Kiến trúc an ninh ở vùng Vịnh - cuộc đua mới giữa Nga và Mỹ
- Iran tố Mỹ biến Vùng Vịnh thành "hộp diêm sắp cháy"
- Mỹ có thể 'mất trắng' 6 tỷ USD sau vụ UAV bị Iran bắn hạ ở vùng Vịnh
- Qatar đi dây giữa vùng Vịnh
Với sự ủng hộ từ Trung Quốc, chính quyền Moscow đang hy vọng sẽ khai thác những nghi ngờ ở vùng Vịnh về độ tin cậy của Mỹ để vươn lên trở thành "yếu tố" đảm bảo an ninh ở khu vực có trữ lượng dầu khí khổng lồ và một số đường thuỷ chiến lược nhất thế giới.
Nước cờ của Nga
Hãng tin Itar-Tass của Nga ngày 9-8 dẫn lời của Phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho hay, tại cuộc hội thảo trong Hội đồng Bảo an LHQ cùng ngày, những nội dung nổi bật trong văn kiện mới của Nga đối với tình hình an ninh vùng Vịnh đã được đưa ra thảo luận.
Đích thân ông Dmitry Polyasnkiy đã nêu những lý do khiến Nga đưa ra đề xuất thiết lập một hệ thống an ninh trong khu vực này. Hệ thống an ninh này có thể đóng vai trò cốt yếu trong việc củng cố các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong khu vực; tạo điều kiện để các bên thực hiện mong muốn "đập tan hang ổ của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố ở Trung Đông; đề cao vai trò sự đoàn kết, hợp nhất trong một liên minh chống khủng bố duy nhất…
Muốn xây dựng một hệ thống an ninh tập thể như vậy, theo lý giải của Phó Đại diện thường trực Nga tại LHQ, cần phải có những tham vấn đa phương giữa các bên, bao gồm những quốc gia trong và ngoài khu vực, Hội đồng Bảo an LHQ, Liên đoàn Arab, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo và Hội đồng hợp tác các quốc gia Arab vùng Vịnh.
"Tiến trình này cần hướng tới mục tiêu lâu dài là thiết lập một tổ chức an ninh và hợp tác tại khu vực này, bao gồm các nước trong khu vực cùng với Nga, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và các bên liên quan khác trong vai trò quan sát viên hoặc thành viên liên kết", ông Dmitry Polyanskiy nhấn mạnh.
Giới quan sát nhận định, từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Moscow đã bắt đầu phát triển khái niệm an ninh tập thể ở vùng Vịnh. Các ý tưởng về vấn đề này được trình bày trong những văn kiện được cập nhật khi tình hình có những diễn biến mới.
Nhưng lần này, sau hàng loạt sự kiện xảy ra ở vùng Vịnh, các cuộc đụng độ trên biển giữa Anh - Iran và đặc biệt là sự ủng hộ của Trung Quốc đối với khái niệm an ninh tập thể này, Nga được cho là đang "đe dọa" thay thế chiếc ô phòng thủ của Mỹ tại vùng Vịnh và định vị thành một nhà môi giới quyền lực cùng với Mỹ trong khu vực này.
Tiến sĩ James M Dorsey, thành viên cao cấp tại Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học quốc gia Singapore bình luận: "Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran hôm 5-8 đã bắt giữ một tàu chở dầu được cho là của Iraq ở gần đảo Farsi, vịnh Ba Tư. Iran cho biết tàu đang buôn lậu dầu đến một quốc gia Arab không xác định.
Việc bắt giữ tàu Iraq diễn ra gần một tháng sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero có gắn cờ Anh. Vụ bắt giữ tàu Anh được cho là để đáp trả việc tàu chở dầu của Iran Gibraltar bị chặn bắt vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria…
Từ những sự kiện diễn ra liên tiếp, đề xuất mà Nga đưa ra về an ninh hàng hải đòi hỏi phải thành lập một liên minh chống khủng bố của tất cả các bên liên quan. Đây sẽ là động cơ để giải quyết các cuộc xung đột trên toàn khu vực và thúc đẩy việc đảm bảo an ninh; loại bỏ việc triển khai thường trực quân đội của các quốc gia ngoài khu vực bên trong lãnh thổ các quốc gia vùng Vịnh và liên quan đến lực lượng và các căn cứ của Mỹ, Anh và Pháp.
Đề xuất này yêu cầu một hệ thống an ninh toàn cầu và toàn diện, có thể tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan và khu vực, trong tất cả các lĩnh vực an ninh, bao gồm cả các khía cạnh quân sự, kinh tế và năng lượng".
![]() |
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải Iran và Yemen với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: AP. |
Kế hoạch của Mỹ
Dự kiến, Nga sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra trước các Hội nghị quốc tế về an ninh và hợp tác ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, không rõ các quốc gia vùng Vịnh như Qatar, Arab, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iran sẽ được thuyết phục như thế nào khi ngồi vào một bàn?
Trên thực tế, ý tưởng mà Nga đưa ra không phải là duy nhất bởi lẽ trước đó, Mỹ đã nỗ lực phát hiện hàng hải đa quốc gia ở vùng Vịnh nhằm tăng cường giám sát và an ninh tại các tuyến đường thủy quan trọng ở Trung Đông.
Một chiến dịch mới mang tên "Sentinel" đã được Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ thiết lập với mục tiêu là thúc đẩy sự ổn định hàng hải, đảm bảo lối đi an toàn và giảm căng thẳng ở vùng biển quốc tế trên khắp vịnh Arab, eo biển Hormuz, eo biển Bab el-Mandeb (BAM) và vịnh Oman.
Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook cho hay: "Khung an ninh hàng hải này sẽ cho phép các quốc gia cung cấp hộ tống cho các tàu được gắn cờ của họ trong khi tận dụng sự hợp tác của các quốc gia tham gia để phối hợp và tăng cường nhận thức và giám sát lĩnh vực hàng hải". Song song với đó, Mỹ đã tiến hành chiến dịch mời chào các quốc gia tham gia như Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Anh…
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: "Chúng tôi đang bắt đầu giai đoạn phát triển sáng kiến an ninh hàng hải. Không chỉ chúng tôi mà các quốc gia trên toàn thế giới cũng là một phần trong đó. Chúng tôi đã đề nghị họ tham gia không chỉ để bảo vệ chính lợi ích của họ mà còn bảo vệ sự hiểu biết cơ bản về tuyến đường biển tự do và mở".
Và để rộng đường cho sự thuận tình của cộng đồng quốc tế, hôm 9-8, ông Mike Pompeo đã thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải, Iran và Yemen với Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman.
Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Washingtonpost, Mỹ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kêu gọi các nước tham gia vào sáng kiến kiểm soát hàng hải ở vùng Vịnh. Australia chưa đáp lại lời mời tham gia liên minh, trong khi Hàn Quốc hứa sẽ cân nhắc. Một số quốc gia khác mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vừa có chuyến thăm hàng loạt để thuyết phục như Mông Cổ, Nhật Bản… cũng chưa lên tiếng. Đức thì thẳng thừng từ chối với lý do tránh leo thang căng thẳng.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas còn nhấn mạnh, chính phủ nước này đã quyết định sẽ không tham gia sứ mệnh đảm bảo an ninh theo đề nghị của Mỹ ở eo biển Hormuz, nối vịnh Persia với vịnh Oman bởi chiến lược của Mỹ trong việc gia tăng áp lực đối đa nhằm vào Iran là sai lầm.
Theo ông Maas, Berlin muốn tránh leo thang căng thẳng hơn trong khu vực và Chính phủ Đức muốn tập trung vào một giải pháp ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran. Bỉ thì cho biết sẽ xem xét sáng kiến này nhưng không nói rõ thời gian… Trong số các quốc gia châu Âu, chỉ có Anh đưa quân đội của mình tới vùng Vịnh sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của nước này tại eo biển Hormuz vì vi phạm luật hàng hải.
Từ 25-7, hải quân Anh đã thông báo về việc hộ tống tàu hàng treo cờ nước này qua eo biển Hormuz. Còn Israel, đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông thì chỉ đồng ý hợp tác với Liên minh do Washington dẫn đầu, chống lại sự ảnh hưởng của Iran ở vịnh Ba Tư.
![]() |
Kịch bản về an ninh hàng hải ở Trung Đông đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Ảnh: Getty |
Và chiêu bài của Iran
Liên quan vấn đề này, hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn tuyên bố ngày 8-8 của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami khẳng định, kế hoạch gần đây của Mỹ về việc thành lập một lực lượng liên quân trên biển để hộ tống tàu thuyền sẽ không mang lại an ninh cho vùng Vịnh.
Việc Mỹ muốn thành lập một liên minh quân sự với lý do bảo vệ sự an toàn cho tàu thuyền sẽ chỉ khiến tình trạng bất ổn trong khu vực leo thang hơn nữa. Vì thế, theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng Iran sẽ nghiêng về đề xuất của Nga.
Tờ Thời báo châu Á viết: "Đã có những mô tả về mối quan hệ Iran-Nga trên bàn cờ địa chính trị. Mặc dù không phải là đối tác chiến lược như trong hợp tác Nga-Trung, Nga-Trung-Iran vẫn là bộ ba quan trọng trong tiến trình hội nhập Á-Âu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Điều này hoàn toàn có thể thấy rõ như trong hợp tác quân sự Nga-Iran là cuộc tập trận quân sự chung sắp diễn ra ở khu vực phía bắc của Ấn Độ Dương, bao gồm eo biển Hormuz".
Chưa hết, bài báo còn dẫn lời nhà phân tích Gennady Nechaev rằng, trong trường hợp hợp tác Nga-Iran đang phát triển, khả năng sẽ mở ra cho căn cứ thường trực của hải quân Nga tại một trong những cảng của Iran với việc cung cấp một sân bay gần đó - tương tự kiểu sắp xếp như Tartus và Hmeimim trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria là điều có thể diễn ra.
"Và điều đó dẫn đến Chabahar, một cảng biển sâu, trên vịnh Oman có vị trí quan trọng trong tầm nhìn Con đường tơ lụa nhỏ của Ấn Độ. Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều vào Chabahar để nó được kết nối bằng đường cao tốc đến Afghanistan và Trung Á và trong tương lai bằng đường sắt đến Kavkaz. Tất cả điều đó để Ấn Độ có thể bỏ qua Pakistan khi có liên quan đến các tuyến thương mại.
Chabahar cũng có thể trở thành một nút quan trọng của Con đường tơ lụa mới, hay Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc cũng như Nga là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Iran, sớm hay muộn, cũng sẽ trở thành một thành viên SCO đầy đủ. Chỉ sau đó, khả năng có thể là cho phép hải quân Nga hoặc Trung Quốc thỉnh thoảng cập cảng Chabahar, nhưng vẫn không sử dụng nó làm căn cứ quân sự tiền phương", nhà phân tích Gennady Nechaev nói.
Trong khi đó, nhận thức về một cam kết đang giảm của Mỹ có thể làm cho đề xuất của Nga về cách tiếp cận đa phương trở nên hấp dẫn hơn trong ngắn hạn đối với cả Iran và các quốc gia vùng Vịnh. Tuy nhiên, liên minh Nga-Trung ở Trung Đông cũng có thể bị nhìn nhận là cơ hội hơn là chiến lược. Và từ đó, dù không theo đề xuất nào, các quốc gia vùng Vịnh vẫn sẽ tăng tốc đảm nhận an ninh cho chính mình.Trước đây, nhận thấy chủ nghĩa bành trướng của Iran trong khu vực và sự bất mãn phổ biến dai dẳng trên khắp Trung Đông và Bắc Phi, Arab Saudi và UAE đã quyết định can thiệp vào Yemen. Đây là một nỗ lực thất bại. Nhưng cuộc họp gần đây giữa các quan chức an ninh hàng hải của UAE lần đầu tiên trong 6 năm và cuộc rút quân của UAE khỏi Yemen đã báo hiệu một cách tiếp cận mới, mang tính xây dựng hơn.
Song chiến lược gia địa lý Velina Tchakarova vẫn cảnh báo, dù có là liên minh gì thì đây cũng là một mối quan hệ bất cân xứng tạm thời. Chưa kể, nó sẽ đặt Nga-Mỹ vào một cuộc đối đầu mới.