TikTok: Món bánh mỳ dễ kiếm

Thứ Năm, 14/03/2024, 09:55

Kiếm tiền trên TikTok đã trở thành một công việc thời thượng. Người người livestream, nhà nhà livestream. Và, kết cục, dần dà, nền tảng ấy đang biến thành một “dòng sông rác”...

1. 37,5 triệu đồng là mức phạt dành cho Nam Em sau những nội dung livestream gây bão dư luận suốt những ngày sau Tết. Kể từ khi có chế tài đối với những vi phạm trên mạng xã hội, nhiều người đã quen với cụm từ “bảy triệu rưởi” và khi mức phạt của Nam Em được ban hành, ắt hẳn sẽ có những người nghĩ rằng hành vi của cô kéo theo các hệ lụy như thế nào thì mới có án phạt nặng hơn hẳn lệ thường. Tuy nhiên, với Nam Em nói riêng và nhiều chủ tài khoản TikTok ăn khách nói chung, có lẽ 37,5 triệu cũng chẳng phải ghê gớm gì. Đơn giản, họ có thể kiếm được nhiều hơn như thế hàng chục lần mỗi tháng nhờ vào các nội dung livestream trên TikTok.

TikTok: Món bánh mỳ dễ kiếm -0
Nam Em (áo trắng, bên phải) cùng quản lý làm việc với cơ quan chức năng, chiều 1/3.

Những ai biết Nam Em trong giới showbiz thực tế không ác cảm với cô mấy. Phần lớn đều cho rằng Nam Em có chút vấn đề về nhận thức hay nói nôm na là “hơi tưng tửng”. Tuy nhiên, qua loạt livestream bị cảnh cáo vừa rồi, có vẻ như Nam Em rất khôn.

Chuyện cô lôi vụ áp phe tình ái ngày nào giữa mình với một nam diễn viên thật ra cũng chỉ là phản ứng rất bình thường của một phụ nữ bước qua một chuyện tình cảm không thành với nhiều oán hận người cũ. Song, nếu nó là lần đầu tiên Nam Em đăng đàn kể lại ký ức ấy thì có thể dễ cảm thông. Đằng này, cô từng làm nó ồn ào cách đây nhiều năm và giờ đây, cô chỉ xới lại. Mục đích dễ được nhận ra. Rất có thể, Nam Em muốn lượng tương tác tăng vọt, số người theo dõi tăng vọt để phục vụ việc kiếm tiền từ “hiến tặng” (donate) của những người theo dõi mình trên nền tảng TikTok.

Thực tế, khi nam diễn viên kia có quan hệ với Nam Em, cả hai đều trong tình trạng độc thân. Bản thân nam diễn viên ấy cũng chưa có cam kết nào với cô về tương lai gắn bó cả. Nó có thể xem như một cuộc chơi tuổi trẻ phóng túng. Và, trong một cuộc chơi như thế, luôn có hai người chơi. Là phụ nữ, lôi cái việc mình bị “đá”, bị “lừa tình” ra công khai mong nhận ủng hộ là việc dại dột. Ủng hộ đến từ thương hại thực sự khó bền. Vì thế, sau một thời gian chuyện lắng lại, cái tên Nam Em cũng chìm dần trong showbiz. Nhưng, khi mà nền tảng TikTok bắt đầu mở hàng cuộc đua kiếm tiền từ livestream, Nam Em chớp lấy thời cơ. Cô nổi danh trở lại, theo một cách khác. Kéo theo cô là cả bạn trai của cô, người bỗng dưng lừng danh vì tai tiếng. Song, họ có sợ cái tai tiếng ấy không lại là nhẽ khác. Họ không sợ, mà có khi còn thích thú. Thời đại mạng xã hội đã tạo ra một thứ khoái cảm kỳ dị thực sự, khoái cảm khi gặp tai tiếng um sùm.

Việc livestream trên TikTok mấy năm qua chủ yếu để phục vụ bán hàng là chính và khá nhiều người đã kiếm được bộn tiền nhờ chăm chỉ bán hàng trên các cửa hàng TikTok của cá nhân mình. Cùng với sự phát triển của các xu hướng xã hội ảo, TikTok đã tung ra vũ khí lợi hại kế tiếp: người livestream có thể nhận được “hiến tặng” từ khán giả của mình. Những vật phẩm “hiến tặng” tưởng như mang tính tinh thần như hoa hồng, kem ốc quế, tim, cỏ bốn lá... cuối cùng có thể được quy đổi thành tiền. Gom nhặt những hiến tặng từ khán giả, chủ tài khoản có thể quy đổi các vật phẩm như vậy sang “kim cương”. 1 kim cương như vậy quy đổi ra khoảng 0,05 USD.

Khi chủ tài khoản có giá trị số dư tối thiểu 100 USD/tuần, họ có thể rút tiền về ví điện tử của mình. Và, các món quà tặng ảo kia cũng không rẻ chút nào. Điển hình như “sư tử” chẳng hạn. Nó có giá 29.999 “xu ảo”, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Các món quà tặng ảo rải đều giá trị từ 1 “xu ảo” cho tới vài chục ngàn “xu ảo”. Ngoài ra, khán giả cũng có thể “hiến tặng” trực tiếp bằng các đồng “xu ảo”. TikTok sẽ ăn chia với chủ tài khoản theo tỷ lệ 80-20 (chủ tài khoản - TikTok). Điều kiện duy nhất để kích hoạt chế độ kiếm “hiến tặng” chỉ là tài khoản phải có 1.000 người theo dõi trở lên.

TikTok: Món bánh mỳ dễ kiếm -0
TikToker Nam Em.

Ở trường hợp của Nam Em, kênh TikTok của cô có gần 1 triệu người theo dõi. Chỉ cần 20% số người theo dõi ấy gửi tặng cô mỗi người 1 “xu ảo” ở mỗi phiên livestream, Nam Em đã có thể thu về 200.000 xu ảo. Mỗi tháng, 30 cuộc livestream của Nam Em (thực tế có thể nhiều hơn thế) có thể mang lại cho cô 6 triệu “xu ảo”. Giá 1 “xu ảo” dao động từ 200-300 VND. Nếu tính ở mức 200 VND, 6 triệu “xu ảo” là 1,2 tỷ và nếu nhân với tỷ lệ 80%, chúng ta sẽ hiểu tại sao Nam Em chăm livestream đến thế và sẵn sàng tạo ra địa chấn, sẵn sàng đóng phạt 37,5 triệu đồng. Hơn nữa, cho dù Nam Em có xóa các video đã đăng tải được cho là vi phạm đi nữa thì số xu cô nhận được đã nằm im trong ví rồi. Hóa ra, đó là một vụ kinh doanh quá hời.

Phải thừa nhận, những người tạo ra nội dung livestream kiếm “hiến tặng” kiểu như Nam Em rất giỏi. Họ giỏi vì tạo ra được những nội dung không ai tạo được và có tạo được thì cũng không dám bán danh dự của mình dễ dàng thế. Nam Em càng sẵn sàng làm livestream hơn, thậm chí vừa ăn, vừa livestream cũng chả hề hấn gì cũng vì lẽ ngoài việc đó ra, cô không có nhiều việc khác để làm ra tiền. Cô là người biết hát, thậm chí hát khá khá, nhưng thực tế, bài hit của riêng cô vẫn chưa có. Và, giữa một thị trường ca nhạc ngày càng nhiều nhân tài như hiện nay, chuyện kiếm show diễn để có thể sống sung túc và có tiền tái đầu tư nuôi nghề là không dễ chút nào.

Nữ ca sĩ hát hay, trẻ đẹp kiểu như Nam Em không thiếu và họ vẫn còn vất vả nhiều lắm. Thế nên, với riêng Nam Em, nghề hát cũng không dễ dàng gì. Vậy thì hay nhất là nghề livestream vì nó có thể ra tiền nhanh nhất, đơn giản nhất khi mà cô đã có một nền tảng người theo dõi khá đông. Bởi vậy, chính cô từng nói trên livestream, đại ý, nếu bạn trai của cô kiếm ra tiền, cô sẵn sàng ở nhà vẽ tranh và thêu thùa, không lên mạng xã hội nữa. Chỉ cần câu nói ấy thôi, chúng ta cũng hiểu ra mục đích của cô khi đăng đàn là gì rồi.

2. Thực tế, việc livestream nói chuyện trên mạng xã hội không phải là điều xấu. Thậm chí, nó còn là việc tốt nếu như nội dung lành mạnh. Nhưng, khốn nỗi, để có thể ngày nào cũng kể được một câu chuyện hay, lành mạnh lại không dễ dàng chút nào, nhất là với những ai thiếu kiến thức sâu rộng, thiếu sự từng trải, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu khả năng hoạt ngôn. Và, mỉa mai hơn cả là những nội dung lành mạnh lại thường không được số đông ủng hộ, không nhận được “hiến tặng” nhiều. Cộng đồng xô bồ thích những thứ giật gân, câu khách. Bởi thế, họ sẵn sàng bỏ hàng giờ ra xem hai ông “giang hồ mõm” chửi nhau trên mạng chứ không chấp nhận bỏ 30 phút nghe một luật sư nói về pháp luật thường thức.

Và, khi những TikToker ấy thấy họ có thể kiếm ăn dễ dàng trên nền tảng mạng xã hội, họ cũng nhận diện được luôn xu hướng quan tâm theo dõi là gì. Từ đó, một “dòng sông rác” đã hình thành trên TikTok và hằng giờ, hằng phút, chúng đổ xô vào những đứa trẻ mới chỉ hơn chục tuổi. Càng trẻ, càng dễ phóng tay “hiến tặng”. Cái vòng xoáy ấy thực sự đã hiện hữu quá mạnh mẽ trên internet bấy lâu nay.

Một tiểu thuyết của nhà văn Alexander Romanovich Belyaev có tên “Bột mì vĩnh cửu”. Ước mơ thứ bột mì có thể tự nở ra mỗi ngày để giúp nhân loại thoát khỏi nạn đói đã khiến một nhà khoa học tạo ra dòng thác bột mì tàn phá cả một ngôi làng. Những người dân đầu tiên hoan hỉ vì có được bột mì vĩnh cửu cuối cùng đã quay lưng lại, đòi xé xác nhà khoa học khi họ thấy tác hại của dòng thác bột mì. Và, đó mới chỉ là bột mì, thứ có lợi chứ không phải rác.

Còn ở thời đại mạng xã hội này, rác nội dung đang thành một dòng sông cuồn cuộn đúng nghĩa. Nó tồn tại mạnh mẽ cũng bởi người ta ham thứ bánh mì dễ kiếm, nhất là khi người ta không giỏi một chuyên môn gì. Câu hỏi chỉ là khi nào những người thụ hưởng các nội dung ấy sẽ nổi giận? Đừng nghĩ là ngày ấy không tới. Nên nhớ, cùng thì tất biến. Khi đã đạt đến đỉnh điểm rồi, tất nhiên sẽ phải có thoái trào.

Văn Đoàn
.
.