Phỏng vấn con ruồi

Thứ Tư, 08/06/2022, 20:08

Phóng viên (PV): Ê ruồi, thay mặt hội đồng khoa học, xin báo tin mừng cho anh.

Ruồi: Mừng gì đó? Ruồi lên giá à?

PV: Còn hơn lên giá nữa. Lên công trình. Ruồi vừa được một nghiên cứu sinh đưa vào làm luận án tiến sĩ.

Ruồi: Trời ơi, tiến sĩ sao?

pv con ruoi - mh le tam anct 5 - 2022.jpg -0
Minh họa: Lê Tâm

PV: Đúng vậy. Đề tài là “Vai trò của ruồi trong đời sống xã hội hiện đại và ảnh hưởng của nó tới kinh tế toàn cầu”.

Ruồi: Ái chà. Có một luận án như vậy sao?

PV: Có chứ. Bởi nhiều đề tài tiến sĩ còn lạ lùng và kỳ quái hơn nhiều. Ví dụ như “Sự liên quan giữa bóng đá và biến đổi khí hậu” hoặc “Tác động của giá xăng dầu với thiết kế áo dài truyền thống” hay “Tính văn học của khăn lau mồm trong ẩm thực dân gian”.

Ruồi: Ủa, tại sao người ta có thể trở thành tiến sĩ vì những luận án kỳ quái đó? Và chúng có tác dụng gì cho nhân loại?

PV: À, sở dĩ có các kiểu luận án này do nhiều nhà nghiên cứu có tìm tòi tương tự trong quá khứ đã trở thành giáo sư.

Ruồi: Khoan khoan. Nhà nước hàng năm chi rất nhiều ngân sách cho khoa học là để các vị trí thức tìm ra những vấn đề thiết thực có lợi cho đất nước kia mà.

PV: Dạ vâng. Nhưng định nghĩa thế nào là thiết thực lại hoàn toàn thuộc về ý thức của các hội đồng. Nhưng thưa anh, những hội đồng này lắm lúc rất nhiều trí tưởng tượng và họ quan niệm về thiết thực khác xa chúng ta.

Ruồi: Khác chỗ nào?

PV:  Khác cơ bản lắm. Ví dụ sự thiết thực của dân chúng chả liên quan gì đến sự thiết thực của thù lao.

Ruồi: Ôi thế này chết thật. Thảo nào đất nước có hàng ngàn tiến sĩ mà kinh tế vẫn không cao.

PV: Dạ. Nhưng dù sao cũng chúc mừng anh, ruồi ạ. Bởi đối với rất nhiều dân lao động, cứ nghe tới tiến sĩ và ai đó được trở thành đề tài của tiến sĩ là họ nể trọng. Anh phải vui lên, vai trò của anh được nâng lên tầm vóc mới.

Ruồi: Thứ nhất, vai trò của tôi xưa nay dù không có ai nghiên cứu, cũng đã được cuộc sống thừa nhận rồi. Trong bóng đá tôi có chiến thuật “ruồi bu”. Trong giao tiếp tôi có “tự nhiên như ruồi”, trong chiến tranh ai cũng biết “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Tóm lại, vị trí của ruồi là không thể chối cãi và không thể đảo ngược.

PV: Anh ơi, anh nên thừa nhận nhờ những hội đồng khoa học kiểu này mà tầm vóc của anh được đào xới lên, chứ bình thường chả ai quan tâm tới ruồi. Rất nhiều đau khổ và hạnh phúc của quần chúng chẳng hề do ruồi góp công hoặc phá hoại.

Ruồi: A, ý nhà báo nói ruồi là thứ vứt đi.

PV: Không đến nỗi như vậy. Nhưng nếu bảo ruồi là thứ vớ vẩn, khéo cả thế giới này công nhận. Có thể khẳng định trên trái đất, trong lịch sử, đã, đang và sẽ đời đời không có tượng đài ruồi.

Ruồi: Có nghĩa là trở thành tiến sĩ ruồi không thay đổi gì cho trái đất nói chung và nước ta nói riêng?

PV: Chính xác. Cho nên dù rất kính trọng và sùng bái khoa học, tôi cũng khuyên anh trước và sau khi luận án này bảo vệ, anh vẫn nên có cuộc sống khiêm tốn và một thái độ nhu mì.

Ruồi: Yên tâm đi, tuy không được giáo dục một cách đàng hoàng và đúng phương pháp, nhưng do kinh nghiệm được tích luỹ từ mấy ngàn năm, bọn chúng tôi tự hiểu muốn sống cần càng ít nổi bật càng tốt. Ruồi chỉ nên lén lút đậu vào các đĩa cơm nhỏ, các món ăn be bé trong những ngôi nhà đơn sơ. Ruồi đừng có khát khao xuất hiện ở những bữa tiệc lớn và những sự kiện sang trọng, Ruồi phải tránh xa sân khấu và ti vi nếu không có cách nào tránh xa luận án.

PV: Anh hiểu như thế rất tốt. Nó chứng tỏ anh có đầu óc thực tế hơn khối ông giáo sư. Nhưng ruồi này, anh tiên đoán ra sao về các tiêu chuẩn tiến sĩ?

Ruồi: Tôi đoán rằng với tư duy kỳ lạ và phong phú của một số tri thức nước ta, sẽ không có gì thoát khỏi việc trở thành đề tài nghiên cứu, và quần chúng sẽ còn giật mình và ngơ ngác nhiều lần chẳng hạn sau ruồi, tôi vững tin muỗi cũng không thoát. Muỗi sẽ trở thành một chủ đề tiến sĩ hoặc thậm chí viện sĩ nào đấy mới xứng đáng với sự phát triển như vũ bão của những công trình nghiên cứu hàn lâm nhưng vô danh.

PV: Vậy theo anh đoán, muỗi có vui không?

Ruồi: Muỗi cũng như ruồi, không vui không buồn trong chuyện này, bởi suy cho cùng, muỗi và ruồi không đóng thuế để cấp kinh phí cho các vị học giả nói trên. Nếu có ai buồn và thất vọng, chắc chắn không phải động vật và thực vật, mà là con người.

PV: Nhưng con người hôm nay như chúng ta đã biết, quá bận và quá lo lắng về cơm áo hàng ngày, còn sức đâu nhìn đến luận án của các hội đồng sang trọng kia.

Ruồi: Đúng thế. Cho nên có vẻ như xu hướng xã hội nhiều giáo sư kỳ quái là xu hướng không có gì ngăn cản nổi!

Lê Thị Liên Hoan
.
.