Phỏng vấn một võ sư

Thứ Hai, 04/09/2023, 13:29

Phóng viên (PV): Thưa ông, khi thi đấu, điều quan trọng nhất của võ thuật là chiến thắng phải không ạ?

Võ sư: Sai.

PV: Ơ, sao lại sai?

Võ sư: Trên võ đài, chiến thắng sẽ chẳng quan trọng gì nếu như có được nó bằng cách phạm luật, hoặc bằng các thủ đoạn gian lận.

Phỏng vấn một võ sư -0

PV: À, phải chăng chính vì như vậy cho nên trong nhiều trận đấu, vận động viên chỉ cần “Chiến thắng chính mình”.

Võ sư: Cũng đúng. Nói cho tới cùng, thể thao tồn tại không phải để phân chia cao thấp mà để cho tất cả mọi người cơ hội rèn luyện thể chất và tinh thần.

PV: Nói cách khác, thành tích thể thao không đến bằng huân chương, mà đến bằng số lượng và chất lượng những người dân tham gia rèn luyện. Thể thao không phải chọi gà.

Võ sư: Rất hay.

PV: Vậy chắc ông biết trong thể thao, bóng đá gọi là vua?

Võ sư: Biết chứ. Tuy có một sự bất công khi bóng đá nam được đối xử như vua thì bóng đá nữ chưa chắc được coi là hoàng hậu.

PV: Vậy chắc ông có xem trận đấu rất quan trọng của giải Vô địch Quốc gia khi CLB Bình Dương đá với CLB TP Hồ Chí Minh tuần trước.

Võ sư: Xem chứ. Ai cũng biết kết quả của trận đấu vô cùng quan trọng, bởi bên nào thua có khi phải xuống hạng.

PV: Nhưng nếu hai đội đó hòa thì họ ung dung ở lại, còn Đà Nẵng mới rớt xuống hạng nhất Quốc gia.

Võ sư: Gọi là hạng Nhất cho oai, chứ thật ra là hạng Nhì. Mà trong bóng đá, đôi khi ở hạng Nhì coi như thất bại.

PV: Trước khi vòng cuối cùng khởi tranh, rất nhiều khán giả nói đã biết thừa kết quả.

Võ sư:  Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh và Bình Dương sẽ hòa và khán giả đã đoán không sai.

PV: Với tư cách một võ sư, ông thấy chuyện đó thế nào?

Võ sư:  Đầu tiên, chỉ cần với tư cách người xem, tôi cảm giác mình bị lừa. Các cầu thủ hôm đó không muốn đá. Họ chuyền qua chuyền lại, uể oải trên sân cho tới hết giờ.

PV: Còn với tư cách thể thao?

Võ sư: Trong thể thao, nhất là các môn thi đấu, có một phẩm chất quan trọng vô cùng, có một tinh thần luôn luôn được để lên trên, thậm chí trên tất cả: Đó là tinh thần thượng võ.

PV: Xin ông giải thích thượng võ là gì?

Võ sư: Có nhiều cách hiểu. Nhưng đơn giản nhất là phải thắng hoặc thua đều trong danh dự.

PV: Dạ.

Võ sư: Trong rất nhiều trường hợp, danh dự còn quan trọng hơn cả huân chương. Bởi huân chương mất rồi có thể đạt được, chứ danh dự mất, nhiều lúc mất vĩnh viễn.

PV: À.

Võ sư: Cho nên tất cả các vận động viên trên toàn thế giới, ngay ở những buổi tập đầu tiên đã được nhắc nhở và giáo dục tính thượng võ này.

PV: Họ luôn luôn ghi nhớ.

Võ sư: Luôn luôn. Có cả ngàn, cả vạn những câu chuyện thể thao mà vận động viên được vinh danh dù đứng thứ hạng thứ hai, thậm chí đứng cuối cùng.

PV: Tôi nhớ rồi, ngay trong kỳ SEA Games vừa qua, Thủ tướng Campuchia đã tặng thưởng rất cao cho một nữ vận động viên nước mình dù cô về bét. Bởi cô cứ chạy khi tất cả các đối thủ đã xong. Cô ấy khiến cho cả nước Campuchia tự hào, có khi còn hơn nếu khi vô địch.

Võ sư: Rất đúng, nói tóm lại, thượng võ là thi đấu hết sức. Thi đấu trung thực và có danh dự cho tới phút cuối cùng.

PV: Và điều ấy không hề thấy trong trận CLB TP Hồ Chí Minh đá với Bình Dương?

Võ sư: Chẳng thấy một phút nào. Như vậy sao gọi là thể thao. Đó là mưu mô, là ăn gian, là không tôn trọng khán giả và tôn trọng mình. Tiếc thay, bóng đá Việt Nam chả thiếu những trận đấu kiểu này.

PV: Buồn chưa?

Võ sư: Không phải buồn thôi đâu. Nếu nói nghiêm khắc ra là nhục. Hai đội bóng ấy đã làm mất đi điều cao quý nhất!

Lê Thị Liên Hoan
.
.