Cảnh giác với chiêu trò giả mạo shipper chiếm đoạt tài sản người mua hàng
Tết đến, xuân về là thời điểm nhu cầu mua sắm online và giao nhận hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên, lợi dụng sự bận rộn và tâm lý chủ quan của người dân, các đối tượng lừa đảo tiếp tục sử dụng chiêu trò giả mạo nhân viên giao hàng (shipper) để chiếm đoạt tài sản. Tình trạng này đang khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Bằng những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý chủ quan của người mua, thời gian gần đây vấn nạn kẻ xấu giả mạo shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại tiếp tục xuất hiện trở lại và có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên các nền tảng mạng xã hội để thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai của khách hàng; thậm chí bọn chúng mua thông tin khách hàng qua các kênh khác. Khi đã có được thông tin, các đối tượng sẽ giả danh là người giao hàng thuộc các công ty vận chuyển có tiếng để gọi tới khách hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà.
Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý với đề nghị để hàng vào trong sân nhà hoặc vị trí khác theo thỏa thuận rồi chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản do đối tượng cung cấp. Nhận được tiền, chúng sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền, sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link có chứa "mã độc" để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng; đồng thời chiếm đoạt luôn số tiền nạn nhân đã thanh toán trước đó rồi cắt đứt liên lạc.
Thượng tá Chu Vĩnh Quyết – Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Thủ đoạn giả mạo shipper giao hàng không phải là mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây chiêu lừa đảo này lại được các đối tượng xấu sử dụng trở lại với một số biến tướng. Kẻ xấu lợi dụng những người mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội (Tiktok, Facebook…) hoặc trên livestream (phát trực tiếp) để lại số điện thoại và địa chỉ nhận hàng, từ đó các đối tượng thu thập thông tin và thực hiện hành vi lừa đảo. Thời điểm thực hiện thường là vào lúc nạn nhân không có nhà.
Các đối tượng nói rằng chúng đã chuyển hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để trả tiền hàng. Với số tiền không quá lớn, nhiều người sẽ có tâm lý tin tưởng, không kiểm tra kỹ thông tin về đơn hàng và mắc bẫy của những kẻ lừa đảo. Hiện nay, đã có nhiều người mất tiền nhưng vì tâm lý lo ngại phiền phức và số tiền không quá lớn đã không trình báo cơ quan Công an, vì vậy những đối tượng lừa đảo này ngày càng gia tăng...
Trước tình trạng trên, Cơ quan Công an khuyến cáo:
1. Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa thấy món hàng đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản.
2. Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
3. Khi bị các đối tượng nêu trên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân đến Cơ quan Công an gần nhất để trình báo hoặc qua ứng dụng VNeID.