Vũ khí điện thoại

Thứ Bảy, 08/04/2023, 15:54

Cứ có sự kiện lớn nhỏ nào xảy ra là y như rằng có nhiều người rút điện thoại ra ghi hình. Tình cờ gặp người nổi tiếng ở quán xá, nếu như trước đây thì xin chữ ký, nói mấy lời bày tỏ ngưỡng mộ thì bây giờ ngay lập tức giơ điện thoại lên “seo phì” một cái.

Họ không nhìn thần tượng mà nhìn vào màn hình. Thần tượng chẳng may bất cẩn có thể sẽ được bêu trên mạng với những chỉ trích là chảnh. Vì vậy người thần tượng cũng phải cố nhe răng thả tim cho lành.

Khi chưa có điện thoại, thì khi có va chạm là hai bên sẽ ẩu đả hoặc nhã hơn thì thương lượng. Khi có điện thoại di động thì người ta rút điện thoại ra gọi sự trợ giúp của người thân. Cả hai đối thủ đều nói có âm lượng đủ lớn để cho đối thủ hiểu là “anh em tao đông”. Còn gần đây thì người ta thích chĩa điện thoại  vào mặt nhau, miệng tuyên bố livestream và mồm năm miệng mười thuyết minh như một hoạt náo viên đầy tính đe dọa. Cử chỉ này như sự răn đe đối thủ hãy giữ gìn hành vi của mình. 

Nhiều đối tượng vi phạm giao thông nhưng khi bị CSGT dừng xe thì ngay lập tức rút điện thoại ra, đi đi lại lại, khoa chân múa tay livestream ghi hình lực lượng chức năng kèm những lời lẽ thiếu chuẩn mực. Khi đưa hình ảnh lên mạng xã hội, đối tượng luôn kêu la, vu cho CSGT hành hung mặc dù trên hình thì CSGT vẫn xử lý ôn tồn, kiềm chế đúng chuẩn mực.

 Có vỏ quýt thì có móng tay. Với một số đối tượng đặc biệt trắng trợn thì CSGT cũng dùng chính điện thoại ghi hình đầy đủ. Với những bằng chứng đó thì đối tượng phức tạp mấy cũng phải “ngoan”.

Có những Việt kiều xem những hình ảnh trên mạng phải thốt lên, cảnh sát ta hiền quá so với cảnh sát tây.

Ai cũng có kênh cá nhân để đăng ảnh và video. Việc ghi lại hình ảnh trở thành một công việc hàng ngày như một cách nói là cho Facebook ăn, hay “cúng phây”.

Nếu mọi chuyện trên trang cá nhân lại là hiện thực thì sao nhỉ?

Xin trích câu chuyện vui nước ngoài do Phan Việt Hùng dịch:

“Tuy không dùng Facebook, nhưng tôi vẫn cố gắng tìm bạn bè ngoài xã hội, hiển nhiên tuân theo các nguyên tắc y như của facebook và hy vọng được cộng đồng theo dõi: Hàng ngày, tôi ra ngoài phố lải nhải giải thích cho những người qua đường là tôi đã ăn gì, cảm thấy thế nào, tôi đã làm gì vào tối hôm qua, tôi hiện đang làm gì, tôi sẽ làm gì vào ngày mai. Tôi dúi cho họ xem các bức ảnh bạn bè tôi, cả ảnh con chuột lang của tôi nữa. Hay tôi cho họ xem bức ảnh mình đang sửa xe đạp, hoặc bức ảnh tôi lúc mới được 2 tuổi. Tôi còn chăm chú lắng nghe các cuộc trò chuyện của người lạ và bình luận: "Tôi thích nó!" Tuyệt vời quá! Tôi đã thành công các quý vị ạ! Đến ngày hôm nay, tôi đã có 5 người theo dõi: 2 cảnh sát, 1 bác sĩ tâm lý, 1 nhà tâm lý học và 1 y tá”.

Bây giờ nghề sản xuất nội dung trở thành nghề toàn dân. Ở đâu cũng có người thao thao bất tuyệt về sản xuất “còn ten”. Một nhà báo nổi tiếng nói nội dung tất nhiên là vua nhưng công nghệ là hoàng hậu. Không có công nghệ thì nội dung cũng bị trói. Điện thoại bỗng trở thành hoa hậu và với ai đó thì là công cụ kiếm cơm hoặc vũ khí.

Chỉ cần một đám tang nghệ sĩ nào đó là các Youtuber, Tiktoker đến rầm rập. Dễ thấy họ dùng những điện thoại có chất lượng cao như I phone 14 Pro Max. Thậm chí còn có đồ nghề giá đỡ 2 điện thoại hoạt động đồng thời. Microphone thì độ nhạy cao, lọc nhiễu môi trường để nội dung rõ nhất. Việc tạo viral lan tỏa, kéo thêm nhiều like trên kênh của mình sẽ dẫn đến tiền thu nhập tăng lên, và tất nhiên, tiền quảng cáo sẽ tìm tới túi chủ kênh.

Từ đó, việc thành kính phân ưu chỉ là thủ tục, việc chính là làm nội dung để đăng ngay lập tức. Theo lý thuyết truyền thông thì một video nếu dăm bảy giây mà chưa có thông tin nào bắt tai, bắt mắt thì khách xem sẽ chuyển sang xem cái khác. Để chiều người xem thì khi đăng cũng phải cắt sửa sao cho gọn nhất có thể, thậm chí cụt lủn. Lại còn thả vào những Icon các loại hỉ nộ ái ố cho hợp xu hướng. Khách xem toàn thứ cụt lủn như vậy, bảo sao năng lực cảm thụ văn học nghệ thuật ngày càng kém và cục cằn. 

Thói quen chĩa điện thoại ghi hình dù cố ý hay vô tình thì cũng xâm phạm vào sự riêng tư của người khác. Về nguyên tắc thì mọi hình ảnh khi sử dụng đều phải được nhân vật trong hình cho phép. Tuy vậy chưa có nhiều vụ kiện về sử dụng hình ảnh tùy tiện bởi thủ tục đúng pháp lý cũng rất phức tạp. Muốn khởi kiện, phải lập vi bằng, chứng minh rất rườm rà. Dù vậy thì những kênh xâm phạm tới các cá nhân cũng đã bị xử lý từ nhẹ đến nặng chứ không có sự thiên vị nào.

Về mặt tích cực, việc ghi hình phát triển đã cung cấp cho người xem vô số hình ảnh trực tiếp có ý nghĩa tích cực. Thời điểm thực hiện nhanh hơn cả các nhà báo chuyên nghiệp. Thí dụ như các điện thoại nghiệp dư đã ghi hình những người anh hùng PCCC, cứu nạn cứu hộ. Những hình ảnh hoặc video còn giúp người xem hình dung rõ hơn về hành vi để kết quả điều tra trở nên đúng hướng hơn.

Hình ảnh tốt hay không tốt phụ thuộc vào cái tâm của người ghi hình. Cầm điện thoại trách nhiệm tất nhiên nặng hơn cầm cái cuốc.

Tả Từ
.
.