Phỏng vấn một tảng băng

Thứ Bảy, 21/08/2021, 10:36

Phóng viên (PV): Thưa chị, ở Việt Nam không có băng tuyết, đúng chứ ạ?

Băng: Vâng. Nhưng hôm nay rất nhiều người Việt đã đi du lịch hoặc đi học tập ở nước ngoài, họ đã thấy băng, đã trượt băng, thậm chí leo lên núi băng.

PV: Cảm giác của họ nhìn chung thế nào?

Băng: Tất cả gần như đều nhất trí là băng đẹp và lấp lánh, đặc biệt là băng trôi.

PV: Tại sao vậy ạ?

Băng: Tại dễ hình dung lắm. Mặt biển thì xanh biếc, núi băng thì long lanh, mặt trời chói sáng, mây trắng thì nhấp nhô. Vô cùng tráng lệ.

PV: Ồ, tôi cũng có dịp vài lần nhìn thấy các cảnh đó trên ti vi. Tráng lệ thật.

Băng: Nhưng chắc cả thế giới đều nhớ tàu Titanic chìm vì đâm vào một núi băng tráng lệ như thế.

PV: Tại sao họ đâm nhỉ, vì băng trắng tinh dễ thấy vô cùng.

Băng: Họ đâm vào phần băng chìm, phần đó lớn khủng khiếp, nhưng không hề lấp lánh. Nó lạnh buốt, nó ngập trong nước và im lặng âm thầm.

PV: Chị nói như vậy có ý gì?

Băng: Có ý liên hệ với nạn dịch COVID-19 đang diễn ra ở các thành phố nước ta, đặc biệt là Sài Gòn.

PV: Ôi, tôi không thấy có liên hệ nào giữa Sài Gòn và núi băng cả, vì Sài Gòn quanh năm ngập nắng.

Băng: Vâng. Và nếu như là một nghệ sĩ, anh có thể đi qua đường quan sát bằng con mắt đa cảm của mình, anh sẽ thấy Sài Gòn phút này thế nào?

PV: Tôi và các bạn tôi đã đi và đã nhìn nhiều ấy chứ. Chưa kể còn mang theo máy ảnh chụp suốt đêm ngày.

Băng: Tôi biết. Tôi đã nhìn hàng trăm các bức ảnh như thế trên mạng.

PV: Chúng ra sao hả chị?

Băng: Chúng diễn tả những đường phố rộng thênh thang, những hàng cây rợp mát, im lìm, những tòa cao ốc vĩ đại tỏa bóng trầm mặc, những công viên phủ kín lá vàng, những quảng trường chỉ có chim thơ thẩn, những mái chùa cong in bóng lên trời.

PV: Tuyệt đẹp.

Băng: Phải. Tuyệt đẹp. Đẹp đến mê hồn và xao xuyến, thêm chút ngưỡng mộ, bâng khuâng. Y như nhìn vào phần nổi của một núi băng hùng tráng trên đại dương bao la.

PV: Sao chị vừa nói vừa thở dài?

Băng: Vì phần chính của tôi, phần chìm hầu như không phóng viên nào chụp.

PV: Họ muốn chụp lắm, nhưng họ không thấy chị ơi. Băng chìm ở dưới nước, nước sâu, không cho ánh sáng xuyên qua.

Băng: Nhà báo nói đúng. Các nhà nhiếp ảnh của chúng ta chụp bằng ánh sáng, nhưng đáng lẽ họ còn phải chụp bằng tâm hồn nữa.

PV: Tâm hồn?

Băng: Vâng. Để tôi nó thẳng thế này nhé, gần như tất cả các tấm ảnh Sài Gòn cách ly mùa dịch đều chụp những con đường đại lộ, những cao ốc chọc trời hoặc những danh lam thơ mộng khi đông đúc chúng đẹp, khi vắng vẻ chúng lại mang một vẻ đẹp khác đến nao lòng.

PV: Đúng quá.

Băng: Nhưng than ôi, tôi biết chắc 70% dân Sài Gòn sống trong hẻm, thậm chí nhiều hẻm nhỏ, rất nhỏ, rất rất nhỏ.

PV: Vâng.

Băng: Trong các căn hẻm đó không có gì vươn lên trời, không có gì trải rộng bao la, không có một thiếu nữ xa xa mặc áo dài thơ thẩn.

PV: Vâng.

Băng: Trong các căn hẻm đó, đa số căn nhà chỉ chục mét vuông, mái tôn tường gạch mỏng, không máy lạnh, không có mảnh sân lẫn cả bờ rào.

Những căn nhà trong hẻm nếu nói tiêu chuẩn hôm nay, thực chất chỉ là căn phòng. Chúng nhiều khi chỉ là chỗ ngả lưng qua đêm chứ không phải chỗ thư thái chiêm nghiệm của hàng triệu sinh linh.

PV: Vâng.

Băng: Trong các căn hẻm đó, bao nhiêu ngày tháng trẻ con chạy chơi bên ngoài, bà già ngồi ngay bệ cửa, ông già hoặc chàng trai sát lưng vào tường uống cà phê đen. Đi một chiếc xe máy vào đó nhiều lúc cũng khó.

PV: Vâng.

Băng: Khi một cao ốc cách ly, nhân viên xuống thang máy, bảo vệ tắt đèn, tắt máy lạnh và bấm điện cho cửa tự động chạy xuống.

PV: Xong.

Băng: Còn khi một con hẻm cách ly, bà già vào nhà, ông già vào nhà, trẻ con vào nhà, chó mèo vào nhà, những căn nhà có khi chỉ chục mét vuông hầu hết không máy lạnh, ít cửa sổ, không hề có tiếng lá trên đầu nghe xào xạc đu đưa, không hề có “view” nhìn ra thành phố nhấp nháy ánh đèn.

PV: Ừ nhỉ.

Băng: Cách ly với rất nhiều người trong chúng ta chỉ là sự cô đơn, sự cảm thụ một cách lạ lùng. Thậm chí là một cơ hội để nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống. Nhưng cách ly với hàng triệu triệu người lao động trong hẻm nhỏ là một sự trải nghiệm không kèm theo chút lãng mạn nào.

PV: Ôi.

Băng: Phải nhìn thấy điều đó, phải nhận ra điều đó mới thật sự là nghệ sĩ, mới thật sự là lãnh đạo. Đúng không nhà báo?

Muốn hiểu chữ cách ly thật sâu sắc, phải đi vào hẻm chứ đừng chạy xe quan sát mặt tiền.

PV: Vâng.

Băng: Tàu Titanic hùng tráng chìm vì đâm vào phần không thấy của băng. Mỗi người chúng ta phải nhớ điều đó và nhớ toàn tâm toàn ý lo lắng cho phần chìm của thành phố thân yêu này. Phải cảm thấy đau đớn thật sự chứ đừng thơ mộng nó lên.

PV: Theo khoa học, phần chìm ấy chiếm tới ba phần tư thể tích của tất cả các ngọn núi băng vĩ đại.

Băng: Theo cảm xúc thì cũng phải như thế.

Lê Thị Liên Hoan
.
.