Phỏng vấn một giáo sư
Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, sao ông có vẻ lo lắng và buồn thế?
Giáo sư: Làm sao mà tôi vui cho được khi theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam gần đây.
PV: Ái chà, cụ thể là những doanh nghiệp nào, thưa ông?
Giáo sư: Khá nhiều. Đặc biệt là những nơi có tính gia công, chế biến, lắp ráp.
PV: Vì sao vậy?
Giáo sư: Vì rõ ràng là gần một năm nay, các doanh nghiệp ấy rất lao đao, phải cắt giảm lao động liên tục vì không nhận được đơn hàng.
PV: Và kéo theo hệ quả là cả trăm ngàn công nhân thất nghiệp hoặc nửa thất nghiệp.
Giáo sư: Tất nhiên. Điều ấy bất cứ ai cũng rõ. Nhưng gần như ai cũng nghĩ đó là hậu quả khách quan của các sự biến động sau dịch bệnh.
PV: Vâng.
Giáo sư: Trên các diễn đàn người ta nói như thế, trên báo chí, trên ti vi người ta cũng nói như thế, và rất nhiều vị quản lý, lãnh đạo cũng tin như thế nốt.
PV: Còn ông thì sao, thưa giáo sư?
Giáo sư: Với tư cách một nhà khoa học, tôi đồng ý dịch bệnh cũng là một nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân khác lớn hơn, cấp bách hơn đang phát triển rất nhanh và không thể đảo ngược.
PV: Và không thể qua như dịch bệnh?
Giáo sư: Đúng như vậy. Không thể qua như dịch bệnh vì nó không phải là một tai họa ngẫu nhiên. Nó là sự phát triển tột bậc của trí tuệ con người.
PV: Ôi, gì vậy, thưa ông?
Giáo sư: Trí thông minh nhân tạo. Đây là một ngành đang phát triển như vũ bão và có ảnh hưởng cực kỳ to lớn, cực kỳ nhanh chóng đến xã hội loài người.
PV: Thưa giáo sư, nghe điều ấy rất hay, nhưng thú thực có lẽ xa xôi và vĩ mô quá.
Giáo sư: Thứ nhất nó không hề xa xôi. Thứ hai, công nghệ ngày nay đang từng phút từng giây biến những sự vĩ mô đó cực nhanh vào cuộc sống hàng ngày.
PV: Xin giáo sư nói cụ thể hơn?
Giáo sư: Trí tuệ nhân tạo suy cho cùng, trong tất cả các lĩnh vực, chỉ nhằm một mục đích giải phóng sự lao động của con người.
PV: Và nâng cao năng suất?
Giáo sư: Chính xác. Khi đi vào thực tế, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay mỗi cá nhân trong rất nhiều thao tác dù phức tạp tới đâu.
PV: Ví dụ như lái xe chẳng hạn?
Giáo sư: Đúng. Lái xe là một việc rất phức tạp, đòi hỏi hàng triệu những phản ứng rất ngẫu nhiên. Nhưng cứ mỗi phút hôm nay, thế giới lại xuất hiện hàng loạt xe tự lái.
PV: Và hệ quả là tài xế taxi hết việc làm.
Giáo sư: Điều ấy đã, đang, sẽ xảy ra, hơn nữa tôi cam đoan xảy ra nhanh đến mức rất nhiều người chúng ta không ngờ tới.
PV: Xin giáo sư trở lại Việt Nam.
Giáo sư: Vâng. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam của chúng ta là gia công chứ không phải tự sản xuất, có nghĩa chúng ta ít sáng tạo, mà chủ yếu là thực hiện các khuôn mẫu sáng tạo từ nước ngoài.
PV: Cái đó ai cũng biết.
Giáo sư: Có nghĩa là sức khỏe nền kinh tế của Việt Nam quá phụ thuộc vào nhân công giá rẻ và chi phí bảo vệ môi trường thấp.
PV: Cái đó ai cũng biết luôn.
Giáo sư: Nhưng trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi tất cả. Sự tự động hóa ở mức độ cực cao. Sẽ tối ưu hơn sức lao động của con người dù chúng có rẻ tới đâu.
PV: Ví dụ?
Giáo sư: Ví dụ như ở Đức, cách đây mấy ngày người ta vừa xây một căn nhà bằng phương pháp in 3D và xây trong 24 tiếng và cần 3 người thợ.
PV: Ôi trời... Thế thì sắp tới Đức sẽ không nhập khẩu công nhân nữa.
Giáo sư: Đúng vậy. Khắp nơi trên thế giới ở từng phút, thay thế những giá trị lao động mà cách đây vài năm chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng có thể mất đi.
PV: Cho nên giáo sư lo lắng?
Giáo sư: Tôi lo lắng một cách có cơ sở, nếu các doanh nghiệp của chúng ta cứ tự trấn an là sự mất đơn hàng đang có do dịch bệnh thì đã sai lầm. Sự mất này có thể sẽ không bao giờ hồi phục, thậm chí ngày càng trầm trọng mà thôi.
PV: Chúng ta không thể giải quyết bằng cách cầm cự, mà phải thay đổi tận gốc?
Giáo sư: Thậm chí thay đổi một cách quyết liệt.
PV: Tôi không lo lắng quá như ông, thưa giáo sư. Tôi vẫn có cơ sở lạc quan. Chẳng hạn dệt may bớt đơn hàng, nhưng sản xuất cá hay tôm thì làm sao mất được?
Giáo sư: Nhà báo nhầm rồi. Trí tuệ nhân tạo sẽ làm ra con cá và con tôm không khác gì đồ thật và lại ngon hơn, rẻ hơn, không phá hoại môi trường. Rất nhanh thôi. Tin tôi đi.