Phỏng vấn một con cọp đề nghị “phong sát” nghệ sĩ

Thứ Bảy, 20/05/2023, 21:15

Phóng viên (PV): A, chào anh Cọp, anh đang trong tư thế gì mà kỳ quái thế kia?

Cọp: Tôi suy tư!

PV: Trời đất ơi! Việc của anh là gầm thét, chạy nhảy, bắt mồi, chứ suy tư là chuyện của con người.

Cọp: Khổ quá. Nhưng chính tôi lại đang suy tư về người đây.

Phỏng vấn một con cọp đề nghị “phong sát” nghệ sĩ -0
Minh họa: Lê Tâm

PV: Ơ, lý do?

Cọp: Lý do là chả hiểu tại sao hiện nay trong xã hội loài người lại có vài cá nhân đề nghị phải “phong sát” nghệ sĩ.

PV: Khoan đã. “phong sát” là gì?

Cọp: Nói đơn giản là trừng trị, là cấm đoán, là “đập chết” những nghệ sĩ nào mắc lỗi về pháp luật và đạo đức.

PV: Ghê nhỉ.

Cọp: Quá ghê. Này nhà báo có biết tại sao cọp chúng tôi chả bao giờ cả trăm năm nay chưa dám vác mặt về thành phố không?

PV: Biết chứ. Vì thành phố không phải khu rừng.

Cọp: Đúng. Thành phố không phải khu rừng; hay nói một cách cao quý hơn, thành phố không xài luật rừng.

PV: Mà luật rừng là gì?

Cọp: À, cái đó tôi biết rất rõ. Luật rừng là to bắt nạt nhỏ, lớn bắt nạt bé. Luật rừng thiên về trừng trị. Luật rừng không có giáo dục, cải tạo, không có một thứ cơ bản là tính nhân văn. Rừng sâu mãi mãi như vậy.

PV: Vâng. Nhân văn là luật của người, không phải của cọp!

Cọp: Với tư cách chúa tể rừng xanh, cọp ra luật dựa trên sức mạnh. Với tư cách con người, các vị ra luật dựa trên sự công bằng.

PV: Chắc chắn công bằng là giá trị cốt lõi của thành phố, nơi mà cọp, sư tử, cá sấu, tê giác... không thể trị vì.

Cọp: Chính xác. Mà đã công bằng thì áp dụng cho tất cả, từ người nghèo tới người giàu, từ ông tiến sĩ tới chú xe ôm, và từ cô bán xôi cho tới chàng nghệ sĩ.

PV: Vâng. Anh dạy chí phải.

Cọp: Thế thì tại sao nghệ sĩ phải có một hình phạt riêng, phải nhận một lối trừng trị riêng gọi là “phong sát”? Tại sao vài cá nhân đề nghị trong luật hình sự lại có một “phụ lục” như thế.

PV: Chắc tại vì nghệ sĩ có nhiều ảnh hưởng đặc biệt nên phải chịu hình phạt đặc biệt.

Cọp: A, nếu cứ lý luận như vậy thì trong rừng, cọp có sức mạnh đặc biệt nên phải có ưu đãi đặc biệt ư?

PV: Không. Chỉ trong rừng mới vậy!

Cọp: Nhưng với cái đề nghị “phong sát” đó, có vẻ nhiều vị đang muốn biến thành phố thành rừng.

Tôi phản đối bất cứ một sự ưu ái nghệ sĩ nào về luật pháp. Nhưng tôi cũng phản đối một sự kỳ thị nào với họ.

Một tử tù còn có thể đặc xá, một nhà văn lớn có thể xuất thân từ tội phạm khổ sai. Xã hội loài người đã tiến hóa ra khỏi rừng từ chính điều vĩ đại ấy. Các vị quên à?

PV: Không. Không quên. Nhưng anh cọp ạ, nói thật là nhiều lúc có vài nghệ sĩ “đáng ghét” quá khiến người ta bực, mà lúc bực người ta thiếu bình tĩnh.

Cọp: Tại sao dữ dằn như cọp mà còn sắp tuyệt chủng? Tại vì lắm kẻ bực cọp dẫn đến hạ sát lung tung. Đã mang danh con người, đã tự nhận là có tâm hồn, có trái tim, có kiến thức, phải biết kìm nén những nỗi “bực” kiểu đó thì thành phố mới lành mạnh được.

Nhà báo có biết câu gì nổi tiếng nên viết ở cổng mỗi trường luật trên thế giới này không?

PV: Không.

Cọp: Đó là dòng chữ “Luật sinh ra không phải để trả thù”.

PV: Tóm lại, anh đề nghị gì?

Cọp: Tôi đề nghị đối xử với mọi nghệ sĩ như mọi công dân, nếu phạm tội là kết án, nếu hết án thì có quyền là con người với đầy đủ sự bình đẳng.

PV: Nhưng cọp ơi, có một thứ mà anh sẽ không khi nào mang, chỉ loài người mới có thôi. Đó là lương tâm. Công chúng hay dùng những thứ đấy để xét xử nghệ sĩ trước cả cảnh sát và quan tòa.

Cọp: Một xã hội văn minh sẽ gắng khiến cho pháp luật gần lương tâm nhất chứ không khi nào cố chia cắt nó.

Lê Thị Liên Hoan
.
.