Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội: Nền tảng cho một thỏa thuận thực chất
- Những “hàng rào sống” bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
- “An ninh chủ động”, bảo đảm tuyệt đối an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2
- Năm cái nhất thú vị của Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội
Chưa tới thời điểm
Nối tiếp Hội nghị thượng đỉnh 2018 tại Singapore, 2 nhà lãnh đạo ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã gặp nhau lần thứ hai vào ngày 27 và 28-2 tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam. Cả hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ nhiều sự lạc quan khi bắt đầu cuộc họp khi họ triệu tập một cuộc trò chuyện một đối một, sau đó là một bữa tối thân mật vào ngày 27-2. Tuy nhiên, hội nghị đã kết thúc sớm hơn dự kiến vào ngày 28-2 mà không có thỏa thuận nào đạt được.
“Chúng tôi đã có một số phương án, nhưng tại thời điểm này chúng tôi quyết định không thực hiện bất kỳ phương án nào. Đôi khi bạn phải bỏ đi, và đây chỉ là một trong những lần đó”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh ngày 28-2. “Về cơ bản, họ muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn, và chúng tôi không thể làm điều đó”.
“Chúng tôi có một số lựa chọn nhưng đã đi đến quyết định đây không phải thời gian thích hợp để ký kết. Chúng tôi đã nhận định ngay từ đầu rằng đây là một quá trình dài và tốn nhiều thời gian. Chúng tôi đã đòi hỏi Chủ tịch Kim Jong-un một số điều nhưng có lẽ nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa sẵn sàng cho những điều kiện này. Mặc dù vậy, hôm nay đã là một bước đi lớn trong mối quan hệ giữa Mỹ - Triều Tiên.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có những quan điểm riêng của mình và chúng tôi cũng vậy. Tuy nhiên, khoảng cách này không còn lớn như một năm trước đây nữa. Chúng tôi sẽ xem có thể làm được gì trong thời gian tới. Ông Kim Jong-un khẳng định sẽ không thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân và tôi tin vào lời nói của ông ấy”, ông Trump cho biết.
“Ông ấy là một người rất cá tính. Và tôi nghĩ rằng mối quan hệ của chúng tôi rất bền chặt”, ông Trump nói về ông Kim tại buổi họp báo. “Họ sẵn sàng dỡ bỏ hạt nhân ở phần lớn các khu vực mà chúng tôi muốn, nhưng chúng tôi không thể từ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt cho điều đó”, ông Trump giải thích. “Chúng tôi phải rời đi từ đề nghị cụ thể đó”.
Sau đó, khi trở về nước, chủ nhân Nhà Trắng đã có cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin Fox News về kết quả hội nghị thượng đỉnh. Trong cuộc phỏng vấn, một lần nữa, ông nhấn mạnh lại mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim. "Ông ấy là một người có nhân cách. Một người có nhân cách thực sự. Ông ấy rất thông minh, sắc sảo, một nhà lãnh đạo thực sự", ông Trump nói. Nói về 2 ngày thượng đỉnh, ông cho biết thêm: "Tôi cho rằng chúng tôi đã có 2 ngày tuyệt vời, nhưng theo tôi có thể cả hai chúng tôi đều chưa sẵn sàng".
Vẫn còn khác biệt
Vào lúc hơn 23 giờ đêm 28-2, phái đoàn Triều Tiên đã tổ chức họp báo lên tiếng về thượng đỉnh. Quyết định vào giờ đó, có nghĩa là Triều Tiên đã nghe ngóng dư luận suốt cả buổi chiều tới tối và cảm thấy cần phải giãi bày. Phía Triều Tiên cho biết họ không đòi dỡ bỏ cấm vận toàn bộ trước khi hủy hạt nhân như dư luận hiểu mà chỉ đề nghị dỡ bỏ một số lệnh cấm vận.
"Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất có tính thực tiễn tại cuộc gặp lần này. Nếu Mỹ dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận nhằm vào nền kinh tế Triều Tiên nói chung và cuộc sống của người dân Triều Tiên nói riêng, chúng tôi sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất hạt nhân tại Yongbyon", Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết. "Triều Tiên đang phải chịu 11 lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc và chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 lệnh trong số này. Trong đàm phán, 2 bên đã thảo luận về việc ngừng lâu dài việc thử hạt nhân cũng như thử tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, phía Mỹ yêu cầu chúng tôi phải tiến xa hơn, loại bỏ hoàn toàn các cơ sở hạt nhân. Chính vì yêu cầu này mà thỏa thuận đã không thể đạt được".
Giải thích của Triều Tiên cho thấy họ đã rất có thiện chí. Từ Hội nghị thượng đỉnh lần 1 đến nay, Triều Tiên cũng đã thể hiện thiện chí khá nhiều nhưng ông Trump thì vẫn cứng rắn chưa dỡ bỏ bất cứ thứ gì. Giải thích này giúp cho thế giới hiểu lập trường và thiện chí của Triều Tiên.
Giải thích này cũng làm tăng điểm cho ông Trump vì sự cứng rắn như đá của ông. Là một doanh nhân, người ta nghĩ ông sẽ đàm phán chính trị như đàm phán kinh tế là win - win nhưng hóa ra không phải, ông cứng rắn hơn bất kỳ vị tổng thống nào khác.
Một khác biệt nữa giữa hai bên là về số cơ sở hạt nhân được thừa nhận. Tất cả những gì ông Kim đưa ra là phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon - được xem là “viên ngọc” của chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên - nhưng chỉ là một phần của một “bí ẩn khó trả lời” lớn hơn. “Họ muốn phi hạt nhân một số khu vực nhất định, còn tôi muốn [phi hạt nhân] tất cả”, Tổng thống Trump sau đó nói với Fox News.
“Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều điểm mà tôi nghĩ là họ đã ngạc nhiên vì sao chúng tôi lại biết”, bao gồm cả sự tồn tại của Kangson, ông Trump nói thêm.
Nghệ thuật đàm phán của Tổng thống Trump
Với việc rời Việt Nam sớm hơn dự kiến mà không có thỏa thuận chung nào được ký kết sau hội nghị thượng đỉnh được mong đợi rất lớn với ông Kim Jong-un, Tổng thống Trump đã cho thấy đôi khi, đỉnh cao của "Nghệ thuật đàm phán" lại chính là rời khỏi bàn đàm phán mà không có thỏa thuận nào. "Vị Tổng thống này, nếu đó không phải là một thỏa thuận tốt cho Mỹ, ông ấy sẵn lòng bỏ đi", nghị sĩ Cộng hòa của bang Nam Carolina Ralph Norman nhận định trong cuộc phỏng vấn với Fox News.
“Việc Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là kết quả của việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn lặp lại sai lầm của cựu Tổng thống Barack Obama với Iran”, đó là tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sarah Sanders đưa ra. Tổng thống Trump sẽ luôn đặt an ninh của người dân Mỹ lên trên chính trị".
Giới quan sát tin rằng quyết định rời bỏ hội nghị sớm hơn dự kiến mà không ký thỏa thuận chung của ông Trump là một động thái quyết đoán và mạnh mẽ để tạo lợi thế đòn bẩy cho ông trong cuộc đối đầu đang diễn ra.
Đầu tiên và quan trọng nhất, phía Mỹ không có gì phải nôn nóng hay vội vàng trong cuộc đàm phán song phương này. Triều Tiên có lẽ là bên cần thỏa thuận chung sớm được thông qua để được nới lỏng hay dỡ bỏ các lệnh cấm vận, nhằm khôi phục nền kinh tế.
Thứ hai, các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mà chính quyền Trump đã thuyết phục phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, để áp đặt lên Triều Tiên vẫn giữ nguyên giá trị. Điều đó có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ phải chủ động tìm cách để quay trở lại bàn đàm phán.
Tốt cho cả hai?
Một số chuyên gia cho rằng đối với Mỹ và Triều Tiên, việc hai nước không đạt được thỏa thuận có lẽ tốt hơn là đạt được một thỏa thuận tồi. “Tôi nghĩ việc không ký một thỏa thuận tồi rốt cuộc lại là điều tốt cho cả ông Trump và ông Kim Jong-un. Điều này sẽ cho phép ông Kim suy nghĩ kỹ hơn về việc “vượt qua” ông Trump. Và nếu đúng như ông Trump nói, rằng những gì ông Kim muốn là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt thì việc ông Trump quay lưng bước đi lại là điều tốt”, chuyên gia David Kim nhận định.
Chuyên gia Victor Gao không loại trừ khả năng Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim có thể tiếp tục gặp mặt, song chưa có gì đảm bảo rằng kết quả của cuộc gặp tiếp theo sẽ khả quan hơn cuộc gặp vừa qua.
Theo chuyên gia này, chỉ riêng Mỹ và Triều Tiên không thể đạt được hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bởi điều này cần đến sự tham gia của nhiều nước, chẳng hạn Nga và Trung Quốc.
Brian Becker, một thành viên của tổ chức phản đối chiến tranh ANSWER, tin rằng việc Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận “ngay tức thời” cũng không phải là tin xấu.
“Tôi không nghĩ rằng điều này có nghĩa là tiến trình đàm phán đã kết thúc. Đàm phán về vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô phải mất nhiều năm trước khi các thỏa thuận được đưa ra”, ông Becker nói.
Ông Trump vẫn để mở khả năng cho một cuộc họp lần nữa với ông Kim nhưng ông cũng quả quyết rằng nếu cuộc họp đó xảy ra, nó phải mang về những điều kiện thuận lợi hơn cho Mỹ, đạt được mục tiêu cả thế giới mong muốn là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, giảm mối đe dọa nhằm vào người dân Mỹ và khắp thế giới.