Phỏng vấn nhà văn

Thứ Hai, 16/12/2024, 13:32

PV: Thưa anh, sự nghiệp của nhà văn là viết ra những điều khiến mọi người suy nghĩ đúng không ạ?

Nhà văn: Đúng đấy. Và có nhiều câu văn ngắn nhưng được xã hội nhắc tới rất lâu vì họ thấy áp dụng đúng.

PV: Xin anh thử ví dụ một ý coi?

pv nha van - mh le tam angt 12 - 2024.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

Nhà văn: Vâng. Có một đại văn hào nổi tiếng đã viết một dòng nổi tiếng như sau:

"Trên thế giới này làm gì có đường. Người ta đi nhiều mà thành đường thôi".

PV: Hay thật. Nghĩa là đường sá hình thành do nhu cầu đi lại của người dân. Người lưu thông luôn luôn quan trọng nhất.

Nhà văn: Vâng. Và xin mọi người nhớ cho, đường bao giờ cũng nằm trong đất, mà đất đai của nước ta theo pháp luật là sở hữu toàn dân.

PV: Từ đấy suy ra, đường cũng là sở hữu của toàn dân nốt.

Nhà văn: Rất đúng. Bất kể trai gái, bất kể trẻ già, bất kể dân tộc, bất kể tuổi tác và bất kể văn hóa, ai cũng có quyền đi lại trên đường.

PV: Chí lý.

Nhà văn: Cho nên tôi rất ngạc nhiên và buồn cười khi vừa qua, ở Thanh Hóa có một nhóm người ngang nhiên cấm đường chỉ cho một đám cưới lưu thông, và ở Hà Nội có một số ngõ ngang nhiên làm thanh chắn ngăn người ta qua lại.

PV: Kỳ quái!

Nhà văn: Vâng. Đúng là kỳ quái. Hãy tưởng tượng, trên đất nước Việt Nam hàng ngày có hàng ngàn đám cưới và Hà Nội có hàng ngàn con ngõ. Nếu ai cũng rào lại không cho kẻ khác đi qua thì cuộc sống sẽ ra sao?

PV: Lý do gì họ làm thế nhỉ?

Nhà văn: Nói thật nhé, đầu tiên là do họ dốt về pháp luật. Họ tưởng nơi công cộng là cứ làm gì thì làm.

PV: Sau đó?

Nhà văn: Sau đó là sự ích kỷ cá nhân, luôn luôn muốn dành tiện ích cho mình, bất kể cộng đồng.

PV: Có lẽ phải thêm một yếu tố nữa là lòng thông cảm kém. Đáng ra khi thấy mọi người khổ sở vì ùn tắc giao thông thì phải hết lòng tạo thuận tiện cho người khác, chứ không phải ngược lại.

Nhà văn: Cũng phải nói rằng cái lối lấn chiếm, cái kiểu biến của chung thành của riêng ở ta là đã phổ biến và muôn hình muôn trạng. Nào chiếm dụng vỉa hè, nào chiếm dụng lòng lề đường, nào chiếm dụng khoảng không… Ý thức tôn trọng cộng đồng không được giáo dục kỹ và không được xử phạt nghiêm?

Nhà văn: Rõ ràng thế. Cho nên khi Công an TP Thanh Hóa khởi tố nhóm vệ sĩ chặn xe, chắc chắn nhiều người đồng tình nhưng cũng có vài kẻ chưng hửng, họ cứ tưởng việc ấy có thể làm.

PV: Do đó, gần đây có nhiều vụ khởi tố chưa từng mang tiền lệ.

Nhà văn: Rất hay. Ví dụ như chuyện bắt khẩn cấp những kẻ trả giá cực cao để phá hoại cuộc đấu giá đất do chính quyền tổ chức. Họ nghĩ một việc công là đùa sao? Đã đến lúc tăng cường pháp luật kỷ cương để bất cứ ai làm gì ảnh hưởng đến sự bình yên của cộng đồng phải suy nghĩ.

PV: Nếu nói một cách thẳng thắn thì hành động ngăn đường trong hẻm và hành động chặn xe cho đoàn đám cưới thì mức độ phạm tội là như nhau, chỉ khác một bên tức thời, một bên "chậm rãi". Điều kỳ lạ là chính quyền địa phương ở các con ngõ ấy không can thiệp nhanh chóng.

Nhà văn: Vâng. Chúng ta cứ nói đi nói lại, việc ùn tắc giao thông một phần do cơ sở hạ tầng yếu kém, nhưng phần khác quan trọng hơn là ý thức người dân. Mà ý thức cao nhất là tôn trọng triệt để luật pháp, chứ không phải tìm mọi cách "tranh thủ" có lợi cho mình.

Lê Thị Liên Hoan
.
.