Văn minh!

Thứ Ba, 21/12/2021, 12:49

Hà Nội tuần đầu tháng 12 số ca F0 tăng liên tục. Ngõ cuối xóm tôi hôm qua đã chăng dây cắm biển báo có F0, tuy nhiên, không đến nỗi có mấy bác xe ôm tạm tuyển làm bảo vệ chốt rất đỗi hùng hổ đứng chặn như lần trước.

Sau dây, trước dây, không thấy bị nháo nhác âu lo hay căng thẳng hờn oán như đã thấy dạo giữa năm. Có vẻ mọi người đã bớt sợ, sau khi tiêm đủ 2 mũi. Quan trọng là lãnh đạo thành phố cũng bớt hốt hoảng đối phó, nên không khí cuộc sống ngay cạnh F0 cơ bản vẫn bình thường. À, đúng ra phải viết là bình thường mới…

Văn minh! -0

Và vì bình thường, nên bà bán xôi vẫn dũng cảm đứng cạnh dây để đưa vào mấy gói xôi cho người đứng trong dây. Cứ khẩu trang bịt kín, đứng xa xa nhau là được. Công cuộc mưu sinh thời COVID đã đẩy xã hội tiến bộ hẳn trong lĩnh vực 4.0. “Tiền bác cứ chuyển khoản cho em”, nghĩ cũng thấy vui vui, dễ dễ… Cả bà bán xôi xéo đầu ngõ cũng có tài khoản đó đây để nhận tiền, chẳng phải văn minh tiến bộ thì  gì?

Văn minh nữa, là sau mấy tháng nhà có người ốm trong bệnh viện, bỗng đâu nhận được vô số các lời chào mời mua thực phẩm chức năng qua mạng đến trang facebook cá nhân. Chẳng hiểu sao người ta biết nhà mình có người ốm, người già. Chỉ cần mình tìm một sản phẩm nào đó trên mạng, là bỗng dưng được chào mời cả mấy chục thứ tương tự, từ ghế xếp, giường nằm, chậu gội đầu tại giường đến thuốc thang các loại. Nhiều nhất là thuốc thang các loại. Chắc lại cũng do văn minh 4.0. Có đến 9/10 các sản phẩm được chào mời đều là tuyệt tốt. Chỉ cần lòng tin dấy lên 1 phút là tài khoản có thể đi mất dăm mười triệu.

Cứ thế. Hơn hai mươi năm nay tôi đã từng trải qua các kinh nghiệm (nghe và mua) đủ các loại thực phẩm chức năng, từ Herbeline, Amway, Vision đến vô vàn thứ sau này, thế nhưng vẫn luôn không hết bàng hoàng vì những lời giới thiệu tốt đẹp về mỗi sản phẩm. Lòng vẫn nghĩ các sản phẩm ấy đúng là tốt thật, chỉ là hơi kém tốt so với quảng cáo thôi, nên đôi khi vẫn dao động. Bởi những người như tôi vẫn luôn dao động như thế, kiểu không bổ dọc cũng bổ ngang, nên tăng trưởng của thị trường thực phẩm chức năng (TPCN)  vẫn rất mạnh mẽ trên thế giới. Nghe nói ở Việt Nam, thị trường này mạnh đến nỗi những thứ TPCN mà tôi biết, của Mỹ, Canada, Nhật, Hàn, Nga… chỉ chiếm 20% so với các sản phẩm TPCN trong nước. Gần đây, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất TPCN tăng đáng kể.

Một số sản phẩm còn có giá trị cao để xuất khẩu. Nghe thế tất nhiên là mừng rồi. Chỉ có điều, mỗi lần nghe cái câu sau cùng trong mỗi quảng cáo TPCN trên tivi, đang nói năng cực kỳ hùng hồn, bỗng nghệ sĩ này kia đột nhiên hạ giọng lí nhí “sản phẩm này không phải là thuốc, không dùng để thay thế thuốc chữa bệnh”… thì quả thật niềm tin cũng hơi lung lay. Hơi thôi, người Việt dễ tin. Như bà bán xôi xéo đầu ngõ kia, kiểu gì cũng mua thực phẩm chức năng về uống cho mình mát gan, chồng bổ thận, cả hai xương khớp chắc khỏe…

Văn minh! -0

Là bởi nhà có người ốm, nên dễ thấy quà thăm nom, kiểu cân đường hộp sữa ngày xưa, giờ thay bằng TPCN khá nhiều. Điều quý hóa này khiến tôi tin lòng tin vào TPCN của chúng ta thật rất to lớn. Một ngày nào đó, rất có thể TPCN thay thế bữa ăn hàng ngày. Một viên thuốc đầy đủ dưỡng chất thay cho một bát cơm nóng hổi ăn với dưa chua và thịt kho, vì cả ba thứ ấy, cơm, thịt kho, dưa chua đều không có lợi cho sức khỏe.

Một bữa ăn sẽ giản tiện biết mấy, thay vì dọn mâm, so đũa, xới cơm, người nội trợ chỉ việc đặt mấy cốc nước pha diệp lục lên bàn, đặt trước mặt mỗi người một viên thuốc. Thế cũng không ảnh hưởng gì lắm đến không khí bữa ăn, vì cả nhà, già trẻ lớn bé, đều đang bận nhìn vào màn hình smartphone trên tay.

Nghĩ ra cái cảnh ấy, bỗng dưng rùng mình !

Tôi thật ra chẳng phản đối gì TPCN, tôi chỉ lo xã hội trở nên văn minh quá. Tiêu tiền không cần tiền, ăn uống không cần nấu nướng. Bao nhiêu niềm vui ẩm thực rồi dần mất đi, lại phải cân nhắc xem văn minh cần đến mức nào thì đủ.

Văn minh! -0

Tuy nhiên, khi nhìn vào tờ đơn thuốc mà bác sĩ kê cho người nhà, với số lượng TPCN kèm vào các thứ thuốc có bảo hiểm, thì cảm giác về sự văn minh liên quan đến TPCN biến mất. Tôi lại thấy xã hội vẫn man rợ.

Không cần khuyến cáo hay chỉ dẫn, mặc dù Bộ Y tế đã ngăn cấm (mà có vẻ không ngăn cấm được) nhưng bác sĩ vẫn tùy tiện kê thêm TPCN vào đơn thuốc cho bệnh nhân. Nếu coi TPCN là quà thì số kê thêm ấy là quà bác sĩ gửi cho dược sĩ, người bệnh cứ dùng và đừng quên câu lí nhí kèm theo (hoặc in chữ nghiêng rất bé trên sản phẩm): sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh!

Cứ yên tâm là để tiến lên văn minh, chúng ta còn đi xa lắm!

Hà Phạm
.
.