Phỏng vấn xe tăng
PV: Thưa anh, hôm nay sao anh có vẻ hùng dũng và trang nghiêm thế?
Xe tăng: Tất nhiên rồi, vì tôi sắp được thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
PV: Ôi, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đấy là một địa điểm nổi bật trong thời gian qua ở thủ đô Hà Nội.
Xe tăng: Đúng vậy. Sự đông đúc khách tham quan trong những ngày vừa qua ở nơi đó là một hiện tượng rất bất ngờ.
PV: Vâng. Thưa anh, đó là một sự bất ngờ hợp lý.
Xe tăng: Đúng vậy nhà báo ạ. Thật ra, tại bất cứ thành phố nào trên thế giới, luôn có hai địa điểm cả người dân, cả khách du lịch chú ý là nhà hát và bảo tàng.
PV: Thậm chí, có nhiều thành phố được toàn thế giới biết đến chỉ vì các bảo tàng của nó.
Xe tăng: Chính xác. Xin nói thật nhé, một nhà hàng ngon, một phố đi bộ đẹp có thể không mất nhiều thời gian để gây dựng. Nhưng một bảo tàng thì khác. Nó đòi hỏi rất nhiều công sức và văn hóa lẫn truyền thống.
PV: Và nói thẳng ra, xưa nay chúng ta đã bỏ qua yếu tố này.
Xe tăng: Rõ ràng thế. Các bảo tàng của chúng ta đều rất vắng và hầu như không được các công ty du lịch đưa vào chương trình cho khách tham quan.
PV: Bởi những lý do nào?
Xe tăng: Rất nhiều. Nhưng có thể gói gọn trong vài điểm: Cách trưng bày xưa cũ, sưu tầm hiện vật đơn điệu và quảng bá sơ sài. Và điều kinh khủng là mọi người đã từ lâu mặc định như thế là… bình thường.
PV: Mặc định ra sao?
Xe tăng: Đó là bảo tàng phải... trang nghiêm và vắng vẻ.
PV: Cho đến khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ra đời?
Xe tăng: Đúng. Cho đến khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ra đời, xã hội mới "vỡ oà" phát hiện ra có những "mỏ vàng" mà chúng ta không nghĩ đến.
PV: Mỏ vàng?
Xe tăng: Chứ còn gì nữa. Một dân tộc có lịch sử hào hùng, có thiên nhiên phong phú, có văn hóa đa dạng thì đáng lẽ bảo tàng phải là các mỏ vàng.
PV: Ví dụ?
Xe tăng: Ví dụ như có thể xây bảo tàng trang phục, bảo tàng ẩm thực, bảo tàng sân khấu…. chưa kể các loại bảo tàng mà thế giới đã làm từ lâu như cổ sinh học, khoáng vật học… chứ không phải chỉ có lịch sử và mỹ thuật như vẫn quan niệm xưa nay.
PV: Tóm lại, bảo tàng là các mỏ lộ thiên để thu hút khách du lịch và công chúng.
Xe tăng: Và chả riêng gì bảo tàng, ngay cả các địa điểm nổi danh như Bắc Bộ phủ, Dinh Toàn quyền cũ… đều có thể khai thác bán vé tham quan.
PV: Ừ. Anh làm tôi nhớ ra Hoàng cung Nhật Bản, Hoàng cung Thái Lan, Nhà Trắng Mỹ đều biến thành bảo tàng cho dân chúng cả.
Xe tăng: Cho nên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đông đúc và bùng nổ những ngày này có thể phải coi là một bước đột phá, khiến chúng ta suy nghĩ lại về cách xây dựng, bảo tồn và kinh doanh bảo tàng.
PV: Chứ không thể bị lãng phí như trong thời gian qua.
Xe tăng: Nếu gọi nghiêm khắc thì có thể coi là lãng phí thật.
PV: Chưa kể nhân dịp này chúng ta nên xem xét quy chế hoạt động của bảo tàng tư nhân, vì trong xã hội có rất nhiều nhà sưu tầm, để họ đóng góp vào bức tranh toàn cảnh của bảo tàng Việt Nam sắp tới.
Xe tăng: Hoàn toàn hợp lý. Phải làm thế nào để đất nước có một ngành "công nghiệp bảo tàng" lớn mạnh. Điều đó sẽ giúp ích cho văn hóa và du lịch rất nhiều.