Phỏng vấn huy chương (phần tiếp theo)

Thứ Bảy, 28/10/2023, 10:36

PV: Thưa anh, lần trước chúng ta đã bàn về thành tích đáng lo ngại của thể thao Việt Nam tại đấu trường Asiad vừa xong.

Huy chương: Và chúng ta đều nhất trí rằng thành thích kém cỏi ở đó đã đặt ra cho thể thao nước nhà nhiều câu hỏi lớn.

PV: Vâng. Và trong khi những câu hỏi ấy còn chưa có lời giải đáp thì lại tới thành tích kém cỏi của bóng đá nước nhà trong ba trận giao hữu vừa qua.

Phỏng vấn huy chương (phần tiếp theo) -0
Minh họa: Lê Tâm

Huy chương: Mà ai cũng biết, đối với rất nhiều người dân, bóng đá là một nửa của tất cả các môn thi đấu cộng lại.

PV: Đúng. Quan điểm đó không công bằng, nhưng lại là sự thực, đối với đa số khán giả bình thường, thua bóng đá có khi là thua lớn nhất.

Huy chương: Nhưng đó chỉ là ba trận giao hữu thôi mà.

PV: Ai cũng biết thế. Nhưng đấy là giao hữu mà FIFA có tính điểm, cho nên không tới nỗi vô thưởng vô phạt lắm đâu ạ. Những cái thua đó khiến anh suy nghĩ thế nào?

Huy chương: Còn thế nào nữa. Tôi vô cùng lo lắng. Bởi vì đã gọi là thi đấu, dưới bất cứ hình thức gì, thì đầu tiên thua vẫn là thua.

PV: Nhưng anh nên bình tĩnh vì đấy chỉ là những trận đấu thể nghiệm mà thôi.

Huy chương: Ý nhà báo nói đá thử nghiệm thì không cần hết sức ư? Nhưng nếu ta không hết sức thì đối phương cũng vậy. Tại sao ta vẫn thua?

PV: Ừ nhỉ.

Huy chương: Trừ trận đấu với Trung Quốc, tuy thua nhưng vẫn loé lên hy vọng phần nào, chứ hai trận sau, đặc biệt là lúc thua Hàn Quốc, tôi cảm thấy vô cùng lo lắng.

PV: Anh ạ, Hàn Quốc so với chúng ta quá mạnh.

Huy chương: Biết thế. Nhưng cũng đã gặp nhau vài lượt, và ta chưa khi nào thua với tỷ số 6 bàn thế này.

PV: Nghĩa là bóng đá Việt Nam theo anh đã thụt lùi so với trước kia?

Huy chương: Có thể Việt Nam không thụt lùi so với chính mình, nhưng trong thời gian ấy các đối thủ đã tiến bộ rất xa.

PV: À.

Huy chương: Thể thao là các cuộc đua. Mà đua ngay từ khâu chuẩn bị, đua từ trước khi ra sân có khi cả mấy năm trời. Đằng sau những con người xung trận trên sân là cả một ngành nghề đông đảo, khẩn trương và vận hành liên tục.

PV: Nếu hiểu như thế, thì công tác tuyển chọn, huấn luyện, chăm sóc, bồi dưỡng của chúng ta rất đáng quan ngại.

Huy chương: Chính xác. Nói cách khác, tôi rất ít khi thấy một đội tuyển giao hữu toàn thua sau đó đấu thật toàn thắng. Kết quả ngày hôm nay sẽ phản ánh gần đúng những gì sẽ xảy ra ngày mai.

PV: Công nhận.

Huy chương: Hãy nhìn thẳng vào đội tuyển coi. Những cầu thủ như Quang Hải, như Tiến Linh đã nhạt nhòa trong chính giải quốc nội bao lâu rồi, mà vẫn còn lên tuyển, chả lẽ huấn luyện viên không thấy điều đó?

PV: Ông ấy chắc chắn thấy. Nhưng có thể chúng ta đã hết người.

Huy chương: Đúng. Đã hết người. Một đội tuyển đáng ra phải tươi mới, phải gồm những cá nhân có thành tích nổi bật hàng ngày, nhưng chúng ta lại có… những cựu binh đã từng huy hoàng trong quá khứ là chính, thế thì còn hy vọng bao nhiêu?

PV: Vâng.

Huy chương: Một giải đấu Quốc gia có những thể thức không giống ai, có vài ngôi sao cứ hết chuyển từ đội nọ sang đội kia thì thành tích nhạt nhòa có gì lạ.

PV: Vâng.

Huy chương: Chưa kể, sức mạnh của một đội bóng quốc nội hôm nay đều được tính toán và cảm nhận khi nhìn vào danh sách… ngoại binh… thế thì đội tuyển khá làm sao được.

PV: Vâng.

Huy chương: Sao nhà báo cứ vâng mãi thế.

PV: Bởi vì tôi biết trả lời thế nào bây giờ. Rõ ràng trong giải đấu Quốc gia, các ngoại binh đa số trở thành mũi nhọn, cầu thủ Việt Nam chỉ đóng vai trò phụ trợ mà thôi.

Huy chương: Mà các ngôi sao ngoại binh đó nói thẳng thắn, chả hề là gì trong chính đất nước của họ. Vậy chúng ta hy vọng ở đâu khi mang đội tuyển thi đấu xứ người?

PV: Tóm lại theo anh, thua là hợp lý, thắng mới là kỳ lạ.

Huy chương: Chính xác.

Lê Thị Liên Hoan
.
.