Nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng Nguyễn Trần Bạt:

Chúng ta phải nghiên cứu xây dựng một khái niệm hoàn chỉnh về độc lập dân tộc

Thứ Ba, 28/11/2017, 13:58
Năm 2012, tôi tình cờ đọc cuốn "Cội nguồn cảm hứng" của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, và bị nó hút đi, ngay từ những trang viết đầu tiên. 

Cuốn sách này vừa giúp tôi giải tỏa được rất nhiều mâu thuẫn quanh những lý luận về tự do, vừa giúp tôi hiểu rằng tác giả của nó là một người luôn có những suy nghĩ mênh mang, độc đáo.

Kể từ đó, tôi luôn theo dõi những cuộc trả lời phỏng vấn, cả trên báo in lẫn truyền hình của ông. Dù không phải lúc nào cũng hoàn toàn đồng cảm với những quan điểm mà đôi khi vẫn bị giới nghiên cứu đánh giá là có phần cực đoan ở ông thì cũng phải thừa nhận những lập luận và cách sử dụng ngôn ngữ của ông luôn có một sức cuốn hút cực kỳ mãnh liệt với người nghe, người đọc.

Một buổi trưa tháng 9, năm 2017 tôi tìm gặp ông để quyết giải đáp bằng được một sự tò mò kéo dài trong mình: không biết rốt cuộc thì một người như ông Nguyễn Trần Bạt đang trăn trở, đau đáu điều gì khi chứng kiến dòng chảy xã hội hôm nay?

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, sau hàng chục năm sống, va chạm và  nghiên cứu về tất cả các vấn đề của xã hội Việt Nam cũng như dân tộc Việt Nam, bây giờ nhìn lại không biết những điều gì khiến ông trăn trở, đau đáu nhất? Dân tộc chúng ta liệu phải nhìn nhận mình như thế nào và hoàn thiện bản thân mình ra sao để có thể phát triển một cách bền vững ạ?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Tôi suy nghĩ và trăn trở nhiều nhất quanh 3 vấn đề. Thứ nhất, người Việt chưa hiểu và xây dựng đầy đủ khái niệm độc lập dân tộc theo nghĩa rộng của nó. Sở dĩ ngày nay chúng ta rất khó nói đầy đủ về lý tưởng của mình bởi trước kia lý tưởng của chúng ta là độc lập dân tộc, nhưng sau mấy chục năm chúng ta vẫn chưa hoàn thiện được nó. Cho đến ngày hôm nay, khái niệm chưa hoàn chỉnh này đang là bài toán khó giải của giới trí thức Việt Nam.

Thứ hai, người Việt chưa định nghĩa được đầy đủ khái niệm phát triển. Do đó, thời gian qua các khía cạnh của phát triển từ bên ngoài thâm nhập vào Việt Nam với những động cơ chính trị khác nhau ở từng thời điểm khác nhau. Hệ quả là khái niệm phát triển cũng đang làm khó giới trí thức.

Thứ ba, Người Việt chưa xây dựng được đầy đủ, hoàn thiện lí luận về hệ thống tư tưởng văn hóa của Việt Nam, do chúng ta chưa có sự ổn định chung về mặt văn hóa. Tâm lý người Việt vẫn bị chi phối bởi các khuynh hướng cụ thể (nhất là khuynh hướng từ bên ngoài) được tuyên truyền trong nhiều giai đoạn, làm chúng ta đôi khi trở nên lúng túng trong việc tìm hướng phát triển văn hóa, tư tưởng của mình.

- Xét về mặt lãnh thổ, sau năm 1975 chúng ta đã thực sự độc lập, tự chủ, thu giang sơn về một mối. Vậy thì khái niệm độc lập mà ông vừa nói đến ở trên cần phải hiểu như thế nào cho thấu đáo?

- Khái niệm độc lập được nhắc đến nhiều nhất là độc lập gắn với lãnh thổ. Xưa kia Lý Thường Kiệt nói “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Nói đến sông và núi tức là nói đến lãnh thổ của nước Nam và tiếp đó, "Vua Nam" được đặt vào như đại diện của chủ quyền sông núi. Ở thời hiện đại chúng ta có đưa ra một định nghĩa và sử dụng một hệ thống tuyên truyền rộng lớn để truyền bá, đó là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Thế nhưng có một bộ phận khá đông trí thức lại hay nhắc đến các nhà tư tưởng đầu thế kỷ XX. Lại có một số bộ phận trí thức khác nhấn mạnh đến độc lập dân tộc theo kiểu phương Tây. Người ta truyền bá vào Việt Nam những tiêu chuẩn của chủ nghĩa yêu nước kiểu phương Tây và muốn Việt Nam cũng như thế. Rõ ràng, nhiều trí thức chúng  ta đang phân vân trước khái niệm cơ bản, quan trọng nhất trong hệ thống tư tưởng của mình.

Độc lập lãnh thổ là kết quả của một cuộc kháng chiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, đó là điều vô cùng thiêng liêng, và trong khi tiến hành cuộc chiến giành độc lập lãnh thổ, chúng ta đã phải sử dụng rất nhiều tiêu chuẩn tư tưởng. Nhưng liệu những tiêu chuẩn tư tưởng ban đầu được sử dụng để tìm kiếm độc lập dân tộc về mặt lãnh thổ có còn đủ cho nội hàm của khái niệm độc lập, của chủ nghĩa yêu nước ở thời bình không?

Cho dù trạng thái cực đoan của chiến tranh có giúp ích cho chúng ta trong công cuộc tìm kiếm độc lập đi nữa thì chúng ta cũng vẫn phải tìm ra được một khái niệm về độc lập dân tộc đầy đủ hơn cho thời bình. Có thể chúng ta vẫn sử dụng định nghĩa cũ của cách mạng, nhưng nó phải đi qua sự thẩm định của sự đồng thuận thời bình.

Việc tạo ra cuộc cách mạng là của cả xã hội mà những nhà chính trị là nòng cốt, nhưng hàn gắn vết nứt của cách mạng để tạo ra sự đồng thuận xã hội cũng là việc của xã hội, nhưng giới trí thức phải là nòng cốt.

- Như vậy nhiệm vụ quan trọng nhất của giới trí thức lúc này là phải tìm ra, bổ sung đầy đủ một định nghĩa về độc lập dân tộc đúng trong cả thời chiến lẫn thời bình, và định nghĩa ấy phải quy tụ được lòng người, phải mang tính đồng thuận xã hội cao?

-  Đúng thế! Và cũng phải nhấn mạnh là định nghĩa ấy phải không có tì vết của những áp lực từ bên ngoài. Ví dụ, đưa hiến pháp nước ngoài vào với mong sẽ sửa Hiến pháp Việt Nam là không đúng đắn trong điều kiện phải thừa nhận tính độc lập chính trị của Nhà nước ta.

Tôi có phát biểu tại một cuộc hội thảo của Hội Luật gia Việt Nam liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp rằng, rất có thể chúng ta đang tìm cách đưa ra các cải cách chính trị ban đầu, cho nên giới luật gia hay giới trí thức Việt Nam nên có một thái độ đúng mực, bởi vì sửa đổi Hiến pháp là công việc quan trọng hàng đầu để tạo tiền đề thiết kế một chương trình từng bước cải cách chính trị.

Giới trí thức không chỉ nghĩ ra những sự sáng tạo nào đó bằng văn bản hay chữ nghĩa mà còn phải có một thái độ đúng đắn để hỗ trợ việc hình thành tất cả các đồng thuận chính trị, mà đầu tiên là sự đồng thuận xung quanh khái niệm độc lập dân tộc.

Cách đây ít lâu tôi từng nghe một ý kiến cho rằng sự quyết liệt quan trọng hơn sự đồng thuận, lúc đó tôi chỉ cười và nghĩ rằng nhà chính trị mà nghe theo ý kiến này sẽ dẫn đến nhầm lẫn lớn. Quyết liệt cần không? Cần! Nhưng quyết liệt là phẩm chất cá nhân của nhà chính trị, còn đồng thuận là nguyên lý của đời sống chính trị, hai thứ đó không cùng thứ nguyên và do đó không mang ra so sánh được.

Nhầm lẫn về điều này sẽ dẫn đến những nhầm lẫn tai hại hơn, đó là sức mạnh của cá nhân đôi khi có thể vượt lên trên sức mạnh của Đảng. Và đấy chính là cội nguồn của căn bệnh lộng hành chính trị.

- Khái niệm độc lập dân tộc mà ông nói vừa phải được xây dựng trên cơ sở một sự đồng thuận, vừa không chịu áp đặt từ bên ngoài, lại vừa phải đảm bảo tính đúng đắn cả trong thời bình lẫn thời chiến, có vẻ để đảm bảo được cùng lúc tất cả các tiêu chuẩn ấy là quá khó?

-  Tạo ra sự đồng thuận xã hội thì khó, nhưng tạo ra sự đồng thuận tri thức thì dễ hơn một chút. Và để có được sự đồng thuận cuối cùng ấy, người ta phải tranh luận, phản biện với nhau. Cái khó mà anh vừa nói có lẽ nằm ở sự tranh luận, phản biện.

Theo tôi dù khó cũng phải làm, bởi tranh luận, phản biện  là nhằm để tìm ra sự đồng thuận, tìm ra hướng đi đúng cho đất nước, dân tộc. Tôi có viết một bài về phản biện, trong đó cảnh báo rằng nếu không chấp nhận sự phản biện thì không thể tránh sự phản đối. Phản biện làm cho các hành vi chính trị, kinh tế và xã hội trở nên ít chủ quan hơn, tức là sự xung đột của các nhóm lợi ích đã được điều chỉnh thông qua thảo luận và thỏa thuận.

Có thể coi phản biện là quá trình biến xung đột lợi ích trong hành động thành xung đột lợi ích trong thảo luận. Phản biện không phải là chống đối. Khất lần phản biện là khuyến khích chống đối. Chống đối phát triển thêm một chút là thành phá phách, phát triển thêm chút nữa thành phản cách mạng.

- Nếu người ta không được phản biện thì người ta sẽ đứng trước nguy cơ phản đối, cho nên không việc gì phải sợ hãi sự phản biện, phải không ông?

- Đúng thế! Tại sao lại phải sợ?

- Đã đau đáu với một khái niệm độc lập dân tộc cùng lúc phải đảm bảo hàng loạt những tiêu chí như vừa nói, vậy thì rốt cuộc cá nhân ông đã hình dung cụ thể tới khái niệm này rồi chứ? Ông có thể nói rõ những hình dung của mình được không?

Đã từ lâu tôi ngẫm nghĩ rằng sự toàn vẹn lãnh thổ mới chỉ là mặt vật chất của khái niệm độc lập. Chúng ta phấn đấu cho mãi đến năm 1975 mới có toàn vẹn lãnh thổ, có tự do của quốc gia này, từ đó chúng ta mới có đủ địa vị chính trị, quyền lực chính trị để tổ chức ra nền tự do của dân tộc này. Tự do của cả dân tộc thì phải trả bằng máu mới có, còn tự do của mỗi con người trong quốc gia ấy thì phải trả bằng mồ hôi nước mắt.

Bởi chúng ta phải làm cho con người tự do với điều kiện vật chất, tức là không được đói khổ quá. Chúng ta cũng phải làm cho con người tự do với quá khứ, bởi vì quá khứ của chúng ta vất vả quá. Chúng ta còn phải tự do với nhau nữa, bởi chúng ta vẫn chưa tôn trọng lẫn nhau. Và đặc biệt là chúng ta phải tự do với những người khác ở bên ngoài lãnh thổ hoặc những người khác với chủng tộc chúng ta.

Chúng ta đã làm được một nửa rất quan trọng và thiêng liêng rồi, bây giờ chúng ta phải làm tiếp, đầy đủ phần còn lại. Mỗi con người phải được sở hữu tự do và đó không phải là một quyền lợi có chất lượng chính trị thông thường. Người ta vẫn xem tự do như là những quyền chính trị, nhưng tôi không nghĩ thế.

Một dân tộc không thể có sức mạnh được nếu tự do của dân tộc ấy không đến được từng người đầy đủ hơn. Đây là một lợi ích chính trị khổng lồ của mọi quốc gia. Nếu nói rằng chúng ta nghèo khổ, chưa phát triển nên không cần đến tự do, dân chủ là sai. Nhưng ai đó mà nói rằng chúng ta dùng các quyền tự do để chống lại chính quyền mà chúng ta đã thiết lập cũng sai. Chính quyền là người đại diện cho dân tộc này để lãnh đạo, thương lượng, đối thoại, đấu tranh, hợp tác...

Cho nên, chúng ta phải ý thức được các quyền tự do là phổ quát, nhưng việc sử dụng các quyền ấy thì có điều kiện trong từng quốc gia một. Điều kiện nào? Điều kiện vật chất chúng ta chưa có, điều kiện nhận thức chúng ta cũng chưa đầy đủ, vậy thì chúng ta phải phấn đấu cho quá trình ấy. Hay nói cách khác, thế kỷ XXI này là thế kỷ người Việt Nam phấn đấu để đưa đất nước của mình đến một chặng mà ở đó chúng ta thiết lập một cách thành công nền dân chủ Việt Nam đầy đủ hơn.

- Khi tiếp xúc với các quốc gia khác, ông thấy ở họ khái niệm về độc lập dân tộc có nhức nhối không và nó có được xây dựng theo một nguyên lý, một cách thức cụ thể nào không?

- Toàn bộ nghệ thuật để xây dựng tư tưởng về độc lập dân tộc chính là làm cho khái niệm này trở nên dễ chịu, nhẹ nhàng, không làm căng thẳng đời sống hằng ngày. Khi nào độc lập dân tộc trở thành một khái niệm gây căng thẳng, là sự thách thức hằng ngày, là sự khiêu khích hằng ngày đối với tâm lý con người thì nó không phải là độc lập dân tộc nữa.

- Ở những nước phương Tây thì khái niệm này hiểu thế nào?

- Đi từ biên giới nước này sang biên giới nước kia mà không tự do là một nỗi niềm của người phương Tây. Nhiều người Mỹ không thích ông Tổng thống Trump vì ông ấy muốn làm bức tường ở biên giới với Mexico. Trước đó, hơn một nửa thế kỷ phương Tây lên án bức tường Berlin. Thực tế đó là quá rõ ràng.

Tôi nghĩ nội hàm của các khái niệm cơ bản như thế này cần phải luôn được xây dựng cho phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống. Độc lập trong thời kỳ đầu thế kỷ XX khác, độc lập trong thời kỳ giữa thế kỷ XX và cuối thế kỷ XX cũng khác, độc lập ở những năm đầu thế kỷ XXI cũng khác. Càng toàn cầu hóa bao nhiêu thì khái niệm độc lập càng phong phú, càng phức tạp bấy nhiêu và càng đòi hỏi phải xử lý nó một cách thỏa đáng, phù hợp hơn.

Vì thế cho nên, đưa các đòi hỏi hay các giá trị của thời đại vào các khái niệm cổ xưa là công việc của trí thức. Nghĩa vụ của trí thức là xây dựng nội hàm của các khái niệm cơ bản của xã hội loài người vào những thời điểm phát triển khác nhau của nó.

- Chúng ta không nhìn từ nước Mỹ hay phương Tây nữa, mà thử nhìn từ CHDCND Triều Tiên chẳng hạn, hình như họ có một quan niệm về độc lập dân tộc rất riêng biệt. Độc lập dân tộc với họ gắn liền với vũ khí, với  tên lửa, với đầu đạn hạt nhân thì phải... Trong thế giới hiện nay thì cách thức xây dựng và bảo vệ độc lập dân tộc kiểu ấy có thể khiến nền kinh tế - xã hội của một đất nước bị cô lập nhưng nó vẫn giúp cho đất nước ấy có một tư cách để "nói chuyện" với nhiều nước khác mạnh hơn mình. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Câu hỏi rất hay! Và có lẽ ít người có thể trả lời nó một cách ngay thẳng, bởi vì rất nguy hiểm. Không phải là nguy hiểm ở Việt Nam mà nguy hiểm ở cấp độ toàn cầu. Ở đây, tôi nghĩ đến một nguy cơ của nhân loại, đó là chủ nghĩa khủng bố phát triển đến mức cao nhất là khủng bố nhà nước.

Đấy chính là cách đối đáp của một số dân tộc yếu thế đối với sự hùng mạnh, có năng lực ép buộc nhân loại của các nước lớn. Thế giới đã phát triển đến mức phân hóa thành các quốc gia giàu có như G7 và các quốc gia có thu nhập rất thấp. Mà không chỉ trong lòng nhân loại, ngay trong lòng một quốc gia cũng có sự phân hóa ấy.

Tôi đã từng đến Mỹ và rất ngạc nhiên khi thấy không ít người ngủ đêm ở những vỉa hè New York, nơi các miệng cống xả ra hơi nóng. Thông qua những hình ảnh như thế, tôi hiểu rằng phát triển là một quá trình thải bã rất lớn. Chúng ta quên mất khía cạnh ấy của sự phát triển. Chính người Mỹ cũng bắt đầu phải trả giá về vấn đề này.

Câu hỏi của anh dẫn đến nhiệm vụ của cả một hoạt động khoa học để tìm kiếm câu trả lời cho sự phát triển của thế giới. Thế giới đã phát triển đến mức hình thành chủ nghĩa khủng bố nhà nước chưa? Và nếu câu trả lời là "đã" thì sự nguy hiểm sẽ bị đẩy cao tới mức nào? Cho nên trở lại với vấn đề Triều Tiên,  thế giới phải giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng thương lượng, giác ngộ và thức tỉnh dần dần.

Trong quá khứ, một đất nước bé như Triều Tiên đã từng phải chịu đựng một cuộc chiến tranh chỉ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và lớn hơn cả chiến tranh Việt Nam nếu xét về quy mô cho một trận đánh. Toàn bộ lịch sử chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ tập hợp đến một triệu quân cho một trận đánh, vậy mà với Triều Tiên thì có đấy.

Tôi nghiên cứu cuộc chiến tranh Triều Tiên rất cẩn thận và hiểu rõ về độ khốc liệt của nó. Tôi thấy rằng trên thế giới có hai cuộc chiến tranh mà ở đấy con cái của thủ lĩnh chết. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, con trai của Stalin chết. Còn trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên thì con trai của Mao Trạch Đông chết.

- Như thế có nghĩa nếu quan niệm về độc lập dân tộc theo kiểu chạy dua vũ trang một lúc nào đó sẽ phát triển và dẫn tới một cuộc chiến tranh thì hậu quả mà cuộc chiến lần này gây ra cho thế giới là vô cùng nguy hiểm?

- Cực kỳ nguy hiểm! Nên Liên Hiệp Quốc và thế giới nói chung không ủng hộ quan niệm độc lập dân tộc theo kiểu này. Và cần phải giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại.

- Bây giờ thì chúng ta hãy nói tới điều thứ hai mà ông đang trăn trở, đó là khái niệm phát triển. Phải thừa nhận rằng suốt những năm qua, đặc biệt là sau năm 1986, đất nước chúng ta đã phát triển so với chính mình trước đây, nhưng hình như vẫn có những sự chưa chính xác nào đó trong khái niệm "phát triển", cho nên hiệu quả mà chúng ta có được vẫn chưa như mong muốn. Không biết là nghĩ như thế có trùng với suy nghĩ của ông không?

- Phát triển không phải là ý chí riêng của một vài cá nhân, thậm chí không phải là ý chí riêng của một vài chính phủ. Phát triển là phương thức tồn tại và sống còn của một dân tộc và nhân loại. Phát triển gắn liền với việc tìm kiếm ra phương thức thay đổi một cách từ tốn tất cả các nhược điểm của một nền chính trị. Đấy là công việc thứ hai của giới trí thức, đồng thời cũng là công việc thứ hai quan trọng của Đảng ta.

- Với chúng ta, sự phát triển từ tốn và bền vững ấy nên đi theo một quy trình nào, thưa ông?

- Sự phát triển gắn liền với cải cách toàn diện sự bất hợp lý của một hệ thống mà bắt đầu từ kinh tế. Trong cuốn sách Cải cách và sự phát triển tôi từng viết rằng đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến cải cách kinh tế. Cải cách kinh tế để con người nhận ra rằng nếu dũng cảm cải cách thì sẽ có đời sống tốt hơn.

“Đổi mới” đã tạo cho Việt Nam một sự thay đổi ngoạn mục về đời sống. Đấy chính là bằng chứng để chứng minh rằng cải cách kinh tế phải đi trước để con người được hưởng những lợi tức của sự thông minh và lòng dũng cảm.

Nhưng cải cách kinh tế mới chỉ là hoạt động cải thiện đời sống. Chúng ta có một thời kỳ rất dài quên mất rằng đời sống là đòi hỏi, là thị dục huyễn ngã, nó không còn đơn giản là muốn ăn, muốn mặc mà còn là vị thế của một dân tộc. Cho nên cải cách kinh tế đi trước một bước, sau đó đến cải cách từng bước chính trị, văn hóa, xã hội. Cuộc cải cách thứ hai để giải quyết cái tồn đọng của cuộc cải cách thứ nhất.

Chính trị là yếu tố bảo trợ cho đời sống nói chung và cho đời sống kinh tế và văn hóa nói riêng. Trong mối quan hệ giữa ba yếu tố kinh tế, chính trị và văn hóa thì chính trị là yếu tố phục vụ, kinh tế là yếu tố chủ chốt trong quá trình phát triển và văn hóa là dung môi tinh thần của toàn bộ đời sống. Yếu tố phục vụ có thể phát triển thụ động và đi sau sự phát triển kinh tế nhưng phải đảm bảo tính hướng dẫn sự phát triển của đời sống kinh tế và đời sống văn hóa.

Không tiến hành cải cách chính trị thì mọi cuộc cải cách đều chỉ là những giải pháp tình thế, không có sự phát triển lâu dài và ổn định. Cải cách chính trị có vai trò bảo hộ cho quá trình cải cách kinh tế - xã hội đi đến thành công trọn vẹn.

Nhưng cải cách chính trị cũng chưa đủ mà còn phải cải cách văn hóa nữa. Nếu không được cải cách, văn hóa sẽ trở thành yếu tố níu kéo chính trị và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Như trên đã nói, văn hóa là dung môi tinh thần, sự lạc hậu của dung môi ấy sẽ là vật cản đối với tiến độ cũng như sự thành công của cải cách kinh tế và cải cách chính trị.

Văn hóa là yếu tố hình thành trong các quá trình hoạt động của đời sống nên nó luôn mang tính lạc hậu tương đối. Cải cách văn hóa chính là làm cho tính lạc hậu tương đối ấy không cản trở quá trình phát triển. Phải cải cách văn hóa đồng bộ với cải cách kinh tế và cải cách chính trị, nhằm tạo sự bảo trợ tinh thần cho sự thành công của hai cuộc cải cách ấy.

Để có một hình dung về tầm quan trọng của văn hóa, tôi lấy một ví dụ. Tôi có viết một bài bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và pháp luật, lấy cảm hứng từ “tinh thần pháp luật” của Montesquieu (một nhà tư tưởng thời Khai sáng - PV), trong đó tôi nói rằng nếu luật pháp không có khả năng để biến thành văn hóa thì không thể phát triển được. Về bản chất, không phải luật pháp mà thói quen mới là thứ điều chỉnh hành vi của con người. Thói quen chính là văn hóa.

Bên cạnh ba cuộc cải cách kinh tế, chính trị và văn hóa, một cuộc cải cách khác vô cùng quan trọng và chứa đựng trong nó nội dung của ba cuộc cải cách trên, đó là cải cách giáo dục. Cải cách giáo dục là chuẩn bị lực lượng cho tất cả các hoạt động trong đời sống, góp phần hình thành và phát triển đời sống, gắn kết sự phát triển của thế hệ trước với các thế hệ tiếp theo, đảm bảo tính liên tục của đời sống.

Không thể ghép cải cách giáo dục vào bất kỳ cuộc cải cách nào, bởi cải cách giáo dục chứa đựng nội dung của cả ba cuộc cải cách trên. Cho nên, các cuộc cải cách chính trị, kinh tế và văn hóa chỉ có thể thành công khi tính đúng đắn của chúng hội tụ vào sự đúng đắn của cải cách giáo dục.

- Như vậy thì với người trí thức ở bất cứ đâu, trong bất cứ lúc nào cũng không nên than vãn theo kiểu: tôi chỉ có thể sáng tạo và phát triển khi thể chế này thay đổi và phát triển?

- Không có thay đổi thể chế mà chỉ có sự cải cách để thay đổi dần dần các mặt còn hạn chế của thể chế mà thôi. Các mặt tiêu cực của thể chế hình thành một cách liên tục cùng với sự phát triển của nhân loại, cho nên cải cách là công việc phải làm hằng ngày của tất cả các thể chế.

- Giờ thì chúng ta nói đến điều trăn trở cuối cùng của ông, rằng cần xây dựng một hệ tư tưởng riêng của người Việt Nam. Đấy chắc chắn là một công việc bức thiết để hy vọng có ngày quốc gia cất cánh, phải không ông?

- Giới trí thức cần phải góp phần xây dựng hệ thống tư tưởng Việt Nam trên bình diện của một nền văn hóa tư tưởng. Bây giờ nhìn lại lịch sử chúng ta thấy có Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, đấy là một bản hiến kế chính trị quan trọng, tạo ra sự thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, đuổi giặc Minh và thay thế bằng vua Lê Lợi.

Rồi chúng ta có một sản phẩm cũng tương đối là La Sơn phu tử của Nguyễn Thiếp. Ngay cả với đại thi hào Nguyễn Du, nếu tạm xếp khía cạnh văn chương của ông lại thì phải nói đấy cũng là một trí thức có tư tưởng.

Và điểm chung lớn nhất của những tư tưởng này là sự lương thiện, nhân văn. Chúng ta đã lấy sự lương thiện, nhân văn làm tiêu chuẩn đạo đức của mình một cách khá ổn định. Đến thời hiện đại, sự lương thiện ấy cũng được biểu lộ rõ ràng trong xã hội những năm trước kia. Nhưng sự phát triển hiện đại hôm nay với những mặt trái của kinh tế thị trường có vẻ đang làm đảo lộn nhiều thứ quá.

- Ngoài sự lương thiện, nhân văn còn đặc điểm đáng chú ý nào nữa không, thưa ông?

- Một điều nữa có thể thấy là văn hóa của chúng ta mang dáng dấp của sự yên phận, nhưng chúng ta đã không đi qua sự yên phận một cách trọn vẹn. Sự yên phận mà người Việt có là sự yên phận hình thành qua kháng chiến, cho nên nó không được trọn vẹn.

Đến khi kháng chiến kết thúc, khi đã đánh thắng đế quốc Mỹ thì có vẻ nhiều người trong chúng ta lại ngừng học tập, ngừng suy ngẫm, mà mải mê nhặt nhạnh quá khứ và không ít người đã trở thành những kẻ tham nhũng. Tôi cho rằng tham nhũng là hiện tượng đê tiện về mặt văn hóa, chứ không phải chỉ là tội ác kinh tế.

Hiện nay chúng ta đang chống tham nhũng bằng những biện pháp hình sự thuần túy mà chưa kết hợp được nhiều việc chống tham nhũng bằng tư tưởng, văn hóa. Ví dụ trong giai đoạn tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, chúng ta chưa thấy có nghệ sĩ nào có những tác phẩm văn học nghệ thuật như Lưu Quang Vũ trước kia.

- Theo ông, những yếu tố chủ đạo, cần nhấn mạnh trong việc xây dựng một tư tưởng thực sự cho con người và dân tộc Việt Nam là gì?

- Tôi nghĩ không nên xây dựng những nguyên lý tư tưởng ban đầu dựa trên hình dung về một cấu trúc xã hội cứng nhắc mà hãy xây dựng những khuynh hướng phát triển để chúng kết hợp với nhau và tạo ra thực tế xã hội.

Thực tế xã hội là kết quả của sự tương tác biện chứng giữa các yếu tố có chất lượng định hướng chứ không phải là một cấu trúc cứng. Hãy để cho xã hội tự sáng tạo ra nó, những người lãnh đạo chỉ định hướng nó bằng tư tưởng thôi. Nói cách khác, tư tưởng là công cụ giúp xã hội tự tạo ra chính nó chứ không phải là vẽ ra mô hình cho nó. Cho nên, cách tốt nhất là xây dựng một số nguyên lý ban đầu để định hướng sự phát triển chính trị và xã hội.

Trong việc xây dựng những nguyên lý ban đầu, chúng ta còn cái vướng là chưa Việt hóa được đầy đủ các nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin lẫn các nội dung phương Tây của khái niệm tự do, dân chủ. Cần nghiên cứu để Việt Nam hóa được những nguyên lý đó, để tìm điểm đồng thuận giữa các tiêu chuẩn của chủ nghĩa Marx với các nội dung thực tế của khái niệm tự do, dân chủ.

Trong những khía cạnh cao nhất, Đảng ta đã làm những việc ấy bằng cách thống nhất khái niệm "Dân chủ" và khái niệm "Tập trung". Nhưng "Tập trung dân chủ" mới là nguyên lý cơ bản trong Điều lệ Đảng và trong một số mặt quản lý chứ chưa trở thành nguyên lý cơ bản của đạo đức và kỷ luật xã hội. Tức là chúng ta chưa làm được việc là biến “Tập trung dân chủ” trở thành tiêu chuẩn của đời sống dân sự bình thường.

Phải biến các nguyên lý tư tưởng của Đảng thành các nguyên lý xã hội và phải tìm được các điểm đồng thuận cũng như các điểm biện chứng, các điểm phổ biến trong xã hội. Ví dụ biến “Dân chủ tập trung” thành các nguyên tắc của đời sống xã hội và đời sống quản lý xã hội. Dân chủ là nguyên tắc của đời sống xã hội, còn tập trung là nguyên tắc của đời sống quản lý.

- Xin cảm ơn ông về cuộc đối thoại này!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.