mặt thì nhà phê bình cũng có “đất” để thể hiện những góc nhìn sắc sảo của mình.

- Ở thời hiện nay thì sao?

- Ở giai đoạn hiện nay, đời sống văn chương có vẻ bình lặng quá. Và các nhà phê bình có lẽ cũng chưa đủ quyền uy để khẳng định một giá trị văn chương nào đó. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, chỉ có mấy hiện tượng mà vai trò của các nhà phê bình được chú ý, đó là hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận”, Lê Vân với “Yêu và sống”, các tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, thơ Vi Thùy Linh hay thơ Mai Văn Phấn... Nói chung, lúc nào cũng có các nhà phê bình túc trực bên cạnh sáng tác nhưng phê bình đích đáng được hiện tượng nào thì cũng không nhiều.

- Nói theo ý của anh thì số phận của các nhà phê bình văn học được quyết định khá lớn bởi vận động của nền văn học đương thời. Nhà phê bình nào may mắn sinh vào thời kỳ văn chương nở rộ thì dễ dàng phát huy tài năng, còn nhà phê bình nào không may sinh vào thời kỳ văn chương nhàn nhạt thì rất khó xác lập sự nghiệp của mình. Nói vui thôi nhé, nhà phê bình Mai Anh Tuấn mà sinh vào thời của Hoài Thanh thì biết đâu sự nghiệp phê bình văn học của Mai Anh Tuấn đã rất khác rồi… (Cười)?

- Người ta cứ đặt nặng tính trực chiến của các nhà phê bình, tức là các nhà phê bình phải bám sát cái nhịp đi của đời sống văn học đương đại. Nhưng mà thực ra một chức năng khác của các nhà phê bình là đôi khi phải “đọc lại”, phải “lùi vào quá khứ”. Cho nên khi văn học đương đại không đem đến cho mình những sự hấp dẫn cần thiết, có những nhà phê bình lại tìm về những giá trị văn chương quá khứ.

Lại Nguyên Ân từng là một nhà phê bình trực chiến xuất sắc, nhưng khi cảm giác mình đã đi qua thời kỳ sung sức nhất thì ông chuyển sang vai trò khảo cứu, và lập tức trở thành một nhà văn bản học xuất sắc. Các nhà phê bình trẻ bây giờ cũng vậy, ngoài việc thi thoảng “bắt sóng” một vấn đề đương đại nào đó thì họ có xu hướng quay về “đọc lại” những giai đoạn văn học quá khứ, đặc biệt là giai đoạn văn học “đổi mới”, vì họ thấy đấy là giai đoạn cần phải đào sâu thêm.

Với cá nhân tôi, tôi thấy việc đọc lại quá khứ là rất quan trọng, vì khi anh đọc các vấn đề có tính lịch sử thì anh sẽ có một cái nhìn xuyên suốt và chính xác, chứ không vội vàng.

- Vâng! Quay lại quá khứ cũng là một cách hữu hiệu khi thực tại nền văn chương không đủ hấp dẫn với chính những người làm công tác phê bình văn chương. Nhưng anh Mai Anh Tuấn này, có bao giờ anh nghĩ: Một bộ phận nào đó các  độc giả đương đại không thích văn chương đương đại một phần vì bản thân văn chương đương đại, nhưng một phần khác cũng vì các nhà phê bình cũng chưa thể giới thiệu được những “hạt ngọc ẩn giấu” nào đó của văn chương đương đại cho họ hay không?

- Giai đoạn đầu thế kỷ 20, khi đời sống sáng tác phong phú, và khi đời sống phê bình bắt kịp được thì độc giả thời điểm đó chỉ có vài phương tiện cơ bản để tiếp cận với văn chương, ví dụ như qua kênh báo chí, và qua kênh sách vở. Và đấy cũng là 2 không gian tồn tại của các nhà phê bình. Họ in bài phê bình trên báo và trên sách. Như vậy thì nó tập trung hơn và tạo ra một sự tranh luận tốt hơn.

Từ đó độc giả có một điểm hút để hút hết vào đó. Còn hiện nay chúng ta  thấy có quá nhiều không gian để những tiếng nói phê bình xuất hiện, ví dụ như không gian trên mạng Internet, không gian trên mạng xã hội…, Nó khiến cho sự chú ý của độc giả bị phân tán rất nhiều. Cho nên hiệu quả của nó cũng không như ý. Điều thứ 2 nữa, đúng là các nhà phê bình có vẻ cũng chưa làm hết vai trò của mình, mà rõ nhất là thường đi muộn hơn so với các hiện tượng văn học. Chính vì thế mới để xảy ra hiện tượng vàng thau lẫn lộn trên văn đàn.

- Tôi xin phân tích một câu chuyện rất cụ thể, đó là khi tôi đọc những truyện ngắn của nhà văn trẻ Hiền Trang – một trong những người đoạt giải Văn học tuổi 20 lần thứ 6, năm 2018 thì tôi ngỡ ngàng quá. Tôi thấy văn chương của Hiền Trang là những cựa quậy điển hình của một thế hệ lang thang đi tìm bản ngã của mình giữa dòng đời xô bồ hôm nay. Và tôi tin rằng một người như Hiền Trang rồi sẽ còn đi rất xa. Lúc đó tôi tự hỏi: vai trò của các nhà phê bình văn học ở đâu rồi? Các nhà phê bình đã làm gì để đưa những “hạt ngọc ẩn giấu” như Hiền Trang đến gần hơn với độc giả? Anh có thể giải đáp thắc mắc cá nhân này của tôi không?

- Tôi nghĩ là thế này: Hiền Trang có độc giả của bạn ấy đấy. Nhưng với những tác phẩm đầu tay, những lời bình tán thái quá có khi lại mạo hiểm. Với ai không biết, chứ với mình, tôi vẫn luôn cần một sự cẩn trọng nhất định. Nên tôi vẫn chờ đợi những người trẻ như Hiền Trang tiếp tục trình làng thêm những tác phẩm nữa rồi mới đánh giá. Sự cẩn trọng đó có ích cho việc đọc của tôi, có ích cho bản thân tác giả, và có ích cho cả độc giả nữa.

- Sự cẩn trọng bao giờ cũng cần thiết, nhưng tôi ngờ rằng khi Xuân Diệu mới trình làng mà Thế Lữ cũng cẩn trọng một cách thái quá thì ông đã không thể giới thiệu Xuân Diệu ra văn đàn một cách ấn tượng như những gì chúng ta đã biết. Trở lại với văn học đương đại, trong cái không khí bình lặng nói chung thì sự xuất hiện của những người như Hiền Trang, Nhật Phi, Hạnh Nguyên… là đầy hứa hẹn.

Và tôi cứ lấn cấn với suy nghĩ rằng, giá mà bây giờ có một Hoài Thanh của văn xuôi thì biết đâu sức lan tỏa của những tác giả này đã lớn hơn nhiều rồi. Tôi không có ý ám chỉ đến cá nhân nhà phê bình nào cả, mà đơn giản chỉ là một suy nghĩ của riêng tôi thôi. Anh thấy sao?

- Trước khi trả lời vào câu hỏi của Đăng mình muốn nói rằng, mình không kỳ vọng vào vai trò của một Hoài Thanh của thời bây giờ. Vì ở trong thời kỳ Thơ mới, sự tham gia của các nhà phê bình vào đời sống văn học là có nhưng không quá nhiều, quá đông, nên những nhà phê bình như Hoài Thanh vẫn còn chi phối được độc giả.

Còn ngày nay, khi mà khả năng đọc/trình độ đọc/gu đọc của độc giả rất phong phú, luôn có những góc nhìn, phát hiện thú vị thì chưa chắc tiếng nói của các nhà phê bình chi phối được họ. Thậm chí độc giả Việt Nam bây giờ còn có thể đọc các tác phẩm nguyên ngữ của nước ngoài, và đưa ra những nhận định khiến những người làm phê bình như mình phải ngỡ ngàng.

Cho nên ngày nay, thay vì cứ chờ đợi sự xuất hiện của một người như Hoài Thanh, chúng ta phải nhường quyền đọc các tác phẩm cho độc giả, nhường quyền cho nhiều cách đọc khác nhau của những kiểu độc giả khác nhau. Thứ hai, cách phê bình của Hoài Thanh có nhiều điểm khả thú nhưng cũng có nhiều hạn chế.

- Chủ nghĩa ấn tượng...?

- Đúng rồi! Rồi lối viết mang màu sắc bình tán nữa. Nếu các nhà phê bình ngày nay vẫn sử dụng phương pháp phê bình như của Hoài Thanh thì không ổn.

- Không! Ý tôi không phải là sử dụng đúng những phương pháp của Hoài Thanh, mà là đi tìm một tầm vóc Hoài Thanh trong những tiêu chuẩn đương đại này. Tôi đồng ý với anh ở chỗ, đúng là bây giờ nhiều độc giả có trình độ, có gu thẩm mĩ, có cách đọc riêng, nhưng nếu vì thế mà bảo không thể kỳ vọng vào sự xuất hiện của những nhà phê bình đủ quyền uy thì tôi lại không tin lắm.

Bởi nói gì thì nói, các nhà phê bình là những người có nghề. Độc giả càng thông minh, càng tầm vóc thì càng có nhu cầu tham khảo tiếng nói của những người có nghề thực sự. Nhưng thôi, chúng ta sẽ không sa đà vào những vấn đề lý luận này làm gì, tôi muốn hỏi anh một câu cụ thể rằng, trong tư cách một nhà phê bình, anh thấy cái mùi văn chương của ngày hôm nay như thế nào?

- Có một đặc điểm là các nhà văn trẻ thuộc thế hệ cuối 8X đầu 9X có một vốn học vấn tương đối dày dặn. Ở Việt Nam lâu nay vẫn có quan điểm văn chương chủ yếu là do năng khiếu, điều đó thì không phủ nhận, nhưng ở thời điểm hiện nay nhiều người trẻ viết văn dựa trên sự hiểu biết thật sự, chứ không chỉ dựa vào những món quà năng khiếu. Thứ hai nữa, mình thấy các bạn ấy không bị áp bức bởi chủ nghĩa đề tài.

Trước đây, vì nhiều lý do khác nhau, giới sáng tác thường bị trói buộc bởi chủ nghĩa đề tài. Nhưng giai đoạn hiện nay, nhiều người đã vượt thoát khỏi nó để chạm đến những phạm trù mang tính cá nhân hơn.

- Đúng rồi, họ vượt thoát khỏi cái hiện thực mà họ thấy bằng mắt để cựa quậy, đấu tranh, dằn vặt, khai mở với cái hiện thực cá nhân trong tâm hồn mình và tâm hồn thế hệ mình.

- Đã từng có ý kiến nói rằng xã hội Việt Nam hiện nay có không biết bao nhiêu vấn đề nóng hổi, từ giáo dục đến y tế, từ giao thông đến môi trường, rồi tham ô tham nhũng nữa. Tại sao văn chương không lao vào những hiện thực nóng bỏng ấy để mà khai thác?

Theo tôi, nếu chúng ta nghĩ như vậy là chúng ta đã đơn giản hóa văn chương. Đã qua rồi cái thời mà văn chương giống như một thứ phóng sự xã hội cộng thêm hư cấu. Hay nói cách khác, đừng nhìn một chiều rằng: cứ có hiện thực lớn là sẽ có tác phẩm lớn.

Chúng ta từng có hiện thực chiến tranh rất dài, và chúng ta từng có những nhà văn mà năm tháng trận mạc còn lớn hơn cả tuổi quân ngũ của Lev Tolstoy và Hemingway cộng lại, nhưng những tác phẩm lớn về chiến tranh của chúng ta thì vẫn đếm trên đầu ngón tay. Thế nên chúng ta mới tiếp tục chờ đợi trong tương lai, nền văn học sẽ có những tác phẩm tầm cỡ về chiến tranh như “Chiến tranh và hoà bình” hay “Giã từ vũ khí”.

Trở lại với các nhà văn trẻ, hiện nay có vẻ họ đang thoát khỏi cái hiện thực nhìn thấy được để đi vào một hiện thực mới, hiện thực của cái chưa nhìn thấy, của tưởng tượng hoặc đôi khi là một thế giới của những sự cô độc. Thậm chí trong một số tác phẩm mà mình đọc, tôi còn thấy họ nói về cái chết rất nhẹ nhàng, họ nói về những con người tự làm đau bản thân mình một cách tỉ mỉ để đi đến cái chết.

Nhiều người đọc họ sẽ hỏi: Ồ! Vậy các nhà văn trẻ đang viết cái gì đây? Hiện thực đương đại Việt Nam ở đâu trong những trang văn của họ? Theo tôi, những câu hỏi như thế sẽ vô tình trói buộc văn chương, và trói buộc sự tìm tòi của các nhà văn trẻ.

- Tôi rất đồng tình với anh về điều này. Chỉ có điều, tôi thấy là trong cái hành trình cựa quậy, đấu tranh, dằn vặt với cái bến bờ hiện thực trong tâm hồn mình thì những trang viết của họ có vẻ “Tây” quá, “Tây” đến nỗi nếu tôi là một ông Tây đọc các tác phẩm của họ thì tôi sẽ thắc mắc: Ồ, vậy cái chất Việt Nam nằm ở chỗ đâu?

- Đúng như Đăng nói, đọc các tác phẩm của các bạn ấy, đâu đó chúng ta có cảm giác họ đang chuyển một tinh thần phương Tây – một lối sống phương Tây vào trong tâm hồn Việt Nam.

Chẳng hạn đọc Hạnh Nguyên, sẽ thấy bạn ấy rất am hiểu âm nhạc phương Tây, điện ảnh phương Tây. Và họ chuyển cái “Tây” ấy vào tác phẩm một cách rất bình thường. Đến tên nhân vật cũng là tên Tây. Nó dễ tạo cảm giác rằng các bạn ấy là những người xa lạ trong chính đời sống văn hoá Việt Nam.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn rất là sâu, và phải có thái độ bao dung, thể tất nữa, để thấy rằng chúng ta có một thế hệ người trẻ mà gần như sinh ra đã rất thân thuộc với văn hoá phương Tây rồi. Các bạn ấy sinh ra trong những khu đô thị, với đầy đủ tiện nghi và vật chất, rồi lại học tiếng Anh từ rất nhỏ, đọc văn học phương Tây từ rất sớm. Cho nên khi viết các bạn ấy dễ ngả vào cái mà các bạn ấy quen thuộc với mình.

- Khi tôi đọc những nhà văn lớn trên thế giới, tôi thấy rằng lý do quan trọng khiến họ “lớn” vì mỗi người, bằng một cách nào đó đều kể được một câu chuyện nào đó của dân tộc mình. Mỗi người là một cái gen văn hoá rất riêng của một dân tộc. Nếu chúng ta không chú ý đến điều này thì rất có thể những tìm tòi khám phá của chúng ta suy cho cùng cũng chỉ có thể “lớn” với chúng ta, chứ khó “lớn” với chiếu văn nhân loại?

- Đúng là các nhà văn lớn trên thế giới, xét cho cùng phải có những kết nối với số phận dân tộc mình, với nơi mà mình thuộc về. Ở Việt Nam, không chỉ trong văn chương đâu, mà ngay cả trong nhiều ngành nghệ thuật khác, ví dụ rõ nhất là điện ảnh cũng xuất hiện những tìm tòi, phá cách. Nhưng quả thực nó là phá cách so với mình, chứ nếu đặt cùng chiếu với các tác phẩm đương đại trên thế giới thì nó lại không đi đến đâu cả. Mà thực ra dưới cái gầm trời này, tìm một cái gì đó thật mới thì khó lắm.

Chính vì vậy trong nghệ thuật người ta mới luôn chờ đợi các tác giả thể hiện được một cái riêng gì đó của cộng đồng dân tộc mình. Thế nên khi giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài thì người ta sẽ chọn những gì đậm tính chất Việt Nam nhất. Như trường hợp tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Ông được coi là một trong số ít  tác giả Việt Nam có tác phẩm dịch ra nước ngoài nhiều nhất.

Vì sao? Vì đọc Nguyễn Huy Thiệp, người ta nhìn thấy một tâm hồn Việt Nam. Vì vậy quả thật, nếu chúng ta không có những mối quan tâm sâu sắc về cộng đồng dân tộc mình thì cũng rất khó chứng tỏ được mình trên phạm vi quốc tế.

Mà làm được điều này thì nhà văn phải thỏa mãn được 2 điều kiện.

Thứ nhất, họ phải có những quan sát và hiểu biết kỹ lưỡng về quá khứ dân tộc. Thậm chí phải tìm hiểu bài bản thì mới có thể chuyển tải nó vào trong tác phẩm. Mà điều này thì thật sự là không phải nhà văn nào hiện nay cũng có.

Thứ hai, mặc dù anh kể một câu chuyện riêng của cộng đồng anh, dân tộc anh nhưng nó cũng đồng thời phải chạm được vào những tâm tư của con người nói chung. Ở thời điểm hiện nay các nhà văn trẻ có vẻ như vẫn đang chờ một độ chín nào đó trong tâm hồn mình để chạm vào cái này chăng?

- Chúng ta kỳ vọng họ sẽ làm được điều này trong tương lai?

- Trong nghệ thuật, đặc biệt ở thế kỷ 20 luôn có quy luật “đi xa về gần”. Tức là khi còn trẻ, mới bước chân vào văn đàn, nhà văn thường có xu thế phá bĩnh, để vượt thoát. Nhưng rồi khi đủ chín, đủ từng trải, đủ thấm thía những ngón đòn số phận và dư vị cuộc đời thì họ lại có xu hướng quay trở lại với những cái vốn ở rất gần với mình.

Ví dụ như trường hợp của nhà thơ Trần Dần. Lúc đầu Trần Dần xuất hiện với tư cách là người chấp bút tuyên ngôn “Tượng trưng” với nhiều ý tưởng mới, rất là khác. Sau đó, ông cũng thử nghiệm nhiều lối viết hiện đại, cách tân. Nhưng cũng có khi ông lại trở về với mô hình đồng dao. Và đấy là lúc người ta thấy Trần Dần giàu khả năng sáng tạo bậc nhất.

- Nhưng để có thể “về gần” thì phải có một quá trình tiếp cận, chuẩn bị, nhìn nhận và thấu hiểu về các giá trị dân tộc đúng không anh? Chứ nếu không có cái ý thức ấy thì chỉ sợ là họ sẽ “đi xa”, và “xa mãi”, chứ khó mà “về gần” được. Và tôi nghĩ, trong quá trình này thì vai trò rung chuông định hướng của những nhà phê bình là rất lớn. Thậm chí có thể coi đấy là một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của giới phê bình ở thời đại này chăng?

- Có lẽ cần đến một nỗ lực thông hiểu lẫn nhau giữa hiện tại và quá khứ, giữa cái “xa” trong khao khát sáng tạo và cái “gần” trong nội tâm của mỗi người cầm bút. Năng lượng của sáng tạo và thành công đôi khi lại đến từ một sự đi chậm, nhích dần về phía các giá trị thân thuộc, các giá trị mà ta tưởng là không thể trưng dụng vào thời hiện đại. Thấu hiểu dân tộc, như anh nói, cũng không đơn giản là liên tục liến thoắng bản sắc, căn tính con người, văn hóa nước mình.

Hiểu, cũng như đi tìm bản lai diện mục, rất nhọc nhằn, cần những vỡ lẽ và giật mình nhận thức thật sự. Nam Cao đã từng ôm mộng ăn giải Nobel Văn chương nhưng rõ ràng, điều lớn lao nhất của ông có lẽ là đã làm cho làng Vũ Đại nhỏ bé trở nên đáng ngẫm ngợi, vừa đáng sợ vừa thương xót cho đến tận hôm nay.

Tôi nghĩ các nhà phê bình nếu có sứ mạng nào đó, họ dễ thường viện Nam Cao như một ví dụ về bài học văn chương: nó cần đam mê, khao khát, ảo tưởng và nó cũng cần xấu hổ, tự sỉ, tự cay nghiệt với mình để viết cho ra viết, sống cho ra sống. Dĩ nhiên, các nhà phê bình hiện giờ đủ tỉnh táo để biết rằng văn chương quan trọng đấy nhưng đa phần các nhà văn trong thâm tâm đều muốn sống “ngon lành” trước khi nghe lời khuyên “đi xa” hay “về gần”!

- Xin cảm ơn anh!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.