Ca sĩ Tùng Dương: Nếu một ngày, không ai nghe mình hát

Thứ Tư, 10/10/2018, 11:55
Tôi muốn mời Tùng Dương làm khách của chuyên mục "Đối thoại & Suy ngẫm" từ rất lâu rồi nhưng không hiểu sao cứ lần lữa mãi. Thôi thì cứ đổ tại là cái duyên bây giờ mới đến, nên mới lần đầu ngồi với nhau. 


Lần đầu, nhưng không kiêng dè, tránh né, không vòng vo, diễn kịch. Tôi hỏi thẳng Tùng Dương tất cả những câu hỏi mà mình muốn hỏi, kể cả những câu hỏi mà nếu đứng trước nghệ sĩ khác, tôi sẽ không hỏi, hoặc hỏi một cách khéo léo hơn nhiều. Ngược lại, Tùng Dương cũng thoải mái nói tất cả những gì muốn nói.  

Cũng có những chỗ tôi không hẳn đã đồng tình với Tùng Dương, cũng giống như có những cách xử lý bài hát của Tùng Dương mà không phải lúc nào tôi cũng thích. Nhưng, vượt lên chuyện đồng tình hay không đồng tình, yêu thích hay không yêu thích, phải nói rằng, tôi rất trân trọng gần 20 năm hoạt động nghệ thuật có thể nói là đầy năng lượng và phong cách của Tùng Dương.

Và tôi tin chắc rằng, Tùng Dương đã, đang và sẽ tiếp tục có một chỗ đứng riêng của mình, không nhòe nhoẹt, không hòa lẫn với bất cứ ai trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Xa bố mẹ và cái chết của người anh tinh thần

- Nhà báo Phan Đăng: Tùng Dương này, hồi còn bé, Tùng Dương đã hát những bài hát đầu đời trong hoàn cảnh nào?

- Ca sĩ Tùng Dương: Thực ra hồi bé mình gắn liền với mảnh đất Bắc Giang. Vì bố mẹ đi nước ngoài nên Dương được gửi về Bắc Giang sống với bác và vì thế Dương luôn coi Bắc Giang như quê hương thứ ba của mình. 

Mãi sau đó mới chuyển ra Hà Nội, học cấp 2 ở Hà Nội. Có một chuyện như thế này: gắn bó với tuổi thơ của Dương ở Bắc Giang là một người anh kết nghĩa. Anh ấy phát hiện ra năng khiếu âm nhạc của mình. Anh ấy đưa mình đi hát ở nhiều nơi, trong các buổi sinh nhật người này người kia. Hát xong thì cát-sê cũng được gói kẹo hay bát phở (cười...). Anh ấy đệm đàn guitar cho mình hát, mà toàn hát những bài của người lớn thôi.

Nhờ anh ấy mà sau này, đi sinh hoạt CLB thì Dương nhập vào thế giới âm nhạc rất nhanh. Dương nhớ mãi một lần được điểm tốt, được bố cho đi xem ca nhạc thì đứng dưới hàng ghế khán giả, Dương nhún nhảy còn bốc hơn cả ca sĩ trên sân khấu.

- Người anh kết nghĩa mà Dương nói đến chắc là trụ cột tinh thần rất lớn trong tuổi thơ Dương?

- Đúng. Anh ấy tên là Khương. Một sinh viên đại học khoa guitar của Nhạc viện Quốc gia. Nhưng, đau đớn là anh ấy bất ngờ mất rất trẻ, sau một vụ tai nạn giao thông. Mà đau đớn nữa là người gây ra tai nạn thảm khốc ấy lại chính là người quen của gia đình Tùng Dương. Đó chính là những mất mát đầu tiên khi người bạn tri kỉ không còn nữa và mình dần dần co hẹp không gian sống của mình lại.

- Nghĩa là ít chơi với những bạn bè xung quanh hơn?

- Đúng đấy! Kể từ khi anh Khương mất, Dương có thói quen chơi một mình và làm bạn với kiến, lá khô... rồi đứng trước gương bắt chước giọng hát và thần thái, phong cách của các ca sĩ chuyên nghiệp.

- Lúc ấy Dương bao nhiêu tuổi?

- Chắc chỉ 8-9 tuổi. Chỉ gắn bó với anh Khương khoảng 4-5 năm. Nếu anh Khương còn sống đến bây giờ, chắc chắn hai anh em sẽ song hành với nhau trong hoạt động âm nhạc. Tiếc là...

- Người anh tinh thần mất sớm, bố mẹ lúc đó đang ở Nga, chắc cậu bé Tùng Dương hồi ấy nhớ bố mẹ kinh khủng?

- Mẹ đi thì bện mẹ lắm, cứ lôi cái cặp tóc với cái khăn của mẹ ra để ngửi mùi của mẹ còn vương. Một lần, ông nội vì không biết nên đã dùng cái khăn ấy lau cho con cún, thế là Dương khóc um lên. Hồi đấy còn rất bé nhưng hay viết thư cho bố mẹ. Viết và khóc. 

- Khi nào thì Dương gặp lại bố mẹ?

- Năm 13 tuổi, Dương đoạt huy chương vàng Giọng hát Tuổi hồng toàn TP Hà Nội, sau đó được đi Nga biểu diễn. Gặp bố mẹ bên Nga lại khóc sướt mướt luôn. Vì lâu quá không gặp bố mẹ nên cảm giác lúc đó cứ vừa quen, vừa lạ thế nào.

Nhưng sau lần ấy thì Dương thường xuyên sang thăm bố mẹ và được đi xem những vở ba-lê nổi tiếng như Hồ thiên nga, hay đến nhà hát Bolshoi, đến Sankt Peterburg... 

Có lẽ đấy cũng là lý do mà gu nghe nhạc của mình khác hẳn so với những người bạn cùng trang lứa. Khi mà các bạn cùng trang lứa vẫn nghe nhạc MTV, hay những loại nhạc phổ biến thì mình đã nghe những cái khó nhằn hơn rất nhiều.

Sau này lớn lên, vào nhạc viện, đi hát thì cũng chỉ hát nhạc của các ông Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến... và thời ấy thì chẳng có cái bar nào chịu nhận Tùng Dương vào hát cả. Họ bảo em hát rất hay nhưng không phù hợp bất cứ bar nào hết. Thời đấy, các bar chỉ thích nhạc nhảy, nhạc Hoa, nhạc trẻ.

- Xa bố mẹ, mất người anh kết nghĩa, giờ nghĩ lại, Dương có thấy tuổi thơ của mình cô đơn, khác rất xa so với những đứa trẻ khác hay không? Và, có phải những mảnh cô đơn như thế đã sớm định hình một con người Tùng Dương nghệ sĩ hay không?

- Có lẽ là như vậy. Có những lúc người nghệ sĩ thể hiện ra bên ngoài rất mạnh mẽ nhưng bản chất sâu thẳm bên trong vẫn là sự cô đơn. Nghệ sĩ là cô đơn.

Trần Tiến là người khắt khe hơn tất cả

- Năm 2004, Tùng Dương ra album đầu tiên với cái tên mà cá nhân tôi cứ suy nghĩ mãi: “Chạy trốn”. Tại sao lại là "chạy trốn" ngay ở vạch xuất phát đầu tiên ấy?

- Đó là tên một bài hát rất hay của Lê Minh Sơn, nói về việc chạy trốn tình đầu. Dương cũng có mối tình đầu trong tuổi thơ của mình, vụng dại, vụng trộm nhưng mình luôn nhớ. 

Đến sau này, trải qua nhiều mối tình, kể cả với người bạn đời bây giờ thì mình vẫn không quên được mối tình đầu ấy. Chính vì vậy, đẹp mãi tình đầu nhưng vẫn phải chạy trốn tình đầu, vì nó chỉ là kỷ niệm, không đi đến đâu cả.

- Tôi đoán, đấy là mối tình đơn phương? (Cười...)

- Đúng là mình thích người ta và thường trộm nhìn nhưng người ta không biết là mình thích.

- Đó là thời gian học cấp 2 hay cấp 3 vậy?

- Đầu cấp 2. Bứt rứt và thích ở cùng người ấy lắm, thích nói chuyện lắm nhưng họ chả để ý gì đến mình.

- Sau này gặp thì người ấy có biết mình đã từng thích người ấy  không?

- Không gặp lại. À, có một vài lần hội lớp nhưng Dương không về được. Nhưng thôi, hãy để những cái đấy chôn vùi trong quá khứ đi.

- Tùng Dương này, có bao giờ Dương nghĩ cái nhan đề “Chạy trốn” nó ám vào cả cuộc đời âm nhạc của Dương không?

- Tình yêu luôn là chất xúc tác cho nghệ thuật. Nhưng âm nhạc của Dương luôn mở rộng biên độ, không chỉ dừng lại ở những bài hát tình yêu thuần túy. Một Tùng Dương Chạy trốn sang tới Li Ti thì biên độ đã mở hơn. Rồi đến những Độc đáo, Trời đất, Mang thai, Mưa bay tháp cổ, Đồng hồ treo tường thì tính tư tưởng và biên độ triết lý lại mở rộng thêm rất nhiều.

- Trong quá trình không ngừng mở rộng biên độ ấy, Dương cảm nhận âm nhạc của những người mình đã gắn bó như Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương... như thế nào?

- Với Trần Tiến, chất du ca quá rõ. Ông đi lang thang để viết và lời của ông, chữ của ông thấm đẫm một sắc màu thân phận. Đương nhiên, Dương không sống cùng thời với ông nhưng được nghe ông kể chuyện, được chia sẻ cùng ông - một con người rất giác ngộ và thông thái. Âm nhạc của Nguyễn Cường thì rất dũng mãnh, đòi hỏi một năng lượng hào sảng của người hát. 

Âm nhạc của Phó Đức Phương lại mang nhiều phong vị dân tộc. Ví dụ bài Một thoáng Tây Hồ của ông là một bài viết về Hà Nội mà cá nhân Dương thích nhất. Vì nó da diết, thanh cao lắm. Nó gợi lại cái không khí bảng lảng thời các cụ hát ả đào, nghe ca trù... ngày xưa. 

Âm nhạc của Dương Thụ luôn gắn với các giọng ca nữ nhưng không có nghĩa âm nhạc của chú âm tính. Chú Thụ cũng là người luôn nâng niu cái đẹp nên hầu hết các tác phẩm của chú luôn mượn lời của mình để nói thay về những suy nghĩ, thân phận của người nữ. 

Vẫn khát khao mãnh liệt... nhưng âm nhạc lại rất tĩnh, trong trẻo, thuần khiết như một khu vườn xinh. Và Dương hát nhạc chú Thụ bằng sự đồng cảm của những người trai có những ẩn ức.

Trong show mới nhất của Dương là Bộ tứ sông Hồng, Dương nghĩ đã làm tròn trách nhiệm khi hát những bài hát của cả Trần Tiến và Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ. Nhạc của 4 ông thì người ta đã hát nhiều nhưng kết hợp lại trong một đêm diễn, một album thì Dương tự hào là mình đã làm được.

- Khi Tùng Dương phải hóa thân vào những màu sắc âm nhạc rất khác nhau thì có bao giờ các nhạc sĩ tỏ ý không hài lòng về cách hóa thân ấy không? Tôi muốn nghe Dương kể một câu chuyện cụ thể về điều này...

- Đó chính là Trần Tiến, ông không thích mình hát Mưa bay tháp cổ một chút nào hết, vì ông bảo là hát ma quái quá. Ông là người rất gắn bó với mình nhưng cũng lại là người rất khó tính với mình. Ông luôn bảo: “Bố phải khắt khe với các con”. 

Với ông, Tùng Dương và Hà Trần như là con ruột nên phải chịu sự khắt khe ấy để có thể hoàn thiện mình hơn. Mà Dương nghĩ rằng, mình may mắn khi 15 tuổi đã được hát cho Trần Tiến và Dương Thụ nghe rồi.

- Lần ấy diễn ra như thế nào?

- Một người bạn của bố Dương chơi rất thân với ông Dương Thụ. Thế nên có lần Dương Thụ, Trần Tiến về Bắc Giang, nghe Dương hát. Nhưng hôm ấy Dương lại không hát nhạc Dương Thụ, Trần Tiến, mà hát nhạc Phú Quang cơ... (cười lớn). 

Hồi đấy giọng vẫn chưa vỡ nên nghe có phần giống con gái. Chú  Dương Thụ đánh giá là nhạy cảm âm nhạc rất tốt và giọng thì rất giống Hồng Nhung. Sau này, cũng nhờ các chú mà Dương hiểu là phải tạo dựng cho mình một phong cách riêng, của mình, không giống ai cả. 

- Bây giờ thì ai cũng thấy một phong cách âm nhạc rất riêng của Tùng Dương. Để xác lập một phong cách, người nghệ sĩ phải trải qua quá trình như thế nào?

- Ngày xưa mình khao khát hát những quãng và nốt khó nhưng phải thừa nhận là hát vẫn non, đến bây giờ, sau quá trình dài luyện tập và hoàn thiện, mình có thể làm chủ hoàn toàn được những quãng, nốt ấy và luôn thích chinh phục những tác phẩm nặng ký về thanh nhạc. 

Kĩ thuật của Tùng Dương không phải là vấn đề nữa. Rồi từ cái thuở ban đầu hát Ôi quê tôi rất dằn vặt, đến bây giờ Dương tự thấy rằng nếu cứ hát như vậy thì nó dễ tạo cảm giác nặng nề. Bây giờ không thể hát dằn vặt theo kiểu Ôi quê tôi, Chạy trốn, Trăng khát giống ngày xưa được nữa. 

Bây giờ, ngoài 30, trải nghiệm hơn rồi, Dương tự thấy là phải hát mượt mà hơn bằng nhiều cảm xúc khác nhau và bằng các kĩ thuật  khác nhau để làm sao giọng hát của mình vẫn có độ uyển chuyển giữa một bên là độ thép, nội lực và một bên là độ tinh tế, nhẹ nhàng.

- Có những bài cứ hát đi hát lại, có bao giờ bị mất cảm xúc không?

- Thật ra cảm xúc biểu diễn nằm trong máu của người nghệ sĩ rồi. Hát Ôi quê tôi hàng trăm lần, Con cò hàng trăm lần mà không bao giờ chán cả.

Nền âm nhạc sẽ bất ổn, nếu...

- Ở trên sân khấu, Dương thích hát với ai nhất?

- Cho đến bây giờ mọi người vẫn nói Tùng Dương và Thanh Lam là một cặp bạn diễn rất ăn ý, vì có lửa rất sung mãn và giàu cảm xúc. Thanh Lam là một người bạn thân trong nghệ thuật. 

Dĩ nhiên, mỗi người có một hướng đi khác nhau nhưng vẫn luôn chia sẻ mọi điều với nhau. Ngoài ra, Hà Trần cũng là một người mà Dương rất trân trọng vì cái cá tính âm nhạc của chị. Một người phải nói là rất kiên định với cá tính âm nhạc của mình.

- Tùng Dương có cá tính âm nhạc của mình. Tùng Dương cũng yêu thích cá tính âm nhạc của Thanh Lam, Hà Trần nhưng Tùng Dương này, với những cá tính, những phong cách, những thể loại âm nhạc khác thì sao? Thật lòng, đã coi nhau là bạn thì cho phép tôi được nói thật và nói thẳng trước mặt Tùng Dương: khi bạn phát biểu rằng "nếu già trẻ lớn bé cùng hát Bolero thì nền âm nhạc của chúng ta thụt lùi", cá nhân tôi đã suy nghĩ rất kỹ. Mặc dù khi đó tôi không phê phán Tùng Dương trên bất cứ phương tiện truyền thông nào nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ Tùng Dương có phần cực đoan. Và, hình như những người thực sự cá tính luôn là như vậy, luôn rất khó chấp nhận những gì trái ngược với thế giới của mình? 

- Mỗi người một quan điểm thôi. Mình nghĩ là một phát ngôn dẫu có đúng nhưng lại nói không đúng thời điểm hoặc đi ngược dư luận thì rất dễ bị chỉ trích. 

Mình lại không phải là người có thể đưa ra những phát ngôn khéo léo để cùng lúc có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng, Phan Đăng hãy tin rằng, những phát ngôn của mình xuất phát từ cái tâm của mình cho âm nhạc Việt Nam.

Trong quan điểm riêng của mình, mình muốn âm nhạc Việt Nam phải phát triển một cách lành mạnh, đều đặn chứ không thiên về bất cứ một trào lưu, hay bị phong tỏa bởi bất cứ một dòng nhạc nào.

Khi chúng ta mở ti vi, thấy 1-2 cái gameshow liên quan đến một dòng nhạc thì được, nhưng gameshow nào cũng liên quan đến dòng nhạc đó và nếu chỉ coi đó là thước đo cho cả một nền âm nhạc thì  mình nghĩ là không ổn.

- Sau những phát ngôn mà chính Tùng Dương cũng thừa nhận là "không khéo" ấy, nhận phải vô số những phản ứng từ dư luận, tâm trạng Tùng Dương lúc đó thế nào?

- Vợ mình bảo mình dại khi phát ngôn như vậy vì vừa chẳng được gì, vừa dễ bị mất fan, lại vừa bị đồng nghiệp hiểu lầm là kiêu căng, tự phụ. Còn với mình, mình đón nhận những khen chê đó bình thản vì như đã nói, mình xác định trước là một phát ngôn đi ngược lại trào lưu tất yếu sẽ bị như vậy thôi. 

Mình cũng nghĩ rằng, chẳng vì một phát ngôn mà đẳng cấp của một nghệ sĩ được nâng lên hay hạ xuống. Đẳng cấp của người nghệ sĩ, xét cho cùng, được định hình trong cả một quá trình hoạt động nghề nghiệp kéo dài nhiều năm.

Đâu đó chúng ta vẫn hay nghe chuyện một nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia dùng phát ngôn hay một chiêu trò nào đó để hoặc đánh bóng tên tuổi, hoặc cố giữ lại tên tuổi của mình với thị trường âm nhạc. 

Nhưng, Tùng Dương nghĩ rằng, những chiêu trò nếu có thì hãy chỉ nên nằm trong bản thân âm nhạc thôi. Những chiêu trò ngoài âm nhạc không bao giờ bền vững và giúp người ta đi xa cả. Đến bây giờ mình có thể tự hào nói rằng mình thành công nhờ chính nỗ lực bản thân chứ không nhờ bất cứ công nghệ lăng xê của bất cứ ông bầu nào cả.

Có những khoảng thời gian chống chếnh

- Nhìn lại cả một hành trình âm nhạc gần 20 năm đã qua, Tùng Dương thấy lúc nào mình buồn nhất, cô đơn nhất?

- Đó là thời điểm ra mắt album Những ô màu khối lập phương.

- Tại sao vậy?

- Thu bài hát ấy, mình phải hóa thân tuyệt đối và mình thấy nó cào xé lắm, cào xé tâm can mình ghê gớm. Hồi ấy cũng là thời điểm Dương có những vấn đề nhất định về tình cảm nên tất tần tật mọi thứ lúc ấy với mình chống chếnh lắm. Chống chếnh vô cùng.

Hay như thời điểm mình hát bài Nỗi khát, phải hóa thân thành người phụ nữ bị sảy thai, ước mong có một đứa con và cuối cùng hóa điên, ôm trên tay một con búp bê mà cứ nghĩ  đấy là con mình. Lần hóa thân ấy, Dương như cảm nhận được tận cùng nỗi đau của thân phận con người.

- Sau khoảng khắc hóa thân vào một bài hát, một tình huống, trở lại với thế giới thực của mình, người nghệ sĩ thường có cảm giác như thế nào?

- Với mình, cảm giác lúc đó là mình vẫn như đang trôi trong cảm xúc, trong thế giới của bài hát. Cảm giác nhiều lúc cứ lơ lửng, đến mức rất nhiều đêm không ngủ được, dù rất mệt.

- Nghe Tùng Dương hát, mà thực ra là ngắm Tùng Dương "lên đồng" trên sân khấu, không hiểu sao tôi cứ nghĩ, Tùng Dương là một người rất nhạy với những giấc mơ. Sự thực có phải như thế không?

- (Gật đầu...). Câu hỏi làm mình nhớ đến một bài hát trong album Ô màu: "Tôi lặng im ngắm những giấc mơ, trốn trong căn phòng trái tim không còn cô đơn...". 

Mình sống với những giấc mơ nhiều lắm. Có những giấc mơ dày vò, ám ảnh mình. Có những giấc mơ giúp mình làm được những điều mà không thể hoặc không dám làm trong đời thực. Cũng có những giấc mơ mà mình bị ám ảnh về một thời đại sau này, khi mà những thế hệ khán giả sau này không còn ai nghe Tùng Dương hát nữa. Mơ rồi, tỉnh dậy mình vẫn bị ám ảnh. Vì mình hiểu "thầy già, con hát trẻ", quy luật rồi. 

Có những nghệ sĩ lớn trên thế giới vì không chịu được quy luật ấy nên thậm chí đã tự sát. Có những người chủ động tiêu diệt mình trước khi phải đối diện với quy luật ấy. Khoảng 5 năm trước thôi, nghĩ đến một ngày mà có thể không  ai nghe mình hát nữa, mình buồn lắm. Và mình nghĩ là sẽ không thể nào chịu được.

Nhưng, đến bây giờ thì mình phải chuẩn bị trước cái tâm thế đó và tìm cách tốt nhất ứng xử với nó. Khi mà mình đã có đạo, có triết lý dẫn đường thì cuộc sống của mình không bị phụ thuộc quá lớn vào những biến động bên ngoài nữa.

Dương đã từng đi nước ngoài, nghe cô Whitney Houston hát trước khi cô ấy chết, thương lắm. Vừa hát vừa ho, còn khán giả thì toàn là những người trung niên. Lúc ấy mình mới đối chiếu với mình và hiểu rằng, con người ta ai cũng thế, dẫu tài giỏi đến đâu thì cũng thế cả, ai cũng chỉ có thời của mình thôi, sau đó phải nhường vị thế lại cho những người trẻ hơn. 

Cho nên, phải chấp nhận và phải tìm cách chiến thắng cái bản ngã rất lớn trong con người nghệ sĩ của mình.

- Xin cảm ơn Tùng Dương! 

Không ép con trai phải “lên đồng” như bố

- Con trai Tùng Dương bao nhiêu tuổi rồi?

- Năm nay con trai mình 3 tuổi. Có một kỷ niệm đặc biệt là năm 2015, Dương làm cái liveshow “Thập kỷ hoan ca” để chào mừng bé ra đời thì ai ngờ là cháu lại đẻ non, vào đúng 1 ngày trước liveshow của bố. Cho nên liveshow ấy, Tùng Dương phấn khích, thăng hoa tột độ. Nhưng, bên cạnh cảm giác thăng hoa cũng là những thoáng lo lắng vì mới chỉ nhìn thấy em bé thì biết đó là con mình và mình hạnh phúc thôi, chứ mình chưa làm bố bao giờ nên không hiểu rồi đây mình sẽ trở thành một ông bố như thế nào.

- Bây giờ, Tùng Dương là một ông bố như thế nào?

- Mình bận nhưng vẫn luôn dành thời gian chơi với con, gần gũi con.

- Và, sẽ không ép con sau này cũng phải “lên đồng” trên sân khấu như bố nó chứ?

- (Cười lớn...) Ồ không! Nó muốn làm gì cũng được.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.