Thêm một - lắm điều hay

Thứ Năm, 04/11/2021, 09:20

Thời thanh xuân tự do, coi trời bằng vung, cũng có một tuổi thọ nào đó, ấy là khi bạn cưới vợ. Hạnh phúc tặng bạn một vị thần bản quyền mềm mại và cứng như thép trong nhà.

Xin được thuật lại mẩu đối thoại thế này:

- Anh yêu. Khi chưa cưới thì mọi tài sản của ai nấy giữ. Bây giờ ta đã kết hôn thì cần phải có trách nhiệm hơn. Xe máy của anh sẽ là của chúng ta. Ngôi nhà của anh sẽ là của chúng ta. Tài khoản ngân hàng của anh sẽ là của chúng ta. Tập trung nghe em nói! Anh đang lúi húi làm gì ở góc tủ nhà thế?

- Không, có gì đâu em. Anh đang mặc cái quần của chúng ta.

Rồi anh chồng sẽ phải tính cách tiêu tiền riêng bằng cách giữ những quỹ bí mật riêng. Chàng than thở, hôn nhân biến những anh chồng trở thành kẻ cắp của chính mình.

Thời luật bản quyền chưa hiện diện thì một tác phẩm văn học có thể được muôn vàn người dịch tùy thích. Bản dịch nào hay thì có cơ may được phát hành. Tác giả gốc chẳng được đồng nào nhưng tên tuổi thì lan tỏa theo mọi chiều. Thời “ngày xưa ơi” ấy, các dịch giả và chủ xuất bản tranh luận về giá trị bản dịch xoay quanh “Chính xác và hay; chính xác nhưng không hay; hay nhưng không chính xác”... Từ ngày ta tham gia công ước Berne thì khác. Câu hỏi là ngài đã mua được bản quyền dịch thuật chưa? Người có bản quyền mới được dịch cho dù chất lượng của họ tệ đến đâu. Than thở là bản quyền miễn phí của độc giả.

Ngày xưa, nhạc sĩ muốn phổ thơ ai thì phổ, y như việc ban phát ân huệ. Ông ấy “xẻo” chữ “phá” thơ thỏa thích không có ai phản đối. Thi sĩ nào được nhạc sĩ phổ nhạc là sung sướng nghẹn ngào. Từ ngày theo Berne, thi sĩ có thể hất hàm hỏi nhạc sĩ một câu: Nhạc sĩ phổ thơ tôi đã xin phép tôi chưa? Hoặc ít nhất là phần trăm nhuận bút tính thế nào nhỉ?

Ngày xưa, mua, xin băng đĩa nhạc, video, ảnh về, muốn dùng vào việc gì, nghe hay phối ghép đăng trên mạng internet, chẳng ai ý kiến. Thời bản quyền khác. Tác giả một bức ảnh muốn bán được ảnh trên các trang web bán ảnh thì bức ảnh  phải khai báo có ký hợp đồng cho phép của nhân vật trong ảnh. Một bức ảnh có “dính” những tấm biển quảng cáo nhãn hiệu cũng không được phép bán. Thêm một chữ ký vào công ước Berne nhiều cái lợi nhưng cũng bước vào trạng thái “thêm một phiền toái thay” (thơ Trần Hòa Bình).

Nhạc sĩ Giáng Son, Lê Tâm, Minh Châu, Nguyễn Vĩnh Tiến và không ít ca sĩ khi đăng tác phẩm của mình trên những mạng, thí dụ như Youtube đã bị dính “gậy bản quyền” chính con đẻ của mình. Câu chuyện “ông không phải là bố tôi” lại tái diễn. Youtube vốn chỉ là cái máy và tất nhiên nó sẽ tuân thủ theo một số dữ liệu của hợp đồng của con người. Những mánh khóe giành giật trên môi trường số này giống phim cao bồi “bắn chậm thì chết”.

Tác giả sẽ nhận được thông báo trên tác phẩm con ruột mình, đại ý bạn đã vi phạm tác quyền của đơn vị ABC. Bạn không cần phải gỡ video nhưng tiền quảng cáo sẽ thuộc về ABC. Thực tế, nếu không chấp hành gậy bản quyền thì tác giả có thể bị cô lập kênh hoặc xóa kênh. Hy vọng việc phiền toái này sẽ được các bên giải quyết ổn thỏa.

Khi tác quyền được luật hóa cũng đồng thời các hàng rào được bao kín, tạo sự an toàn cho một tác giả. Lợi thấy rõ nhưng cũng phải thấy một trạng thái “bình thường mới” được xuất hiện trong những lĩnh vực sáng tạo. Cái tôi được chăm sóc nhưng cái ta cũng bị ảnh hưởng. Tinh thần cảnh giác cao độ với dân “xài chùa” lên cao hơn bao giờ hết. Những nhà sáng tạo trở nên dè dặt hơn khi chia sẻ suy nghĩ của mình. Trước khi chia sẻ, phải có cái hợp đồng đã.

Bây giờ muốn mua nhạc của Việt Nam trên mạng cũng không dễ tìm được cơ quan nào quản lý bán. Vì vậy các phóng sự của truyền hình cũng sử dụng nhạc nền từ các kênh miễn phí. Nhạc ở đây nhàn nhạt, không thuộc ký ức dân tộc nào cả. Phóng sự về bản Mông nhưng nhạc lại là Country Mỹ.

Sự hào sảng đang bị thu hẹp. Đôi khi ta thật dễ thở khi đi trên đường thấy một cái tủ có quần áo, thực phẩm, bánh trái, rau cỏ, nước uống với tấm biển viết tay “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”.

Bảo vệ bản quyền nói chung là tích cực nhưng thực tế thì văn hóa cũng có những thay đổi thói quen nhất định và chúng ta phải thích nghi. Lại nhớ câu thơ: “Dĩ nhiên là tôi biết/ Thêm một - phiền toái thay!/ Nhưng mà tôi cũng biết/ Thêm một - lắm điều hay.

Mỹ An
.
.