Thương con sao để con thương?

Thứ Hai, 09/05/2022, 11:10

Hôm rồi, cô em tôi, ca sĩ Phạm Quỳnh Anh ra mắt MV mới với tên là “Vai Ác”. Một MV mà Quỳnh Anh nói với tôi: “Em làm project này là cho Tuệ Lâm và Tuệ An của em. Kỷ niệm hành trình 10 năm làm mẹ cũng như dạo gần đây em thấy xót xa quá khi nhiều trẻ em bị bạo hành. Em mong anh xem và cho em chút cảm nhận nhé”.

Mẹ ác thương con

Tôi đã dành thời gian xem MV mới này của Quỳnh Anh. Nội dung của MV là một người mẹ “được” con ghi trong nhật ký là “nhân vật phản diện”, là mẹ ác. Tôi đồng cảm với Quỳnh Anh và với MV này của em. Bởi tôi thấy ngoài kia hàng ngàn mẹ ác như MV của Quỳnh Anh. Là những người mẹ đầu tắt mặt tối vừa lo công việc vừa phải chăm sóc con cái.

5acebf7c29dad.jpg -0

Trong khi đó, những người cha thì hay phó mặc chuyện dạy con là của mẹ. Là những trái tim đầy lo lắng của người mẹ khi nhìn đâu cũng thấy hiểm nguy giăng bủa con mình. Đọc báo hàng ngày thấy những vụ xâm hại, tai nạn giao thông, những đứa trẻ gieo mình tự tử, đua xe, bị bạn xấu lôi kéo…. Trái tim nào của mẹ cũng thắt lại, lo sợ. Nhiều người mẹ hoảng hốt mỗi khi báo chí rộ lên chuyện này chuyện kia liên quan đến lũ trẻ. Lại quay lại nhìn con mình mà không nén được tiếng thở dài lo lắng. Nên thành mẹ ác. Bởi nỗi sợ quá lớn vậy. Nên xây tường thép quanh con. Nên đào hào sâu quanh con. Nên quát con nếu con có làm điều gì ngốc dại. Bởi mẹ nào cũng kinh qua nhiều năm tháng đau thương nên nhìn đâu cũng thấy nguy cơ thương đau vậy.

Thương con mà mẹ thành mẹ ác. Nhưng nước mắt thì lúc nào chả chảy xuôi, con làm sao hiểu lòng cha mẹ? Nên thật nhiều những đứa trẻ đã lớn lên trong sự tổn thương sâu hoắm trong lòng. Nhiều đứa trẻ không dám trách cứ cha mẹ vì đó là tội bất hiếu. Nên nhiều đứa trẻ giữ rịt trong lòng thành những tổn thương sâu. Vài đứa trẻ trong số đó khi ở trường bị bạn bè bắt nạt, miệt thị, chê bai; hay gặp những áp lực điểm số, thiếu công bằng trong giáo dục khiến chúng càng kiệt quệ hơn. Trở về nhà gặp mẹ ác lại thành giọt nước tràn ly mà tìm đến cái chết. Để rồi nhiều cha mẹ ngơ ngác tự hỏi: Tôi thương con sao con không thương tôi?

Không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được lòng thương của cha mẹ sau những lời quát mắng, dạy bảo nghiêm khắc của cha mẹ. Chúng không hiểu lòng thương ấy mà chúng chỉ thấy cha mẹ ác với chúng, quá quắt với chúng, đòi hỏi chúng quá nhiều, không thông cảm với chúng, áp đặt quyền làm cha, làm mẹ. Chúng không như chúng ta, chúng không có nhiều lựa chọn xả stress đâu. Chơi game một chút là bị bố mẹ mắng suốt ngày cắm đầu vào điện thoại, máy tính. Giá kể chúng có tiền để mua sắm xả stress như các mẹ hay như các bố, nhậu vào là hết buồn. Giá kể như chúng cũng có con cái để xả vào con cái, coi con như cái thớt. Giá kể chúng… Nên chúng nổi loạn bằng đua xe, chúng tìm đến chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lắc, ma túy… để tìm quên. Và chúng sẽ lại bị cha mẹ trừng phạt khi chúng đua xe, hút thuốc, uống rượu… Một vòng tròn luẩn quẩn. Con trộm tiền không làm mẹ ác thì làm gì? Con đánh bạn, không thành mẹ ác thì làm gì? Con bỏ học, lười học không làm mẹ ác thì làm gì? Nhiều mẹ nói: Lũ trẻ con mà không kỷ luật thì làm sao trưởng thành? Cứ ác hôm nay đi để mai này con thành công nó sẽ hiểu lòng mẹ. Chỉ là con chưa hiểu lòng mẹ thì con đã rời xa mẹ vĩnh viễn hoặc những tổn thương sâu phải đến khi có con rồi mới hiểu ra.

Không làm mẹ ác được không?

Không làm mẹ ác có được không? Làm mẹ thương đi có được không? Là đừng để nỗi sợ kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Là đừng giận chồng mà đánh con, đừng để khói bụi ngoài kia làm mờ mịt tim mình. Là đừng tin “Yêu cho roi cho vọt”. Là đừng nghĩ lũ trẻ trưởng thành nhờ đòn roi.

Tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta không cần làm mẹ ác mà vẫn có thể nuôi dạy con lớn lên một cách trong lành và cho con một đời sống tinh thần khỏe mạnh. Bởi làm mẹ ác là khiến con chúng ta tổn thương trước tiên và ngay lập tức. Chẳng biết mai này con có tốt lên không nhưng hôm nay con không muốn về nhà nữa. Kỷ luật vốn không phải là trừng phạt khi mọi chuyện đã xảy ra rồi. Kỷ luật là ngăn chặn việc phải thực thi hình phạt. Chúng ta phạt con không phải là để cho con chừa cái tật xấu đó mà phải là để con nhận ra mình đã sai ở đâu và cách nào để sửa? Quát mắng con để xả giận thì khác gì biến con thành cái thớt, thùng rác cảm xúc của mình? Giận dữ với con chỉ khiến không khí gia đình căng thẳng, càng khiến con co cụm lại trong tháp ngà của mình. Chúng ta đang biến mỗi ngày về nhà của con thành địa ngục chỉ vì chúng ta làm mẹ ác. Dù không đánh con nhưng mỗi lời nói thiếu kiểm soát của chúng ta có thể thành vết thương sâu hoắm trong con. Chúng ta có nhiều cách để ngưng làm mẹ ác, để trở thành mẹ thương mà.

“Nhiều khi nói nhẹ con không chịu nghe, cứ phải mắng cho một trận thì đâu mới ra đấy được”. Nhiều cha mẹ nói với tôi câu quen thuộc đó. Hình như 30 năm trước tôi đã nghe câu này. Bạn đọc hẳn ai cũng từng nghe câu này. Nhưng chẳng ai nhớ rằng khi cha mẹ nặng lời, chúng ta nghe chỉ là đối phó. Bởi khi bằng tuổi chúng bây giờ, mọi lời nói của cha mẹ chúng ta đâu có để lọt vào tai? Bởi mỗi thế hệ mỗi khác, cha mẹ không phải là thánh thần mà nói gì cũng đúng. Khác với hồi còn bé xíu, cha mẹ là thần tượng của con, cha mẹ luôn đúng. Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, bản thân chúng đều muốn khẳng định mình, đều muốn thể hiện cái tôi. Và bước đầu của điều đó là phủ nhận cha mẹ sau những thất vọng về cha mẹ, về những điều cha mẹ làm. Uy tín của cha mẹ giảm sút dần sau mỗi tuổi chúng lớn, sau mỗi kiến thức chúng được học, sau cả những lần làm sai của cha mẹ. Thế nên nói nhẹ không nghe, nói nặng thì sẽ nghe một cách đối phó là vậy.

Làm mẹ ác không khiến trẻ nghe lời mà chỉ khiến trẻ nghĩ ra cách đối phó. Làm mẹ ác không khiến trẻ nhận ra tình yêu thương của cha mẹ mà chỉ khiến trẻ thấy phải đề phòng, phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, giấu mình trước cha mẹ, tỏ ra ngoan ngoãn trước cha mẹ. Lâu dần, con sẽ đóng vai con ngoan trước mẹ ác. Cuối cùng quan hệ cha mẹ - con cái trở thành vở diễn mà người xem chỉ có bản thân mình. Mẹ đóng đạt thì con ghét mẹ. Con diễn sâu thì mẹ hân hoan tưởng mình thành công. Thương con nhưng con không thương là thế.

Thương con sao để con thương?

Làm cha mẹ đã khó, khiến con hiểu được mình thương con còn khó hơn. Không phải chỉ nói khơi khơi ra là con tin nếu như hành động khác một trời một vực. Chẳng thể đánh con đấy rồi khóc tu tu là con hiểu mẹ thương con. Bởi khi mẹ khóc, con đang mải liếm láp vết thương trong lòng,  đâu để ý thấy nước mắt mẹ rơi xuống? Chẳng thể cứ yêu là cho roi cho vọt, con thà muốn mẹ ghét để cho ngọt cho bùi. Chẳng thể xin lỗi con vì mẹ quá thương con nên mẹ thành mẹ ác. Với lũ trẻ hẳn là mẹ bớt thương con đi cho thành mẹ hiền. Khi được hỏi, nhiều đứa trẻ nói gì cha mẹ có biết không? Rằng: Mẹ đẹp nhất khi mẹ cười. Nhưng nụ cười của mẹ đâu rồi? Để mẹ cười nhiều đứa trẻ cố phải sống theo ý cha mẹ, thành một đứa trẻ gọi dạ bảo vâng, học hành cày cuốc điên đảo để mang về điểm 10, mua lấy nụ cười của mẹ. Mẹ cười đấy mà biết con áp lực thế nào không? Con phải cạnh tranh với bạn bè, thậm chí gian dối để có điểm 10.

Thương con sao để con thương? Tôi nghĩ rằng cha mẹ hãy thể hiện ra điều đó. Không chỉ lời nói khơi khơi mà còn cần hành động. Bằng những cái ôm, bằng nụ hôn lên trán con, bằng cái khoác vai, bằng những chạm động cơ thể. Là kết nối tiếp xúc vật lý.

Là khi trò chuyện với con, hãy lắng nghe cho hết, đừng phản ứng ngay, đừng nghe bằng định kiến “Trẻ con thì biết cái gì” hay “Áo mặc sao qua khỏi đầu”. Lắng nghe bằng cả cơ thể của mình. Là mắt, là tay, là cả thân mình hướng về con, buông xuôi hết mọi việc khác ra khỏi đầu chỉ để tập trung vào lời con nói, để nghe thấy cả điều con ngập ngừng chưa nói, để cảm nhận được hơi thở, nhịp điệu, thái độ, cảm xúc của con. Khiến con cảm nhận được rằng bạn đang trọn vẹn với con. Điều đó khiến con cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe, được cha mẹ tin cậy.

Là cùng con đọc sách, tạo ra nhiều “family times”- giờ gia đình. Như cùng đi dạo với con, chạy bộ với con, chơi một môn thể thao nào đó cùng con. Việc chơi thể thao sẽ giúp con xả bớt năng lượng dư dôi. Khiến con có thêm những “Happy Times” trong đời sống của con.

Là trao trách nhiệm cho con nhiều hơn. Một đứa trẻ được trao trách nhiệm chúng sẽ thấy bản thân chúng có giá trị hơn trong mắt cha mẹ. Thước đo của trương thành vốn là trách nhiệm mà, nhớ không?

Và nhiều nữa, như cùng con giải quyết những vấn đề chung của gia đình, cùng con thảo luận về mọi thứ trong cuộc sống, tôn trọng ý kiến của con và sẵn sàng tranh luận bình đẳng với con. Rồi còn nhiều nữa mà chúng ta cùng con học làm cha mẹ thay vì dạy con khôn lớn. Học làm cha mẹ là quá trình học kéo dài cả đời. Cho đến khi chúng ta tạm biệt con, rời khỏi trần gian này.

Hoàng Anh Tú
.
.