Sạch “nước cản” cái đã

Thứ Năm, 21/04/2022, 21:36

Những người đọc “Tây Du Ký” luôn khoái chí vỗ đùi khi thấy Tôn Ngộ Không nhận lời thách đố trốn thoát ra khỏi lòng bàn tay Đức Phật. Tề Thiên Đại Thánh trổ cân đẩu vân, santo một vòng là mười vạn tám nghìn dặm, chớp mắt tới nơi sơn cùng thủy tận.

Thấy nơi chân mây cuối trời có 5 cái cột lớn, bèn cao hứng viết lên cột 8 chữ “Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất du” (Tề Thiên Đại Thánh đã đến đây chơi một chuyến), rồi tè một bãi khai mù vào cây cột làm bằng chứng. Ai ngờ chạy trời không khỏi nắng vì cái cột đó cũng vẫn là ngón tay Phật mà thôi.

Cảm hứng vẽ bậy có vẻ là một thứ khoái cảm bền vững khó mà dứt được. Ngày nay, đi đâu cũng gặp những dòng nguệch ngoạc lưu danh của du khách. Rất nhiều dòng chỉ để ký tên như “Tuấn Kute đã đến đây”, “T mãi yêu N”. Những dòng chữ này có thể viết bằng bút phủ văn phòng, có thể được khắc lên thô lỗ bằng dao, dùi đục. Chúng ta thấy cái lưu danh này tại tháp Hòa Phong bên Hồ Gươm, Tháp Chàm Po Nagar tại Nha Trang cho tới trần nhà Đông Dương là đỉnh Phanxipang. 10 đứa trẻ, chắc phải có 9 đứa từng vẽ lên tường thời thơ ấu. Khi bị người lớn phạt thì bao giờ cũng giữ được tinh thần, lần này cháu chừa (Lần sau cháu cứ thế).

Thế kỷ 20, tinh thần cởi mở, dân chủ lên ngôi thì khái niệm vẽ bậy dần dần thoát khỏi kiếp tội đồ. Những hình graffiti nguệch ngoạc được cho là xuất hiện đầu tiên ở New York rồi tạo trào lưu lan tỏa theo văn hóa và âm nhạc Mỹ.

Chính quyền thành phố Granada, Tây Ban Nha điên đầu vì Raul Ruiz, một “thánh” Graffiti thường hoạt động lén lút như biệt kích. Khi bình minh lên, người ta phát hiện ra bức tường nhà mình biến thành bích họa thì tác giả đã cao chạy xa bay. Tất nhiên Raul có là thánh cũng không thoát được lưới trời. Trớ trêu là lãnh đạo thành phố này vừa tự hào lấy những tác phẩm bích họa ấy để quảng cáo nhằm hút khách du lịch nhưng vẫn chăm chỉ phạt tác giả vì tội “vẽ bậy”.

Trong giới graffiti, người ta tôn Bansky (người Anh) là "thánh sống" vì năng lượng sáng tạo vô tận. Bansky có trong danh sách "Những người có ảnh hưởng nhất thế giới" của tạp chí TIME năm 2010. Ông có mặt bên những nhân vật lừng danh như Barack Obama, Steve Jobs… Bansky để lại tác phẩm bích họa ở nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ cho tới khu Bờ Tây cùng cộng đồng Palestine.

Các tác phẩm của Banksy luôn phê phán xã hội với phong cách trào lộng sâu cay. Đó là những vấn đề nóng bỏng chính trị, là sự đàn áp người Palestine, là thói đạo đức giả đầu môi của không ít chính trị gia và nạn tham nhũng London. Trong số fan của Bansky có những ngôi sao như Angelina Jolie và Brad Pitt. Té ra “vẽ bậy” cũng không thuộc tầm “vỉa hè”. Nhìn lại những bức bích họa trên hang động nguyên thủy, có thể tin đó là những họa sĩ vĩ đại nhất thời hồng hoang.

Ở Việt Nam trong mấy chục năm gần đây cũng xuất hiện nhiều họa sĩ vẽ phong cách xịt sơn nhanh rồi bỏ chạy. Vẽ kiểu này thường phải có anh em đông đủ canh chừng trong lúc vẽ. Cách đây không lâu, một thánh graffiti quê Đồng Tháp vẽ bậy tại công viên 23/9 (TP Hồ Chí Minh), bị phạt 1,5 triệu đồng.

Nếu chỉ nhìn bích họa với góc nhìn tiêu cực thì chưa đủ. Sớm nhận ra sự tích cực của tranh tường nên ở Việt Nam đã sử dụng ngôn ngữ này để chỉnh trang đường phố, làng xã cho vui mắt hơn. Tại các thành phố, một số điểm lụp xụp và những khu nhiều rác, kém vệ sinh, được khối phố, làng, khu tập thể cho dọn dẹp và thuê họa sĩ vẽ những bức tranh tường với các chủ đề hợp mắt.   

Làng bích họa đầu tiên là làng chài Tam Thanh, thuộc Quảng Nam. Hàng trăm ngôi nhà đã được các họa sĩ Việt Nam và Hàn Quốc vẽ nên rất nhiều bức tranh độc đáo, thu hút nhiều khách du lịch.

Việc này lan tỏa bích họa khá nhanh và có vẻ hợp thời. Nhưng rồi đánh đùng một phát, ở Hải Dương có ngôi đình cổ tên Tự Đông bỗng dưng thay “áo mới”.  Bức tường cổ được địa phương chi 40 triệu để sơn phết, vẽ một tấm bản đồ Việt Nam đỏ rực. Bên dưới vẽ vườn hoa lá, chẳng ăn nhập gì với di tích. Khi báo chí phát hiện thì lãnh đạo địa phương mới tất bật cho xóa nhẵn nhụi. Thật may mắn kiểu bích họa vô duyên này chưa lan tỏa đến hàng loạt những di tích quan trọng khác. Nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại. Hầu như những khu di tích bị phá hỏng đều do nhiệt tình cả. Trong số ấy có rất nhiều vật thể đóng góp vào di tích theo đường cung tiến.

Giới graffiti Việt vẫn đang tìm kiếm chỗ đứng của mình. Các họa sĩ trẻ vẫn luôn phải phân trần với báo chí rằng graffiti không phải là vẽ bậy. Tốt thôi. Bạn đừng để bị nộp phạt liên tục là được. Anh hùng và tội đồ đôi khi chỉ do góc nhìn; nhưng nói gì thì nói, vẽ hay viết đều phải “sạch nước cản”.

Lê Tâm
.
.