Phỏng vấn một bà già nhân ngày 8/3

Thứ Tư, 16/03/2022, 21:57

Pv: Thưa bà, bà đã trải qua bao nhiêu ngày 8/3 rồi ạ?

Bà già: Tôi không đếm, nhưng chắc chắn đã hơn 60 lần.

PV: Thưa bà, ngày ấy đối với bà có ý nghĩa như thế nào?

Bà già: À, đấy là thời điểm mà tôi nhìn kỹ chồng tôi.

Phỏng vấn một bà già nhân ngày 8/3 -0
Minh họa: Lê Tâm.

PV: Ông nhà đẹp trai chứ ạ?

Bà già: Đẹp thì tôi không để ý. Nhưng có một điều chắc chắn, ông ta hôm nay vô cùng nhút nhát.

PV: Ông nhút nhát ư? Ông ấy sợ gì?

Bà già: Sợ tôi. Sợ vợ bỏ.

PV: Bà ơi, bà đừng đùa.

Bà già: Sao lại đùa. Nhà báo cứ nhìn kỹ mà xem, khi về già, hầu như các ông chồng đều trở nên sợ vợ.

PV: Vì sao vậy, thưa bà?

Bà già: Vì thứ nhất, lúc trẻ họ có quá nhiều tội lỗi. Họ hiểu rằng lúc già, vợ có thể tổng kết các tội lỗi đó, thống kê và phân tích, đay nghiến bất cứ lúc nào.

PV: Nghe ghê quá.

Bà già: Đúng là đáng ghê thật. Khi cùng một tuổi già như nhau, các ông chồng thường yếu hơn bà vợ, và quá khứ lừng lẫy đã ở tít phía sau.

PV: Bồ bịch biến sạch?

Bà già: Biến từ lâu rồi. Đàn ông già đột nhiên thấy mình cần chăm sóc, cần người nấu cơm cho ăn, mua thuốc cho uống, phơi quần áo cho khô. Những thứ đó gái trẻ chả bao giờ làm.

PV: Có nghĩa là đột nhiên vợ già có giá?

Bà già: Hoàn toàn là đúng như vậy. Bà già cao tuổi có thể vui với con cháu và đa số tự phục vụ được mình, còn đàn ông già lúc đó bất ngờ hụt hẫng, bất ngờ phong độ biến sạch dù có tin vào các loại quảng cáo viên nọ viên kia trên ti vi thì sức khỏe cũng xuống dốc không phanh, bỗng dưng trở thành một đứa bé cần chăm sóc.

PV: Ha ha.

Bà già: Cho nên tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều lão chồng, lúc còn trẻ thì tội lỗi đầy mình, hống hách kiêu ngạo, mở mồm ra là quát tháo, dọa dẫm bỏ vợ này vợ kia, đến khi về già bỗng “ngoan” khủng khiếp, mở miệng ra là nói về ân nghĩa với chung thủy, ca những bài ca tươi đẹp về vợ chồng.

PV: Chẳng qua là...

Bà già: Chẳng qua là trời đất đổi thay, biết thân biết phận. Dân gian có câu “thời thế tạo anh hùng”, còn bà già có câu “tuổi tác làm nên đạo đức” và “sợ hãi sinh lễ nghĩa”.

PV: Mà lễ nghĩa phải thể hiện ra trong ngày 8/3.

Bà già: Chứ còn dịp nào tốt hơn? Do đó có nhiều phụ nữ vừa nhận những lời cảm ơn của chồng vừa cay đắng vì hiểu rằng đây là “hoàn cảnh đưa đẩy” chứ chả phải “lão” hoàn lương.

PV: Nhưng mà thôi bà ơi, phụ nữ luôn luôn nhân ái và tha thứ, đặc biệt phụ nữ Việt Nam.

Bà già: Đúng thế. Cho nên khi nhìn ông chồng về già bỗng trở nên hiền ngoan và tử tế, nhiều bà vợ cũng giả ngây thơ, nhắm mắt cho qua vì nghĩ rằng “có còn hơn không”. Các ông nên biết rõ điều này.

PV: Có nghĩa là theo bà, rất nhiều đàn ông của chúng ta đang sống theo phương châm “trẻ không ngoan, già hối hận”.

Bà già: Chứ còn gì nữa. Nếu cáo chết quay đầu về núi thì đàn ông còn chục năm nữa chết hay quay đầu về với gia đình.

PV: Để ăn năn?

Bà già: Không, để vớt vát chút bình an, để được chăm sóc lúc tuổi cao, điều mà không em bồ bịch trẻ trung nào làm được hoặc làm tốt bằng bà vợ đã cũ hàng chục năm nay.

PV: Nghe bà nói mà tôi không biết nên vui hay nên buồn.

Bà già: Nên vui cho đàn ông vì lúc tưởng như chắc chắn chết đuối lại vớ được cọc. Còn nên buồn cho phụ nữ vì cuộc đời họ lại tiếp tục hy sinh, dù là hy sinh trong tư thế ngẩng cao đầu.

PV: Nói tóm lại, lúc tuổi xế chiều, không có gì hay hơn với đàn ông là một người vợ tốt.

Bà già: Vô cùng chính xác. Nhưng hay nhất là các ông chồng phải tốt trước. Tốt sớm, tốt càng trễ càng cao để đến lúc hoàng hôn có thể cảm thấy lương tâm không day dứt.

Lê Thị Liên Hoan
.
.