Phỏng vấn một tỷ phú

Thứ Bảy, 24/06/2023, 08:11

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông đang làm gì mà ngây ra thế?

Tỷ phú: Tôi ngạc nhiên và tôi ngơ ngác.

PV: Vì điều gì thưa ông?

Tỷ phú: Vì mới vài ngày trước, theo các nguồn tin chính thức, Việt Nam có vài ngàn người siêu giàu, tức là tài sản khoảng vài trăm tỉ đồng, nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cá nhân giàu có nhanh nhất hành tinh.

Phỏng vấn một tỷ phú -0
Minh họa: Lê Tâm

PV: Đó là một tin tốt chứ? Thưa ông?

Tỷ phú: Rất tốt. Ai cũng biết câu khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh” mà.

PV: Còn ông ngơ ngác về cái gì?

Tỷ phú: Ngơ ngác vì thống kê ấy còn xa thực tế. Việt Nam có số dân là triệu phú đô la, tức tài sản hơn hai chục tỉ đồng nhiều nhất thế giới. Chắc chắn.

PV: Do đâu ông khẳng định thế?

Tỷ phú: Do bước xuống đường!

PV: Ơ kìa, bước xuống đường?

Tỷ phú: Chính xác. Chỉ cần bước xuống đường ở Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội là gặp tỷ phú đông đúc, đi lại nghẹt phố phường.

PV: Ông đùa hay sao vậy?

Tỷ phú: Không hề đùa. Tôi là dân kinh doanh mà. Dân kinh doanh luôn phải chính xác đến từng xu.

PV: Thế số tỉ phú Việt Nam ấy ở đâu ra?

Tỷ phú: Ở trong nhà chứ đâu? Này nhé, tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, có hàng trăm con đường, trên các con đường ấy có hàng triệu căn nhà mặt phố. Ai cũng nhìn thấy, bất kể tuổi tác, bất kể trình độ.

PV: Công nhận.

Tỷ phú: Mà mỗi căn nhà phố đó, bao nhiêu tiền, nhà báo có biết không?

PV: Biết chứ, ít nhất là vài chục tỉ.

Tỷ phú: Đúng. Không khi nào dưới vài chục tỉ. Mà đâu phải biệt thự hay villa gì. Toàn nhà ống mà thôi.

PV: Vậy tại sao nó đắt?

Tỷ phú: Tại vì những căn nhà đó không phải chỉ để ở. Thậm chí ở chả có gì hay ho, vì đa số nóng bức, không thông thoáng. Chúng đắt do chúng là mặt tiền. Chúng là cửa hiệu.

PV: Cửa hiệu?

Tỷ phú: Đúng. Gần như không có nhà mặt phố nào ở TP   Hồ Chí Minh hay Hà Nội chỉ để cư trú. Chúng luôn luôn là cửa tiệm.

PV: Bán cái gì?

Tỷ phú: Bán không sót một cái gì: Quần áo, bánh kẹo, đồ ăn, cắt tóc, gội đầu… Nói không ngoa, thành phố như một cái chợ khổng lồ, mở suốt ngày suốt đêm. Tôi có thể cam đoan rất ít thành phố nào trên thế giới như thế.

PV: Công nhận.

Tỷ phú: Cho nên giá trị mỗi căn nhà phố ở Việt Nam thật ra là giá trị cửa hàng mà nó mang lại. Nhiều gia đình ở tầng trên chỉ cho thuê tầng dưới là đủ sung túc cả đời.

PV: Công nhận.

Tỷ phú: Mua một căn nhà phố ở Việt Nam không phải là mua nơi cư trú, mà mua một cái hộp in tiền, ít nhiều tùy vị trí, tùy diện tích.

PV: Chả có gì sai.

Tỷ phú: Không có gì sai. Nhưng xu hướng đó đang tan vỡ. Và tan vỡ rất nhanh. Tôi khẳng định.

PV: Vì sao?

Tỷ phú: Vì môi trường kinh doanh, vì phương pháp kinh doanh đã và đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt. Khách hàng hoặc mua trực tuyến, hoặc là vào các trung tâm thương mại.

PV: Đúng rồi.

Tỷ phú: Tiền mặt bằng tức tiền thuê địa điểm luôn chiếm một tỷ lệ rất cao trong dịch vụ và đã tới lúc những người kinh doanh không thể chấp nhận hoặc không thể chịu nổi điều đó.

PV: Hậu quả?

Tỷ phú: Hậu quả là báo chí, tivi liên tiếp đưa tin các mặt bằng đua nhau đóng cửa, kể cả các mặt bằng trước đây ai cũng mơ ước. Xu thế đó tôi cam đoan sẽ không bao giờ đảo ngược.

PV: Dẫn đến tình trạng nhà chỉ còn để ở, không còn là cửa tiệm bán buôn nữa.

Tỷ phú: Chắc chắn. Toàn thế giới đều như thế. Sẽ không còn bao nhiêu người “Sinh ra đã là triệu phú” vì chào đời trong căn nhà mặt phố nữa. Đó là điều không thể nghi ngờ.

PV: Nói cách khác, tỉ phú phải lao động, tỉ phú không được thừa kế?

Tỷ phú: Quá hay.

Lê Thị Liên Hoan
.
.