Sống ảo không cần online

Thứ Ba, 31/08/2021, 13:43

Một bác trai tuổi U60 đi tiêm vaccine về, mặt mũi hớn hở như trẻ con. Bác gái hỏi: Người ta tiêm về thì mệt, mình sao hớn hở thế? Bác trai bảo có chuyện nhầm lẫn hài hài. Bác sĩ tưởng mình còn trẻ. Mình thuộc diện huyết áp cao nên bệnh viện cho mình vào phòng nằm nghỉ cho huyết áp ổn định. Bác sĩ bảo anh nằm lên giường và không xem điện thoại nhé.

Rồi bác sĩ quay ra bảo ai đó rằng, bác ngồi đợi đây một lát cháu đo lại huyết áp. Mình hé mắt ra thấy người gọi là bác ấy chính là một người quen tuổi tứ tuần. Một đằng cao tuổi hơn là anh, đằng kia ít tuổi hơn lại thành bác. Anh bác sĩ nhầm rồi, nhưng cái nhầm không tệ lắm, ít ra đối với mình. Lát sau bác sĩ quay lại đo huyết áp, lại bảo anh cần điều trị ngay huyết áp, để lâu đến khi có tuổi là rất không tốt. Thế ra mình chưa có tuổi. Ha ha…

Sống ảo không cần online -0

Minh họa: Lê Tâm.

Chỉ có thế thôi mà phấn khởi. Nếu cái nhầm này có lợi thì cũng nên biến nó thành một biện pháp tặng quà. Một món quà tốt cho sức khỏe. Cứ giảm xuống đáng kể, đừng sợ "dìm" tuổi. Thí dụ gặp nhau lần đầu, nhìn mặt mũi đáng chú, gọi anh; đáng bác, gọi chú. Nếu người ta bảo tôi năm nay cao tuổi rồi, thì chốt xin lỗi bác, quả thật bác trẻ quá so với tuổi. Mà việc này có lẽ nhiều người đã làm. Thí dụ nhóm các cụ cao niên hay đi tập Thái cực quyền hay "dịch cân kinh" ở công viên gặp nhau vẫn hỏi: "Thanh niên hôm nay có gì vui thế?".

Thời xưa mà gọi các cụ là thanh niên thì các cụ giận đấy, nhưng giờ khác rồi. Nhìn bác hưu mà bảo trông bác như thanh niên thì sẽ nhận điểm cộng. Tất nhiên điều này là ảo, có chút tâng bốc nhưng lại có tác dụng với sức khỏe thật.

Ở Nhật thì trên phương tiện công cộng, người ta không nhường ghế cho người cao tuổi vì sợ bị coi là thiếu tế nhị. Cụ nào thấy người ta mời ngồi chỗ của mình cũng cảm ơn và không nhận. Muốn nhường phải bí mật rời khỏi ghê, để lại khoảng trống mới là đúng cách.

Các mợ sồn sồn hay soi gương và than vãn với chồng rằng không tưởng tượng được, HLV ở phòng Gym gọi em là cô. Hôm kia một anh hỏi đường, xưng cháu với em. Chết mất.

Ở xứ ta dù văn hóa ảo đã phổ biến nhưng vẫn có người chất phác (còn bị gọi vui là "tối cổ") luôn nói thật. Thí dụ cô 40 tuổi mà chững chạc như 50 ấy nhỉ. Thật là một sự thật xát muối.

Có hai vợ chồng tứ tuần mới từ quê ra, vào hàng quần áo. Chưa vừa ý, họ lại đi cửa hàng khác. Dọc đường, chồng bảo cô bán hàng gọi em là bà cụ đấy. Người vợ không tin. Họ đánh cuộc và quay lại hàng quần áo. Người chồng lại chỉ vào cái áo lúc nãy muốn xem. Cô bán hàng bảo, anh ơi, em đã bảo cái này không hợp với bà cụ đâu. Họ cảm ơn rồi đi. Dọc đường, anh chồng rất phấn khích, còn người vợ buộc phải suy nghĩ về cách ăn mặc xuề xòa của mình.

Cũng không hiếm lắm chỉ vì cách ăn mặc hay tác phong mà người ta nhầm lẫn đôi vợ chồng thành hai mẹ con. Nói ra thì hài nhưng đừng nói rằng điều đó không có thật. Dù sao thì lựa lời mà nói sẽ có lợi cho cuộc đời hơn cách mà người "tối cổ" chọn. Ai mà chẳng biết tuổi thật của mình?

Có một mẩu chuyện sưu tầm được rất ngắn, chỉ vài dòng nhưng khiến ta suy nghĩ. "Hôm nay thấy cha tự nhuộm tóc ở nhà. Tôi liền hỏi: Cha, cha sắp 60 tuổi rồi còn nhuộm tóc làm gì? Hay là vẫn muốn thử vận đào hoa? Cha nói: Lần nào trước khi về quê, cha cũng nhuộm tóc đen. Như vậy bà của con thấy sẽ nghĩ rằng cha còn trẻ, và bà vẫn chưa già".

Chuyện khác. Một bà U80 ở Hà Nội nói với các con: "Mẹ cảm giác vẫn hồn nhiên, như mẹ vẫn ở tuổi nhi đồng ấy. Thế mà giật mình, mẹ lại là bà trong nhà này. Sợ quá đi mất". Các con an ủi mẹ, tuy là bà nhưng mà trẻ lắm bà ơi. Bà chẳng tin đâu nhưng vẫn cười vui vẻ. Bà quay sang chồng tuổi 80 bảo, ông ấy mà có cô gọi điện thoại bàn (hiếm có) mà gọi nhầm là anh ơi, là ông vẫn khoái lắm.

Lựa lời thế nào để khen ngợi bao giờ cũng là cách tốt hơn nói đúng thực tế nhưng không phải điều mong muốn. Nếu có thể khen trẻ thì nên khen. Nếu không thể khen trẻ thì khen phong độ. Bác phong độ thế này thì thanh niên chúng cháu không theo được. Kể cả khi thăm nom trên giường bệnh, thì vẫn nên nói với cụ, là tuổi già nó đầu hàng cụ đấy. Cụ cứ thế này sống vài chục năm nữa nhé.

Cuộc sống không chỉ có niềm vui từ vật chất mà còn có những món quà tinh thần. Tặng cho nhau những câu khen trẻ trung còn hơn 10 thang thuốc bổ. Có những món quà ảo vô giá và không cần phải online.

Việc tặng quà này không khó, chỉ cần luôn có tình cảm yêu người, yêu đời là làm được phải không các bạn.

Lê Tâm
.
.