Phỏng vấn một bác sĩ

Thứ Ba, 21/12/2021, 20:04

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông là người Hà Nội phải không ạ?

Bác sĩ: Sao nhà báo biết?

PV: Vì trên khuôn mặt của tất cả những người Hà Nội hôm nay đều hiện lên nỗi lo lắng chung, đó là dịch bùng phát có vẻ ngày càng mạnh. Mỗi hôm một tăng.

Bác sĩ: Vâng. Thú thực không phải bi quan, nhưng với cương vị của một nhà khoa học và một người con Hà Nội, tôi sợ rằng điều đó rồi sẽ xảy ra trong thời gian ngắn nữa.

pv mot bac si - mh le tam angt 12 ok- 2021.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

PV: Lý do thưa ông?

Bác sĩ: Vì COVID-19 là dịch lây lan qua tiếp xúc trực tiếp và gần. Mà Hà Nội thì ai cũng biết, là một Thủ đô vô cùng náo nhiệt có hàng chục khu phố cổ, chật chội, chen chúc, nhộn nhịp suốt ngày đêm, nổi tiếng thế giới.

PV: Trong những con phố cổ ấy, sự va chạm giữa người với người không những là một thói quen, một điều bắt buộc,  mà còn trở thành một cách sống đặc trưng.

Bác sĩ: Đúng. Cả nửa thế kỷ nay, dân Thủ đô chúng ta đã biến sự chật chội thành ưu thế, thành một nét văn hóa, một đặc điểm riêng và nổi bật đến mức kỳ lạ, trở nên hấp dẫn khách du lịch năm châu. Tất cả những điều đó đều không hợp lý với việc phòng dịch lần này.

PV: Do đó?

Bác sĩ: Do đó tôi tin rằng, dù chính quyền Thủ đô đã làm tất cả những gì có thể, thậm chí đã có những cố gắng tuyệt vời thì việc dịch bùng phát chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

PV: Nói như thế là bi quan chăng?

Bác sĩ: Không. Nói như thế là tỉnh táo. Và chuyện luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất không bao giờ là thừa cả. Kinh nghiệm chống COVID-19 trong hai năm nay đã chỉ ra như thế.

PV: Vậy qua theo dõi việc phòng dịch Hà Nội vừa qua, ông rút ra kết luận gì?

Bác sĩ: Đầu tiên, tôi phải nói rằng đợt dịch này, không hề có tiền lệ, cho nên chuyện vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hay trong quá trình làm có sai lầm hoặc có lúng túng là việc đương nhiên, cả thế giới còn thế nói chi tới Việt Nam và Hà Nội.

PV: Vâng

Bác sĩ: Trong cuộc chiến đối với dịch bệnh này chúng ta phải điều chỉnh và thay đổi các mục tiêu một cách nhanh chóng. Chuyện ấy cũng chả có gì sai.

PV: Từ chỗ truy tìm F1, F2, F3, chúng ta đã cho F0 điều trị tại nhà.

Bác sĩ: Từ chỗ chỉ một người nhiễm đã phong tỏa cả khu phố, chúng ta đã cho trẻ con đi học lại dù đã có gần ngàn người nhiễm bệnh mỗi ngày.

PV: Như thế chứng tỏ điều gì, thưa ông?

Bác sĩ: Chứng tỏ sau hai năm “chiến đấu”, chúng ta đã rút ra một kết luận hiển nhiên “Cuộc sống là trên hết”.

PV: Ơ kìa, điều ấy ngay từ những ngày đầu tiên  người ta đã nói cơ mà?

Bác sĩ: Đúng. Nhưng trước đây ta nghĩ tới cuộc sống của mỗi cá nhân. Bây giờ ta phải nghĩ tới cuộc sống của toàn xã hội hay toàn thành phố.

PV: Xin bác sĩ hãy nói rõ điều này?

Bác sĩ: Chúng ta đã nhận ra rằng xã hội là một cơ thể, muốn tồn tại phải có lưu thông, phải có sản xuất, có cảm xúc văn hóa và có giao lưu. Nghĩa là việc chống dịch có quyết liệt tới đâu cũng không thể làm cho cơ thể đó tổn thương hay ngưng trệ.

PV: Nói cách khác, chúng ta đã thay đổi từ an toàn của mỗi công dân chuyển sang an toàn của cộng đồng.

Bác sĩ: Chính xác. Cho nên tôi có thể khẳng định, dù dịch bệnh có diễn biến tới thế nào, Hà Nội cũng không thể quay lại thời kỳ cách ly, lập chốt, ngăn cản tất cả những sự di chuyển như những ngày trước được nữa. Đó là điều chắc chắn. Cả cuộc sống, cả tình cảm và lý trí đều không cho phép hành động như xưa.

PV: Vậy phương châm phòng chống dịch thì sao?

Bác sĩ: Thì tôi có cảm giác nếu như ngày trước mỗi công dân đều mong chờ chủ yếu vào các biện pháp của chính quyền, thì hôm nay mỗi người phải tự hiểu rằng, cá nhân mình quyết định là chủ yếu. Cá nhân có ý thức phòng dịch hay không sẽ là quan trọng cho bản thân chứ đừng trông chờ vào nhà nước làm hộ.

PV: Đồng ý.

Bác sĩ: Đã tới lúc nhà nước lo sự sống của xã hội, còn mỗi người chúng ta phải biết lo cho sự sống của riêng mình và của gia đình. Chúng ta cách ly với ai, tiếp xúc với ai là do chính mình quyết định chứ không phải chờ vào những mệnh lệnh từ trên.

PV: Cuối cùng, ông tiên đoán thế nào, thưa bác sĩ.

Bác sĩ: Những ngày tới, dịch bệnh ở Hà Nội sẽ mạnh hơn, nhưng chúng ta cũng sẽ mạnh hơn, chắc chắn vậy.

Lê Thị Liên Hoan
.
.