"Ông vua ảnh chân dung" Nguyễn Đình Toán
- Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn: Tạc hình Tổ quốc giữa tầng không
- Nhiếp ảnh gia Lê Bích: Chỉ những tâm hồn đủ tinh tế mới nhận ra vẻ đẹp của Hà Nội
Ông thích chụp chân dung các nghệ sĩ và gia tài của ông giờ đây là kho tư liệu với hàng vạn bức ảnh quý. Người trong nghề gọi Nguyễn Đình Toán là "ông vua chân dung".
Kho tư liệu khổng lồ
Sở hữu kho tư liệu ảnh văn nghệ sĩ khổng lồ nhưng trong suốt chặng đường cầm máy của mình, nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán mới có vài ba cuộc triển lãm cá nhân. Đối với ông, chụp ảnh để lưu trữ, để cất giữ những khoảnh khắc quý giá của người nghệ sĩ có ý nghĩa hơn là việc kiếm danh, kiếm tiền.
Triển lãm gần đây nhất của ông là nhân một năm ngày mất của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Ông đã giới thiệu đến công chúng 72 bức ảnh quý chụp tác giả ca khúc nổi tiếng "Khúc hát sông quê".
Nguyễn Đình Toán kể, ông phải mất cả tháng trời tìm những cuốn phim có ảnh Nguyễn Trọng Tạo để rửa ảnh. Đơn giản là kho tư liệu của ông quá nhiều, quá chồng chất nên để tìm ra ảnh chụp từng văn nghệ sĩ không dễ.
Hỏi ông vì sao không số hóa ngân hàng ảnh của mình để khi cần tìm ảnh cho dễ, Nguyễn Đình Toán cho biết, ông mới chỉ làm công việc này được một phần, vì chưa có điều kiện.
Công việc số hóa một lượng ảnh khổng lồ mà Nguyễn Đình Toán đang sở hữu cần phải có nguồn kinh phí không nhỏ, nhưng ông lại không có nhiều tiền, nên vẫn phải làm mọi công việc một cách thủ công, rất tốn công sức.
Ông kể, có một vài người ngỏ ý muốn giúp ông kinh phí để số hóa kho ảnh, nhưng ông chưa nhận lời. Thậm chí có người còn muốn mua cả kho ảnh quý của ông, nhưng ông không bán. "Vì tôi biết là họ chỉ muốn mua cái tên tôi, mua xong rồi vứt xó, mà không đưa đến với công chúng thì tôi chẳng vui vẻ gì".
Nguyễn Đình Toán là một người chụp ảnh rất khái tính. Ông đến với nhiếp ảnh và chọn công việc chụp chân dung văn nghệ sĩ vì một niềm đam mê và sự ngưỡng mộ các nghệ sĩ- những người mà ông thực sự quý trọng về phẩm cách, tài năng, sự tử tế.
Ông nhấn mạnh hai chữ tử tế, vì đối với ông, chỉ có sự tử tế của một người làm nghệ thuật mới đủ tạo ra sức hút để ông đến gần họ, lắng nghe và chớp bắt những khoảnh khắc đời thường, chân thật về họ. Có những người nghệ sĩ mà ông kính trọng, yêu mến, dù đã chụp họ hàng ngàn bức ảnh rồi, ông vẫn tiếc và ước giá có điều kiện để chụp họ nhiều hơn nữa.
Vài năm trước, một cuộc triển lãm ảnh về nhạc trưởng của Nguyễn Đình Toán gây một sự xúc động mạnh trong giới nghệ thuật. 50 bức ảnh chụp chân dung các nhạc trưởng- một nghề khó và ít người theo đuổi ở Việt Nam, là những khoảnh khắc đặc tả lao động của những nghệ sĩ trên sân khấu âm nhạc.
Nguyễn Đình Toán đã có mặt ở hàng trăm đêm diễn giao hưởng thính phòng trong nhiều năm để có thể "săn bắt" được những bức ảnh tuyệt đẹp, đặc tả lao động của những nhạc trưởng, những tên tuổi như Đàm Linh, Vũ Ngọc Quang, Cao Việt Bách, Đỗ Hồng Quân, Lê Phi Phi, Doãn Nguyên…
Triển lãm đầu tiên trong sự nghiệp cầm máy ảnh của Nguyễn Đình Toán là triển lãm ảnh về nhạc sĩ Văn Cao, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của tác giả "Tiến quân ca". Với Nguyễn Đình Toán, có lẽ nhạc sĩ Văn Cao là người để lại trong ông những ấn tượng mạnh mẽ nhất.
Những năm cuối đời của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Toán là người có thể lui tới nhà của nhạc sĩ và chụp ảnh ông bất cứ lúc nào. Chính vì thế Nguyễn Đình Toán đã sở hữu được những bức chân dung "độc nhất vô nhị" về người nhạc sĩ tài hoa để giới thiệu với công chúng.
Nguyễn Đình Toán không chỉ chụp ảnh, ông còn là nhân chứng, là người có mặt và kể lại câu chuyện đời người nghệ sĩ để cung cấp cho người xem. Vì thế ảnh chụp nghệ sĩ của ông bao giờ cũng rất thật. Ông là người cầm máy hiểu được đời sống nội tâm sâu kín của từng người nghệ sĩ, để có thể bắt được chân dung họ một cách chính xác, mang được thông điệp buồn vui của họ đến với người xem.
Nhiếp ảnh vốn là một cuộc chơi tốn kém, nhưng Nguyễn Đình Toán chỉ chọn cách "chơi" phù hợp với mình. Cho đến giờ, ông vẫn cầm chiếc máy ảnh đời cũ, đã lạc hậu. Ông không có nhiều tiền và cũng không định kiếm tiền bằng công việc chụp ảnh, nên không có nhu cầu đổi máy, nâng đời như nhiều người làm nhiếp ảnh khác.
Đối với ông, điều quan trọng nhất trong nhiếp ảnh là "chụp như thế nào", chứ không phải "chụp bằng máy nào". Theo ông mỗi người đều có cái hay để chụp, và người nghệ sĩ nhiếp ảnh phải có đủ nhạy cảm để nhìn ra cái hay đó của họ để thu vào ống kính của mình.
Theo quan điểm của ông, cái đẹp phải bắt đầu từ cái Thật. Và cũng chính bởi cái Thật đó mà qua những bức ảnh quý giá của mình, Nguyễn Đình Toán đã giúp cho người xem hiểu được nhiều hơn đời sống nội tâm của những người nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi qua ống kính nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. |
Nạn nhân của vi phạm bản quyền
Khoảng chục năm về trước, khi chưa có báo mạng, chủ yếu là báo giấy, thì cái tên Nguyễn Đình Toán luôn "nằm lòng" các phóng viên làm văn hóa văn nghệ hay các thư ký tòa soạn báo.
Đơn giản là khi báo cần ảnh chụp văn nghệ sĩ cho các bài viết, người ta khó có thể gọi cho ai là được đáp ứng ngay và luôn cũng như có được ảnh ưng ý hơn Nguyễn Đình Toán, vì ông có một kho tư liệu ảnh khổng lồ. Quan trọng hơn là ông vô cùng nhiệt tình, tích cực với các tòa soạn.
Lục tìm ảnh rồi mang đến tận tòa soạn hoặc gửi qua mail cho phóng viên. Vất vả là vậy, nhưng thỉnh thoảng phía những người xin ảnh lại quên đề tên ông dưới bức ảnh đăng tải trên báo. Cũng đồng nghĩa là quên trả nhuận ảnh cho ông. Biết là thiệt thòi nhưng Nguyễn Đình Toán chẳng mấy khi phàn nàn.
Từ khi có báo mạng, câu chuyện bản quyền tác giả ảnh cho những nghệ sĩ nhiếp ảnh như Nguyễn Đình Toán còn phiền lòng hơn. Rất nhiều bức ảnh của Nguyễn Đình Toán được dùng ở nhiều nơi nhưng người sử dụng không quan tâm nó từ đâu ra và ai là người chụp. Hiện tượng sao chép tràn lan trên báo mạng không còn là chuyện lạ.
Trong tình trạng sử dụng ảnh lấy từ trên mạng thiếu kiểm soát, thiếu trách nhiệm thì những nghệ sĩ nhiếp ảnh như Nguyễn Đình Toán là những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Mặc dù chúng ta đã tham gia Công ước bản quyền quốc tế nhưng vấn đề bản quyền (trong nhiều lĩnh vực) vẫn luôn còn là một câu chuyện nhức nhối trong đời sống.
Nguyễn Đình Toán rất nghèo. Ông vốn là một người lính pháo cao xạ trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Giải ngũ ông về làm cán bộ của Bộ Giao thông vận tải đến năm 1992 thì nghỉ hưu, đi làm phóng viên ảnh cho tạp chí Xưa và Nay. Càng gắn bó với nhiếp ảnh ông càng yêu nghề này, dẫu cho nó chẳng mang lại cho ông tiền bạc. Vì qua nhiếp ảnh ông có thêm cái nhìn chân thực về con người, văn hóa, lịch sử. Cũng qua nhiếp ảnh, ông được gần gũi những con người mà ông hằng yêu mến, kính trọng- những nghệ sĩ tài năng và tử tế.
Nhạc sĩ Văn Cao qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán. |
Hồi còn chụp phim, chụp ảnh xong về nhiều khi ông còn không có tiền rửa ảnh. Và ông chỉ chọn rửa những bức đẹp nhất, ưng ý nhất để mang đến cho nhân vật của mình. Chỉ mang đến thôi, người cầm ảnh có thể gửi lại cho ông chút tiền rửa ảnh hay thậm chí không gửi cũng không sao cả.
Nhiều nghệ sĩ hiểu tính và yêu quý Nguyễn Đình Toán thì cư xử rất đẹp nhưng cũng không ít người cầm ảnh đẹp ông chụp còn cự nự, so đo. Thậm chí có người nhờ ông chụp ảnh, phóng cả tấm ảnh lớn mang đến cho nhưng một thời gian dài không thấy nói gì đến chuyện gửi thù lao cho Nguyễn Đình Toán- dù chỉ là phí để rửa ảnh chứ chưa cần nói đến chuyện trả công cho ông.
Có lần gặp ông nhắc nhẹ nhân dịp người này được nhận danh hiệu cao quý, và ông còn bị chính người này mắng. Chuyện tưởng khó tin trong giới văn nghệ nhưng buồn thay lại là có thật.
Dù bị đối xử như vậy nhưng Nguyễn Đình Toán chẳng mảy may nghĩ ngợi. Ông vui vẻ chấp nhận vì đó là cuộc sống. Những cư xử kém văn minh của một vài nghệ sĩ không làm ông giảm bớt tình yêu với nhiếp ảnh. Sau Nguyễn Đình Toán, rất khó để có một người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cần mẫn chụp ảnh các nghệ sĩ và sở hữu một kho tư liệu đồ sộ, giá trị như ông đã và đang làm.