Ai thắng ai thua trong thỏa thuận Mỹ-Trung quốc giai đoạn một?

Thứ Sáu, 27/12/2019, 17:11
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối cùng đã đồng ý ký thỏa thuận thương mại một phần vào ngày 13-12, khiến cuộc chiến thương mại kéo dài 21 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tạm dừng - ít nhất là ở hiện tại.


Chính quyền của Tổng thống Donald Trump mô tả thỏa thuận như là “chưa từng có” và “đáng kinh ngạc”. Các quan chức hàng đầu của Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi để nhấn mạnh thỏa thuận là một chiến thắng cho họ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc. 

Dù Phố Wall hoan nghênh những tin tức này, nhưng chứng khoán đã kết thúc ít thay đổi vào ngày 13-12 vì các chi tiết của thỏa thuận không được rõ ràng. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và nhiều người hiếu chiến với Trung Quốc đã chỉ trích Tổng thống Trump, nói ông quá dễ dãi. Nhiều nhóm doanh nghiệp đã lạc quan nhưng thận trọng.

Toàn văn thỏa thuận chưa được công bố, nhưng nhóm của Tổng thống Trump và các quan chức Trung Quốc xác nhận Mỹ đã đồng ý giảm quy mô một số thuế quan để đổi lấy việc Trung Quốc mua thêm khoảng 200 tỷ đô la hàng hóa nước này trong 2 năm tới và mở cửa cho các công ty tài chínhMỹ. Vậy ai là người thắng kẻ thua trong thỏa thuận giai đoạn 1 này? Sau đây là nhận định của báo Washington Post.

Người chiến thắng

Đầu tiên, đó là chính Tổng thống Donald Trump, ít nhất là về mặt chính trị. Ông có thể nói đã thực hiện một thỏa thuận, cho dù còn hạn chế. Điều này không có nghĩa ông đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đặt ra để điều chỉnh lại mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng ông có thể nói mình đã thực hiện thêm được một lời hứa khi tranh cử. 

Ông Trump có thể tự hào đây là một món quà đặc biệt ông dành cho nông dân và công nhân sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại. Thỏa thuận Trung Quốc (và thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada đã được thỏa thuận gần đây) cũng khiến cho nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2% trở lên trong năm tới, tránh suy thoái kinh tế và giúp ông có cơ hội tái tranh cử.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật hồi tháng 6-2019. Ảnh: Reuters

Đối tượng hưởng lợi thứ hai là nông dân Mỹ. Trung Quốc đã cam kết sẽ mua 32 tỷ đô la các sản phẩm nông nghiệp vào năm tới. Đây sẽ là một khoản tiền mặt rất cần thiết cho nông dân, những người đã bị áp thuế trả đũa Trung Quốc, dù chính quyền Trump đã thiết kế một chương trình để bù đắp cho họ khi thua lỗ. 

Các vụ phá sản trang trại đã tăng 24% so với năm ngoái và nợ nông nghiệp được dự đoán sẽ đạt mức cao kỷ lục, theo Cục Nông nghiệp Mỹ. Nhưng những người nông dân đã bỏ phiếu cho Donald Trump trước đây có khả năng sẽ quay lại với ông một lần nữa sau thỏa thuận này.

Người chiến thắng thứ ba là Apple và các công ty công nghệ khác. Cổ phiếu Apple đã tăng vọt vào ngày 13-12, ngay cả khi thị trường chung không thay đổi. Các công ty công nghệ nằm trong số những người hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận giai đoạn 1 vì họ sẽ không bị áp thuế. 

Tổng thống Trump đã lên kế hoạch áp thuế lên điện thoại di động, máy tính xách tay và các sản phẩm công nghệ phổ biến khác được sản xuất tại Trung Quốc và vận chuyển đến Mỹ vào ngày 15-12, nhưng thỏa thuận này đã loại bỏ hoàn toàn các kế hoạch đó.

Bên hưởng lợi tiếp theo là Walmart và các nhà bán lẻ khác. Ông Trump đã giảm thuế (hoặc hủy bỏ) đối với các mặt hàng phổ biến nhất mà người Mỹ mua trong các cửa hàng. Mức thuế đối với đồ chơi, các sản phẩm công nghệ và nhiều sản phẩm quần áo đã được cắt giảm một nửa từ 15% xuống còn 7,5%.

Tiếp theo là các nhà đầu tư Phố Wall. Chỉ số S&P 500 đang đi đúng hướng cho tổng lợi nhuận khoảng 29% trong năm nay. Điều đó sẽ làm cho đây là năm tốt nhất của cổ phiếu kể từ năm 2013 và là một trong những năm tốt nhất mọi thời đại. Thỏa thuận này đưa cổ phiếu đến mức kỷ lục vào ngày 12-12. Khoảng một nửa số người Mỹ có ít nhất một số tiền trong thị trường chứng khoán.

JPMorgan Chase và các công ty tài chính khác của Mỹ cũng là bên chiến thắng. Một trong những đột phá lớn nhất trong thỏa thuận là Trung Quốc cuối cùng đã cho phép các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng của Mỹ thâm nhập Trung Quốc mà không phải hợp tác với một công ty địa phương. Điều này là mong muốn của các ngân hàng lớn ở Mỹ trong nhiều năm qua. JPMorgan Chase hồi mùa hè đã chuẩn bị sẵn nền tảng để mở dịch vụ ở Trung Quốc với dự đoán về thỏa thuận này.

Thỏa thuận cũng mang lại lợi ích cho các lãnh đạo doanh nghiệp. Giám đốc điều hành của mọi công ty lớn của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Trump sớm đạt thỏa thuận. Ông Trump thường xuyên tuyên bố thuế quan của mình được Trung Quốc trả, nhưng các công ty Mỹ cũng gánh chịu, và hóa đơn đó cho đến nay đã là 88 tỷ đô la. Thỏa thuận này làm giảm gánh nặng đó.

Bên chiến thắng cũng được cho bao gồm cả Chính phủ Trung Quốc. Theo WP, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm khoảng 200 tỷ đô la nông nghiệp, năng lượng và hàng hóa sản xuất của Mỹ, nhưng họ đã lên kế hoạch thực hiện hầu hết những điều đó. 

Sự nhượng bộ lớn nhất mà Trung Quốc đưa ra trong thỏa thuận này là đồng ý với các hình phạt nếu họ không đi đến cuối cùng, nhưng để áp dụng thuế quan trừng phạt là một quá trình dài. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể nói họ đã khiến Mỹ rút lại một số mức thuế.

Người thua cuộc

Phe diều hâu ở Mỹ có lẽ sẽ rất thất vọng. Thỏa thuận mới nhất không thay đổi căn bản các chính sách của Trung Quốc, như trợ cấp cho các ngành công nghiệp chính và đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ. Tổng thống Trump hứa sẽ có một giai đoạn thứ hai, sau cuộc bầu cử, nhưng nhiều người lo ngại thỏa thuận này sẽ trở thành một thỏa thuận duy nhất.

Thỏa thuận có thể là một chiến thắng cho Tổng thống Trump về mặt chính trị, nhưng mục tiêu của ông là buộc Trung Quốc phải đại tu các chính sách kinh tế chưa thực hiện được, vì vậy có thể nói chương trình nghị sự thương mại với Trung Quốc của ông đã thất bại, ít nhất cho đến nay. 

Trung Quốc vẫn là một người chơi quyền lực và kế hoạch Made in China 2025 của họ vẫn đang tiếp tục. Trung Quốc cũng không đồng ý thu hẹp bất kỳ khoản trợ cấp nào của chính phủ cho các ngành công nghiệp như thép. Trong khi dữ liệu thương mại mới nhất cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm nhẹ, thâm hụt thương mại của Mỹ với các quốc gia khác (đặc biệt là ở Đông Nam Á) đang gia tăng.

Các công ty Mỹ vẫn phải đối mặt với thuế quan. Ông Trump vẫn có lệnh áp thuế quan đối với khoảng 370 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Điều đó bao gồm thuế quan 25% cho nhiều bộ phận được sử dụng trong sản xuất, đặc biệt là ô tô. Những mức thuế đó trông giống như chúng sẽ ở lại trong một thời gian dài. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì họ ít có khả năng chuyển sản xuất sang Thái Lan hoặc Việt Nam.

Nhưng công ty thiệt hại nặng nhất vẫn là Huawei. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã trở thành tâm điểm cơn giận dữ của Tổng thống Trump chống lại Trung Quốc. Huawei đã bị buộc tội gián điệp Chính phủ Mỹ và các công ty Mỹ thông qua điện thoại và các sản phẩm công nghệ của họ. 

Chính phủ của ông Trump đã hạn chế rất nhiều hoạt động của Huawei. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng can thiệp nhiều lần, nhưng không khả quan. Huawei nói họ có thể cần 2 hoặc 3 năm để phục hồi sau các hành động của Washington. Thỏa thuận giai đoạn 1 không giải quyết được tình huống của Huawei.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng thiệt hại nặng. Trung Quốc đã phải đối mặt với một nền kinh tế chậm lại trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Thuế quan Trump làm trầm trọng thêm nỗi đau. Dù Mỹ sẽ không áp thuế quan đối với tất cả các sản phẩm của Trung Quốc như đã lên kế hoạch thực hiện vào ngày 15-12, Washington vẫn giữ nguyên thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá gần 370 tỷ đô la. Tệ hơn, một số công ty đã chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Về chính trị, thỏa thuận là sự thất vọng cho đảng Dân chủ, vì nó mang lại một chuỗi các tin tức tích cực cho thị trường và triển vọng kinh tế năm 2020. Một cuộc suy thoái dường như không thể xảy ra. Đảng Dân chủ sẽ phải ngồi nhìn ông Trump mạnh lên trong lòng người dân. Các cựu tổng thống như Barack Obama và George W. Bush cũng bị tổn hại về danh tiếng. 

Sẽ có những cuộc tranh luận trong nhiều năm về việc liệu cuộc chiến thương mại của Trump có đáng hay không và liệu ông có đạt được đủ từ thỏa thuận này hay không. Nhưng rõ ràng thỏa thuận cho thấy Tổng thống Trump đã thay đổi tương quan với Trung Quốc. Ông là vị Tổng thống dám đối đầu với Bắc Kinh, theo cách mà hai người tiền nhiệm của ông đã không làm được.

Vinh Trang
.
.