Thay đổi cách nhìn…

Chủ Nhật, 20/03/2022, 10:53

Thật buồn cười, ngày trước khi nghe ca khúc này, có người ngậm ngùi rướm lệ. Chìm theo nỗi buồn vời vợi hiu hắt. Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, nghe lại, họ lại bật ra tiếng cười nhẹ nhàng.

Ca từ thế nào? Rằng đây, “Thân, trách thân nè, thân sao chớ lận đận nè. Mình, trách mình nè, số phận chớ sao hẩm hiu. Chớ bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo. Nên vợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo nẫu rồi”. Ơ hay, cô vợ bỏ đi theo người khác chỉ tại “tui cực khổ, tui eo nghèo”, chứ mình không có lỗi gì cả. Do nghĩ chủ quan vậy nên anh ta cứ than thân trách phận, đổ vấy nguyên cớ sang cô vợ.

Thay đổi cách nhìn… -0
Dù trong tình huống nào, vẫn không tuyệt vọng. Ảnh: S.t

Nào có riêng gì anh chàng này, nhiều người khác hễ gặp chuyện không ưng y là… há miệng ra than. Lúc gặp nhau, chưa kịp hé môi cười, chào hỏi thì cái lưỡi đã vận dụng hết công suất để than trời trách đất. Có người cho rằng, khi thở than ắt sẽ nhận được sự cảm thông, thương hại của mọi người. Thật ra không hẳn. Hơn nữa, trong quan hệ xã hội, chẳng ai muốn nghe những lời sầu não, ca thán của người khác, dẫu có nghe đi nữa thì cũng tai này lọt qua tai kia. Vậy hà cớ gì ta lúc nào mở miệng ra cũng kèm theo tiếng thở dài thườn thượt?

Ngay cả quan hệ vợ chồng, dẫu gắn bó như môi với răng, có thể tâm tình chia sẻ mọi chuyện nhưng ai có thể chịu đựng mãi được những lời thở vắn than dài? Các câu nói ấy chẳng khác gì cuộn băng cứ “tua” đi “tua” lại nhiều lần đến phát nhàm. Chẳng hạn, lúc ngồi vào mâm cơm, vừa cầm đũa lên đã cảm thấy no ngang cổ họng vì người vợ thở dài như còi tàu xe lửa: “Ối! Mớ rau loằng ngoằng mấy cọng, vài con cá bé tẹo ấy mà đã bạc trăm bạc ngàn rồi đấy! Thời buổi gì vật giá cứ leo thang vùn vụt, vậy mà mấy năm rồi chẳng thấy tăng lương”. Lúc ấy, miếng ăn có còn ngon không hở trời? Tất nhiên là không. Đắng nghét cái cuống họng. Ăn gì nổi.

Lại nữa, đâu phải chỉ phụ nữ đào tơ liễu yếu, ngay cả đấng mày râu cũng chẳng khác gì mấy. Rằng, sau khi nghỉ việc ở công ty, tự dưng người chồng thay đổi tâm tính. Do không lường trước sự tinh giảm biên chế nên anh ta cảm thấy hụt hẫng. Với nhiều người, không làm việc này, kiếm tìm việc kia, đơn giản thôi mà. Thế nhưng anh ta lại trở nên bi quan, yếu đuối. Tâm trạng đó thể hiện qua những câu hỏi, đại loại như: “Này em, liệu chừng tháng tới, mình có đủ tiền trả thuê nhà?”, “Đủ, anh khéo lo xa”, “Vậy, có đủ lo cho hai đứa nhóc tiếp tục ăn học?”, “Chuyện nhỏ thôi, anh ơi”. Vẫn chưa yên tâm, im lặng giây lát, lại hỏi: “Lương em có đủ dành dụm trả lãi ngân hàng hàng tháng không?”. Những câu hỏi đại loại như thế, ban đầu, nói thật, người vợ cũng cảm thấy vui vui vì nó thể hiện trách nhiệm của người chồng.

Khổ nỗi, vì sự lo lắng ấy người chồng đâm ra bịnh luôn, không còn hăng hái vác đơn đi xin việc làm mới như các đồng nghiệp khác. Và ngay cả bản thân người vợ cũng cảm thấy như đang bắt đầu gánh lấy một trọng trách nặng nề, mệt mỏi. Mà cũng do nghe chồng cứ nhắc đi, nhắc lại khiến cô lờ mờ nhận ra: “Chỉ mới xảy ra việc bé tẹo thế này chồng mình đã hoảng hốt lên rồi. Nếu chẳng may xảy ra sự cố còn hơn cả thế nữa, vậy phải làm sao?”.

Tôi liên tưởng đến một câu trong Truyện Kiều: “Một lời là một vận vào khó nghe”, có thể hiểu rằng một khi nói mãi về những điều xấu, buồn thảm, bi quan thì có lúc nó cũng “vận” vào người mình như chơi. Không chỉ người đó khó có thể có niềm vui sống mỗi ngày mà còn đem lại sự bực mình cho người khác nữa. Trước đây, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có dịch tác phẩm Chấp nhận cuộc đời của Luise Rinser và ông cho biết tác giả: “chịu nhiều khủng hoảng về tinh thần, nên đã có dịp suy tư về cuộc sống mà tìm ra một nhân sinh quan không bi mà cũng không lạc một cách dễ dãi nhưng can đảm, nhân từ và thông minh”.

Trong quyển sách này, Luise Rinser có kể câu chuyện: “Một người nọ một hôm gặp một con rắn lớn vô cùng muốn tấn công mình. Trước nguy cơ đó, do bản năng tự vệ, anh ta chiến đấu với con quái vật, nhưng không thắng nổi nó, đâm đầu chạy. Con rắn đuổi kịp, anh ta phải quay lại chiến đấu với nó. Rồi lại chạy. Cứ đánh rồi chạy, như vậy mấy lần, không được nghỉ một phút, phải dốc hết toàn lực mà chẳng làm được gì khác”.

Cuối cùng, anh ta làm thế nào để thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã đó? Ta hãy đọc nốt câu chuyện, một hôm có nhà hiền triết bảo: “Đừng chạy trốn nữa mà cũng đừng chiến đấu nữa”. Anh ta đáp: “Nó sẽ nuốt mất tôi còn gì!”. Nhà hiền triết bảo: “Nghe lời tôi khuyên đây, sẽ được yên ổn. Lại gần con rắn đi, nằm dài bên cạnh nó, uốn mình theo những khúc cong của nó thì sẽ thoát, nó sẽ không tấn công nữa đâu”. Anh ta làm theo lời khuyên đó và quả nhiên được yên ổn”.

Có lẽ nhiều người vẫn không tin đó là giải pháp hữu hiệu chăng?

Thôi thì, ta hãy nghe lời lý giải của Luise Rinser: “Như vậy nghĩa làm sao? Phải bỏ cái ý làm chủ số phận của mình ư? Cứ khoanh tay mà an phận chăng? Không phải vậy. “Nằm dài bên cạnh con rắn” có nghĩa là: hòa giải với nó, tin nó, coi nó như bạn đồng hành, chấp nhận nó như một sự tất yếu, nhưng là một sự tất yếu hợp ý ta, hoàn toàn do ta định. Tóm lại, “Nằm dài bên cạnh con rắn” tức là chấp nhận số phận. Vì ta chỉ có hai thái độ đối với số phận: chấp nhận hay phủ nhận. Phủ nhận là thái độ hão huyền, vì không phải hễ từ chối số phận của mình là ta sẽ nhận một số phận khác. Người nào ngày ngày đều than thân trách phận thì sẽ thấy số phận không khác con rắn nó muốn nuốt mình. Nhưng người nào bình tĩnh chấp nhận số phận, không phải chấp nhận một lần là đủ, phải chấp nhận mỗi ngày, thì sẽ thấy rằng số phận có khổ sở tới mức nào (bị một chứng nan y hay lỡ vướng vào một cuộc hôn nhân tai hại) cũng sẽ lần lần bớt khắt khe đi. Ta tự thích ứng với số phận thì số phận sẽ tự thích ứng với ta”.

Nghe ra cũng chí lí lắm. Có lẽ nhiều người đồng tình rằng, số phận mỗi người không giống nhau, nhưng hơn nhau ở chỗ là biết chấp nhận nó bằng thái độ nào. Nếu nhìn nhận ở góc độ tiêu cực, u ám thì chẳng khác gì tự mình chuốc lấy sự hậm hực, buồn bực; ngược lại, nếu xem bình thường và tích cực tìm cách tháo gỡ thì mọi chuyện lại khác. Một trong những cách khác mà lúc gặp chuyện, tôi biết có người đã nhìn sự việc u ám đó bằng cách khác. Cách nhìn khác? Chỉ có thế thôi ư? Đơn giản vậy ư?

Vâng, chính là thế.

Khi gặp một bi kịch tưởng chừng như đất lún dưới chân, sóng thần trước mặt, không còn lối thoát nhưng rồi có người vẫn đón nhận lấy nó một cách bình thản. Nhờ vào đâu? Tôi vẫn nghĩ lúc ấy họ sẽ có cách tháo gỡ nếu liên tưởng đến người khác lại rơi vào tình huống còn hắc ám hơn nữa. Vậy, trường hợp của mình vẫn còn may đấy chứ. Suy nghĩ đó không hề “lý thuyết”, “sách vở” đâu. Tôi có người bạn già, ai cũng thương cho hoàn cảnh của anh, đại khái, đứa con trai độc nhất của anh dở người, lơ ngơ láo ngáo, đã ngoài “tam thập” nhưng vẫn chăm như cậu bé lên ba. Ấy thế, khi tôi an ủi, anh bảo: “Mình vẫn còn may”. Ơ hay, may cái nỗi gì nhỉ? Anh mỉm cười: “May cháu nó là con trai, chứ con gái thì biết đâu có ngày bị kẻ xấu dụ khị, rồi vác về nhà cái trống chầu thì còn phiền hơn nữa”. A, khi nghĩ như thế, tức anh đã tự hóa giải và chấp nhận lấy sự việc đã hiển nhiên mà từ bao nhiêu năm dù thương con nhưng anh vẫn không thể làm cách nào khác.

Có thể nói rằng, trong bất kỳ nghịch cảnh nào, người ta cũng có thể tìm ra một lối thoát, tùy theo cách nhìn của mình. Tôi nhớ thời đi học, thầy giáo có kể một mẫu chuyện, ngẫm lại vẫn còn lý thú. Rằng, đó là chuyện không vui của một người tiều phu nọ. Sau nhiều năm lao động cật lực, ông ta đã dựng lên một ngôi nhà khang trang. Năm tháng thong thả đi qua, vợ con ông đã sống yên vui dưới mái nhà đó. Chẳng may, một ngày kia, do lý do gì đó, ngôi nhà bị bốc cháy. Dù đã cố gắng hết sức nhưng họ vẫn không khống chế được

Sau khi cám ơn sự an ủi, giúp đỡ của bà con láng giềng, ông lại lao vào bới tung, tìm kiếm cái gì đó trong đống đổ nát, hoang tàn. Ông ta tìm kiếm vàng, bạc, ngọc ngà, châu báu đã tích trữ lâu nay ư? Cuối cùng, người tiều phu kêu lên trong sự mừng rỡ tột cùng: “Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!”. Mọi người ngạc nhiên khi thấy ông ta cầm trên tay chỉ là lưỡi rìu. Ông nói quả quyết: “Chỉ cần có lưỡi rìu này, tôi có thể dựng lại một ngôi nhà khác”. Ta hiểu lưỡi rìu chính ngụ ý về lòng tin mãnh liệt, không đầu hàng nghịch cảnh.

Xưa nay như một lẽ tự nhiên, không ai muốn vấp phải xúi quẩy, xui xẻo, bao giờ cũng hướng đến sự thanh tân, tươi tốt. Nhưng rồi, ước mơ là một chuyện và nó có đến với mình hay không lại chuyện khác. Không gặp sự cố là tốt quá, nhưng nếu gặp sự cố mà biết đứng lên vẫn tốt hơn.

Tốt ở chỗ, dù trong tình huống nào vẫn không tuyệt vọng, u sầu, quỵ lụy...

Lê Minh Quốc
.
.