Phỏng vấn một nghệ sĩ

Thứ Ba, 18/04/2023, 10:37

Phóng viên (PV): Thưa ông, niềm mơ ước lớn lao của các nghệ sĩ trên đời là gì ạ?

Nghệ sĩ: À, đơn giản lắm mà cũng cao quý lắm, đó là có đông khán giả.

PV: Vậy làm thế nào để đếm được lượng khán giả, thưa ông?

Nghệ sĩ: Có nhiều cách. Nhưng cách phổ biến và thông thường là đếm vé bán ra khi nghệ sĩ biểu diễn.

PV: A, vé. Đây là một chủ đề đang rất nóng mấy hôm nay, khi Ban quản lý phố cổ Hội An có phương án bán vé cho khách vào tham quan.

Nghệ sĩ: Ơ kìa.

PV: Ơ kìa cái gì ạ?

Nghệ sĩ: Tôi vô cùng kinh ngạc trước dự định đó. Tôi bàng hoàng, tôi sửng sốt, tôi sợ hãi và tôi… buồn cười.

PV: Tại sao buồn cười ạ?

Nghệ sĩ: Tại vì thứ nhất, phố cổ Hội An không phải là nhà hát. Ở đây người dân không “diễn” mà đang “sống”. Làm sao có thể mua vé để nhìn cuộc sống nhỉ?

PV: Ừ. Quá đúng. Sống không phải là tiết mục. Sống không phải là phim, không phải kịch, không phải tấu hài. Sống là… sống.

Nghệ sĩ: Thứ hai, Hội An không phải là một bảo tàng. Tất cả các bảo tàng trên đời đều có hiện vật đóng khung, phải treo tủ kính hoặc cấm sờ vào. Còn ở Hội An, người ta được ăn, được ngủ, được chơi và được làm nhiều thứ khác; được sờ nắm và nhảy múa, chui ra chui vào thì làm sao bán vé. Bảo tàng có giờ mở cửa, có kiểm kê, có canh phòng khắp nơi, còn Hội An thì không bao giờ như thế. Vậy thì làm sao bán vé hả trời?

PV: Dạ, tôi cũng đang tự hỏi câu đó.

Nghệ sĩ: Mà ngay như có coi Hội An là bảo tàng đi nữa thì cũng có rất nhiều quốc gia trên thế giới, bảo tàng mở cửa tự do.

PV: Ví dụ như nước Anh chẳng hạn.

Nghệ sĩ: Thứ ba, bán vé là để vào cửa. Nhưng Hội An làm gì có cửa? Nhân dân đã, đang và sẽ tìm ra hàng ngàn cách để vào, để sờ mó và hòa mình với Hội An. Biết bao nhiêu cửa cho vừa và biết bao nhiêu người soát vé. Còn nếu rào lại để chừa vài lối thì Hội An biến thành doanh trại ư?

PV: Dạ.

Nghệ sĩ: Thứ tư, Hội An nói rộng ra là sở hữu toàn dân Việt Nam. Nó không phải là tài sản của công ty, cũng không phải là công trình của doanh nghiệp nào đó có thẩm quyền quyết định. Đừng nghĩ đơn giản Hội An ở đâu thì địa phương ở đấy sở hữu. Nhầm to.

PV: Trên thế giới thì sao?

Nghệ sĩ: Thế giới cũng vậy thôi. Không có chuyện ông thị trưởng Paris muốn bán Tháp Eiffel là được.

Thứ năm, tại sao du khách khắp năm châu đổ tới Hội An hả nhà báo?

PV: Tại ở Hội An người ta thấy mình hòa tan trong quá khứ.

Nghệ sĩ: Quá đúng. Trong nghệ thuật làm cho khán giả chìm đắm vào tác phẩm là mơ ước của mọi nghệ sĩ thì Hội An cũng trở nên cao quý khi cho du khách chìm đắm vào mình. Mà muốn chìm đắm thì cảm xúc phải tự nhiên. Tự nhiên nhất là bước vào lúc nào, chính ta cũng không biết. Sự mua vé sẽ bóp chết điều này.

PV: Nghĩa là cái vé sẽ khiến Hội An có ranh giới, trong khi ranh giới là kẻ thù của hoài niệm.

Nghệ sĩ: Chính xác.

PV: Ông ạ, có thể những người quản lý Hội An nghĩ tới kinh doanh.

Nghệ sĩ: Nhưng chính trong Hội An, người dân cũng đang kinh doanh. Người dân đang bán sản phẩm, đang cho thuê khách sạn, đang bán đồ lưu niệm. Tại sao khách phải mua vé để được có quyền mua các thứ tiếp theo.

PV: A.

Nghệ sĩ: Thêm nữa, người Hội An không sống trên đảo hoang. Người Hội An có cha con, họ hàng, bạn bè, vợ chồng ở khắp nơi trên đất nước. Nghĩa là từ nay, một người mẹ Sài Gòn đến thăm con gái ở Hội An phải mua vé mới được ôm nó vào lòng?

PV: Ôi, ôi. Không dám nghĩ nữa ạ.

Nghệ sĩ: Nói cách khác, Hội An đang tồn tại như một dạng tâm hồn. Tâm hồn không cách nào và không được phép thu kinh phí mới có quyền cảm nhận!

Lê Thị Liên Hoan
.
.