Phỏng vấn Victor Hugo

Thứ Ba, 05/07/2022, 11:11

Phóng viên (PV): Thưa Victor Hugo, ông là một nhà văn phải không ạ?

Victor Hugo: Chắc chắn thế rồi. Tôi lấy văn chương làm nghề nghiệp.

PV: Mà nghề nghiệp nuôi sống ta, đúng chứ ạ?

Victor Hugo: Rất đúng. Hay nói một cách ít văn học hơn, ta kiếm tiền từ đó.

PV: A, nhân nói tiền, chắc ông biết tới hội nghị các nhà văn trẻ Việt Nam sắp được tổ chức chứ?

pv victor hugo - mh le tam anct 6 - 2022.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

Victor Hugo: Khoan, khoan, dừng lại. Nhà văn trẻ à?

PV: Sao ông lại giật mình. Thưa đại văn hào?

Victor Hugo: Vì thứ nhất, theo tôi làm gì có nhà văn trẻ hay già. Chỉ có nhà văn viết trẻ hay viết già mà thôi.

PV: Xin ông nói rõ điều này.

Victor Hugo: Ví dụ như Andersen, nhà văn vĩ đại chuyên viết truyện cổ tích. Dù ông ấy có bảy mươi hay tám mươi tuổi thì văn của Andersen xem vẫn trẻ, và tin tôi đi, sẽ trẻ mãi mãi cả ngàn năm.

PV: Nghĩa là theo Hugo, tuổi của nhà văn không nói lên gì cả.

Victor Hugo: Đúng thế. Nhà văn không phải là cầu thủ bóng đá, không có về hưu. Chả có bạn đọc nào cầm một cuốn sách lên lại chú ý tới tuổi tác giả. Họ chỉ quan tâm đến nội dung bên trong.

PV: Do đó, việc chia ra nhà văn trẻ hay già là vô ích?

Victor Hugo: Nói vô ích thì cũng hơi nặng. Nhưng nếu nói điều đó chẳng hề quan trọng chắc chắn đúng. Người viết đâu phải thiếu nữ, cứ càng ít tuổi càng mơn mởn.

PV: Dạ vâng. Ví dụ khi Hugo miêu tả nhân vật Cosette trong tác phẩm kinh điển “Những người khốn khổ”, ông đã miêu tả với một cảm xúc cực kỳ ngây thơ.

Victor Hugo: Cám ơn. Nói một cách khác, có những nhà văn trẻ mãi, và có những người cầm bút chưa trẻ đã già; vì họ viết những điều cũ đến nỗi các cụ già đọc còn phát cáu.

PV: Vậy theo ông, Hội nghị viết văn trẻ là gì?

Victor Hugo: Ấy, lại khoan đã, có một thứ gọi là Hội nghị nhà văn à?

PV: Có đấy.

Victor Hugo: Lạ nhỉ. Cả cuộc đời tôi cũng như cuộc đời của rất nhiều nhà văn mà tôi quen, chưa hề đi hội nghị bao giờ.

PV: Vì chẳng có ai mời ư?

Victor Hugo: Không. Vì tôi thấy chẳng cần thiết. Theo tôi hình dung, Hội nghị là gì? Là một đám đông ngồi dưới, một vài vị ngồi trên, sau đó có vài vị bước lên diễn đàn phát biểu.

PV: Và phát biểu những điều hay.

Victor Hugo: Tôi đành tin như thế. Toàn những điều hay. Nhưng nhà văn chân chính chỉ cần phát biểu bằng tác phẩm thôi mà.

PV: Phát biểu bằng tác phẩm ư?

Victor Hugo: Đúng. Nếu tôi không nhầm, tôi chưa từng thấy Tolstoy, Balzac hay Shakespeare phát biểu trong hội nghị nào, nhưng những lời của họ viết trong tác phẩm, cả thế giới lắng nghe.

PV: Cũng đúng. Nhưng thưa Hugo, xin ông đừng khắt khe quá. Suy cho cùng hội nghị cũng chả có hại gì, nếu không nhờ nó các tác giả viết hay hơn thì cũng chả do vậy mà họ viết dở đi.

Victor Hugo: Đồng ý. Chả có hại gì, nếu như những người cầm bút được cơ hội tụ tập bên nhau. Nhưng đừng gọi là hội nghị, mà gọi là gặp gỡ sẽ chính xác hơn và thoải mái hơn. Đối với nhà văn, sự thoải mái quan trọng lắm!

PV: Vâng ạ. Nhưng thưa ông, muốn gặp phải có địa điểm, muốn tới địa điểm cần phải đi. Muốn đi cần phải mua vé tàu xe hoặc máy bay. Muốn mua phải có tiền.

Victor Hugo: Chí lý quá. Tôi hiểu được rồi.

PV: Nhưng tiền thì đa số người viết không có.

Victor Hugo: Chết chết, sao lại không có? Thế họ mua cơm, mua quần áo, mua điện thoại và mua quà cho bồ bịch bằng gì?

PV: À, nếu nói cụ thể ra, thì họ có tiền nhưng không nhiều.

Victor Hugo: Nếu tiền không nhiều, họ chi ra khi cần thiết thôi. Nếu ai thấy gặp gỡ các bạn văn là cần thiết, họ sẽ mua vé. Đơn giản mà. Cả người đi lẫn người không đi đều đáng tôn trọng như nhau.

PV: Vâng. Nhưng khổ nỗi đây chẳng phải là hội nghị đầu tiên Hugo ạ. Mà những lần trước thì Nhà nước cho tiền.

Victor Hugo: Lại khoan khoan. Nhà nước lấy tiền ấy ở đâu ra?

PV: Ở nhân dân đóng thuế ạ.

Victor Hugo: Ủa, sao phức tạp thế chứ. Sao nhân dân không mua sách? Nhà văn dùng tiền bán sách mua vé có phải nhanh chóng và thuận tiện hơn không?

PV: Thuận tiện lắm, thưa ông. Nhưng khổ nỗi, hình như có những người viết mà tác phẩm rất khó bán, vì thế họ phải mong đợi vé mời.

Victor Hugo: Nhà báo ạ, ở thời đại nào đi nữa của lịch sử loài người, văn chương bao giờ cũng khó bán hơn thịt cá và bánh kẹo. Chính vì lẽ đó mà nhà văn phải cố hết sức, cố cho đến chết để viết cho hay, cho những ai không mua được sách của họ thì thấy cuộc sống của mình chưa trọn vẹn. Chứ đâu thể nào văn ta ế thì nói Nhà nước giúp đỡ.

PV: Chết chết, thưa Hugo, dù là đại văn hào, cũng xin ông cẩn trọng, vì các nhà văn trẻ tự ái cao lắm. Họ nghĩ rằng sách họ ế do dân trí thấp chứ đâu phải do tác phẩm họ viết không cao.

Victor Hugo: Nhà văn duy trì sự cao là rất hay. Nhưng nếu đã vậy thì phải biết kiêu hãnh.

PV: Họ kiêu hãnh chứ, thưa ông. Họ cương quyết không xin tiền vé. Họ muốn làm khác trước kia.

Victor Hugo: Hoan hô. Tuy nhiên tôi mong sự “sang trọng” đáng ngưỡng mộ đó phải được coi là bình thường, chứ không nên là một động thái “gồng lên” thiếu tự nhiên.

Hình như có một nhà văn Việt Nam từng viết “Tôi cùng đau khổ với nhân dân tôi, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi nước mắt”. Mà nhân dân có mấy người đi hội nghị đâu!

Lê Thị Liên Hoan
.
.