Phỏng vấn một bác sĩ
PV: Kìa bác sĩ, chúng ta đi uống cà phê không? Trời hôm nay đẹp quá.
Bác sĩ: Ăn uống nỗi gì. Tôi phải đi đây, tôi vội lắm, vội vô cùng.
PV: Việc gì mà khẩn cấp thế, cấp cứu à?
Bác sĩ: Đúng là cấp cứu, đã thế lại cấp cứu rất đông người, đông lắm.
PV: Trời đất, đông tới cỡ nào?
Bác sĩ: Úi chà, ít nhất phải vài chục, có khi tới cả trăm.
PV: Chết chết, ngộ độc thực phẩm ư? Có ai làm sao không? Có nguy hiểm đến tính mạng không? Có khiến bệnh viện quá tải không?
Bác sĩ: Còn hơn ngộ độc thực phẩm nhiều lần. Nhưng cho tới phút này chưa thấy ai bị sao cả. Tuy nhiên, nguy lắm, sợ lắm, gay go lắm, hỏng hết rồi.
PV: Hỏng cái gì?
Bác sĩ: Hỏng mắt. Nhà báo ạ. Hỏng nặng quá.
PV: Mắt cận hay mắt viễn?
Bác sĩ: Chả biết. Vì mắt vẫn nhìn được những thứ rất nhỏ, nhưng lại không thấy một đại công trình khổng lồ to bằng cả ngàn con voi.
PV: Ối trời, công trình nào thế? Hoành tráng ghê gớm vậy ư?
Bác sĩ: Công trình xây dựng trái phép năm trăm căn biệt thự ở Đồng Nai.
PV: Mẹ ơi, năm trăm biệt thự?
Bác sĩ: Ừ. Xin nhắc lại là biệt thự nhé, chứ không phải que diêm.
PV: Ơ kìa, nhưng mà ngay cả que diêm thì năm trăm diêm cũng to lắm. Ai có mắt bình thường cũng nhìn thấy nếu xếp chúng lên bàn.
Bác sĩ: Nhưng năm trăm căn biệt thự này không xếp trên bàn mà trên đất. Chắc cũng vài chục héc ta. Vậy mà không ai thấy mới kỳ.
PV: Vô lý, làm sao mà họ không thấy. To hơn vài quả núi vậy cơ mà?
Bác sĩ: Chính các bác sĩ về mắt trong cả nước đang tự hỏi câu đấy. Thậm chí, không cần phải là bác sĩ, chỉ cần người dân thôi cũng đang thắc mắc và kinh ngạc về điều này.
PV: Bởi xây nhà là sao? Là đào đất, là đổ móng, là chở vật liệu hàng ngàn xe tải vận hành, hàng trăm máy trộn bê tông, cần cẩu hoạt động suốt đêm, suốt ngày, suốt năm, suốt tháng như một đại công trường. Nói thật nhé, ngay cả không có mắt cũng nghe thấy, cũng cảm thấy rầm rầm ấy chứ.
Bác sĩ: Đó, đó. Nên chúng tôi cũng đang lo lắng là nhiều quan chức ở Đồng Nai có vẻ không phải kém mắt mà kém cả tai lẫn mũi, nguy cấp vô cùng.
PV: Đúng là nguy cấp thật, nếu để căn bệnh này lây lan cả nước thì tác hại sẽ rất ghê, bác sĩ các anh phải nhanh chân lên, cứu chữa thật cháy bỏng vào.
Bác sĩ: Chúng tôi cũng muốn cháy bỏng lắm, nhưng hình như vụ này không phải chỉ có bác sĩ mới cần lên đường. Khéo cần cả công an, thuế vụ hoặc tài nguyên môi trường cùng phối hợp khám tổng quát may ra mới cứu được.
PV: Ơ kìa, sao lại thế, sao lại có thuế vụ môi trường và công an vào đây.
Bác sĩ: Chứ còn gì nữa. Đây là một ca lớn, có biểu hiện rất đặc biệt và có những triệu chứng bệnh lý cực kỳ phức tạp, không tập trung giải quyết cho rành mạch nếu để xảy ra lây nhiễm hoặc nhờn thuốc thì nguy lắm.
PV: Ai nguy?
Bác sĩ: À, cái đó đúng là tôi không đoán ra được. Có vẻ chính các người kém mắt lại không nguy mà những người dân xung quanh những căn nhà trái phép đó mới đang cảm thấy khó thở.
PV: Tóm lại, đây là một ca bệnh kỳ lạ. Người trong cuộc cứ thản nhiên còn người ngoài lại toát mồ hôi và lên cơn sợ hãi.
Bác sĩ: Đúng thế. Bình thường chúng mình xây nhà riêng chỉ vượt lên một tầng trái phép là các giới chức tới liền, quần cho phát sốt lên ấy chứ. Còn ở Đồng Nai thì những người liên quan tới công trình vĩ đại kia có vẻ giờ phút này vẫn phơi phới, thế mới lạ kỳ.