Tôn vinh giá trị ảo: Khó thế mà cũng làm được

Thứ Ba, 27/08/2024, 13:40

Một nhân vật được tôn vinh chỉ khi nào người ấy tâm đức, tài năng thực sự giải quyết được vấn đề của bản thân và tác động đến cộng đồng, làm cho con người sống tốt hơn, thúc đẩy xã hội tiến bộ, văn minh hơn.

1. Mấy tháng qua, dư luận xã hội ồn ào xung quanh một số nhân vật: Người được khen ngất trời. Kẻ bị chê vùi dập. Người được tôn vinh trân trọng, xứng đáng. Kẻ được một nhóm người tôn vinh thì lại là trò hề bị số đông còn lại hạ bệ, phỉ báng. Cái thật cái giả nhất thời lẫn lộn, nhưng trước sau thì cái giả rồi cũng lộ nguyên hình. Nhưng, không chờ đến thời gian phán xử, chẳng đợi đến "cái kim trong giẻ mãi cũng lòi ra", mà ngay bây giờ đã thấy những giá trị thật được tôn vinh và giá trị ảo cũng lộ ra, bị hạ bệ.

Ông Thích Minh Tuệ đã lặng lẽ bộ hành khất thực và rất thuận tiện trên những nẻo đường nhiều năm, nhưng đến chuyến bộ hành giữa năm 2024 dọc dài đất nước thì bùng nổ thông tin và thu hút sự quan tâm của dư luận. Chưa bao giờ ông nhận mình là tu sĩ và '"cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó", ông nói mình còn đang tập học lời Phật dạy... Đầu trần, chân đất bộ hành trên các nẻo đường đất nước, ông trở thành hiện tượng mạng xã hội.

Gần như cùng thời điểm "hiện tượng Thích Minh Tuệ" và kéo dài đến tận bây giờ là sự kiện ồn ào Thích Chân Quang, tên khai sinh là Vương Tấn Việt.

Tôn vinh giá trị ảo: Khó thế mà cũng làm được -0
Ông Vương Tấn Việt tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: HLU

Tháng 6/2024, sau khi thẩm tra báo cáo của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về các nội dung thuyết giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang, đánh giá nội dung các video thuyết giảng của Thượng tọa và ý kiến các đại biểu dự họp, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự khẳng định một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của Thượng tọa Thích Chân Quang không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự quyết định kỷ luật Thượng tọa Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm. Thiền tôn Phật Quang và Thượng tọa Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả các phái quy y Tam Bảo có nội dung tự sửa một trong 5 giới không đúng với giới luật ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo; gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội.

Thượng tọa Thích Chân Quang và Ban Quản lý Thiền tôn Phật Quang phải chấn chỉnh sinh hoạt của các đạo tràng, chúng thanh niên Phật Quang tại các tỉnh, thành phố. Không đưa các bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang lên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian Thượng tọa Thích Chân Quang nhập thất sám hối tại Thiền tôn Phật Quang...

Chuyện chưa yên thì dư luận lại xôn xao việc ông Vương Tấn Việt chỉ 2 năm bảo vệ luận án tiến sĩ Trường Đại học Luật Hà Nội trong khi quy định thời gian phải từ 3-4 năm, với điểm số cao gần như tuyệt đối. Một người chỉ tốt nghiệp cấp 3 bổ túc (hệ tại chức), là cử nhân tiếng Anh hệ đào tạo từ xa, cử nhân luật hệ vừa học vừa làm, chỉ 2 năm học bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ thì đúng là nghị lực phi thường, sức học vô bờ, xứng đáng được công nhận, được tôn vinh, được học tập chứ?

Vẫn chưa hết ầm ĩ, lại sinh ra nghi ngờ. Gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã xác nhận Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi điểm kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 và cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 tại thành phố.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác. Cụ thể, xác minh đó có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không; nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.

2. Thực ra, trong xã hội không ít người mưu lợi từ bằng cấp giả và hưởng lợi từ học hành giả, bằng cấp giả mà chẳng ai biết. Có lẽ, họ "biết thân biết phận", biết lặng lẽ, khôn ranh giấu biến cái giả ấy đi. Chỉ trời biết, đất biết, bản thân biết, còn mọi người không biết hoặc có biết mà không vướng mắc tranh giành quyền lực, quyền lợi thì cũng trôi vào im lặng.

Nhưng, ông Vương Tấn Việt từ lúc chưa có kết luận của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh "không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa..." thì đã bị dư luận soi. Soi kĩ càng, cụ thể, chi tiết từ các kiểu phát ngôn, từ các loại bằng, từ nghiên cứu sinh đỗ tiến sĩ thần tốc, rồi bức xúc bày tỏ thái độ. Nhưng, có lẽ những lời nhận xét có cánh trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, đặc biệt những lời véo von của những người có học hàm, học vị tôn vinh ông Vương Tấn Việt trong buổi lễ tri ân là giọt nước tràn li chứa đựng những bức xúc gay gắt của dư luận.

Ông Vương Tấn Việt có thực sự đáng được khen ngợi không tiếc lời, có đáng được tôn vinh lên tận chín tầng mây không, chỉ các giáo sư, tiến sĩ dạy ông, chấm thi, chấm điểm luận án của ông và cả vị giáo sư "like dạo", "ngợi ca dạo" ông biết rõ nhất. Chỉ các vị ấy biết việc khó thế mà mình cũng làm được!

Tôn vinh giá trị ảo: Khó thế mà cũng làm được -0
Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh xác định ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi cũng như danh sách cấp bằng.

Nhà triết học Khai sáng thế kỷ 18 Jean-Jacques Rousseau nói rằng: "Sự giả dối có vô vàn biến thể, nhưng sự thật chỉ có một thể tồn tại duy nhất". Cái thật tự thân bộc lộ giá trị, nhưng lại không muốn, không biết tự quảng cáo, tự PR. Cái giả không có giá trị gì để tự thân bộc lộ nên mới cần đánh bóng tên tuổi, mà mạ vàng, đánh bóng hay sơn phết lên gỗ xấu mọt thì chỉ là một vài cách trong vô vàn cách tự tôn vinh giá trị không có thật. Chính vì thế, sự giả dối bao giờ cũng ranh mãnh, tinh quái, lắm mưu ma nhiều chước quỷ. Người ngợi ca, tôn vinh cũng cần phải sáng suốt, điềm tĩnh ngợi khen có chừng mực, đừng nên khen xã giao, đừng phung phí lời vàng ý ngọc tôn vinh cái không có thật, vô tình hại người mà không biết.

Chưa biết bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt giả thật thế nào, nhưng các cơ quan có liên quan đang phải giải quyết hậu quả trong mớ tơ vò dư luận và thật giả rối mù. Chưa có kết luận cuối cùng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuyện học và bảo vệ tiến sĩ 2 năm của ông nhưng đã thấy bao nhiêu phức tạp, tốn công sức, mất thời gian vì "Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành thành lập hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Song, quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện".

Nếu cái giả hóa thân thành cái thật vượt vũ môn được một lần sẽ lần lượt đi qua các cửa rộng hơn, cao hơn và cái giả gọi cái giả hoành hành thì ảnh hưởng, tác động vô cùng xấu đến cộng đồng, xã hội không kể xiết, chứ không chỉ mất thời gian, công sức, tiền bạc đâu.

Cần phải ngăn chặn cái giả sớm, khi nó mới manh nha trỗi dậy. Nhà phê bình và triết gia Henri Frederic Amiel người Thụy Sĩ nói rằng: "Sự thật không chỉ bị dối trá xâm hại, nó còn bị xúc phạm bởi sự câm lặng". Còn hơn cả xúc phạm, dối trá xâm hại được sự thật thì sự thật chết chìm. Im lặng thì sự thật cũng trôi vào quên lãng, khi ấy sự thật xấu xa, dối trá đớn hèn vẫn cứ nảy nở, được vinh danh trên mảnh đất màu mỡ lặng im và sự thật tốt đẹp có thể bị oan ức, bị nhốt trong bóng tối mà không được bước ra ánh sáng, không được tôn vinh.

Muốn không "mạnh mồm" tôn vinh cái giả thì trước hết phải có tri thức nhận biết được đâu là giá trị thật, đâu là giá trị giả. Sau đó, phải có bản lĩnh, có can đảm, có kỹ năng biết cách tôn vinh giả trị thật và hạ bệ giá trị giả. Doanh nhân Henry Ford và doanh nghiệp của ông kiếm được rất nhiều tiền là việc của ông và cộng sự. Nhân loại không tôn vinh ông tỉ phú đô la giàu có, mà tôn vinh một doanh nhân thế giới Henry Ford - người khổng lồ đã "đặt cả thế giới lên bốn bánh xe hơi".

Đó mới thực sự là biết cách tôn vinh. Những giá trị ảo có đáng được khen ngợi, tôn vinh vô lối, ầm ĩ?

Nguyễn Yên Mô
.
.