Từ “ngoáy mũi” đến VAR
Thời dịch COVID-19, tiêm 2 mũi là được chấp nhận như chứng chỉ an toàn. Thế nên cái giấy chứng nhận tiêm 2 mũi được gìn giữ như sổ đỏ. Bất cứ khi nào, ở đâu, cứ bị hỏi là trưng giấy ra ngay như trưng “kim bài miễn tử”.
Giấy chứng nhận tiêm 2 mũi quý giá cũng bởi có một số trường hợp sau khi tiêm 2 mũi nhưng app cài trên điện thoại như PC Covid chỉ báo có 1 mũi. Có thể do dữ liệu chia sẻ bị kẹt đâu đó.
Vậy thì lấy gì để xác định độ an toàn? Một số nơi lập trạm mời khách đi qua địa phận tỉnh nhà phải dừng lại test nhanh tại chỗ. Thường thì tài xế sẽ thay mặt cả xe xuống cho y tế “ngoáy mũi” (test nhanh).
Thỉnh thoảng đi một chuyến thì chuyện được “ngoáy mũi” cũng quen, nhưng nếu có việc phải đi liên tục như xe tải đường dài, xuyên Việt mà ngày nào cũng phải “ngoáy mũi” cũng chịu không nổi. Đã có những tài xế bỏ việc chỉ vì lỗ mũi “quá tải”.
Nhiều nghề khác cũng không thoát khỏi thủ tục ngoáy mũi này. Những cán bộ, nhân viên đến dự cuộc họp nào cũng phải test nhanh. Một ca sĩ than thở đi diễn ở đâu phải ngoáy mũi ở đó. Ngoáy xong thì nước mũi rịn ra gây ngạt, khó mà cất cao tiếng hát được.
Thôi thì dịch bệnh phải thông cảm. Ai cũng phải vì cái chung. Lại có những người cái chung không to bằng cái riêng. Càng có dịch, họ càng giàu.
Có công ty, năm trước được ca ngợi tung trời khi tự sản xuất được bộ kit test và cung cấp rộng khắp thì năm nay, chủ của công ty đã bị bắt vì thông đồng với lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh thành phố thổi giá gấp nhiều lần. Riêng lãnh đạo CDC của một tỉnh đã nhận “lại quả” 30 tỷ. Lại thêm một “cầu thủ” gia nhập “CLB Juventut”. Trang phục truyền thống của CLB bóng đá nổi tiếng của Ý có các sọc đen trắng giống y quần áo phạm nhân ở xứ ta.
Nhân tiện nói chuyện đá bóng. Đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên được thi đấu với sự giám sát của công nghệ VAR ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trong 6 trận, đội ta liên tục nhận 7 quả phạt đền. Lý do nhận phạt rất lãng xẹt: Tất cả do thói quen tiểu xảo bóng đá vùng trũng qua mắt trọng tài. Nhưng với công nghệ VAR thì mọi tiểu xảo đều được tua lại, chiếu chậm, phân tích rõ như ban ngày.
Gần đây VAR được áp dụng cho các các giải bóng đá thế giới thì đã giành được sự tin cậy cao. Đội tuyển của chúng ta trải nghiệm VAR như qua một sự lột xác. Khi trở về “ao làng” SUZUKI cup 2020, đội ta đá đẹp, không còn tiểu xảo vùng trũng.
Thực ra Việt Nam đã có VAR từ trước. Đó là VAR trong tổ chức cán bộ. Vì vậy, nhiều cán bộ đã không thể “hạ cánh an toàn”. Bởi vì những chiến dịch chống tham nhũng luôn nhấn mạnh "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Trong 5 năm qua, có 2.550 cán bộ đảng viên đã bị kỷ luật về cố ý làm trái.
Ngày xưa bảo làm gì không ai biết, vẫn có trời biết, đất biết, mình biết. Bây giờ không mơ hồ nữa, bởi vì VAR biết.