Phỏng vấn con rắn
PV: Anh rắn ơi, sao anh mềm mại thế?
Rắn: Đó là lý do khiến tôi tồn tại được hàng triệu năm. Vừa dẻo dai và có độc nhưng lại vừa nhỏ bé, vừa dài lại vừa tròn, chưa kể nhiều màu sắc khác nhau.
PV: Nhưng nhìn chung người ta vẫn sờ sợ anh.
Rắn: Đó chính là điều khiến tôi vô cùng đau khổ và buồn. Ví dụ như hàng năm, số người bị tai nạn giao thông lớn hơn cả vạn lần số người bị rắn cắn.
PV: Anh ơi, năm mới chúng ta không nên nói về tai nạn.
Rắn: Ừ, sẽ không nói về những tai vạ của loài người, mà chỉ nói về vạ của chính chúng tôi thôi. Ví dụ như cho tới tận lúc này, chả hiểu vì lý do gì người ta vẫn ngâm rượu rắn.
PV: A, rượu rắn. Đó là một bài thuốc mà.
Rắn: Nhà báo trí thức mà còn nói vậy, thảo nào… Tôi xin hỏi, rượu rắn chữa khỏi bệnh gì?
PV: À, à, không rõ lắm… Chỉ nghe đồn uống vào thì khỏe, vậy thôi.
Rắn: Nghe đồn? Ai đồn, đồn từ bao giờ, đồn bằng miệng hay bằng văn bản?
PV: Nói thật, toàn bằng miệng và cũng chả biết có từ khi nào và chả biết từ ai.
Rắn: Nghĩa là chả có ai khi tới bệnh viện khám bác sĩ bất kể triệu chứng gì lại được ghi vào đơn: Uống rượu rắn.
PV: À đúng. Chưa có trường hợp nào như thế cả.
Rắn: Vậy do đâu rắn lại bị ngâm trong lọ thủy tinh cả trăm năm nay?
PV: Dạ, có vẻ vì dân gian…
Rắn: Dân gian tuy rất đáng kính, nhưng thú thực có nhiều thứ hình thành từ ngàn xưa, khi khoa học chưa phát triển.
PV: Đúng.
Rắn: Nếu cứ theo dân gian, thì mật gấu, sừng tê giác, cao hổ cốt đều là thuốc cả.
PV: Và đều bán rất đắt.
Rắn: Nhưng thực tế đã chứng minh, những thứ ấy hiệu quả không hề rõ ràng và chả có cơ sở nghiên cứu nào trên thế gian này dám khẳng định.
PV: Dạ, nói chung đấy là dược liệu gia truyền.
Rắn: Với sự phát triển vũ bão của y học, thì con người ngày càng thẩm định và nhận thức ra nhiều hơn những thứ gọi là truyền thuyết.
PV: Có thể còn lâu ạ.
Rắn: Không lâu đâu. Tôi tự tin tuyên bố là sừng tê giác, mật gấu, cao hổ cốt, rồi đến đông trùng hạ thảo, tổ chim yến sẽ không còn đắt như xưa và trở về với giá trị thực của chúng. Rượu rắn cũng không ngoại lệ.
PV: Không ngoại lệ?
Rắn: Vâng. Đa số những vị thuốc đó rất đắt nhưng chỉ bán được ở châu Á, còn dân châu Âu và châu Mỹ, những phần còn lại của thế giới rộng lớn chả mấy ai mua dù số triệu phú hoặc tỉ phú vô cùng đông đảo.
PV: Tóm lại theo anh?
Rắn: Theo tôi, phương Đông có một đặc tính là coi những gì hiếm là quý, và coi những gì quý là thuốc. Đó là một sự sùng bái pha mê tín và pha cả chút khoe khoang vì chả phải ai cũng mua được mấy thứ đó.
PV: Rượu rắn trở thành một "đẳng cấp" chứ không còn là một bài thuốc đơn giản.
Rắn: Rõ ràng. Chả vậy mà người ta thi nhau khoe bình rượu rắn to, có người còn ngâm cả hổ mang chúa trong những cái chai lớn như cái thùng, vô cùng phản cảm, vô cùng hại thiên nhiên và cũng vô cùng… trọc phú.
PV: Người văn minh không bao giờ lấy việc sát hại sinh vật hoang dã làm niềm tự hào.
Rắn: Đúng thế, hãy coi tôi không phải rắn, tôi là rồng. Rồng luôn biểu trưng cho sự hùng tráng.