Gọi về đây tình một thuở
Thật khó khi hỏi báo chí hay văn chương mới là "bản chính" của tác giả Nguyễn Tuấn? 25 năm làm báo để rồi gọi là "bản nháp" e rằng có phần phi lí. Nhưng 25 năm lăn lộn trong nghề báo để rồi có những lúc sẵn sàng đánh đổi một vài phút giây tĩnh lặng dành cho việc viết văn thì gọi văn chương là "bản nháp" cũng có phần chưa thỏa. Và anh giống như một ngọn gió chông chênh trở về từ hai thể loại vốn đã có nhiều mờ nhòe ấy, gạt đi những ồn ã của đời thường mê mệt để tìm mình trên trang giấy. Một cuộc tìm mình lặng lẽ.
Tôi chưa một lần thấy Nguyễn Tuấn nói nhiều trước đám đông. Anh mang lặng lẽ ấy đi qua mấy mươi năm làm người như một thức quà để dành, để rồi có bao nhiêu âm thanh của đời sống, bao nhiêu cảnh ngộ anh đã gặp, bao men đời trải nghiệm anh đưa vào sách. Từ những sáng tác đầu tay, phóng sự, ký sự pháp đình… cho đến "Cạm bẫy ngọt ngào" - tập truyện ngắn mới đây nhất do NXB Hội Nhà văn cấp giấy phép.
Nhiều người tưởng chừng hậu trường pháp đình đã rút cạn anh. Tưởng chừng những thân phận vừa đáng giận vừa đáng thương ấy đã yên ắng cùng với ký sự được xuất bản vào năm 2011 của anh. Và nghề báo đã khiến anh thôi miên man say chữ như năm nào đó. Thế nhưng, chẳng có gì là mất đi cả. Sau mỗi bài báo ồn ào, anh lại quay về đứa con tinh thần của mình. Văn chương cho anh một nơi để lui về nương náu, để suy ngẫm về đời sống, về chính mình. Như anh đã trả lời phỏng vấn cách đây mấy năm, anh là một người tình chung thủy với văn chương.
Và một khi tự nhận là người tình, có nghĩa là văn chương - phần thiết tha nhất cũng chính là phần không chối bỏ được của cuộc đời anh. Nguyễn Tuấn cũng chẳng tìm cách chối bỏ hay phủ nhận nó. Anh đón nhận "người tình văn chương" một cách bình thản. Anh đã chờ tình đến rồi mới yêu. Và sau năm hồi bảy lượt ngắt quãng bởi thời gian, đời thường bận rộn và bởi cả "văn chương không vội được đâu" thì cuộc gặp gỡ mới thành hình lần nữa ở tuổi 52. Khi anh không còn trẻ và vẫn chưa quên "người tình một thuở" của mình.
![]() |
Nhà báo Nguyễn Tuấn. |
Tôi vẫn còn nhớ hai câu thơ mở đầu cuốn "Mary" của Vladimir Nabokov (tên tiếng Việt là "Tình một thuở", NXB Đồng Nai, 1989) có hai câu thơ của Puskin là "Gọi về dan díu bao năm cũ/ Gọi về đây tình một thuở". Thì ở đây, Nguyễn Tuấn cũng gọi về dan díu suốt mấy chục năm ấy để tìm bóng hình và nhận mặt "người tình văn chương" của mình. Cuộc hò hẹn ấy cứ ngỡ đã được chờ đợi từ lâu. Đó chính là cuộc hò hẹn lâu nhất, hò hẹn trở về với lòng mình.
Tập truyện mới này dày hơn 200 trang, bao gồm 15 truyện nhỏ với bao kiếp người xê dịch, đổi thay. Ở đó có những mảnh đời phía sau của những bản án vẫn còn rơi rớt. Một góc phố nhỏ bé mà bao chuyện đời chật chội hiện ra trước mắt. Rồi nhịp điệu hối hả của đời sống hiện đại kéo con người ta lê lết từ hố sâu này đến hố sâu khác không cưỡng lại được. Đấu tranh - thỏa hiệp, cuộc ngã giá giữa những thang giá trị. Có người vượt qua được những sân si tầm thường. Nhưng cũng có người bị khuất phục. Có nỗi cô đơn đắng chát của kiếp người và có cả giọt nước mắt sám hối mặn mòi. Nhưng dù như thế nào đi nữa, sau tất cả, vẫn là tin yêu đọng lại giữa người với người. Vẫn là những ngày cũ khép lại để một ngày mới mở ra. Truyện của Nguyễn Tuấn vận động từ tối ra sáng, hướng con người đến những điều thiện. Tác giả bao dung với lỗi lầm của nhân vật. Anh tin ở con người. Tin rằng những điều khủng khiếp vừa đi qua sẽ chỉ là một cơn ác mộng mà thôi. Cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu như con người cố gắng và thay đổi.
![]() |
Tập truyện ngắn "Cạm bẫy ngọt ngào" gồm 15 truyện nhỏ xoay quanh những câu chuyện về cuộc đời. |
Nguyễn Tuấn là cây viết trưởng thành từ môi trường Công an, nên hình ảnh của những chiến sỹ Công an hiện lên nhiều trong tác phẩm của anh âu cũng là điều dễ hiểu. Nó gần như là một "đặc sản cây nhà lá vườn" mà những nhà văn bên ngoài lực lượng Công an khó có cơ hội để viết được. Bởi ở đó, không đơn thuần là hành trình phá án, không chỉ có những chiến công, những mảnh đời đằng sau còng số 8 mà còn có cả tâm sự, nỗi lòng của đồng đội anh - những con người quăng quật, lăn xả trong cuộc chiến chống cái ác nhưng cũng là họ, tổn thương, nứt toác trong chính những mong ước bình dị của mình. Những con người có một đời sống cá nhân như bao người bình thường khác mà nếu không có ai viết ra, chúng ta khó có thể hiểu được.
Nếu ai đó trông chờ vào một mùi vị văn chương khác lạ, "nổi loạn" hoặc nếu chờ đợi để được "sốc" tình huống kịch tính thì tập truyện ngắn của Nguyễn Tuấn có lẽ sẽ đem tới một cảm giác khác. Mạch văn trong tập truyện ngắn "Cạm bẫy ngọt ngào" khá ổn định, được sắp xếp lần lượt theo tuyến tính nhân vật và thời gian. Kết cấu văn chương không có gì mới, cũng không gây ra những mơ hồ về xác tín thể loại. Mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa người với người được đặt ra không quá gay gắt. Có âm thanh loảng xoảng của tình huống truyện nhưng không kéo dài âm ỉ và nhanh chóng kết thúc. Nhưng nếu đọc nhẩn nha kĩ càng từng truyện một, trong lần "hò hẹn" trở lại này, anh đã kể cho chúng ta nghe về mạch đời vẫn chảy miệt mài trong rộng dài phận số. Và phía cuối mạch đời ấy, lúc nào cũng sẽ có đuôi mắt của một người lặng lẽ trôi đi và sau đó có cả ngoái lại, chỉ để muốn lưu lại bóng hình những người đã đi qua cuộc đời ta, những người đã đi chung một hành trình ngắn ngủi. Họ là dư ảnh, cũng là dư chấn ngọt ngào nhất của đời Nguyễn Tuấn. Họ là cạm bẫy, là dan díu đầu tiên và cũng là cuối cùng của Nguyễn Tuấn.
Mỗi con người cần một bản dịch của mình. Nguyễn Tuấn đã phiên dịch cuộc đời thứ hai ấy bằng văn chương. Sau những năm tháng mê mải làm báo, văn chương giống như một ngọn gió lành để ngòi bút, chữ nghĩa anh tụ lại.
Nhà báo Nguyễn Tuấn sinh năm 1963, Tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học Luật Hà Nội, hiện là Trưởng ban Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng và Cảnh sát toàn cầu, Báo Công an nhân dân. Anh là tác giả của: - Kháng cáo (Tập truyện ngắn, NXB Công an nhân dân, 2002). - Cố nhân (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2008). - Pháp trường giá lạnh (Ký sự pháp đình, NXB Thanh niên, 2011). - In chung trong gần 20 tập truyện ngắn và ký. Các giải thưởng đạt được: - Năm 1997: Tặng thưởng ký của Tạp chí Tác phẩm mới (nay là Tạp chí Nhà văn, Hội Nhà văn Việt Nam). - Năm1998: Giải Nhì, giải "Cây bút vàng" lần thứ nhất (1996-1998) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. - Năm 2002: Giải Nhất phóng sự viết về gia đình của Hà Nội. - Năm 2012: Giải A - Giải Báo chí Quốc gia. |