Yêu quá đời này

Thứ Ba, 21/06/2022, 09:32

Thức dậy khi trời còn chưa sáng. Đêm nhiều sương. Nhiều quá mà đọng thành giọt rơi lộp độp ngoài hiên. Đêm yên ắng tới mức chỉ nghe thấy tiếng thở của chính mình. Nếu nín thở thì thậm chí giống như bị nút tai.

Đừng hỏi tôi đang ở đâu vì chính tôi cũng không dám chắc. Dưới gầm trời này chỗ nào chẳng giống chỗ nào, khác chăng chỉ là cách người ta gọi tên mà thôi.

Nằm yên, rất lâu. Đợi đến khi trời sáng lờ mờ. Nhìn ra bên ngoài ô cửa thấy những tán lá cọ ướt sũng rủ hết cả xuống. Tôi nhớ cánh rừng của tôi, nhớ những vạt rừng phủ kín bởi một màu xanh của lá cọ. Chúng ở rất gần, ngay bên ngoài hàng rào của khu vườn, chỉ cần vạch rào nhảy phốc một cái qua con hào sâu chừng một mét là tới. Suốt những chiều mùa hè, mùa đông, mùa xuân, mùa thu, tôi len lỏi giữa những gốc cọ, dùng dao để rọc hết đi những cái gai chi chít trên những cành cọ khô người ta chất đống ở gốc sau khi đã chặt lá mang về lợp nhà. Cành cọ khô rất bén lửa, nhưng đặc điểm của nó là không có than. Ruột nó xốp, và có lẽ nhiều dầu. Những ngày trời mưa, tiếng mưa dội xuống rừng cọ thành một thứ thanh âm dữ dội và quyết liệt.

Yêu quá đời này -0

Ở đây thì người ta đang phải giữ từng cây cọ một, để nó mang đến vẻ đẹp tự nhiên nhất cho một nông trại.

Thực ra đêm qua hầu như tôi không ngủ.

Khi người ta gặp chuyện gì buồn quá thì thường ước làm sao ngủ thật say, để quên đi, để chạy trốn nó. Nhưng thực tế thì ngược lại, sẽ mất ngủ. Nỗi buồn lúc thì nhoi nhói như kim đâm trong ngực, lúc thì nặng nhọc như bao cát, lúc thì ngột ngạt như ở dưới một con đường hầm hun hút chứa đầy bóng tối. Bọn tôi đã uống, ba người hai chai, khá say. Chúng tôi đều nói rất nhiều, về sự lựa chọn cách đi của mỗi người, như thế nào cho hết con đường. Đã đi được nửa đường rồi. Bọn tôi đều thống nhất là phải sống từng ngày còn lại thật đích đáng. Thật là đích đáng. Tất nhiên, cái sự đích đáng ấy chẳng ai giống ai cả. Nói ngắn gọn thì là, ai cũng có quyền hối tiếc vì đã từng sai lầm, nhưng điều không nên phạm phải nhất chính là: Phải hối tiếc vì đã từng không làm một/một vài điều gì đó vào đúng lúc phải/nên làm. Thời gian sẽ không bao giờ trở lại. Hẳn vậy. Và chúng ta đều chỉ có một cuộc đời để sống, không nhiều hơn. Tôi thích sống như tôi nghĩ, thật đích đáng, từng ngày một. Tiêu tùng cái thời gian mà mình có cho những việc mình muốn làm nhất, có ích và có ý nghĩa nhất, không phí phạm một giây nào. Kể cả cái việc tưởng như vô nghĩa nhất, là nằm yên và suy nghĩ. Chúng ta đã cứ lao đi, lao đi như những toa tàu nối đuôi vào nhau, không một toa nào có thể dừng đột ngột. Dừng là chết. Dừng là tai họa liên hoàn. Cái cuộc đời này, phải chăng là vậy?

Và bọn tôi ôn lại những gì có trong kí ức. Kí ức, như một bầu trời đầy những ngôi sao bé tí xíu, nhưng sáng lấp lánh. Kí ức đẹp của tôi chính là chiều chiều len lỏi một mình trong khu rừng tối thẫm mát lạnh đầy lũ côn trùng xanh đỏ tím vàng, vừa chặt củi vừa nhí nhách hát một mình những câu không đầu không cuối. Rừng là thế giới thần tiên của tôi, nơi tôi có thể tự do suy nghĩ vẩn vơ mà không sợ bị ai cho rằng ngớ ngẩn. Tôi đã chẳng hề giống bất kì đứa trẻ nào trong cái thung lũng ấy. Tôi là một bé gái tươi tắn vui vẻ nhưng cũng đầy muộn phiền, hay nghĩ ngợi, hay bật khóc vì những ý nghĩ quá xa xôi. Ví dụ như chỉ cần nghĩ rằng một ngày nào đó, đang sống cuộc sống tươi đẹp này bỗng dưng ngủ thiếp đi và mãi mãi không tỉnh dậy nữa, là tôi đã có thể dấm dúi khóc một mình. Tôi chỉ thấy buồn thôi, nỗi buồn phải chia lìa những mộng mơ đẹp đẽ, chứ không phải sợ hãi.

Kí ức đẹp của bạn tôi là những lần được theo bà nội về quê. Hai bà cháu đợi tàu chở hàng từ Hải Phòng lên theo đường thủy, đi nhờ tàu của họ ngược sông Thương để về Nhã Nam - cái địa danh nổi tiếng kèm theo truyện ngắn của ông Nguyễn Huy Thiệp. Rồi thì hai người họ hàng nào đó được hẹn từ trước, sẽ đứng ở bến sông và đón hai bà cháu về quê bằng xe đạp. Tôi nhìn thấy nỗi nhớ bà nội da diết cũng như cái vẻ sáng trong tuyệt vời của một em bé còn chưa học tiểu học trong ánh mắt đã nhuốm màu thời gian của bạn. Hẳn là hai bên bờ sông ấy, lau lách mọc đầy, một vài cây gạo sẽ trổ hoa đỏ vào mùa xuân. Những cánh đồng gầy guộc khô cằn vào mùa đông và con đường mòn mù mịt bụi, xóc nảy người...

Tôi hỏi: Anh có thể cho em mượn cái hình dung về những chuyến đi dọc sông ấy vào một cuốn sách không? Bạn tôi cười khẽ: Được chứ.

Chúng ta sẽ thế nào nếu như không có kí ức? Đôi khi, tôi cảm thấy kí ức như cái bến tàu, hay ít nhất thì nó cũng như cái gốc của cây sung cổ thụ - loài cây thường mọc ở ven sông mà người ta dùng làm nơi buộc thuyền. Lênh đênh ở đâu rồi cuối cùng cũng có một nơi để neo đậu, để buộc mình vào.

Nửa đêm tôi mới bật đèn pin lạch bạch leo dốc lên phòng ngủ, lăn ra giường, suýt nữa thì không kịp bỏ giày. Lịm đi trong bóng tối mịt mùng tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Nhưng không được bao lâu thì thức giấc. Chỉ là tự cựa mình một cái, và thức giấc. Nằm yên trong bóng tối ấy, chợt nhận ra mình thật nhỏ bé quá. Nhỏ bé tới mức có thể tan vào, lẫn vào cái mịt mùng màu đen vô tận. Tự nghĩ, nếu như mình cứ ở nguyên trong bóng tối này mãi mãi thì ngoài kia, ngoài cái cuộc đời đang cuồn cuộn kia, có bao nhiêu người cảm thấy hụt hẫng vì sự biến mất của mình? Câu trả lời là: Rất ít. Trái đất có 7 tỉ người, khoảng vậy. Nhưng số người thực sự quan trọng đối với nhau, thực sự muốn níu giữ nhau để khỏi mất đi, chỉ ít ỏi như vài hạt bụi. Tuy thế, chỉ vì vài hạt bụi ấy thôi, nhất định ai ai cũng phải reo vui như một cái cây xanh lá.

Trời sáng hẳn, tôi xỏ giày và đi xuống thung lũng, rồi lại leo lên quả đồi bên kia. Quả đồi mà buổi chiều muộn hôm trước tôi đã kịp nhận ra là nó được phủ kín bởi hoa tam giác mạch. Một cô nông dân đang cắt hoa đi bán. Dù sinh ra ở vùng đất của tam giác mạch thì tôi cũng chưa từng biết rằng loài hoa này có thể cắm chơi cả chục ngày chưa tàn. Càng chưa từng nghĩ đến việc ngắt hoa về cắm. Cô nông dân chẳng biết bao nhiêu tuổi vì mặt bịt kín chỉ để lộ đôi mắt trong veo trong vắt, giơ giỏ hoa che mặt vừa cười vừa nói: Chụp hoa thôi chứ người xấu lắm. Tôi không tin cô ấy xấu. Người xấu sẽ không thể biết cách yêu một loài hoa đến nhường kia. Cô ấy xếp giỏ hoa to đùng vào gốc cây, dưới cái tán xanh rợp của nó. Chút nữa sẽ có người đến lấy đi. Những bó tam giác mạch gói trong lá chuối, buộc bên ngoài bằng một cọng cỏ. Ai sẽ là người mua những bó hoa ấy ở nơi tỉnh lẻ này nhỉ? Hẳn là phải bán được thì người ta mới cắt đi chứ. Bất giác, thấy dấy lên một niềm thương mến cái xứ sở mà ai ai cũng nghĩ là nó thật buồn tẻ này.

Hai con chó một đen một nâu chạy lục sục giữa những luống hoa. Mũi chúng dính đầy đất, thứ đất màu đỏ rực - bằng chứng của việc núi lửa đã phun trào hàng triệu năm trước ở đây. Chúng khiến tôi nhớ đến con chó của tôi. Suốt tuổi thơ của tôi, bạn thân nhất luôn là một con chó. Nó luôn theo tôi đi vào rừng. Khi tôi hát, nó sủa, khi tôi im lặng, nó rúc vào những bụi cây đầy gai.

Bấy giờ đã gần đến mùa hè rồi. Hoa tam giác mạch sẽ sớm tàn thôi. Nếu để yên không cắt thì tam giác mạch sẽ ra hạt. Hạt ấy chẳng có gì ngon, giữ lại làm giống cho vụ sau thì được.

Tôi thích mùa hè. Có phải thích nhất hay không thì cần suy nghĩ thêm một chút, nhưng tôi thực sự thích lắm. Tôi rất sợ những mùa đông lạnh giá. Sự lạnh giá như những lưỡi dao mỏng dính lách vào từng lớp thịt da khiến tôi không thể nào tập trung suy nghĩ được. Lạnh giá cũng khía sâu hơn vào nỗi cô độc thường trực trong cuộc văn chương dằng dặc. Còn mùa hè, luôn đầy ánh nắng và những tiếng reo ca của muôn loài, cũng thức dậy những khao khát được tận hiến.

Bờ hồ có thêm một đụn hoa rất to đã cắt, đặt bên cạnh cái thùng ô-roa. Chỉ đưa máy lên và bấm thôi, tuyệt nhiên không đụng chạm vào mà thành ra một bức ảnh đẹp còn hơn cả sắp đặt rất nhiều lần.

Tôi thấy biết ơn yên tĩnh này. Tôi muốn khóc òa lên khi xe đã lăn bánh một đoạn dài xuôi dốc mà chị tôi vẫn đứng nhìn theo. Nụ cười của chị, cái ôm của chị, tình thương mến rất đỗi đàn bà của chị khiến tôi thấy yêu quá cuộc đời này dù rằng sống chẳng phải là một việc dễ dàng.

Hoa vẫn nở đầy sau lưng tôi, trên núi cao kia, bên dưới những tán cây xanh xanh đang tỏa ra mùi nhựa có phần dữ dội của mùa hè...

Đỗ Bích Thúy
.
.