Phỏng vấn một con dấu

Thứ Ba, 29/04/2025, 11:20

PV: Xin chào anh Dấu, anh khỏe đều chứ?

Dấu: Cảm ơn nhà báo! Nhờ giời, tôi vẫn đủ sức đóng dấu cồm cộp mỗi ngày.

PV: Cứ thấy hình anh tròn xoe đỏ chót trên giấy tờ là sung  sướng dâng trào. Ai cũng yêu dấu. Chả thế mà người ta hát ra rả bài "Người yêu dấu ơi".

Phỏng vấn một con dấu -0
Minh họa: Lê Tâm

Dấu: Nhà báo khéo chơi chữ quá. Nhưng quả thật, gia tộc nhà tôi được nhiều người ngày mong đêm ngóng. Họ hàng tôi thì không phải ai cũng hình tròn đâu, mà đa dạng đấy. Có khi là chữ nhật, bầu dục, vuông, các kiểu…

PV: Thật là danh gia vọng tộc!

Dấu: Không dám. Chúng tôi sinh ra với nhiệm vụ khác nhau, có khi chỉ là con dấu hành chính bình thường bằng gỗ, cao su, đồng gắn với các đơn vị hành chính gần dân, nhưng cũng có thể bằng vàng, ngọc nếu là ấn tín của quan lại hoặc ngọc tỷ của hoàng đế. Quốc ấn chi bảo lâu lâu mới đóng một nhát, ít nhưng mà chất. Cộp một nhát làm quốc nội hùng cường, bang giao kết nối. Không dám nhận cho riêng mình sự cao quý, nhưng tôi cũng không giấu chút tự hào vì con dấu vừa là công cụ hành chính, vừa là biểu tượng niềm tin. Khi có con dấu, người ta yên tâm rằng mọi dối trá bị loại trừ.

PV: Nói anh đừng buồn, hình ảnh của anh cũng bị người ta làm giả đấy. Có một tỉnh phía Nam phát hiện thu giữ của một nhóm đối tượng hơn 700 con dấu giả danh nghĩa của những cơ quan quan trọng. Chao ôi…

Dấu: Đáng buồn thật nhà báo ạ. Quả thật nhìn dấu nhái giống dấu thật như hai giọt nước.

PV: Lại có những trường hợp mà dấu thì thật nhưng nội dung lại giả. Có trường đại học cấp hàng tá văn bằng hai cho học viên, nhưng họ không phải đi học. Người ta gọi tắt là mua bằng. Có bằng dấu thật, chữ ký thật chính thức của trường nhưng học viên không có kiến thức. Anh nghĩ trách nhiệm của mình ở đâu?

Dấu: Thật xấu hổ phải chấp nhận điều trớ trêu này. Khổ thân tôi lắm. Dù sao thì tôi cũng chỉ là một vật để cho người ta túm lưng nhấc lên, rồi ấn xuống giấy tờ thôi. Tôi cũng giống như một cái logo. Việc dùng logo phục vụ điều gì lại do tâm địa con người điều khiển.

PV: Những điều tiêu cực luôn có một avatar đẹp đẽ.

Dấu: Đọc báo nhiều sẽ thấy những kẻ lừa đảo thường có cái tên nhã nhặn, chức danh nghiêm túc, ngôn ngữ thì đạo lý… Đó là cả một chuỗi mà bây giờ gọi là "phông bạt". Về bản chất thì vẫn là phục vụ cái giả tạo. Kẻ đeo mặt nạ chính trực cao thượng gọi là ngụy quân tử. Dùng xảo ngôn trá ngữ biến đen thành trắng thì gọi là ngụy biện. Làm giả bối cảnh, tài liệu, chứng cứ có chủ đích thì là ngụy tạo. Danh xưng không đúng thực chất là ngụy danh. Dàn dựng chứng cứ giả mạo thì gọi là ngụy chứng…

PV: Gần đây, trong một số học giả, có sự thận trọng trong việc dùng từ "ngụy" khi nhắc tới một chế độ đã sụp đổ từ 30/4/1975. Họ cho rằng cần phải gọi đúng tên trong giấy tờ thì mới khoa học. Điều này có thể thấy trong tài liệu, phim ảnh, văn học nghệ thuật…  Theo anh, gọi thế nào cho thích hợp?

Dấu: Cách nghĩ đó làm tôi phì cười. Tên trên giấy tờ tất nhiên hào nhoáng cho dù lịch sử đã cho thấy đó là giấy tờ bất hợp pháp do ngoại bang phù phép. Định danh trên văn bản là cần thiết trong giới hạn nghiên cứu, bởi cái tên trên giấy tờ giống như một từ khóa đó gắn với nhiều trường dữ liệu. Điều đó cho thấy bản chất không thay đổi dù đặt tên mỹ miều đến đâu. Tuy nhiên, nếu máy móc theo cái tên trên giấy tờ thì lại là một kiểu hợp pháp hóa một chế độ bù nhìn và gây hiểu sai cuộc đấu tranh chính nghĩa suốt 117 năm chống xâm lăng và giải phóng dân tộc. Để lịch sử không phai mờ và truyền cho con cháu biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập tự do thì cần hiểu giả không thể là thực, ngụy không thể là chân được.

PV: Xin cảm ơn! Chúc anh khỏe mạnh!

Lê Thị Liên Thông
.
.