Di chúc miệng có hợp pháp không?
Hỏi: Bà An có chồng, hai người con và bố mẹ đẻ đang sống. Trước khi mất do bệnh, bà An để lại di chúc bằng miệng nội dung: “Tôi để lại 1/2 di sản cho chồng và hai người con, 1/2 di sản để lại cho bố mẹ đẻ”. Tại thời điểm bà An để lại di chúc miệng, chỉ có chồng bà, bố mẹ đẻ bà và một người hàng xóm làm chứng. Như vậy, di chúc miệng bà An để lại có hợp pháp không? - Nguyễn Cường (huyện Hoài Đức, Hà Nội)
Trả lời:
Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Khoản 5, Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc miệng như sau: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng, đồng thời ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc miệng phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.
Trong tình huống trên, bà An đã di chúc miệng để lại di sản cho chồng, hai con và bố mẹ đẻ của bà. Theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì những người sau đây không được làm chứng cho việc lập di chúc:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trong 4 người làm chứng cho di chúc miệng của bà An, có 3 người là chồng, bố đẻ, mẹ đẻ của bà thuộc diện thừa kế theo di chúc; chỉ có người hàng xóm không thuộc 3 trường hợp quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, di chúc miệng của bà An để lại không hợp pháp. Di sản của bà An sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.