Dịch giả Thiên Lương: Đừng để kim tự tháp văn hóa bị lộn ngược
- Dịch giả Cao Nhị: Lặng lẽ bên đời
- Dịch giả Nguyễn Trung Đức – Người hiền của văn chương
- Dịch giả Châu Hải Đường: Đam mê với dịch thuật
Tôi không nghĩ là cuộc đối thoại này giúp mình hiểu được một “người khó hiểu” như anh nhưng tôi dám chắc, nó đã giúp mình đi sâu hơn vào thế giới của những nhà dịch thuật: một thế giới mênh mông chữ và mênh mông thách thức. Một thế giới mà nếu không có sự bền bỉ, người ta rất có thể sẽ bỏ cuộc ngay sau khi đi được vài bước và gặp phải những va vấp đầu tiên.
Phải hiểu được những siêu liên kết
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa dịch giả Thiên Lương, tôi đã chờ đợi cuộc đối thoại ngày hôm nay để hỏi anh mà thực ra là để giải tỏa nỗi tò mò lớn đã xuất hiện trong tôi kể từ những ngày đầu tiên biết đến anh. Đó là vì sao anh lại lấy bút hiệu là “Thiên Lương”? Nếu tôi không lầm thì đây là một ngôi sao đặc biệt trong tử vi và người ta vẫn tin rằng những ai có sao thiên lương thủ mệnh là những người vô cùng cao quý...
- Dịch giả Thiên Lương: Vâng, “Thiên Lương” là một chính tinh trong tử vi. Tử vi có 14 chính tinh thì đều là sao “cao quý”, khó nói sao nào hơn sao nào, tốt xấu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau... Nói riêng về Thiên Lương, theo sách xưa, người có sao này thủ mệnh sẽ có vẻ ngoài cẩn trọng khiêm nhường, từng trải, từ bi, gương mặt dài vuông, dáng cao, lối sống quang minh lỗi lạc, gặp chuyện thì quyết đoán, xử lý việc luôn đứng trên lập trường công chính liêm minh, không thiên vị, thận trọng, thường được mọi người kính trọng, hay giúp người khác giải quyết tranh chấp nhưng, đôi khi cũng gặp hiểu lầm, làm ơn mắc oán. Tôi lấy bút danh Thiên Lương phần nào cũng mong mình được các điểm tốt của những người có chính tinh này thủ mệnh.
- Thưa anh, chính từ cái bút hiệu mà anh chọn lựa, nên tôi muốn hỏi rằng từ bao giờ anh nghĩ về sứ mệnh của mình - một con người - một dịch giả trong cuộc đời này?
- Có lẽ cuộc đời này vô nghĩa, ta chỉ cố gán cho nó một ý nghĩa nào đó, một hy vọng nào đó, một sứ mệnh nào đó mà thôi nhưng nếu không hy vọng và cố gắng thì ta chỉ còn cách nằm xuống chờ chết, như một câu trong bài hát “Happy New Year” của ABBA.
Vậy nên, nếu nói trên phương diện con người, tôi nghĩ mình cố gắng sống tử tế, ít nhất là tử tế theo những gì tôi nghĩ là tử tế; về dịch thuật cũng vậy, tôi cố gắng dịch tử tế nhất theo những gì tôi cho là tử tế. Tôi không đặt cho mình mục đích hay sứ mệnh nào trong cuộc đời này cả, nếu như có một cái gọi là như thế thì có lẽ chỉ là thay đổi được chính bản thân tôi.
- Có lẽ khi còn nhỏ, con người ta thường không nghĩ gì đến sứ mệnh bản thân. Nhưng rồi lớn lên, trải đời và tương tác với đời, thậm chí là sau một cú hích đặc biệt hoặc một “cú đau nhớ đời” nào đó mà con người ta chợt ý thức về sứ mệnh của mình, đúng không anh?
- Vâng, tôi cũng nghĩ con người cần những cú sốc lớn, những mất mát lớn để ý thức được về thân phận mình. Nếu luôn gặp may, đôi khi chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt cho những may mắn ấy, trong một ngày không xa.
- Nếu những gì tôi biết là chính xác thì trước đây anh từng là lãnh đạo của một tập đoàn công nghệ, lúc đó liệu anh có chút ít ý thức nào về sứ mệnh của mình không?
- Tôi từng phải làm khá nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, thực ra khi làm việc cho một tập đoàn lớn thì ý thức mạnh nhất về sứ mệnh là phải hoàn thành được các chỉ tiêu kinh doanh. Vậy đấy!
- Còn sau này, khi trở thành một dịch giả, lao vào chuyển ngữ những tác phẩm văn học kinh điển Nga sang tiếng Việt thì anh ý thức như thế nào về sứ mệnh của một nhà dịch thuật, ít nhất là trong mối tương tác với độc giả của mình?
- Tôi dịch cả từ tiếng Nga và tiếng Anh, ví dụ “Pnin”, “Lolita”, “Bức tranh Dorian Gray”, “Dân Dublin” là các tác phẩm được dịch từ tiếng Anh. Một trong những điều tôi mong muốn khi dịch “Nabokov” là được trả ơn cho nước Nga vĩ đại, đã nuôi dưỡng và đào tạo tôi. Có thể coi đó là một sứ mệnh tôi đặt ra cho mình, nếu bạn thích từ “sứ mệnh” đến thế.
Mặt khác, tôi cho rằng văn chương và triết học là hai ngọn núi tri thức khổng lồ mọc lên trên cùng một nền tảng và có chung với nhau vô số mạch ngầm, hang động, đường mòn. Nếu cá nhân tôi được thám hiểm trực tiếp, dù chỉ một vùng nhỏ ở các ngọn núi đó và kể lại cho người khác, có lẽ đó cũng là một việc tử tế mà tôi có thể làm trong đời.
- Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, rất nhiều giảng viên của tôi nói về ý nghĩa của việc phải đọc, phải học những tác phẩm kinh điển. Nhưng, thật lòng, khi ấy tôi không hiểu được những ý nghĩa này. Vậy thì theo anh, chúng ta phải làm gì để người học - người đọc, mà nói chung là công chúng thực sự thấu cảm được ý nghĩa này?
- Văn chương ở Việt Nam hay bị hiểu lầm thành một thứ gì đó cảm tính, mơ màng, thiếu thực tế, nhưng thực ra văn chương có logic riêng và có điểm rất giống khoa học tự nhiên, đó là nó luôn dựa vào di sản tiền nhân. Nếu không có “Odyssey” của Homer thì cũng không có “Ulysses” của James Joyce, nếu không có “Annabel Lee” của Edgar Poe thì “Lolita” của Vladimir Nabokov có lẽ sẽ khác.
Các tác phẩm văn chương lớn đều được viết bằng siêu ngôn ngữ, để đọc chúng, ngoài trí thông minh, người ta cần một số kiến thức nền nhất định, không thì phải đọc rất nhiều bài phân tích của các chuyên gia, một việc mà tôi nghĩ còn mệt mỏi hơn. Thực ra, những người mê văn chương, đọc nhiều sách hoặc được đào tạo chuyên nghiệp về văn học sẽ có cái nhìn sâu rộng hơn trước một tác phẩm mới. Việc này cũng hệt như bạn cần học qua đại học kiến trúc thì mới đọc được sách kiến trúc hiện đại.
Vì vậy, tôi cho rằng các giảng viên của anh đã rất đúng khi cho rằng phải đọc, phải học những tác phẩm kinh điển, để có kiến thức nền mà đọc hiểu văn chương. Tôi muốn bổ sung thêm là phải đọc, phải học những tác phẩm kinh điển được dịch chính xác, vì nếu bản dịch sai thì dẫu có trơn tru chăng nữa, chúng cũng sẽ chẳng giúp được gì, thậm chí làm hại độc giả.
- Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm mà một tác phẩm kinh điển nào đó khiến anh như bừng tỉnh, như “đốn ngộ” một giá trị đặc biệt nào đó không?
- Tôi không nhớ được một kỷ niệm nào rõ ràng như thế. Tôi nghĩ sự “đốn ngộ” là một quá trình, ta đã tự chuẩn bị cho mình một tâm thế đón nhận rồi, một tác phẩm nào đó, một đoạn văn nào đó chỉ là cơ duyên, là khe nứt để tâm hồn ta bừng nắng mà thôi.
- Bây giờ chúng ta thử lật ngược vấn đề, với con mắt của một dịch giả, anh nghĩ thế nào về việc nếu phần đông công chúng của chúng ta đều chỉ đọc những thứ dễ đọc, đều chỉ nghe những thứ dễ nghe và dĩ nhiên trong quỹ đạo của những thứ “dễ đọc, dễ nghe” không hề có chỗ cho sự tồn tại của những tác phẩm kinh điển?
- Tôi nghĩ văn hóa có cấu trúc kim tự tháp, nghĩa là những gì trên đỉnh luôn cao, luôn khó, luôn dành cho số ít, còn phần chân rộng lớn của kim tự tháp văn hóa mới là chỗ cho số đông. Thực ra, không nên cho rằng cái này cao quý hơn cái kia. Đôi khi, việc được leo lên đến đỉnh kim tự tháp lại là bất hạnh chứ không phải may mắn. Những người ở dưới chân tháp có khi lại vui, vì ít ra họ cũng không phải leo lên leo xuống mỗi ngày với tảng đá của mình.
Những thứ “dễ đọc, dễ nghe” không dở hơn mà chúng được viết bằng ngôn ngữ đơn giản hơn, ít (thậm chí không có) các siêu liên kết, không yêu cầu độc giả có trình độ cao và vốn sống dày, chúng khơi gợi những cảm xúc dễ dãi, những giọt nước mắt ít muối, những nụ cười nhạt nhòa. Luôn có chỗ cho chúng trong mọi xã hội, ở mọi thời đại, thậm chí chỗ của chúng còn rất rộng và rất sang.
Vấn đề của chúng ta là đừng để kim tự tháp văn hóa bị lộn ngược
- Nếu ai đó bảo phần đông độc giả Việt Nam đều... sợ cái kinh điển thì anh nghĩ sao?
- Độc giả Việt Nam sợ “cái kinh điển” là đúng thôi, do họ không đọc được bản gốc, mà bản dịch thì sai. Cái gọi là “tác phẩm kinh điển” nhiều khi chỉ là một bản dịch lăng nhăng không liên quan gì đến bản gốc. Khoái cảm thẩm mỹ của sự đọc các tác phẩm kinh điển nằm ở chỗ thấy được cảm xúc từ không chỉ tác phẩm đang đọc mà từ cả các nền văn hóa khác, các tư tưởng tiền nhân, lịch sử nhân loại và thậm chí niềm vui nỗi buồn của những người đã khuất. Đôi khi chỉ một câu văn nhưng làm ta nhớ lại một cảnh trong kịch Shakespeare, một đoạn trong Kinh Thánh, hay một trận chiến tàn khốc tưởng chừng đã lãng quên. Muốn đọc được như vậy thì độc giả phải rất thông minh và từng đọc rất nhiều và phải được đọc các bản dịch chính xác.
Văn chương quan trọng không kém toán, lý, hóa, kinh tế,... thậm chí người đời nhớ đến các nhà văn chứ mấy ai nhớ đến các tỷ phú. Đáng tiếc là chúng ta đang coi nhẹ văn chương. Muốn văn chương được coi trọng hơn, hãy đọc các tác phẩm kinh điển.
Đừng thần thánh hóa những nhà văn lớn
- Rất đồng cảm với anh về việc độc giả cần được đọc những tác phẩm kinh điển được chuyển ngữ chính xác. Vậy, theo anh, thực trạng dịch thuật hiện nay đang diễn ra như thế nào?
- Rất nhiều người kêu ca về chất lượng sách dịch rồi, tôi không muốn nhắc lại. Tôi nghĩ mọi người nên công bằng khi phê bình các bản dịch cổ, mà theo định nghĩa của tôi là các bản dịch trước khi có internet. Đúng là các bản dịch cổ của các dịch giả ngày xưa đều có chất lượng rất tệ nhưng với điều kiện làm việc của các vị ấy: Không có máy tính, không có từ điển mạnh, thiếu tài liệu, không thể tra cứu trên mạng, khó có điều kiện giao lưu trao đổi với những người am hiểu văn chương trên thế giới,... thì làm được như họ cũng là những cố gắng đáng ghi nhận. Vấn đề ở chỗ chúng ta nên ghi nhận các bản dịch cổ, chứ đừng coi chúng là khuôn vàng thước ngọc, nên cất chúng vào một chỗ cao cao khó tìm nào đó rất sẵn trong tủ sách.
Thay vì phê phán các bản dịch cổ và cũ ấy, chúng ta nên chia nhau ra mà dịch lại và nên dịch nghiêm túc. Hiện nay đã có nhiều người dịch lại các bản dịch cũ nhưng nhiều khi bản dịch mới còn tệ hơn vì người dịch vẫn lười tra cứu và quá tự tin vào khả năng đọc ngoại ngữ của mình. Đó là một nghịch lý hay gặp trong dịch thuật, đôi khi chính vì không hiểu gì nên dịch giả lại dịch, hay nói đúng hơn là phóng tác, rất hay; còn khi đã hiểu ít nhiều thì lại chờn tay, không dám dịch hoặc dịch thô.
Hậu quả là bản dịch mới nhiều khi vừa dở vừa sai, chứ không chỉ sai không. Rất đáng tiếc. Nguyên nhân khá đơn giản: Hiện nay chúng ta có sẵn tài liệu và công cụ tra cứu nhưng nhuận bút quá thấp khiến dịch giả không thể bỏ thời gian nghiên cứu. Đọc cả chục trang giấy chỉ để hiểu một từ tiếng Anh mà dịch giả được trả vỏn vẹn 150 (một trăm năm mươi!) đồng khi dịch ra tiếng Việt, liệu có ai làm được không?
- Có lần tôi thấy một tờ báo dẫn lời của anh rằng: Các nhà dịch thuật chỉ được sai khoảng 0,5%. Tức là dịch 200 chữ thì chỉ được sai 1 chữ. Tờ báo này có phản ánh chính xác lời của anh không? Nếu có, tôi rất muốn được nghe anh nói rõ hơn về điều này.
- Tôi đưa ra con số này do thói quen của người làm quản lý. Ai từng làm quản lý dù ở vị trí nào, thấp hay cao, cũng đều biết rằng muốn nâng cao chất lượng thì phải quản lý được chất lượng. Muốn quản lý được chất lượng thì phải có con số. Trên phương diện nào đó, bản dịch là một sản phẩm tiêu dùng, nó phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định như mọi sản phẩm tiêu dùng khác. Các công ty không thể dịch lăng nhăng rồi đem bán sách ra thị trường được.
Dĩ nhiên, đánh giá một bản dịch không thể chỉ dựa trên số lỗi nhưng không thể nói rằng một bản dịch sai bao nhiêu cũng được, miễn là hay. Nhiều khi “hay” chỉ là một khái niệm ngớ ngẩn, người quen nào cũng có thể khen ta viết hay. Chúng ta vẫn thấy các nhóm thơ phú dịch thuật khen nhau qua lại trên mạng xã hội và báo chí, họ thực sự cảm thấy văn của bạn mình là hay, làm sao cấm được họ?
Tôi đề nghị con số 0,5% như một thử nghiệm tiêu chuẩn ban đầu, có học giả còn yêu cầu khắt khe hơn.
Đương nhiên đó là một đề xuất mà tôi biết rất khó thực hiện, nếu có thể thì nên áp dụng trước cho tài liệu kỹ thuật. Tuy nhiên, được dán cái tem chất lượng 0,5% hay 0,1% lên bìa bản dịch có lẽ sẽ là một vinh dự cho nhà xuất bản và dịch giả!
- Chắc chắn là có rất nhiều tiêu chí để đánh giá về sự đúng - sai trong công việc dịch thuật. Vậy, theo anh, tiêu chí nào là quan trọng nhất?
- Tôi cho là người dịch chỉ cần một tiêu chí là: Đúng. Có người cho rằng dịch phải Tín, Đạt, Nhã, nhưng nói thế hơi thừa. Tác giả viết sao thì mình dịch vậy, miễn mình hiểu đúng ngôn ngữ tác giả dùng và hiểu được từ điển riêng của tác giả. Mỗi nhà văn lớn có một từ điển riêng, cũng một từ thôi nhưng của Vladimir Nabokov sẽ có nghĩa khác với của Oscar Wilde và lại càng khác của F. Scott Fitzgerald. Nhưng, nói thế nào đi nữa, nghĩa của chúng cũng phải nằm trong các từ điển lớn, trừ khi chúng là từ do chính tác giả tạo ra.
Mặt khác, chúng ta không nên thần thánh hóa các nhà văn lớn, họ cũng là người phàm thôi, đôi khi vẫn viết sai, viết dở, viết vụng. Đừng viết lại văn của họ, hãy tôn trọng họ như những người thầy.
Một thế giới cô đơn tột bậc
- Trong quá trình chuyển ngữ những tác phẩm lớn của nước ngoài ra tiếng Việt, theo anh điều gì khiến những nhà dịch thuật dễ gặp... tai nạn nhất?
- Theo tôi, có 2 tai nạn dễ gặp nhất: Một là không hiểu tác giả. Mỗi nhà văn có cách tư duy riêng, cách dùng từ riêng, tư tưởng riêng. Nếu không hiểu được tư duy của họ thì dịch giả rất dễ rơi vào một lỗi nghiêm trọng là tự tiện thay đổi văn phong tác giả, viết lại cho mượt mà hơn theo thị hiếu riêng hoặc chiều theo thị hiếu một đối tượng độc giả nào đó.
Hai là, không hiểu các siêu liên kết. Các nhà văn hay dùng lại từ, dùng lại hình ảnh, thậm chí giễu nhại các tác phẩm kinh điển. Nếu không biết đó là một siêu liên kết thì chúng ta rất dễ dịch sai và dịch ngớ ngẩn. Để dễ hình dung, có thể lấy “Truyện Kiều” của Nguyễn Du làm ví dụ, trong “Truyện Kiều” có vô vàn siêu liên kết đến văn hóa Trung Quốc và Việt Nam, nếu không hiểu mà dịch máy móc qua tiếng Anh thì đương nhiên bản dịch cực kỳ ngớ ngẩn.
Những trường hợp nhìn nhầm, đọc sót, thậm chí tra từ điển ẩu vẫn hay bị lôi ra bêu riếu ở Việt Nam, thực ra lại có thể tha thứ. Dịch cuốn sách mấy trăm trang mà không nhìn nhầm chỗ nào mới là kỳ lạ!
- Nếu không ngại, mà không, nếu dũng cảm, anh có thể chia sẻ về một tai nạn nào đó của anh được không?
- Tai nạn thì nhiều chứ, có một đôi lần tôi đã nhìn sót chữ làm dịch sai nghĩa của câu, có lúc nhìn nhầm tinny thành tiny nhưng tôi không thấy có gì phải ân hận. Tôi chỉ nhớ các lỗi dịch sai vì thiếu hiểu biết văn hóa, tôn giáo, chính trị hoặc hiểu nhầm siêu liên kết. Một ví dụ tôi nhớ mãi là ở ngay chương 1 phần 1 cuốn “Lolita”. Nabokov viết ở cuối chương ấy một câu thế này: “Ladies and gentlemen of the jury, exhibit number one is what the seraphs, the misinformed, simple, noblewinged seraphs, envied”.
Cả câu này khá đơn giản và ở bản dịch đầu tiên, tôi đã dịch “Noblewinged seraph” thành “Những thiên thần thượng đẳng có đôi cánh tuyệt trần”. Nhưng sau này tra cứu sâu hơn và đọc tài liệu kỹ hơn, tôi mới biết từ điển tôn giáo có từ riêng cho seraph và quan trọng hơn là các seraph này có khá nhiều cánh (4 hoặc 6 tùy theo tôn giáo) chứ không phải chỉ đôi cánh.
Tôi đã sửa lỗi này. Dĩ nhiên, lỗi dạng này rất ít người biết, thậm chí nếu dịch thành đôi cánh nghe còn lấp lánh leng keng hơn với độc giả bình dân nhưng độc giả nào hiểu sâu về tôn giáo sẽ thấy gợn.
- Trong hình dung của tôi, thế giới của những nhà dịch thuật là một thế giới cô đơn. Họ phải tỉ mẩn kỳ cọ - nếu có thể nói như thế, với từng câu, từng chữ, từng từ trong bản gốc. Họ phải vắt óc, đau đầu chọn lựa xem từ ngữ tiếng Việt nào là đúng nhất và trúng nhất. Rồi sau đó họ sẽ phải chịu hàng trăm ngàn cặp mắt soi mói của đồng nghiệp, độc giả và vô số những “đối tượng không tên” nào đó. Cá nhân anh nghĩ gì về tất cả những đặc thù này?
- Anh hiểu về thế giới của người dịch đấy. Đó là một thế giới cô đơn mà ngay cả người thân, thậm chí người yêu mình cũng không hiểu. Cô gái của tôi từng nói là không hiểu nổi tại sao tôi lại vui với những thứ như thế được.
Để làm được công việc khổ sai này, tôi gọi là khổ sai vì nó thực sự rất tốn sức và thu nhập ngang với tù nhân, tôi hay nghĩ đến một câu văn của Nguyễn Huy Thiệp: "Đừng nghĩ đến lợi, nghĩ đến lợi nhọc mình". Tôi muốn bổ sung thêm là “đừng nghĩ đến danh, nghĩ đến danh bực mình”.
- Vậy, thưa anh, hạnh phúc lớn nhất của một dịch giả nằm ở đâu?
- Hạnh phúc lớn nhất của dịch giả là được đi vào thế giới tác giả. Những gì độc giả đọc lại từ bản dịch, thậm chí từ bản gốc, chỉ là một cái bóng của thế giới ấy thôi. Chỉ người dịch chân chính, dịch thực sự, dịch vì yêu mới được đi vào thế giới tác giả. Vậy nên người dịch phải rất kỹ trong việc chọn tác giả. Nếu tác giả quá tầm thường, bạn sẽ mất công nhiều mà chẳng được bao nhiêu. Nếu tác giả quá đen tối, bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Nếu tác giả không hợp với bạn, bạn sẽ lạc lối trong mê cung của họ và điều đó nguy hiểm hơn nhiều so với bạn hình dung. Bởi vậy tôi vẫn tin là dịch giả nên có nhiều điểm tương đồng với tác giả, ví dụ giới tính, nhân sinh quan, độ tuổi, trình độ văn hóa. Giống Nabokov, tôi không tin phụ nữ có thể dịch tốt các tác phẩm lớn của các tác giả đàn ông (Cười...).
- Xin chân thành cảm ơn anh!
Sách vở giống những công trình huy hoàng, nhưng... - Một dịch giả như anh có thể sống được và sống khỏe bằng nghề không ạ? Hay là anh phải làm thêm công việc tay trái nào đó? - Các nhà sách từng mua các bản dịch của tôi vẫn nói với tôi rằng tôi là một dịch giả được trả nhuận bút cao một cách đặc biệt và độc giả của tôi còn trả tôi gấp nhiều lần thế khi họ mua sách có chữ ký, có lẽ vì vậy mà tôi cho là nếu cần thì tôi vẫn có thể sống, hay nói đúng hơn là tồn tại nhờ nghề dịch. Vả lại, mỗi người có một con số riêng về mức sống. Những người làm việc với chữ nghĩa có ít nhu cầu cá nhân, nếu có chăng nữa thì cũng không bao nhiêu. Tôi không hình dung ra văn nhân nào có thể tiêu nổi một vài trăm triệu mỗi tháng. Vấn đề không phải ở việc tiết kiệm, mà do kiểu người, kiểu tư duy khác nhau. Nhiều khi tôi bị khủng hoảng tâm lý ngắn hạn vì phải chuyển đổi giữa những kiểu người và kiểu tư duy khác nhau. - Dịch giả Nguyễn Tùng, người luôn chuyển ngữ những tác phẩm triết học nước ngoài sang tiếng Việt có lần nói với tôi: Việt Nam chúng ta cần một quốc sách về dịch thuật. Anh có nghĩ vậy không? - Tôi đồng ý với ông Nguyễn Tùng. Như chúng ta trao đổi ở trên, các tác phẩm kinh điển rất quan trọng, mà gần như tất cả các tác phẩm ấy đều khó bán, nếu Nhà nước không có quyết sách thì sách vở của chúng ta sẽ mãi mãi như những công trình dựng trên đầm lầy, nhìn thì đồ sộ huy hoàng, bọc bìa cứng, bìa da nhưng mong manh yếu ớt vì không chung nền tảng triết học, văn chương. |