Trực là thẳng

Chủ Nhật, 10/10/2021, 22:35

“Bình thường mới” là một định nghĩa tưởng đơn giản mà cũng tranh cãi. Khá nhiều người cho rằng phải sống chung với COVID-19 và đòi mở toang các hoạt động tương tác. Xin được hỏi rằng virus có muốn sống chung với mình không?

Sống chung có nghĩa là phải kiểm soát được virus bằng các biện pháp cách ly và vaccine. Nói đơn giản, sống chung với hổ là phải thuần hóa hoặc cho hổ uống thuốc lú. Chứ vào rừng bảo hổ ơi chúng mình là bạn nhé thì chắc chưa kịp nói hết câu.

Việc mở cửa trường học cũng tranh cãi. Có người bảo học trực tuyến không hiệu quả nên muốn ủng hộ lùi ngày tựu trường tới khi hết dịch. Người khác cho rằng vẫn đảm bảo học trực tuyến. Cũng may chúng ta đã hòa mạng cùng năm châu nên khoảng cách không còn là vấn đề. Trong lúc khó khăn vẫn có các phòng họp ảo như Zoom, Google meet, Google Classroom, Microsoft Teams… và hàng chục nền tảng khác.

Tuy vậy hiện tượng lớp học trực tuyến cứ vài chục phút lại phải dừng do nền tảng miễn phí chỉ cho như vậy. Các học sinh lại phải đăng nhập lại thì lớp học mới tiếp tục được. Ở những trường quan tâm hơn thì có kinh phí mua bản quyền. Phần đông vẫn phải dùng kiểu du kích. Một số nền tảng vẫn bị đánh giá chưa hài lòng về việc đăng nhập chưa thuận tiện trên điện thoại, máy tính… Lẽ ra cần phải phát triển nền tảng miễn phí của Việt Nam dành cho toàn bộ các trường toàn quốc nhưng chưa thấy sản phẩm này. Học sinh vùng khó khăn rất mong có một cơ chế trang bị hoặc cho mượn máy tính để học tập. Ở thành phố, số lượng máy tính, điện thoại chưa chắc đủ; còn những vùng sâu vùng xa thì rất thiếu máy tính, điện thoại cho con em.

Các bé tiểu học hay bị mất tập trung, vừa học vừa nghịch, vừa ăn uống. Các giáo viên cũng phiền lòng khi hay thấy bố học sinh hay lườm vào màn hình để ngắm cô giáo. Trước khi có dịch COVID-19 thì một số quốc gia đã thí điểm cho nhân viên làm việc trực tuyến và kết quả không tồi. Cách làm này giảm đáng kể chi phí điện nước, dịch vụ thuê mướn văn phòng, lao công bảo vệ... Việc giãn cách cho chúng ta trạng thái bình thường mới với giao tiếp trực tuyến. Các cuộc họp trực tuyến buộc người dự phải trao đổi ngắn gọn, trình bày mạch lạc hơn. Nghĩa là quay trở về với thói quen thông tin đơn giản, bỏ qua cách nói nhìn giấy tràng giang đại hải. Đó là chưa nói các cuộc họp này tiết kiệm không biết bao nhiêu tiền của khi tập trung trực tiếp và nó kết nối tức thì mọi điểm cầu toàn quốc, giảm khoảng cách giữa cán bộ và dân.

Bản tin VTV1 về đưa hình ảnh lãnh đạo cơ sở lúng túng bị động khi Thủ tướng Chính phủ  kiểm tra trong cuộc họp trực tuyến. Thủ tướng nhắc phải cụ thể con số lượng F0 trong cộng đồng, ở đâu? Cứ lơ mơ... sao mà chỉ huy được. Thủ tướng nhắc ai đó nói vọng trong phòng ra? Nắm được thì ra báo cáo, sao phải nhắc như thế?

Người đứng đầu Chính phủ nhắc “Phường phải làm gì? Người dân phải làm gì? Không biết thì cứ nói là không biết… mang sách ra mà đọc thì còn nói chuyện gì. Anh đừng nhìn vào sách đọc tôi xem nào?”.

Nhìn cảnh cán bộ cơ sở bị động trả lời có chút liên tưởng đến giờ kiểm tra vấn đáp 15 phút đầu tiết học của giáo viên. Riêng kiểm tra “miệng” thì không thể học vẹt được mà phải thực sự hiểu bài.

Trong một cuộc họp khác với đội ngũ khoa học, Thủ tướng dặn cách làm “Khoa học là làm sao cho giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá”. Chỉ một vài câu nhắc nhở của Thủ tướng cho thấy cách làm sâu sát và hiệu quả.

Tư duy khoa học luôn có điểm chung. Nhìn ra nước ngoài, các cuộc họp trực tiếp của người giàu nhất thế giới, tỷ phú Jeff Bezos không cho phép dùng máy trình chiếu Powerpoint với những con số, biểu đồ xanh đỏ như thôi miên. Trước cuộc họp 30 phút, tất cả nhân sự cao cấp được đọc 6 trang tài liệu. Khi bắt đầu họp, họ phải dùng lời lẽ diễn đạt quan điểm của mình nhanh và đơn giản nhất.

Ông Bezos có một quy tắc họp nổi tiếng là 2 cái bánh pizza. Nghĩa là số người họp không quá nhiều sao cho chia nhau ăn vừa 2 cái pizza thì họp mới ra được vấn đề. Cuộc họp của Apple cũng ít người. Trước cuộc họp, ông chủ Apple là Steve Jobs nhìn một vòng nếu thấy có nhân sự nào đi họp thay sếp thì lập tức mời khỏi phòng. Cuối cuộc họp, Jobs lại nhìn một vòng xem ai không phát biểu thì yêu cầu lần sau khỏi phải đến họp.

Họp trực tiếp đôi khi có những nhân sự quá đà lạm thời gian của các nhân sự khác nhưng họp trực tuyến thì không thể. Khi tham gia nền tảng trực tuyến, mọi nhân sự đều bình đẳng. Người điều khiển có thể bật - tắt quyền được trình bày của bất kỳ ai. Trực tuyến thực ra không hề ảo. Trực là thẳng, không vòng vèo. Trực tuyến cũng rèn cho mỗi người biết tư duy “cô 3 bát lấy 1 bát”.

Với những hiệu ứng hữu ích của trực tuyến như vậy, bạn đã sẵn sàng cho “bình thường mới” chưa?

Lê Tâm
.
.