Tí tách thông tấn xã vỉa hè

Thứ Bảy, 21/05/2022, 10:56

Cuối tuần, không phải lên cơ quan làm việc, không phải đưa trẻ con đi học, rảnh việc nhưng chẳng biết đi đâu mà chân thì lại muốn đi. Cuối cùng, cứ đúng như cái thói quen cũ lặp đi lặp lại mỗi ngày, xách xe chạy rông đúng tuyến đường quen từ nhà lên cơ quan, chỉ để tấp vào lề đường, chỗ quán cafe quen, ngồi đúng cái ghế cũ, nhìn khung cảnh cũ, gật đầu chào người chủ quán ngồi kế bên bằng cái gật đầu cũng rất cũ. Ngẫm lại, thấy mình đúng là khùng. Ai đời một thứ bảy đẹp như thế này mà lại lặn lội đến hơn chục cây số để đi uống cafe trong khi gần nhà đầy rẫy quán vừa ngon, vừa đẹp.

Liếc sang bàn bên cạnh, thấy đôi trẻ tí ta tí tách, thế là thong dong vào quầy hỏi mua thêm gói hạt hướng dương. Mười lăm ngàn. Gói hạt hướng dương cỡ hơn bàn tay giá vẫn không thay đổi so với hồi trước căng thẳng quân sự Nga - Ukraine. Lạ thật. Cuộc chiến ấy khiến toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu hụt dầu hướng dương khi mà 2 quốc gia tham chiến chiếm tới 75% tỷ lệ sản lượng dầu hướng dương trên thế giới. Vậy mà hạt hướng dương vẫn không có biến động giá nào ư? Hay là đã có mà nó chưa kịp mò tới cái quán nhỏ ở quận 3 này?

279601096_7373338656040883_8048760242237892703_n.jpg -0

Cái thú cafe cắn hạt tán dóc này không biết bắt đầu từ đâu nhưng ở thời nào giới trẻ cũng sa vào trò gặm nhấm ấy. Những quán cafe lề đường quy tụ nhiều người trẻ luôn có chỉ dấu rất riêng bằng những bãi vỏ hạt hướng dương, hạt dưa xếp lớp. Cái thứ hạt bùi bùi ấy quả thực dễ khiến người ta ghiền nhưng trong hữu hạn hiểu biết của mình qua những nơi tôi từng đi qua, tôi chưa thấy ở quốc gia nào (tất nhiên là tôi đi chưa đủ nhiều để được xem là lịch duyệt tới mức có thể đưa ra một quả quyết) mà cafe lại đi với việc tí tách ấy cả. Nhưng ở Việt Nam thì nó thành thói quen tập thể thực sự. Xưa các cụ nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì nay có lẽ nên là “cắn hạt bàn bạc sự đời” sẽ đúng hơn.

Rồi trong tiếng tí tách bên kia và cả ở bên đây (tôi cũng một mình tí tách), có tiếng kéo ghế của hai vị khách mới. Họ bắt đầu rỉ rả câu chuyện riêng, không quá ồn ào nhưng vẫn đủ để nhiều bàn xung quanh nghe được. Chuyện của họ khiến tôi trở thành người nghe lén bất đắc dĩ. Cảm giác khó chịu bắt đầu hình thành nhưng liếc quanh một vòng không còn thấy bàn nào trống để dời đi, tôi đành ngồi lại và chấp nhận nghe những gì họ nói với nhau lọt vào tai mình. Và từ câu chuyện, tôi nhìn họ. Đó là hai người trẻ, một Nam một Bắc. Họ ăn vận lịch sự, thời thượng, đắt tiền. Chỉ cần nhìn cái thắt lưng Hermes và đôi giày “Louis Vui Tươi” là đủ hiểu họ là dân có tiền. Đó là còn chưa kể cái xe hơi cáu cạnh của họ đậu gần đó. Và qua chuyện họ nói, tôi biết họ là dân làm ăn, hay nói sang hơn là “doanh nhân trẻ thành đạt”.

Họ bắt đầu trên trời dưới bể về những thông tin thuộc diện “bí mật”. Ai sắp bị bắt, vì sao bị bắt, sai phạm những gì, họ nói vanh vách cứ như họ là người nắm hồ sơ ấy trong tay. Tôi khẽ cười khi nghĩ tới mấy tiếng “Thông tấn xã vỉa hè”. Cái thời chưa có mạng xã hội, các quán vỉa hè là nơi người ta đưa chuyện, bàn chuyện trên trời dưới bể nhiều nhất. Giờ có facebook, zalo, telegram… các kiểu rồi, buôn chuyện được “nâng tầm số hoá” lên thành các nhóm riêng có, công cộng có. Nó đã trở thành kiểu “Thông tấn xã cõi mạng” thì đúng hơn và tôi cứ tưởng cái “thông tấn xã cõi mạng” ấy sẽ khiến “thông tấn xã vỉa hè” mất đi. Không, nó không hề mất đi. Chừng nào con người còn ưa lắm chuyện, những Thông tấn xã vỉa hè sẽ mãi vẫn còn.

foody-mobile-18341962_64438511241-307-636336558698991126.jpg -0

Rồi tôi giật mình khi họ bàn đến chuyện làm ăn chung, một dự án gì đó liên quan đến nước uống đóng chai. Cậu người Bắc nói đại ý “em có miếng đất ở tỉnh đó, góp vào làm cái nhà máy. Dây chuyền thì có sẵn rồi, đứa em từ ngoài kia nó sẽ chuyển vào và lắp đặt, vận hành luôn trong này. Mình chỉ cần tỉnh hỗ trợ để phân phối định kỳ cho các cơ quan của tỉnh, hệ thống bệnh viện, trường học... là ổn. Còn mảng bán lẻ thì tính sau, được đến đâu hay đến đó”. Cậu người Nam trầm ngâm hỏi “Còn giấy phép từ sở Y. thì sao?”. Cậu người Bắc dõng dạc “Giấy phép ấy thì phút mốt. Gọi điện phát giám đốc sở mang tới tận cửa”.

Tôi không biết đó là sự thật hay là chém gió giải quyết khâu oai. Nhưng nó làm tôi nghĩ rất nhiều. Thủ tục hành chính giờ cũng giản tiện đi rất nhiều rồi, việc cấp phép thì cứ đúng thủ tục mà làm thôi. Đâu có phải muốn lấy được giấy phép dứt khoát phải bôi trơn. Bôi trơn chỉ được áp dụng khi người ta làm sai, hoặc người ta cần làm gấp. Vậy thì cái việc “Gọi cuộc điện thoại giám đốc sở mang tới tận cửa” nó là hệ quả của cái gì? Phải chăng cậu trai này có quan hệ cỡ bự tới mức có thể áp lực để một vị giám đốc một sở của một tỉnh phải “hầu” mình tới mức đó? Hay là họ cùng trong đường dây làm ăn? Hoặc giả họ đã từng làm ăn với nhau nhiều lần, với những bôi trơn được thực hiện đều đặn nhịp nhàng nên vị Giám đốc sở kia đã ở vào cái thế “há miệng mắc quai” và không thể thoát khỏi những dây nhợ lằng nhằng của những việc kinh doanh khuất tất lằng nhằng?

Câu trả lời chắc chắn là không có vì thứ nhất cái điều cậu ấy chém gió chưa chắc đã là sự thật và thứ hai là nếu có thật thì tôi cũng không nằm trong bối cảnh của nó như một nhân vật tường tận để mà lý giải. Nhưng nó đủ để tôi suy ngẫm về cái sự “mua” và “bị mua”. Tôi còn nhớ, cách đây vài năm, tôi viết một bài phê bình một tác phẩm, chỉ ra rõ những thứ chưa hợp lý ở tác phẩm ấy đồng thời cũng dành những lời khen cho những điểm mà tác phẩm ấy có được. Vậy mà đã có một người em đồng nghiệp, vốn là người tổ chức truyền thông cho đợt ra mắt tác phẩm kia, vào nhắn riêng rằng, “Thấy anh chê, có ai thuê anh đánh tác phẩm này à?”. Tôi ngạo nghễ trả lời rằng “Đến bố tao còn chẳng thuê được tao thì đừng nói có ai thuê tao”. Và tôi rất bực về cách nhìn của cậu đồng nghiệp ấy. Nhưng suy cho cùng, cậu ấy nói được cái điều mà tôi vẫn tâm niệm lâu nay. Đó là cao ngạo một chút có thể sẽ khiến mình nghèo nhưng chắc chắn không ai dám khinh khi mình cả. Còn nếu đã hạ mình để người ta “mua” được mình một lần thì kể từ sau vụ mua bán ấy, chính kẻ mua mình sẽ coi thường mình vô cùng. Và một khi họ đã mua được mình một lần, họ chắc chắn sẽ mua được mình thêm ít nhất là một vài lần nữa.

Cái vị giám đốc sở trong câu chuyện kia chỉ là một ví dụ để phóng chiếu ra rất nhiều quan chức quản lý nhà nước hiện nay thôi. Giữ sự thanh liêm thì chắc chắn không thể kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng. Nhưng khi giữ sự thanh liêm thì những kẻ rắp tâm muốn mua mình để phục vụ việc hợp lý hóa các sai phạm của họ chắc chắn sẽ luôn hãi mình lắm, và không dám xem thường mình. Song, thành trì thanh liêm kia mà bị chinh phục trong một phút giây tặc lưỡi nào đó, coi như danh dự, sĩ diện cũng không còn. Khi đã chinh phục xong thành trì khó khăn ấy rồi, việc “chiếm thành để cắm cờ làm chủ” sẽ chỉ còn là thời gian cùng những hành động theo thời gian mà thôi.

Không hiểu, nếu một vị giám đốc sở nào đó ngồi ở một quán lề đường cắn hạt hướng dương như tôi và nghe được một câu chuyện, họ có chột dạ hay không? Hay nhiều khi, đã bị chinh phục quen rồi, họ cũng có luôn độ trơ với đời khi họ đặt những giá trị khác lên ưu tiên hàng đầu chứ không còn là danh dự, sĩ diện hay trách nhiệm nữa. Nhưng nếu trơ đến mức thừa biết mình là trọng tâm của những câu chuyện thông tấn xã vỉa hè như câu chuyện tôi bị buộc thành kẻ nghe trộm kia thì quả thật cái giá phải trả cũng quá đắt. Không có giá nào đắt hơn là cái giá phải sống trong sự coi thường.

Vẫn chỉ mong cậu trai kia chỉ chém gió giải quyết khâu oai và vị giám đốc sở nọ là không có thật. Nhưng trong đời sống này, sẽ có nhiều cậu trai khác có dự án làm ăn thật sự như cậu trai ấy với sự chi phối mạnh mẽ lên nhiều ông giám đốc khác. Đáng sợ hơn là họ không bô bô nói ra giữa vỉa hè như cái cách tôi (và vài người khác) bị nghe cưỡng bức ở đây, mà thay vào đó là trầm ngâm cắn hạt hướng dương, ủ mưu, và thực thi kế hoạch của mình.

Hà Quang Minh
.
.