Giám đốc Nhà hát tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung:

Tôi là người Mohican cuối cùng…

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:58
Tháng 4 năm 2018, Nhà hát Tuổi Trẻ kỷ niệm 40 năm thành lập và những người như NSND Lê Khanh hay NSƯT Chí Trung đã gắn bó với nhà hát từ thưở "khai thiên lập địa" đến tận hôm nay. 

Bốn mươi năm, thăng và trầm, cười và khóc, đỉnh cao và vực sâu… - có thể nói, nhà hát trải qua bao nhiêu giai đoạn tồn tại là những người như Lê Khanh, Chí Trung trải qua bấy nhiêu cung bậc của một cuộc đời nghệ sĩ. 

Nhìn lại cả một chặng đường gần nửa thế kỷ đã qua và đau đáu với những kế hoạch phát triển trước mắt, Giám đốc nhà hát, NSƯT Chí Trung chợt thốt lên: "Tôi là người Mohican cuối cùng…".

- Nhà báo Phan Đăng: Anh Chí Trung này, năm 1978, năm Nhà hát Tuổi Trẻ chính thức ra đời thì anh bao nhiêu tuổi nhỉ?

- NSƯT Chí Trung: Năm đó tôi 17 tuổi, thuộc lớp học sinh khóa 1 của nhà hát. Từ năm 1978 đến 1981, Nhà hát Tuổi Trẻ được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho tự đào tạo những khóa trung cấp diễn viên, trong khoảng 3 năm. 

Tôi nhớ là có tới trên 2.000 đơn xin tuyển được gửi về, sau tuyển được 41 người, sau nữa rơi rụng còn 21 người chính thức hành nghề diễn viên. Tính đến năm nay thì khóa 1 ngày ấy còn lại tôi và chị Lê Khanh. Tháng 7 năm nay chị Khanh về hưu, nên có thể coi tôi là người Mohican cuối cùng.

- Trong ký ức của "người Mohican cuối cùng", thời kỳ huy hoàng nhất của nhà hát, thời kỳ mà người Việt Nam xếp hàng dài đi xem kịch chắc vẫn ấn tượng vô cùng? 

- Đó là từ năm 1983 đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc đó một vở diễn mới bắt đầu vào ngày Thứ hai thì cứ thế từ đó đến cuối tuần là liên tục 71 suất diễn, khán giả cứ xếp hàng mua vé tíu tít. Cũng ở thời điểm đó, kịch Lưu Quang Vũ ra đời. 

Năm 1980 nhà hát chúng tôi dựng vở đầu tiên của Lưu Quang Vũ là Sống mãi tuổi 17, và sau đó Lưu Quang Vũ viết kịch như một thiên mệnh, kéo người ta đến sân khấu đông khủng khiếp.

Giai đoạn đó, lớp diễn viên được đào tạo bởi các cô chú học từ Nga về như chúng tôi cũng bước đầu tạo ra một luồng gió mới. Chúng tôi diễn tả thực, diễn chân thực, đem đến một diện mạo mới mẻ cho sân khấu Hà Nội.

- Ở thuở ban đầu đó, anh diễn chính kịch thì phải?

- Tôi diễn vai Romeo!

- (Cười...). Chắc chắn là nhiều khán giả sau này sẽ bất ngờ lắm khi biết một Chí Trung gắn liền với những vai hài lại có lúc từng hóa thân thành một chàng Romeo lãng tử.

- Thời ấy tôi và anh Đức Hải thay nhau đóng Romeo, chị Minh Hằng, Ngọc Huyền... thay nhau đóng Juliet, và chúng tôi đã diễn vở này tới 330 suất liên tục.

- Thật ra thì thời đó cũng không riêng gì Nhà hát Tuổi Trẻ, các nhà hát khác ở Hà Nội cũng đều hút khách, phải không anh?

- Nhà hát nào cũng thế cả. Lúc đó nền kịch Bắc là ngọn cờ đầu của sân khấu toàn quốc. Những năm 1982 - 1985, khi chúng tôi “Nam tiến” thì anh Thành Lộc, chị Hồng Vân, anh Quốc Thảo còn đứng nép ở sân khấu, nước mắt chứa chan nhìn chúng tôi biểu diễn.

- Vì sao những vở kịch Bắc thời đó lại có thể "Nam tiến" thành công như thế nhỉ?

- Bản thân cuộc sống lúc ấy đang bí bách, chủ thể cá nhân chưa được tôn trọng đúng mức. Những vở kịch của nhiều tác giả, đặc biệt là của Lưu Quang Vũ đã chạm được vào cái lõi đó. Những vở của anh Vũ thậm chí đã cứu được sự sinh tồn của bao đoàn nghệ thuật. Thêm nữa, miền Nam khi đó chỉ nổi tiếng với cải lương nên khi đưa kịch nói vào thì rất mới.

- Nếu so với cái thời huy hoàng ấy thì đời sống sân khấu bây giờ đang trượt dốc không phanh?

- Tất cả nằm ở nhu cầu khán giả. Đấy là một định luật bất biến bạn ạ. Cũng như bạn nuôi con thôi, con bạn mà không thích ăn thì có cố đưa thức ăn vào mồm nó cũng không ăn. Nhưng để đói một ngày thì tất cả mọi thứ đưa vào miệng đều thành đại tiệc. Thời ấy thực sự là người ta đói sân khấu, đói nghệ thuật, đói các loại hình giải trí tinh thần.

- Khác với một thời đại quá giàu có, giàu có đến mức hỗn loạn và vô phương hướng các loại hình giải trí tinh thần như bây giờ anh nhỉ? Và nếu hướng suy nghĩ này là đúng thì không bao giờ chúng ta có thể nhìn thấy một đời sống sân khấu phồn thịnh như ngày xưa nữa?

- Không bao giờ có thể làm lại điều đó cả. Nếu bạn đi ra thế giới, sau khi đi qua rất nhiều nhà hàng nguy nga tráng lệ, bạn rẽ vào một ngõ nhỏ, lên một căn gác nhỏ, chui vào một cầu thang nhỏ, ngồi trong một nhà hát nhỏ và cầu mong có đủ 200 con người trong cái nhà hát ấy cùng hồi hộp nín thở với một vở diễn thì cảm giác này là rất rõ.

- Ý anh, đây là vấn đề chung của sân khấu thế giới chứ chẳng riêng gì sân khấu Việt Nam?

- (Gật đầu)

- Vậy thì anh sẽ giải thích thế nào về việc các sân khấu Sài Gòn bây giờ vẫn luôn sáng đèn? Nếu như ngày xưa, các diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ "Nam tiến", khiến những diễn viên trong Nam như anh Thành Lộc, chị Hồng Vân phải nép mình ở cánh gà mà nước mắt chứa chan, thì xin lỗi cho tôi nói thật, bây giờ có lẽ chính những nghệ sĩ Bắc mới là người phải nép mình, nước mắt chứa chan như thế.

-Tôi sẽ rất cẩn trọng khi giải thích điều này, giống như rất cẩn trọng khi nói về sự khác biệt giữa sân khấu hai miền Nam - Bắc. Và đây cũng chỉ là góc nhìn của riêng tôi thôi nhé. 

Tôi nghĩ, sẽ rất ngớ ngẩn khi sinh ra một đứa con rồi so sánh chính mình - bố của đứa con ấy với một ông bố khác ở nhà hàng xóm. Ý tôi là, chẳng riêng gì sân khấu đâu, nhìn rộng ra thì các nhà hàng, các loại hình dịch vụ, giải trí khác của miền Nam cũng vượt trội miền Bắc. 

Nhìn rộng ra nữa thì bây giờ rất nhiều hoa hậu, ca sĩ, diễn viên kịch nói giọng Bắc nhưng vào Sài Gòn thì thành công, chứ không hề có điều ngược lại. Miền Nam thực sự đã hình thành một xã hội tiêu dùng đúng nghĩa, còn miền Bắc thì chưa...

- Và cả văn hóa tiêu dùng nữa?

- Một ông xích lô ở miền Nam kiếm được 10 đồng, ông ấy tiêu hết, thậm chí ông ấy tiêu luôn cả 11 đồng, vì ông ấy đi vay 1 đồng để... nhậu. ông xích lô miền Bắc cũng kiếm được 10 đồng, nhưng sẽ gửi vợ 9 đồng, chỉ giữ 1 đồng đi uống bia thôi. Sự khác biệt về cách sống, cách chi tiêu, cách hưởng thụ văn hóa nghệ thuật ấy có thể bắt nguồn từ sự khác nhau về địa lý, thời tiết. Miền Nam chỉ có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. 

Chỉ với một cái quần, một cái áo sơ mi bạn có thể sống quanh năm, tất nhiên nếu không ngại bị chê bẩn. 

Ngược lại, miền Bắc có 4 mùa xuân hạ thu đông, và lại có thêm cái nhờ nhờ của những giai đoạn chuyển mùa mà tôi hay gọi vui là "chuyển giới", là "mùa lưỡng tính". Sáng ra lành lạnh, phải mặc một cái áo khoác, đến trưa nóng lên thì vứt đi, đến chiều tối lại phải khoác lên vì lạnh.

- Tôi hiểu và ở một góc độ nào đó cũng đồng ý với cách suy nghĩ của anh. Nhưng tôi lại thấy ở miền Bắc, trong lòng Hà Nội của chúng ta, những vở kịch được dàn dựng cực kỳ hiện đại của Phi Phi Anh vẫn có thể tạo nên một sức hút lớn đấy thôi. Khi đến Trung tâm văn hóa Pháp xem những vở kịch của Phi Anh, tôi thấy vì hết sạch chỗ ngồi, nên nhiều khán giả thậm chí phải vừa đứng, vừa chen chúc, vừa xem kịch.

- Trường hợp của Phi Phi Anh là đầu tư cấp thời trong một thời điểm nhất định, tạo thành một xu hướng đón nhận những làn gió mới của ngoại quốc và trở thành mốt cho một dạng khán giả cụ thể nào đó. 

Nó khác hẳn so với việc chúng tôi dàn dựng các vở kịch định kỳ và bán vé vãng lai hằng ngày cho tất cả mọi người. Nếu Phi Phi Anh vào nhà hát của chúng tôi, cũng bán vé vãng lai, hướng đến tầng lớp tiểu thị dân như chúng tôi thì liệu có bán nổi 1 vé không? 

Tất nhiên nói thế cũng vô cùng vì cơ bản kịch của Phi Phi Anh và chúng tôi khác hẳn nhau về bản chất. Chúng tôi không thể là Phi Phi Anh và ngược lại Phi Phi Anh cũng không thể là chúng tôi được.

- Tôi tiếp tục đồng tình với cách phân tích của anh. Nhưng tôi nghĩ, nói gì thì nói khi chúng ta thấy sân khấu miền Nam vẫn sáng đèn và khi chúng ta thấy thi thoảng vẫn có những vở kịch - những sân khấu Hà Nội hút người xem, kể cả đó chỉ là sức hút nhất thời như cách anh vừa nói thì chắc chắn chúng ta vẫn phải nghiền ngẫm, mổ xẻ, và rút ra những bài học nào đó cho chính mình, phải không?

- Chúng tôi đang làm điều đó đây. Bây giờ chúng tôi đặt ra chỉ tiêu diễn ít cũng được, nhưng ít mà phải chất. Phải diễn đúng cái người ta cần, chứ không phải cái mình muốn.

- Đấy, tôi thích một cách nhìn như thế. Vẫn biết một trong những chức năng của nghệ thuật là định hướng thẩm mĩ cho công chúng, nhưng xét cho cùng, những tác phẩm làm ra mà người ta không xem, không quan tâm thì cũng chẳng thể định hướng ai được.

- Vấn đề là chúng tôi đang thực sự đói những kịch bản như thế. Nhiều tác giả hôm nay chỉ viết cái mình thích, còn đạo diễn có dựng được không, khán giả có cần không thì dường như họ không quan tâm. Anh Lưu Quang Vũ ngày xưa rút ruột mình ra để viết những cái mà xã hội thực sự cần, thực sự mong đợi.

- Nhiều nhà quản lý, nhiều đạo diễn khi tâm sự với tôi cũng có suy nghĩ như anh, rằng bây giờ thật sự đói những kịch bản hay. Thời đại hôm nay cũng là một thời đại đầy tính vấn đề, nếu không muốn nói là có những vấn đề mà xét về độ khốc liệt cũng chẳng kém gì so với thời của Lưu Quang Vũ, như cuộc chiến chống tham ô tham nhũng chẳng hạn. Một thời đại như vậy mà lại thiếu những tác phẩm sân khấu ra tấm ra món thì kể ra cũng lạ.

- Các trại viết vẫn được tổ chức thường xuyên và chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều kịch bản, nhưng tìm ra cái hay, cái người xem cần thì rất hiếm. 

Còn về những vấn đề như tham nhũng mà bạn nói, theo tôi, nếu viết về tham nhũng thì không thể nào đấu lại với thông tin tham nhũng được cập nhật nóng hổi trên báo chí từng ngày, từng giờ được. 

Mà bây giờ là thời đại của thông tin, của sự cập nhật nóng hổi, nên người ta chỉ thích những cái cập nhật nóng hổi thôi. Đã có lúc tôi phải nói thẳng với anh chị em trong nhà hát là những vở viết về tham nhũng, tôi không dựng nữa.

- Tôi thì không thích đặt một tác phẩm kịch bên cạnh một tác phẩm báo chí lắm. Vì nếu báo chí nói bằng thông tin thì kịch nói bằng hình tượng. Với các đề tài đấu tranh chống tham nhũng chẳng hạn, nếu dựng được những hình tượng kịch thật hay, nói đúng, nói trúng về nó thì cá nhân tôi nghĩ vẫn có khả năng rung cảm và thậm chí là thức tỉnh người xem. 

- Mỗi nhà hát có một chức năng, nhiệm vụ, một đối tượng khán giả riêng. Chúng tôi là Nhà hát Tuổi Trẻ, đối tượng khán giả của chúng tôi là thanh niên và thiếu nhi nên chúng tôi không ưu tiên các đề tài tham nhũng mà hướng đến các vấn đề liên quan tới giá trị sống của người trẻ. Ngay cả cách dàn dựng cũng phải trẻ, phải kết hợp diễn với nhảy, phải giải quyết ngôn ngữ, tình huống nhanh để có thể hấp dẫn đối tượng này.

- Nghe anh nói tôi chợt nhớ đến giai đoạn Nhà hát Tuổi Trẻ dựng hàng loạt những vở "Đời cười" theo một phong cách mới mẻ, trẻ trung. Những tác phẩm ấy không chỉ hấp dẫn với người trẻ, mà với cả những người không còn trẻ nữa?

- Những năm 92 của thế kỷ trước, chúng tôi bắt đầu chuyển sang hài kịch vì chúng tôi nhận ra những vấn đề của chính kịch có vẻ làm khán giả mệt mỏi, không còn muốn xem nữa. 

Đến năm 1998 thì chúng tôi cắt ngắn kịch ra, một tối có thể dựng một chùm hài kịch gồm 4-5 câu chuyện khác nhau, tạo thành những seri "Đời cười" như bạn vừa nhắc lại. 

- Giai đoạn ấy Chí Trung cũng bị "mang tiếng" là người phá kịch?

- Vì kịch theo nghĩa truyền thống phải diễn từ 8h đến 10h30 tối và nó phải là một câu chuyện, có trình tự, lớp lang, có một thông điệp rõ ràng. 

Nhưng với "Đời cười", từ 8h đến 10h30, chúng tôi lại kể từ 4 đến 5 câu chuyện hài hước khác nhau. Những người không thích sẽ bảo tôi là người phá kịch. Những người thích thì bảo chúng tôi đáp ứng được nhu cầu người xem. 

Nhưng bây giờ thì cách diễn ấy cũng đã lạc thời rồi, bây giờ có khi chỉ kể 2-3 câu chuyện thôi, còn đâu phải kết hợp với ca nhạc nữa. Nói chung thị hiếu người xem của từng thời kỳ luôn rất khác nhau.

- Anh thấy thị hiếu hôm nay thế nào?

- Tôi thấy những năm gần đây người xem lại thích những vở chính kịch có yếu tố hài và những vở hài kịch có yếu tố suy ngẫm. Nghĩa là người xem đang phức tạp hóa chính mình chứ không còn "một dòng" như ngày xưa nữa. Và điều ấy đúng, không sai gì cả.

- Vì nó phản ánh sự phức tạp của tâm lý con người trong chằng chịt những cảm xúc, những mối quan hệ của xã hội hiện đại?

- Các sân khấu miền Nam như sân khấu của anh Thành Lộc đã "bắt" rất đúng cái mạch này. Và mỗi một sân khấu miền Nam đã thực sự tạo cho mình một phong cách, một vị trí riêng, phù hợp với từng đối tượng khán giả. Sân khấu của chị Hồng Vân rất phù hợp với những người Bắc sống ở Sài Gòn. 

Sân khấu Hoàng Thái Thanh lại rất phù hợp với những người mà chỉ cần đến đó, vở diễn chưa bắt đầu là đã có thể ôm nhau khóc. Còn với chúng tôi, hiện nay chúng tôi vẫn đang đưa ra một món lẩu thập cẩm, chứ chưa tạo được những sự chuyên biệt như thế.

Sắp tới chúng tôi sẽ phải tính đến chuyện ngày nào thì diễn chính kịch, ngày nào thì diễn hài kịch và kế hoạch đó phải được công bố trước hàng tháng để khán giả có thể lựa chọn từ sớm. Hãy cho chúng tôi thời gian.

- Có một điều quan trọng nữa, đó là mọi sự cải cách đều phải bắt đầu từ sự cải thiện đời sống của các diễn viên? Tôi nói điều này vì tôi biết, lương diễn viên bây giờ rất thấp.

- Một học sinh tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh, thực tập 3-4 năm, nếu hợp với nhà hát, và nếu biết chào hỏi mọi người đúng chỗ thì được ký hợp đồng giá trị là 1.960.000 đồng/tháng. 

Có những diễn viên đã 40 tuổi, vẫn chỉ có hợp đồng dài hạn với mức lương 2.700.000 đồng/tháng. Như Vân Dung, vì hồi đi học bị thất lạc cái bằng nên là diễn viên hợp đồng suốt đời. Và lương của những người như Vân Dung vào khoảng 4.000.000 đồng/tháng.

- Thế nên người ta mới phải đi diễn thêm, làm thêm bên ngoài?

- Sao bạn không hỏi người ta mà lại hỏi tôi?

- (Cười...). Thì anh là một người quản lý, anh quan sát thấy có đúng thế không?

- (Cũng cười) Nữ vào đây thì có thể lấy chồng dễ. Nam vào đây thì có thể có cái danh để đi đóng phim, đóng quảng cáo bên ngoài. Chuyện ấy là bình thường, chúng tôi không cấm. 

Chỉ có điều khi nhà hát đã vào việc thì phải cùng chúng tôi vắt óc ra lao động một cách nghiêm túc chứ không làm nửa vời được. Vì nửa vời nên trước đây có những vở dựng đến 8 tháng mới xong. Bây giờ thì tôi đề nghị phải tập trung tối đa, làm việc một cách tích cực nhất để có thể dựng một vở trong 3-4 tuần. 

- Nhưng nếu người ta làm ngoài nhiều quá thì lấy đâu sức lực, tâm huyết cho những vở diễn của nhà hát được?

- Không hẳn! Giống như bạn thôi, nếu cấm bạn viết báo thì bạn có còn là Phan Đăng nữa không? Có thể viết báo chẳng có lương, chẳng đem lại cho bạn sự giàu có nhưng với một người đam mê như bạn, tôi biết nếu cấm bạn viết thì chẳng khác gì bảo bạn chết. 

Diễn viên cũng thế, họ đã yêu, đã đam mê mà bắt họ không diễn nữa, dù diễn cũng chẳng được bao nhiêu tiền thì họ làm sao chịu nổi. Sân khấu khác điện ảnh ở chỗ nó có cái luồng điện chạy đi chạy lại giữa diễn viên và khán giả. Cái luồng điện ấy có hôm nó thăng hoa, có hôm nó chết dúi dụi. 

Có những hôm ngã xuống, máu chảy ra, nước mắt rơi xuống - máu thật và nước mắt thật, nhưng lại không có cảm xúc thì coi như chết. Chết thật luôn. Luồng điện ấy hấp dẫn lắm.

Cũng như anh Lưu Quang Vũ ngày xưa, dĩ nhiên những vở kịch cũng làm thay đổi ít nhiều cuộc sống vật chất của anh ấy nhưng nó đáng là bao nhiêu đâu. Cái chính, anh ấy viết như một đam mê, như một thiên mệnh. Viết tới 42 vở trong 10 năm và viết xong là chết - đấy là trời bắt viết, là một thiên mệnh. Tôi nghĩ thế!

- Rốt cuộc thì sau khi đi một vòng, trải qua không biết bao nhiêu chuyện, chúng ta lại vẫn trở về với cái tên thiên tài - Lưu Quang Vũ. Bây giờ thì tôi muốn hỏi, anh đã đóng một số vai và dựng một số vở của Lưu Quang Vũ, theo anh, giá trị lớn nhất của những tác phẩm này nằm ở đâu?

- Là tính dự báo, là tính nhân văn! Khi tôi dựng lại Ai là thủ phạm? của anh Vũ, tôi đã bắt đầu vở kịch bằng một câu hỏi: "Xã hội hư, thủ phạm là ai?". 

Và vở kịch trả lời, thủ phạm là tất cả chúng ta đấy! Vì chúng ta đã dung dưỡng, đã thỏa hiệp với rất nhiều cái xấu, rất nhiều cái sai lè lè. Các nhân vật phụ của anh Vũ rất hay vì ghép lại những nhân vật phụ ấy thì nó tạo ra một bức tranh xã hội. 

Các nhân vật chính, mang tính anh hùng ca chỉ là cái trục để các nhân vật phụ không bị văng xa mà thôi. Cho nên dựng các vở kịch của anh Vũ tôi lại rất lưu ý đến các nhân vật phụ.

- Theo anh, bao giờ sân khấu Việt Nam mới có thể chứng kiến một Lưu Quang Vũ thứ hai?

- Một thời kỳ mà ai cũng day dứt, cũng đau đớn trước sự mâu thuẫn và chuyển giao giữa cái cũ và cái mới sẽ sinh ra những con người như Lưu Quang Vũ. Còn một thời kỳ bằng lặng, ai cũng trốn vào cái vỏ ốc an toàn của mình thì không thể đẻ ra những người như vậy được.

Tôi nghĩ, phải đến khi nào tất cả cùng đứng trước một câu hỏi lớn như: "Thay đổi hay là chết?" thì mới xuất hiện những người rút ruột mình ra để viết như một thiên mệnh, như Lưu Quang Vũ!

- Xin cảm ơn anh!

Phải "học dốt" mới được làm... nghệ sĩ!?

- Anh đã đến với nghiệp diễn như thế nào?

- Năm 1978 tôi xác định không thi vào đại học, vì học dốt. Tôi không phân biệt được đâu là hình học với đại số. Cho nên bây giờ tôi vẫn hay trêu các diễn viên của mình rằng điều kiện đầu tiên để nhận các bạn là phải "học dốt". 

Bởi vì khi "học dốt", không còn khả năng kiếm sống thì mới làm nghề giỏi được. Chứ "học giỏi", có khả năng kiếm sống thì chạy tứ tung, chui vào đây làm gì.

- Tất nhiên, nói vui vậy thôi, chứ đã là diễn viên thì phải có năng khiếu diễn xuất, có cái duyên nghệ thuật...

- (Cười tủm...) Cái duyên nghệ thuật và chiều sâu văn học.

- Vai diễn nào trong đời anh nhớ nhất?

- Có một vai làm thay đổi hẳn lối diễn của tôi, đó là vai ông chủ quán thịt chó Tạ Quay trong vở Vào đời của Nguyễn Khắc Phục. Đấy là thời kỳ đất nước mở cửa, nhà nhà làm nghề báo, người người làm nghề văn. Thế là ông chủ hàng thịt chó cũng mở một hãng phim và thuê tác giả Lê Sinh viết để làm sao nâng cao giá trị quán thịt chó của mình. Cuối cùng Lê Sinh không viết nổi, thịt chó lại hoàn thịt chó. 

Ý của anh Phục rất sâu, vì anh ấy ám chỉ đến chuyện những gã "trọc phú" bỗng dưng muốn làm nghệ thuật. Còn với tôi, sau vai diễn này tôi chuyển từ các vai chính kịch sang hài kịch. Từ đó không trở về chính kịch được nữa.

Có lần chú Đình Nghi mời tôi đóng Trần Thủ Độ trong vở Rừng trúc. Tôi cảnh báo: "Chú ơi, bây giờ cháu cứ xuất hiện là khán giả cười đấy. Sợ diễn vai này không hợp". 

Quả nhiên trên sân khấu, Trần Thủ Độ vừa xuất hiện, khán giả đã cười ồ cả lên. Bây giờ thì định hình trong vai "Táo giao thông" và nhìn "Táo giáo thông" thì chả ai còn nhớ tôi trong những vai như Romeo, Edop ngày xưa nữa.

- Có bao giờ anh hối tiếc vì không thể trở lại với chính kịch nữa không?

- Không! Tôi hay nói đùa mình là một nghệ sĩ miền Nam tập kết ở miền Bắc. Nên tôi luôn biết thay đổi mình để phục vụ những nhu cầu của khán giả.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.